Trong cuốn sách “Những người lữ hành trên đường hy vọng”, Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận kể câu chuyện “Đôi mắt xanh của chị Nữ Tu” thật cảm động.
Trên khắp các nước, thế chiến đã bùng nổ. Quân phát xít chiếm cứ khắp nơi. Một viên tướng Phát xít đến một nhà dòng kia, yêu cầu kêu Mẹ Bề trên cho ông ta gặp… Khi vừa dốc cạn ly nước từ tay Mẹ Bề trên, viên tướng Phát xít lập tức vào đề:
– Xin bà cho tôi gặp chị Maria. Bà Bề trên bấm chuông gọi chị ấy ra. Ông tướng vui vẻ hẳn lên và nói cách sổ sàng: “Tôi yêu cầu bà trao ngay cho tôi chị này, tôi say mê chị”.
Hai mẹ con nhìn nhau lúng túng. Chị Maria vội đỡ lời: “Tôi là một nữ tu tầm thường, nào có gì để ông say mê. Xin ông tìm ở ngoài thế gian, lắm người nhan sắc lộng lẫy…”.
– Không! Không! Tôi yêu chị vì chị có đôi mắt xanh tuyệt đẹp. Tôi say mê quá!
– Không! Xin lỗi ông, không bao giờ tôi chấp nhận điều ấy.
– Nếu chị không chấp nhận, nội ngày mai, tôi sẽ ra lệnh tiêu diệt cả Nhà Dòng này!
Một bầu khí thinh lặng ghê rợn ập xuống phòng khách. Ông tướng đứng lên và bảo: “Tôi cho một đêm suy nghĩ, sáng mai tôi sẽ trở lại. Phải trả lời dứt khoát, nếu không tôi sẽ…”.
Ngày hôm ấy, cả Nhà Dòng thiết tha cầu nguyệt sốt sắng hơn. Thâu đêm chị không thể nào chợp mắt: “Chẳng lẽ vì mình mà cả nhà phải bị tiêu diệt? Không, không thể được! hay tôi phải bỏ Nhà Dòng, bỏ Tình yêu Chúa Kitô, bỏ đức trinh khiết? Không, không bao giờ như thế!”.
Sáng hôm sau, khi chị em còn nguyện kinh, ông tướng Phát xít đã có mặt ở phòng khách, đôi mắt hau háu, nôn nóng, sốt ruột.
Từ đầu hành lang, Chị Maria đang tiến lại, nhưng… bên cạnh lại có một người khác dẫn đi, tay chị cầm một cái dĩa. Viên tướng há hốc mồm, trố mắt kinh ngạc. Chị đã bước vào phòng khách, nhưng ông vẫn không ngớt ngẩn ngơ. Chị Maria khuôn mặt đầy máu me, đang sờ soạt đặt cái dĩa trên mặt bàn và nhỏ nhẹ trình bày: “Thưa ông, vì ông say mê cặp mắt của tôi… nên tôi xin sẵn sàng biếu ông cặp mắt ấy… trên dĩa này. Còn thân xác tôi, đời tôi, tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa”.
Viên tướng Phát xít vừa bàng hoàng kinh ngạc vừa cảm phục. Ông xấu hổ đứng dậy bỏ ra về và không đá động gì đến Nhà Dòng nữa. (trang 175-177).
Nữ tu Maria hy sinh đôi mắt xanh tuyệt đẹp để “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm” của cõi lòng viên tướng, nhờ vậy ông ta được sáng đôi mắt và nhìn thấy sự cao quý của một tâm hồn thanh khiết.
Đọc câu chuyện, liên tưởng đến chuyện vua Đavít được tiên tri Natan “mở mắt”. Dù đã có nhiều thê thiếp, nhưng vua lại chiếm đoạt bà Bátsabê là vợ của Uria và sau đó lại mượn tay quân thù giết chết chồng bà để chính thức cưới lấy Bátsabê làm vợ. Thế là vua đã phạm hai tội ác tày đình: ngoại tình và giết người. Vậy mà vua vẫn ung dung như không có gì xảy ta. Sau đó, Thiên Chúa sai tiên tri Natan đến cảnh tỉnh nhà vua. Tiên tri nói với vua: Trong thành kia, có một người giàu có đến cả ngàn dê cừu. Trong khi đó, bên cạnh nhà ông ta có một ông lão nghèo khó và cô độc, chỉ có một con chiên nhỏ làm bạn cho vui tuổi già. Ông lão thương con chiên đó như con gái của ông. Ông cho chiên ăn trên tay và cho ở trong nhà. Thế rồi khi người giàu có khách, ông ta không chịu bắt chiên mình làm tiệc, trái lại, cho tôi tớ qua nhà ông lão nghèo khổ bắt con chiên độc nhất của ông nầy làm thịt đãi khách. Nghe đến đây, vua Đavít bừng bừng nổi giận. Vua muốn trừng trị tức khắc tên bất lương đó. Nhà vua phán: “Nó đáng chết vì tội ác nó đã phạm. Nó phải bồi thường gấp bốn thiệt hại nó đã gây ra.”. Bấy giờ tiên tri Natan mới tỏ cho vua biết tên bất lương đó chính là nhà vua và Chúa sẽ trừng phạt vua vì tội ác đã gây ra.Vua Đavít bừng sáng mắt ra, thấy rõ tội ác của mình nên đã ăn năn thống thiết. (II Samuel 11,1-12,12).
