ĐÓN CHÚA THEO GƯƠNG MẪU CỦA MẸ MARIA

  1. Mẹ Maria, Đấng đầy ân sủng.

Bài Tin mừng theo Thánh Luca hôm nay cho chúng ta thấy rằng cuộc đời của Mẹ Maria, ngay từ đầu, đã không có bóng tối, không có tội lỗi nơi Mẹ. Mẹ Maria đã tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên của Mẹ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1: 28). Nếu tội lỗi là quay lưng lại với Thiên Chúa, thì hôm nay Thánh Luca cho chúng ta thấy Mẹ Maria luôn luôn hướng về Thiên Chúa, hoàn toàn mở lòng đón nhận tiếng gọi và sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự mở lòng của Mẹ đối với tiếng gọi của Thiên Chúa được thể hiện đặc biệt trong những lời cuối cùng của Mẹ trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1: 38). Mẹ là Đấng đầy ân sủng, có nghĩa là Mẹ tràn đầy Thiên Chúa, nơi Mẹ không có gì mà không thấm nhuần Thiên Chúa. Tội lỗi và sự dữ không hề có một chút dấu vết gì nơi Mẹ, dù tội lỗi và sự dữ đã xâm nhập và lan tràn khắp trần gian từ khi Ađam và Eva bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa: “Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” (Stk 3:3). Cơn cám dỗ đầu tiên bắt đầu khi con rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu!” (Stk 3:4). Con rắn dụ dỗ người đàn bà bằng lời dối trá nghe có vẻ không chỉ vô hại mà lại còn hấp dẫn: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (Stk 3: 5). Cái bẫy ngọt ngào nhưng đầy độc tính đã được giăng ra: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn.” Và con người đã không thể cưỡng lại vẻ đẹp đẽ, ngon lành, cuốn hút say mê đó: “Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn” (Stk 3: 3,6). 

Chính chúng ta cũng ý thức rất rõ về sự hiện diện của tội lỗi và sự dữ trong xã hội nơi chúng ta đang sống và nơi bản thân mình. Chúng ta, như Ađam và Eva, không thể cưỡng lại sự cám dỗ của con rắn Satan. Bất chấp Thiên Chúa đã ban cho con người đủ mọi phúc lành, họ vẫn chưa hài lòng, họ muốn có được nhiều nhất những gì mà họ cho rằng họ cần phải có. Họ muốn trở nên các vị thần, trở nên chuẩn mực thiện ác cho chính hiện hữu của mình, thoát khỏi quyền năng của Thiên Chúa. Bằng cách bất tuân ý muốn của Thiên Chúa, con người không trở nên tinh khôn cũng chẳng trở nên các vị thần quyền năng, nhưng lại thấy mình trở nên mong manh, yếu đuối, thảm thương, đến độ chỉ muốn trốn tránh Thiên Chúa:“mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Chúa là Thiên Chúa” (Stk 3:8). Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn đi tìm con người, “gọi con người và hỏi: Ngươi ở đâu?” (Stk 3:9).

 

  1. Mẹ Maria, Đấng được Thiên Chúa sủng ái.

Trong bài Tin Mừng, Mẹ Maria được thiên thần Gabriel gọi là “Đấng đầy ân sủng” (1 Ga 4: 28). Ngay trong câu tiếp theo, Luca nói “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (1 Ga 4: 29). Mẹ được sủng ái nhưng Mẹ rất lo lắng. Đôi khi việc nhận được nhiều ân sủng có thể khiến bạn vô cùng lo lắng. Chúng ta tự hỏi: “Tại sao tôi lại được nhiều ân sủng như vậy? Tôi đã làm gì để xứng đáng được nhiều ân sủng như vậy?” Chúng ta có thể cần phải cố gắng nhiều để nhận được sự sủng ái của người khác bởi vì chúng ta cảm thấy mình chưa xứng với điều đó. Cũng thế và ở một mức độ sâu sắc hơn, chúng ta có thể phải cố gắng rất nhiều để nhận được ân huệ của Thiên Chúa. Làm sao tôi có thể được Chúa sủng ái khi những gì tôi làm chỉ là quá ít? Tuy nhiên, giống như Mẹ Maria, mặc dù theo cách riêng của mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương. Việc chúng ta chào đời là ân sủng của Thiên Chúa; Phép rửa của chúng ta trong Chúa Kitô là ân sủng của Thiên Chúa. Như Thánh Gioan đã viết trong một bức thư của ngài: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4: 19). Thánh Phaolô đã nói ở đầu bài đọc thứ hai hôm nay: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh” (Rm 16: 25-26).  

