ĐƯỢC KÊU MỜI CHIA SẺ ĐỨC TIN

  1. Truyền giáo là gì?

Truyền giáo là hành động đưa mọi người đến gặp Chúa Giêsu và đặt Ngài vào trung tâm cuộc sống của họ. Khi chúng ta truyền giáo, chúng ta tìm cách trình bày Chúa Giêsu là đường đi, là sự thật và là sự sống: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Gioan14:6). Truyền giáo không chỉ đơn thuần là truyền bá kiến ​​thức tôn giáo, không chỉ là thuyết phục mọi người tuân theo một tập hợp các điều phải tin, mà còn là tạo điều kiện cho mọi người gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô một cách cá vị, dẫn dắt họ vào mối tương quan sống động với con người của Chúa Giêsu Kitô, biết Ngài, yêu Ngài, vâng lời Ngài và sống hiệp thông với Ngài hằng ngày. Điều này bao gồm việc chia sẻ không chỉ những gì Chúa Giêsu đã làm, mà còn chia sẻ Ngài là ai và cách Ngài có thể biến đổi cuộc sống của họ dần dần nên giống Ngài.

Truyền giáo có mục đích dẫn đưa mọi người đến một quyết định có ý thức chọn Chúa Giêsu làm lẽ sống, phó thác cho Ngài và để Ngài biến đổi cõi lòng và tính cách của họ. Truyền giáo là lời mời gọi những người khác nhận ra Chúa Giêsu là Chúa của cuộc đời họ, khích lệ họ đặt niềm tin vào Ngài, ăn năn tội lỗi, nhận được sự tha thứ của Ngài và có cơ hội cảm nghiệm sự bình an, niềm vui và sự bảo đảm đến từ mối tương quan cá nhân với Chúa Giêsu.

Truyền giáo là khuyến khích mọi người nhận ra rằng Chúa Giêsu không chỉ là một nhân vật lịch sử hay tôn giáo, mà Ngài là Đấng Cứu Độ và là Chúa, Đấng ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài và trở thành môn đệ của Ngài. Khi truyền giáo, chúng ta chia sẻ niềm hy vọng mà chúng ta tìm thấy nơi Chúa Giêsu. Chúng ta làm chứng cho ân sủng và tình yêu vô điều kiện của Ngài vốn có thể mang lại ý nghĩa và sự viên mãn cho cuộc sống của mọi người.

  1. Người truyền giáo phải là người thế nào?

Truyền giáo liên quan nhiều đến mối tương quan. Thật vậy, về cơ bản đời sống Kitô hữu là các mối tương quan: tương quan với Chúa và tương quan với những người khác.

Khi chúng ta tử tế, rộng lòng, khiêm nhường và chú ý đến nhu cầu của người khác, việc truyền giáo diễn ra một cách tự nhiên. Khi chúng ta có thái độ tích cực, cởi mở và tin rằng chúng ta có thể học hỏi nhau từ những gì người khác nói và từ những gì họ đã trải qua, đó là lúc chúng ta đang chuẩn bị con đường cho Tin Mừng. Điều này đúng với những người chúng ta biết rõ và cả những người hoàn toàn xa lạ với chúng ta.

Để truyền giáo, Kitô hữu cần phải hòa đồng, học các kỹ năng xã hội và duy trì các mối tương quan lành mạnh. Chúng ta phải đối xử với người khác theo cách mà chúng ta muốn được đối xử lại, cũng như không phản ứng bằng cảm tính đột ngột, cứng nhắc hoặc thao túng khi đối mặt với những tình huống khó khăn.

Khi chúng ta chào đón người khác, chăm sóc họ, tôn trọng họ và phục vụ thay vì muốn được phục vụ, chúng ta đang thể hiện tình yêu của Chúa và sự hiện diện của Ngài. Mọi suy nghĩ và hành động liên quan đến người khác đều quan trọng. Không có hành động hay tương tác nào là không gây ra ảnh hưởng. Truyền giáo cũng bao gồm việc nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực đối với người khác và thúc đẩy đối thoại chất lượng.

Ngược lại, hành vi thao túng, ích kỷ, oán giận hoặc ép buộc và cố gắng tận dụng tối đa tình huống bằng cách gây tổn hại đến người khác rõ ràng không phải là biểu hiện của Tin Mừng. Khi loan báo Tin Mừng mà chúng ta lại trở thành người nhận chứ không phải người cho, thì điều đó ảnh hưởng đến mọi người chung quanh, xúc phạm và làm tổn thương chính Chúa.

Vì vậy, tìm cách truyền giáo thực sự là nỗ lực để trở thành một con người có mối tương quan tốt lành. Đó là nỗ lực tạo ra những mối tương quan mới mẻ đầy yêu thương và hàn gắn những mối tương quan đã tan vỡ. Có thể cần nỗ lực, thời gian hoặc thậm chí cả cuộc đời để hoàn thiện bản thân theo cách này, nhưng đối với đời sống Kitô hữu, cách tiếp cận như vậy giúp chúng ta trở thành những kênh yêu thương đích thực của Thiên Chúa. Cung cách đó cho phép chúng ta mang lại sự chữa lành, hy vọng và chân lý cho một thế giới đang vô cùng cần sự hiện diện và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể hỏi, vậy tôi có thể tạo nên những mối tương quan đó ở đâu? Trong Οίκος của bạn, một từ tiếng Hy Lạp dùng để chỉ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm và mạng lưới những người mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc. Đó là mạng lưới các mối tương quan giữa các cá nhân, nơi Chúa sẽ cho chúng ta cơ hội kể câu chuyện đức tin của mình. Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta đến với những người mà chúng ta có thể vun đắp các mối tương quan mới và chia sẻ tình yêu của Ngài.