Câu chuyện cũng gợi nhớ về đôi mắt mù của Nguyên Tổ trong sách Sáng Thế: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu ! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon… mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn… Và mắt cả hai người đã mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng” (St 3, 4-7).
Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình:
– Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra.
– Evà nhìn trái táo và thấy sướng mắt.
– Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng.
Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy. Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.
Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: “mắt cả hai người đã mở ra”. Không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng. “Mắt hai người đã mở ra”. Câu Thánh kinh thật ngắn ngũi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại. Ađam – Evà đã mở mắt, nhưng họ lẫn trốn không dám nhìn Thiên Chúa. Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù loà chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế. (x.Nước mắt và hạnh phúc, trg 69-71, Lm Nguyễn Tầm Thường).
Chúa Kitô đã đến chữa lành sự mù loà ấy, hàn gắn lại vết thương thưở sa ngã của Nguyên Tổ. Khi liên kết phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù loà của Nguyên Tổ, ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian.
“Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thưở địa đàng. Chúa Kitô đã mang ánh sáng cho thế gian. Ngài ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức Tin.
Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin. Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù. Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa. Anh ta tin vào lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Silôác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pharisiêu đang tra vấn, khủng bố anh: Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giêsu lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Silôác. Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy. Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì. Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giêsu và được hỏi: “Anh có tin Con Người không ?” thì anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” Chúa Giêsu tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin.” Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy.
Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giêsu trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn. Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt. Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin.
Phép lạ chữa người mù thưở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Chúa Giêsu là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù loà của nhân loại với điều kiện: Tin vào Ngài.
Chúa Giêsu cũng chữa nhiều người mù loà tâm hồn. Ngài mở mắt cho Giakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9, 1-10). Ngài mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7, 36-50). Ngài mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương (Lc 23, 32-43)…
Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được. Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân. Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ. Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại. Chỉ có ánh sáng của Đức Kitô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xoá tan những điểm tối đó. Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Kitô. Ðôi mắt đức tin giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa và yêu mọi người, mọi sự trong Chúa và yêu như Chúa đã yêu.Nhiều Thánh vịnh giúp chúng ta tập nhìn cuộc đời và con người bằng đôi mắt tin yêu, như Thánh vịnh 104, các Thánh vịnh Job 38-39.
Đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, là cửa ngỏ tâm hồn. Đôi mắt có thị giác và thị lực. Thị giác là khả năng của đôi mắt có thể thấy. Thị lực là mức độ thấy của khả năng ấy. Thấy nhiều hay ít. Thấy xa hay gần. Thấy rõ hay mờ. Người cận thị chỉ thấy được rất gần. Người viễn thị thì thấy xa hơn. Cần có thị giác tốt và thị lực tốt thì đôi mắt mới sáng ngời. Thị lực còn là của trí óc và của con tim. Có người chỉ thấy được cái thế giới chật hẹp và ích kỷ của bản thân mình; có người thấy được hoàn cảnh, tâm tư và nguyện vọng của người khác. Thị lực còn là niềm tin. Bartimê tuy mù nhưng lại có thị lực tốt. Anh đã thấy được Chúa Giêsu là Ðấng Messia “Con Vua Ðavít“. Anh kêu xin : “Rabbuni, xin cho tôi được thấy“, và Chúa Giê-su trả lời : “Hãy đi ! Niềm tin của con đã cứu chữa con“. Bartimê được thấy và anh theo Chúa Giêsu trên con đường của Người ; khi thấy được, anh cùng hành hương lên Giêrusalem (x. Đức Giêsu thành Nazareth phần II, trg 13). Bartimê thấy nhiều cái mà những người sáng mắt không thấy. Anh thấy Chúa là con vua Đavít, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Anh thấy bằng lòng tin. Chính vì lòng tin này mà Chúa Giêsu đã thương cứu chữa cho anh sáng mắt. Anh mù, mắt không thấy Chúa, nhưng lòng đã thấy Chúa rồi vì anh có lòng tin. Thị lực lòng tin cho anh tiếp nhận ánh sáng tình yêu đầy tràn hy vọng.
“Muốn trong trắng, con phải hy sinh; cành huệ trắng tinh, cành mai thơm tho, cành đào xinh đẹp, vì nó đâm rễ sâu vào lòng đất, vì nó cầm cự với mưa bão, vì nó chịu đựng những bàn tay cắt tỉa” (ĐHV 431). Lạy Chúa Giêsu, xin cho con có đôi mắt với thị giác và thị lực tốt; để con nhận ra Chúa nơi anh em với những cái hay cái tốt; để con nhận ra Chúa nơi các kỳ công kiệt tác thiên nhiên; để con biết nhận ra Chúa nơi các vị Đại Diện Chúa.
Và lạy Chúa, “Chúa chỉ ban sự trong trắng cho linh hồn khiêm nhường. Con cầu xin hàng ngày với tâm hồn đơn sơ chân thành, thực sự nhìn nhận sự yếu đuối của con” (ĐHV 427); xin cho con được thấy bản thân con với những yếu đuối và khuyết điểm, biết nhận ra thân phận thụ tạo lệ thuộc Đấng Tạo Hóa; từ đó con biết được ơn phúc là do lòng Chúa yêu thương ban tặng, để con luôn biết dâng lời cảm tạ, tôn thờ, phụng sự và kính mến Chúa với cả tâm tình con thảo. Amen
Lm Giuse Nguyễn Hữu An