Trong số loài người, Mẹ Maria được Thiên Chúa sủng ái một cách đặc biệt. Mẹ đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Mẹ đã được Thiên Chúa sủng ái đặc biệt ngay từ giây phút được tượng thai trong lòng thân mẫu của Mẹ. Ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời Mẹ, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Mẹ trở thành người phụ nữ mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sẽ sinh ra từ cung lòng. Nhưng bài Tin Mừng gợi ý rằng Mẹ Maria đã phải chiến đấu buông bỏ ý định riêng tư tốt lành của mình, hoàn toàn xóa mình đi để tuân phục ý định không thể hiểu thấu của Thiên Chúa. Ban đầu, Mẹ vô cùng bối rối, rồi Mẹ đặt câu hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” (Lc 1: 34). Cuối cùng, Mẹ tuân phục, “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1: 38). Sự phó thác trọn vẹn của Mẹ nơi kế hoạch cao sâu khôn dò của Thiên Chúa đã giúp Mẹ đón nhận ân huệ đặc biệt này của Thiên Chúa, và tất cả những gì ân huệ đó mang lại cho Mẹ. Từ giây phút tuân theo ân huệ của Thiên Chúa dành cho mình, Mẹ đã trở thành nguồn phúc lành cho toàn thể nhân loại, qua đó Chúa Giêsu đã đến với chúng ta. Hoàn toàn tuân phục ý muốn của Thiên Chúa, Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu trong trái tim mình, trước khi sinh ra Ngài từ cung lòng mình. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa: “Xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22: 42). Thánh Luca trình bày Mẹ Maria đã cầu nguyện như vậy trước khi Mẹ chịu thai Chúa Giêsu: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói ” (Lc 1:38). Nếu chúng ta giống Mẹ Maria khi được Thiên Chúa ban cho nhiều ân sủng, thì chúng ta cũng được mời gọi nên giống Mẹ Maria trong cách chúng ta đáp lại ân huệ của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta cần phải phó thác cuộc đời mình cho Chúa để Chúa hành động nơi chúng ta: sinh ra Chúa Kitô cho cuộc đời, giống như Mẹ Maria.

 

  1. Tình thương cứu độ của Thiên Chúa tỏ lộ nơi Mẹ Maria.

Chúng ta biết rằng đôi khi chúng ta có thể giống như Ađam và Eva: chúng ta không sẵn lòng làm những gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta dù chúng ta vẫn cảm nhận được lời kêu gọi mở lòng mình một cách trọn vẹn hơn với lời Chúa và thánh ý Chúa dành cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã chọn chúng ta trong Chúa Kitô để nên thánh và sống trong tình yêu trước sự hiện diện của Thiên Chúa: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Thiên Chúa các ngươi là Đấng Thánh” (Lv 19,1), và “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”(1Ga 3:1-3). Trong bài phát biểu của ngài vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2005 tại Cologne (Đức). Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI diễn tả: “Thiên Chúa không chỉ đơn giản đứng trước chúng ta như một Đấng Hoàn Toàn Khác. Ngài ở trong chúng ta, và chúng ta ở trong Ngài. Sức năng động của Ngài sẽ đi vào trong chúng ta và rồi tìm cách lan tỏa ra phía ngoài đến với những người khác cho đến khi lấp đầy cả thế giới, để tình yêu của Ngài thật sự có thể trở thành đạo luật cai quản thế giới.” Tầm nhìn đó về cuộc sống con người đem lại cho chúng ta niềm hứng khởi. Sâu thẳm trong chúng ta, chúng ta khao khát trở thành con người mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở thành.

Hôm nay, chúng ta thấy Mẹ Maria đã đáp lại trọn vẹn lời mời gọi đó của Thiên Chúa. Chúng ta trông cậy vào Mẹ Maria để được soi dẫn và giúp đỡ đáp lại lời kêu gọi đó. Trong những lời Kinh Kính Mừng, chúng ta xin Mẹ Maria cầu cho chúng ta là kẻ tội lỗi, khi nay và trong giờ lâm tử, để ân sủng của Thiên Chúa, vốn tuôn đổ tràn đầy trên Mẹ ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên của Mẹ, cũng chạm đến cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thấy nơi Mẹ con người mà chúng ta được mời gọi trở thành. Sự thánh thiện và tốt lành của Mẹ Maria không hề làm cho Mẹ xa cách chúng ta. Sự mở lòng của Mẹ đối với Lời và tiếng gọi của Chúa đã được thể hiện giữa mọi khó khăn và đau khổ của cuộc sống. Một lưỡi gươm đã đâm vào trái tim Mẹ vì mối tương quan đặc biệt của Mẹ với Chúa Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2: 35). Tin Mừng cho thấy Mẹ sửng sốt và không hiểu lời nói và hành động của Con mình: “Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Ngài nói với Ngài: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! ” Ngài đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? ” Nhưng ông bà không hiểu lời Ngài vừa nói” (Lc 2: 48-50). Mẹ gắng chịu để Con của Mẹ ra đi đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa để thành lập một gia đình mới, một gia đình của tất cả “những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8:21). Mẹ phải chịu đựng nỗi đau đớn của một người mẹ khi chứng kiến con mình chết một cách bi thảm và đau đớn: “Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có thân mẫu Ngài” (Ga 19:25). Mẹ hiểu những chiều sâu đen tối nhất của cuộc sống con người, tuy nhiên, giữa tất cả những cảm nghiệm đó, Mẹ vẫn hoàn toàn mở lòng ra với lời ban sự sống của Thiên Chúa. Mẹ vẫn tràn đầy ánh sáng của Chúa ngay cả khi Mẹ đi trong thung lũng bóng tối của chính mình.

Mùa Vọng kêu gọi chúng ta mở lòng ra như Mẹ Maria cho tiếng gọi và sự hiện diện của Thiên Chúa, ngay cả trong những lúc chúng ta phải chiến đấu đau đớn. Nếu được như vậy thì cuộc sống của chúng ta nên giống cuộc đời của Mẹ và sẽ nên nguồn phúc lành cho người khác.

 

Phêrô PhạmVăn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts