“Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và Người câm nói được”. Đó là lời ca ngợi mà đám đông thuộc miền Thập tỉnh (vùng ngoại giáo) dành cho Chúa Giêsu sau khi Chúa chữa một người câm điếc được nói và nghe.
Nếu một ngày nào tự dưng bị câm điếc, chắc chắn ta sẽ buồn, sẽ thất vọng lắm. Dẫu vậy, bị câm điếc thể lý vẫn chưa phải là đáng lo ngại nhất, đáng quan tâm nhất.
Trong tinh thần đức tin, ta phải đặc biệt lưu ý đến tình trạng vô cảm của người thời đại, của chính bản thân mình. Đó chính là căn bệnh câm điếc của trái tim, của tâm hồn, của sự khô khang lòng thương xót. Bệnh câm điếc này làm xói mòn lòng bác ái, lòng nhân từ, sự quan tâm, sự thể hiện nghĩa ân…, mà con người lẽ ra phải dành cho nhau.
Hầu hết, chúng ta không bị câm, không bị điếc. Nghĩa là phần đông con người có đôi tai thính, đôi mắt sáng, miệng đẹp. Vấn đề ở đây không phải là tai thính, mắt sáng, miệng đẹp, như là trái tim, là tâm hồn. Chúng ta phải nói và nghe bằng con tim, phải cảm nhận và thấu biết bằng cõi tâm hồn.
Những vụ thảm sát kinh hoàng thời gian vừa qua trên cả ba miền đất nước, bất kể là thôn quê hay thành thị, bất kể là đồi núi hay đồng bằng, mà những kẻ thủ ác, chỉ trong cùng một lúc, ra tay tiêu diệt cả gia đình các nạn nhân (tiệm vàng Ngọc Bích – Bắc Giang và can phạm Lê Văn Luyện chưa đầy 18 tuổi, ngày 24.8.2011; Bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An và can phạm Vi Văn Mằn (Hai) mới 20 tuổi, ngày 2.7.2015; Công ty gỗ Quốc Anh – Bình Phước và hai can phạm Nguyễn hải Dương, Vũ Văn Tiến, mới 24 tuổi, ngày 7.7.2015…), đã cho thấy sự băng giá của tình cảm con người đang ở mức báo động cao.
Điều đáng nói, những kẻ man rợ, sau khi xuống tay tiêu diệt cả gia đình của những người đã từng thân thiết, quen lớn, và là người yêu của mình, lại còn lạnh lùng, vô cảm cho đến mức đến tham dự lễ tang (của chính những nạn nhân mà mình tiêu diệt hàng loạt), như chưa từng có bất cứ điều gì xảy ra (Vi Văn Mằn (Hai), Nguyễn hải Dương là bằng chứng).
Nghe những thông tin ấy, lòng chúng ta không khỏi rụng rời, trái tim không khỏi se thắt, và hình như cũng không thoát được cảm giác rờn rợn, hoang mang, bất an xâm chiếm. Sao người ta lại có thể tàn độc đến mức không còn đủ lời để diễn tả, đến mức đáng sợ hãi như thế?
Quả thật, bệnh điếc câm trở nên trầm trọng của trái tim, của tâm hồn, qua những dẫn chứng bên trên, tuy chỉ tồn tại ở một thiểu số con người, vẫn là căn bệnh nguy hiểm đáng lo ngại, đáng quan tâm, đáng lên tiếng và cần được chữa trị.
Còn chúng ta, hầu hết bị câm điếc, khi lương tâm chai cứng, khi vô cảm trở thành phản ứng thường xuyên, khi sự độc ác không còn kiểm soát được, khi lòng xót thương bị phế bỏ, khi những hành động tốt bị chê cười…
Chúng ta câm điếc khi chúng ta không nghe Chúa Giêsu nói lời sự thật, nói lời yêu thương, nói lời hoà giải.
Chúng ta câm điếc khi lòng chúng ta không có chỗ cho Lời Chúa, lề luật của Chúa, của Hội Thánh, ngự trị.
Chúng ta câm điếc khi chúng ta không nghe được những nỗi niềm ray rứt của người khác. Câm điếc khi chúng ta dửng dưng trước những đau khổ của những người bệnh hoạn, tật nguyền, trẻ thơ bơ vơ.
Có khi trong một ngày, chúng ta nói biết bao là lời hằn học, hận thù, độc ác, gây đau khổ, gây oán thù, gây chia rẽ. Chúng là kết quả của bệnh câm điếc tâm hồn.
