Ai đã từng vuợt biển và sống qua các trại tỵ nạn hầu như đều chung cảm nghĩ rằng đó là những kỷ niệm không thể phai mờ.
Nhìn đại dương bao la cuồng nộ sóng rồi nhìn chiếc thuyền chài mỏng mãnh mong manh, ước vọng đến bờ bến bình an đã gần như tuyệt vọng. Và vì đã có thể chạm sờ cái chết trong gang tấc, ước vọng của mỗi thuyền nhân là khi thuyền cập bến tự do, sẽ gióng lên tiếng chuông sự thật về một trại tập trung mang hai tiếng Việt Nam kinh khiếp gấp ngàn lần trại tù Auschwitz.
Nhưng ngoài đại đa số thuyền nhân đã can đảm trở thành chứng nhân cho sự thật – những chứng nhân đã có lần đuợc gọi là “tiếng nói của luơng tâm nhân loại,” một thiểu số rất nhỏ nhoi, oái ăm thay, đã rất ngại ngùng, chẳng những không dám nói lên sự thật về một chế độ rất hà khắc rất phi nhân, họ một sớm một chiều là nô lệ cho những giả trá từ vui thưởng vui phạt đến rất đê hèn.
Man khai hộ tịch là chuyện vẫn thuờng xảy ra nơi văn phòng Cao Ủy. Khai tuổi thêm, sụt tuổi xuống; gia đình đùm đề vẫn an nhiên gạch vào ô đề chữ ‘single’, ôi thôi, chuyện dài tỵ nạn… Nhưng có một kiểu man khai đến rợn người đó là man khai tôn giáo: giả sơ; giả thầy; giả đến cả cha!!!
Thay vì được xức dầu và sai đi đem “Tin Mừng cho người nghèo khó,” họ tự xức ‘Channel 5’ rồi bịp bợm làm giàu có cho chính bản thân mình. Thay vì “băng bó những tâm hồn đau thương,” họ đã gây bao đau thương đến nhiều những tâm hồn. Thay vì khiêm cung cởi giây giày cho Con Thiên Chúa, họ huyên hoang khoác lác đòi buộc Con Thiên Chúa hằn tấm lưng sâu cởi giây giày cho họ. Không làm chứng về sự sáng mà tự vỗ ngực xưng mình là sự sáng, những con gián ngày thời đại kia đã ít nhiều làm nhòe đi trang sử son của dòng giống Tiên Rồng.
Phải chi họ suy ngẫm về Gioan Tẩy Giả trước khi thuyền rời bến! Gioan đã có thể dễ dàng man khai mình là tiên tri Êlia. Gioan cũng đã có thể lừa bịp cả toàn dân
Do Thái tuyên bố mình chính là Đấng KiTô. Nhưng không! Gioan ví mình chỉ như “tiếng kêu trong hoang địa” đi trước dọn đuờng. Hơn ai hết, Gioan hiểu rằng con người chỉ là một tạo vật bé hèn và con người phải làm tất cả những gì mình có thể để ánh sáng của Đấng Tạo Thành đuợc muôn đời rạng chiếu.
Và nếu muốn tả trọn vẹn trung thực con người Gioan, thiết nghĩ chẳng có gì xác đáng hơn hai chữ ‘khiêm cung’. Hai ngàn năm truớc công nguyên, Gioan đã nhận thức đuợc rằng Đức Kitô chỉ có thể đến khi có người dám khiêm cung mở lối dẫn đường. Khi khiêm cung nhìn nhận con nguời chúng ta không phải là sự sáng nhưng chỉ có thể làm chứng thôi về sự sáng Con Nguời.
Một trong những vấn nạn mà giáo hội Công Giáo chúng ta đang phải điên đầu đối phó là tệ nạn lạm quyền. Lạm quyền lại rất dễ dàng dẫn đưa tới lạm dụng, cộng tác viên trở thành thuộc hạ tay sai. Rồi kết bè kết phái. Rồi phe đảng hội hè.
Con Nguời đã nhập thể vì Mẹ, như thánh Gioan, nhìn nhận mình là “tôi tớ Chúa”. Mẹ đã sống rất mực khiêm cung và Thiên Chúa đã khiêm cung ngự trong cung lòng Mẹ. Hãy tâp sống khiêm cung, mãi mãi khiêm cung, để Hài Nhi Giêsu có thể nhập thể trong mỗi một tâm hồn. Hãy luôn sống như thế và đừng bao giờ dập tắt lửa khiêm cung bừng cháy từ dầu Thần Linh Chúa.
LM. Nguyễn Khoa Toàn
VietCatholic Network