(Suy niệm Lời Chúa CN 31 TN B 2012)
Nhớ lại, chiều ngày 23-11-2009, Tại Sở Kiện, trong dịp khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 350 năm Giáo hội Công giáo Việt Nam và 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, tôi đặc biệt tâm đắc lời phát biểu bằng cung giọng miền Nam rất đơn sơ chân chất của Đức Hồng y G.B. Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban Năm Thánh Toàn quốc: “Người Công giáo Việt Nam hãy viết lại định nghĩa Đạo Công giáo vào trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đoàn nơi chúng ta sống. Ước mong sử sách sẽ ghi nhận lại định nghĩa này vào trong văn hoá và tiềm thức của mỗi người: Đạo Công giáo – Đạo Yêu Thương, người Công giáo là người luôn ý thức rằng Chúa yêu thương mình, và do đó ý thức được bổn phận phải yêu thương tất cả mọi người”.
Có thể có nhiều triết gia, nhà thần học, nhà ngôn ngữ học, hoặc những người thông thái cho rằng câu nói tầm thường ấy có gì mà đáng tâm đắc. Nhưng với tôi, tâm đắc chính chỗ tầm thường ấy, giản dị ấy mà chất chứa cả một mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.
Có người cho rằng việc yêu thương nhau là chuyện hẳn nhiên như “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” hoặc “thương người như thể thương thân”, “máu chảy ruột mềm”… theo cách văn hoá của người Việt vốn có từ ngàn xưa trong cái xã hội đình làng, luỹ tre, bờ xe, bến nước…
Nét đẹp văn hoá ấy ở đâu ra? Tự nhiên mà có hay là có cùng thời với tiếng Việt, cùng thời với việc loan báo Tin Mừng cho người Việt bằng tiếng Việt? Thiết nghĩ, câu trả lời dành cho các nhà sử học.
Phần chúng ta, có thể hiểu rằng, Tin Mừng đến quê hương này là đã có ngay luật điều căn bản cho người Công giáo:
“Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.
Những người Công giáo đầu tiên trên đất nước này đã sống và giữ luật điều quan trọng ấy đến nỗi người lương có thể nhận thấy và chúc tụng: Đạo Công giáo chính là Đạo Yêu Thương.
Bởi cách thể hiện tình yêu thương của người công giáo không giống như của người chưa thấm nhập Tin Mừng. Người Công giáo yêu thương người vì kính mến Chúa. Người chưa phải công giáo thì yêu thương người để được người khác yêu thương lại, để tạo một tương quan thuận lợi trong cuộc sống. Vì kính mến Chúa, vì lề luật tích cực của Chúa trở thành một bổn phận của lẽ công bằng: yêu người vì Chúa đã yêu ta, yêu người như Chúa đã yêu ta, cho nên, người công giáo yêu thương cả người thân, kẻ sơ, cả người giàu có lẫn kẻ nghèo khó, cả người thương lẫn kẻ ghét, cả người tôn trọng tự do tín ngưỡng lẫn người bức bách cấm cách, bắt bỏ tù, tra tấn, ngục hình chém giết dã man… Nếu không phải yêu người như Chúa dạy, hẳn là người Công giáo đã nổi loạn lên rồi, thay vì âm thầm chấp nhận làm chứng cho Đức Tin vào sự sống lại và cầu nguyện cho người dám đưa chân đạp mũi nhọn biết đàng ăn ăn trở lại.
Nhìn lại Đạo Yêu Thương của những người Công giáo Việt Nam đi trước chúng ta, là cha ông chúng ta, hẳn mỗi chúng ta phải đặt lại cách sống đúng với Tin Mừng như Chúa muốn, như cha ông ta đã nêu.
Đạo Yêu Thương bắt đầu nơi các gia đình: vì yêu Chúa, kính sợ lề luật của Thiên Chúa, cha mẹ sốt sắng thờ phượng Chúa qua các giờ kinh chung tối sáng, giờ cầu nguyện chung trong gia đình, nhắc nhớ nhau đời sống bí tích, đời sống Giáo Hội. Nhờ đó, kín múc ân sủng của Thiên Chúa mà trung thành với nhau trong tình yêu hôn nhân để làm gương sáng cho con bằng một tình yêu tận hiến. Gương sáng Đạo Yêu Thương của gia đình này sẽ là ngọn đèn soi cho gia đình kia, tạo nên một xóm làng sống Đạo Yêu Thương, không kể là lương hay giáo.
Đạo Yêu Thương từ gia đình đến giáo xứ. Uy tín của Chúa Giêsu mỗi ngày mỗi lớn lao, được mọi người tôn kính khi họ nhìn thấy cộng đoàn giáo xứ sống chan hòa yêu thương từ mục tử đến đoàn chiên, từ những người giúp việc giáo xứ đến những người nghèo khổ nhất. Không có gì đau khổ cho Chúa Giêsu bằng việc chính những người có Đạo Yêu Thương lại không yêu thương nhau, không đoàn kết với nhau, lại còn hơn thua nhau, ganh tị với nhau, tố cáo lẫn nhau, và tồi tệ hơn nữa là tranh giành nhau có chức có quyền hơn là tranh giành nhau mà phục vụ mọi người.
Đạo Yêu Thương của cộng đoàn Giáo hội địa phương, cấp giáo phận, hẳn là bằng chứng hùng hồn nhất của Giáo hội Chúa Kitô toàn cầu. Nếu các giáo xứ chân thành nêu gương đời sống yêu thương, hẳn là Giáo hội địa phương của Chúa Giêsu đang có một sức mạnh thẩm thấu thế giới này, cho dẫu là thế giới của những kẻ không muốn tin vào Thiên Chúa. Sự Hiệp Nhất, Nên Một trong Chúa Kitô nguồn mạch Tình Yêu, nguồn mạch Sự Sống, không cho phép các Kitô hữu, các cộng đoàn giáo xứ tách lìa nhau cách tự trị, nhưng ngược lại, luôn tương trợ nhau trong đời sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Dường như Ông Môsê cũng đang nói với các gia đình, các giáo xứ, các giáo phận, với tất cả chúng ta: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài” (x. Đnl 6,2-6)
Và Chúa Giêsu đang nhắc lại:
“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12, 29-31).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống Đạo Yêu thương để dạy cho con cháu, hậu duệ bằng gương sống “trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.
PM. Cao Huy Hoàng