Muốn tránh được những bệnh câm điếc này của trái tim, của cõi tâm hồn, chúng ta phải cầu nguyện: “Lạy Chúa xin cho con được nói, xin cho con được nghe. Xin Chúa hãy phán: Ephatha – hãy mở ra, để trái tim chúng con, để tâm hồn chúng con mở ra với đồng loại, với mọi môi trường xung quanh bằng tình yêu, bằng những nghĩa cử cao đẹp, bằng lòng chân thành, bằng sự xót thương”.
Muốn tránh được những bệnh câm điếc này của trái tim, của cõi tâm hồn, chúng ta phải luôn nhìn ngắm gương của Chúa Giêsu, Đấng dù có bị hại, vẫn yêu người hại mình, vẫn tha thứ cho họ. Học nơi Chúa, chúng ta sẽ có lòng thương cảm và tình yêu tha thứ của Chúa.
Muốn tránh được những bệnh câm điếc này của trái tim, của cõi tâm hồn, chúng ta phải nhớ rằng, chính chúng ta được Thiên Chúa và Chúa Chúa Giêsu yêu, và mời gọi chúng ta cũng hãy thực hành tình yêu ấy nơi con người, nơi môi trường mình sống.
Mặt khác, vì Chúa Giêsu đã chữa lành cho người câm điếc. Người mời gọi chúng ta thi hành tác vụ chữa lành cho những người câm điếc khác. Vậy:
– Chúng ta không thể chữa bệnh như Chúa. Nhưng chúng ta có thể giúp đỡ, thông cảm, và thi hành những hoạt động tốt trong khả năng Chúa ban, để nên đôi tai cho người điếc, nên cái miệng cho người câm, nên sự đỡ nâng cho người có hoàn cảnh đáng thương…
– Chúng ta rao giảng ngày càng nhiều về tình yêu của Chúa, và chỉ ra những thói vô cảm, sự độc ác mà con người không bao giờ được phép thực hiện, để mỗi người có thể thay thế dần thói vô cảm, sự độc ác ẩn chứa đâu đó trong lòng mình, bằng tình yêu của Chúa.
– Chúng ta hãy băng mình vào cuộc sống để diễn tả tình yêu của Chúa bằng chính sự sống của mình, bằng chính tấm gương hiến thân của mình, để mọi người có thể chạm đến tình yêu của Chúa, nhờ mỗi khi họ tiếp xúc cùng chúng ta.
– Chúng ta cần chứng minh cho mọi người rằng, ai cũng có một trái tim, ai cũng có một tâm hồn. Hãy giữ cho trái tim mình luôn đẹp, tâm hồn mình luôn tươi, không tỳ ố, không nhiễm bẩn, bằng cách trân trọng con người, yêu thương cuộc sống, quý trọng sự sống, luôn tin tưởng rằng, sự sống đời sau phải được xây dựng bằng cả cuộc đời hôm nay.
Là Kitô hữu, hơn ai hết, chúng ta phải tìm mọi cách vừa chữa trị cho bằng được căn bệnh câm điếc của trái tim, của tâm hồn mình, vừa chữa trị căn bệnh câm điếc của trái tim, của tâm hồn anh chị em, để tình yêu lên ngôi, để người với người chan hòa tình yêu, chan hòa lòng nhân ái, để sự xấu, sự dữ, sự tội không còn cơ may hiện diện.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con theo ý Chúa, làm chân tay cho những người què cụt, làm đôi mắt cho những ai phải đui mù, làm lỗ tai cho những người bị điếc, làm miệng lữơi cho những người không nói được, làm tiếng kêu cho những người bị bất công.
Lạy Chúa xin cứ gởi con ra đồng lúa để đem cơm cho những người đói đang chờ, đem nước cho những người bị khát, đem thuốc thang cho những người đau ốm, đem áo quần cho những người trần trụi, đem mềm đắp cho người rét đang run.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường thắp đèn soi cho ai bước trong đêm, đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh. Truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi, nâng đỡ cho những kẻ bị chà đạp, đem tự do cho những kiếp đoạ đày.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thế giới, để con làm chứng tá cho tình yêu của Chúa, nhằm xóa bớt hận thù, xóa bớt bạo lực, vĩnh viễn xóa đi tội ác.
Xin giúp con đem trái tim biết yêu, đem tâm hồn biết cảm thấu của bản thân thay thế những trái tim, những tâm hồn câm điếc của bất cứ ai còn khô khang lòng thương xót, còn nặng nề thói vô cảm, nặng nề sự nhẫn tâm, nặng nề những vụ lợi cho bản thân, nặng nề thói tính toán ích kỷ. Amen
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG