Nơi Đức Giêsu Kitô có sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa, ân sủng Thiên Chúa, tình yêu Thiên Chúa, đầy tràn Thiên Chúa. Nơi Chúa Kitô có sự đầy đủ, đầy tràn, trọn vẹn Thiên Chúa. Sự sống đầy tràn ấy nằm trong khả năng đón nhận của chúng ta. Chúng ta có thể trở nên con người tốt đẹp, độc đáo như Thiên Chúa đã tạo thành, với tất cả sự sung mãn. Sự sung mãn tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô không phải nhất thời, tạm bợ, ảo tưởng, nhưng là thực tại. Đó là chìa khóa thực sự để hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Đó là Tin Mừng. Nhưng còn một điều nữa cần nói thêm. Thực tại ấy không tự nhiên xảy ra. Không tự động xảy đến. Cần có sự đáp ứng của chúng ta. Tình yêu sung mãn Thiên Chúa mời gọi chúng ta đáp ứng. Một sự đáp ứng dứt khoát – không vương vấn bất kỳ dính bén nào, trọn vẹn phó thác thân xác, tâm trí, linh hồn và sức lực để yêu mến Thiên Chúa – sẽ giúp chúng ta trở nên những con người toàn vẹn và sẵn sàng cho tác vụ giữa trần thế. Đối với nhiều người chúng ta, thảm kịch ở chỗ là lẩn tránh Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Nói đơn giản là chúng ta vẫn so đo toan tính. Đáp ứng của chúng ta chưa trọn vẹn. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn còn điều này vật nọ cản trở một đáp ứng và một tình mến trọn vẹn dành cho Thiên Chúa.
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô, “Đức Giêsu Kitô là sự ngu xuẩn đối với người Hy lạp.” Thánh nhân có ý nói người Hy lạp là triết gia của thế giới, có những khái niệm và tư tưởng trí thức không phù hợp với Chúa Giêsu Kitô. Lý luận của con người có những giới hạn quá hạn hẹp nên không thể chấp nhận phép lạ Thiên Chúa đã thực hiện cho trần gian trong Đức Giêsu Kitô. Vì thế, họ khước từ Người. Họ khước từ sự sung mãn của Thiên Chúa.
Vào thời đại Duy Lý, các triết gia mải miết thuyết phục thế giới về tầm quan trọng của lý trí. Một con người đàng hoàng, như họ nói, sẽ không chấp nhận bất kỳ điều gì tâm trí không am hiểu đầy đủ. Họ không thể chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Đối với họ, Đức Kitô chỉ là “một ông thầy tốt,” không hơn không kém. Họ không thể chấp nhận tình yêu tràn đầy của Thiên Chúa, sự hiện diện sung mãn của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô bởi vì những điều này không làm thỏa mãn lý trí của họ. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa “hết trí khôn.” Còn thánh Phêrô thì nói chúng ta có thể kiện toàn chứng lý đức tin nơi chúng ta. Tất cả những điều đó đều quan trọng. Tuy nhiên, dù sống cả ngàn năm, chúng ta cũng không bao giờ giải quyết được tất cả những vấn đề liên quan đến đức tin Kitô giáo trên bình diện trí năng. Chúng ta mở ra một cánh cửa và thấy mười cánh cửa khác cần phải mở ra, bởi vì chúng ta bước vào vực thẳm khôn dò của Hữu Thể Thiên Chúa. Với những giới hạn cố hữu, chúng ta đừng bao giờ hy vọng có thể bó gọn tất cả vào cái đầu hạn hẹp của mình.
Người ta kể chuyện về một bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần ở Boston. Ông ta đinh ninh mình đã chết. Một số người chúng ta cũng thường cảm thấy điều này vào sáng sớm, nhưng trong trường hợp bệnh nhân này, ông ta yên trí rất sâu. Ông ta tin mình chỉ là một cái tử thi. Các bác sĩ ra sức thuyết phục và làm cho ông ta đồng ý tử thi thì không còn chảy máu. Theo ý tưởng ấy, ông chấp nhận để các bác sĩ thử xem ông có chảy máu không. Nhiều người tìm đến với Chúa Giêsu nhưng thất vọng khi biết Người đòi buộc các môn đệ một thái độ đáp ứng trọn vẹn. Chúa nói thẳng, “Các con phải từ bỏ gia đình, từ bỏ nghề nghiệp, từ bỏ tất cả để theo Ta.” Thực tế, người ta không chấp nhận làm môn đệ của Chúa với điều kiện như vậy. “Tôi theo Chúa cũng được, nhưng phải chừa lại cho tôi một lãnh vực trong cuộc sống. Tôi sẽ giữ lại cho mình. Tôi muốn như vậy.” Đối với đa số chúng ta, vấn đề là ở chỗ đó. Chúng ta thực lòng yêu mến Thiên Chúa và muốn làm môn đệ của Người, ngặt một nỗi là mỗi người chúng ta đều có những cái mà chúng ta muốn giữ lại cho mình. Có thể chúng ta không muốn liều mất cảm giác an toàn và lợi ích của mình. Cũng có thể chúng ta không muốn từ bỏ một quan hệ ám muội. Có thể là thói tham lam tiền bạc và ham hố chức quyền đang cản trở chúng ta đến với Chúa Giêsu. Có thể đó là lối sống đạo đức giả hình. Có thể nhiều điều khác nữa, nhưng dù gì gì đi nữa, bao lâu chúng ta còn dính bén, sự đáp ứng vẫn chưa trọn vẹn và chúng ta vẫn chưa phải là một tín hữu đúng nghĩa.
Nhà thần học Soren Kierkegaard, người Đan Mạch, kể về một thiếu nữ giàu có nhận thấy Thiên Chúa mời gọi cô bước vào đời sống tu trì. Cô thấy mình sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi tu, trừ một điều. Cô sở hữu một khu vườn, và nó rất quan trọng đối với cô. Đó là nơi cô ở một mình, tìm lại sự yên tĩnh và phục hồi năng lực. Cô không thể và không muốn giao lại chìa khóa khu vườn bí mật ấy. Câu chuyện này là một biểu tượng thú vị đối với chúng ta! Mỗi người chúng ta đều có một khu vườn bí mật mà chúng ta không muốn trao chiếc chìa khóa cho Thiên Chúa để Người đi vào. Chúng ta muốn bắt Thiên Chúa phải ở xa xa. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta mau mắn giao nộp chiếc chìa khóa cho Người để Người đi vào cuộc sống chúng ta, Người sẽ ban lại cuộc sống cho chúng ta với một sự quan tâm được thể hiện hằng ngày.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Gioan Tẩy Giả chỉ vào Chúa Giêsu đang đi ngang qua và giới thiệu, “Đây là Con Chiên Thiên Chúa!” (Ga 1:36). Khi nghe như vậy, Anrê (về sau trở thành tông đồ) liền quyết định theo Chúa. Sau khi sống một ngày bên Chúa, Anrê lập tức đi tìm em là Simon Phêrô và báo tin, “Chúng tôi đã gặp Đấng Cứu Thế” (Ga 1:41), rồi dẫn Phêrô đến với Chúa Giêsu. Tương tự Gioan Tẩy Giả, Anrê, Simon Phêrô và các thành viên trong cộng đồng tín hữu tiên khởi, cũng như mọi tín hữu đích thực trong các thời đại về sau, chúng ta phải phó dâng đời sống cho Thiên Chúa một cách vô điều kiện. Đó chính là Tin Mừng, một tin mừng tuyệt hảo nên chúng ta không thể giữ cho riêng mình. Sự đầy tràn Thiên Chúa, sung mãn Thiên Chúa, tình yêu Thiên Chúa đang sôi trào trong chúng ta và sẽ tràn sang cho gia đình, cho những người chung quanh, và cho thế giới. “Đây là Chiên Thiên Chúa… chúng tôi đã gặp được Đấng Mêsia.” Hãy loan báo điều đó, hãy truyền bá điều đó!
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