Chúng ta là sứ giả của Chúa Kitô: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Chúa Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy” (2 Côrintô 5:20), đại diện cho thái độ, lời nói và hành động của Chúa Giêsu trong trần thế. Bất chấp những hạn chế của chúng ta, hãy để Chúa trấn an chúng ta: Chúa không quan tâm đến sự khốn khổ của chúng ta; quyền năng của Ngài mạnh mẽ nhất khi chúng ta yếu đuối: “Nhưng Ngài quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong tôi” (2 Côrintô 12:9). Tất cả những gì chúng ta thực sự cần làm là giao phó ý muốn của mình cho Thiên Chúa, hàng phục ân sủng của Ngài và để Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên những người khác thông qua cuộc sống của chúng ta. Mẹ Têrêsa thường nói “Đừng chờ đợi những người lãnh đạo; hãy tự mình hành động, hết người này đến người khác”.

  1. Các chiều kích của việc rao truyền Tin Mừng

Truyền giáo có thể bao gồm nhiều chiều kích khác nhau, mỗi chiều kích có vai trò riêng trong việc chia sẻ Tin Mừng. Một số chiều kích này bao gồm:

  1. Truyền giáo trong các mối tương quan: Chiều kích này nhấn mạnh đến việc xây dựng các mối tương quan cá nhân và kết nối với các cá nhân. Nó bao gồm việc chia sẻ đức tin của một người thông qua các cuộc trò chuyện, hành động tử tế và lời chứng cá nhân.
  2. Truyền giáo bằng tri thức: Khía cạnh này tập trung vào việc tham gia vào các cuộc thảo luận sâu sắc và đưa ra lý do và bằng chứng trí tuệ cho đức tin của một người. Nó có thể bao gồm biện giáo, lập luận triết học hoặc giải quyết các câu hỏi thần học.
  3. Truyền giáo qua cử hành phụng vụ: Truyền giáo phụng vụ sử dụng các nghi lễ, nghi thức và các buổi lễ thờ phượng để truyền đạt đức tin. Các nghi lễ này thường đóng vai trò là biểu tượng và biểu hiện mạnh mẽ của đức tin.
  4. Truyền giáo hướng đến phục vụ: Chiều kích này nhấn mạnh việc thể hiện đức tin của một người thông qua các hành động phục vụ và làm việc từ thiện. Nó bao gồm việc tham gia vào các dự án phục vụ cộng đồng, giúp đỡ những người gặp khó khăn và thể hiện các giá trị của lòng trắc ẩn và tình yêu.
  5. Truyền giáo qua phương tiện truyền thông và công nghệ: Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, việc sử dụng nhiều nền tảng truyền thông khác nhau, chẳng hạn như trang web, mạng xã hội, podcast và video, có thể là một cách hiệu quả để tiếp cận nhiều đối tượng hơn và chia sẻ Tin Mừng.
  6. Truyền giáo qua văn hóa và nghệ thuật: Nghệ thuật, âm nhạc, văn học và các hình thức biểu đạt văn hóa khác có thể được sử dụng để truyền tải các chủ đề và giá trị Công giáo. Chiều kích này thúc đẩy sự sáng tạo để truyền đạt đức tin theo cách có ý nghĩa.
  7. Truyền giáo đại kết: Các nỗ lực đại kết tìm cách thúc đẩy sự thống nhất và hiểu biết giữa các giáo phái Kitô giáo hoặc các truyền thống tôn giáo khác nhau. Nó bao gồm đối thoại và hợp tác giữa các cộng đoàn đức tin khác nhau.
  8. Truyền giáo bằng chứng từ cá nhân: Chiều kích này nhấn mạnh đến việc sống đức tin của mình một cách chân thực trong cuộc sống hằng ngày. Nó bao gồm việc trở thành tấm gương tích cực về các giá trị và giáo lý của Giáo hội.
  9. Truyền giáo liên tôn: Trong một thế giới đa dạng và đa văn hóa, đối thoại và hợp tác liên tôn là điều cần thiết. Chiều kích này bao gồm việc tương tác với những người có nền tảng tôn giáo khác nhau để thúc đẩy sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
  10. Truyền giáo trong gia đình và cộng đồng: Giảng dạy và chia sẻ niềm tin tôn giáo trong bối cảnh gia đình và cộng đồng địa phương là những khía cạnh quan trọng của công tác truyền giáo, vì chúng hình thành nên các giá trị và niềm tin của cá nhân ngay từ khi còn nhỏ.
  11. Truyền giáo đặc sủng: Chiều kích này tập trung vào các đặc sủng của Chúa Thánh Thần, chẳng hạn như tiên tri, chữa lành, nói tiếng lạ và các biểu hiện khác của Chúa Thánh Thần. Nó bao gồm việc chia sẻ những kinh nghiệm biến đổi và đặc sủng thiêng liêng với người khác để đưa họ đến gần hơn với đức tin.
  12. Truyền giáo hy sinh: Truyền giáo hy sinh nhấn mạnh đến sự từ bỏ bản thân và hy sinh cá nhân. Nó bao gồm việc sẵn sàng từ bỏ sự thoải mái cá nhân, thức ăn (ăn chay), thời gian hoặc tài lực để chứng minh chiều sâu của cam kết của một người đối với Chúa và người khác. Chiều kích này làm nổi bật ý tưởng rằng truyền giáo thực sự đòi hỏi khả năng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân.
  13. Truyền giáo đường phố: Truyền giáo đường phố bao gồm việc đưa thông điệp Tin Mừng trực tiếp đến những nơi công cộng, chẳng hạn như đường phố, công viên và những nơi tụ họp khác. Nó thường bao gồm việc rao giảng ngoài trời, phân phát tài liệu tôn giáo, tham gia trò chuyện với người qua đường và cầu nguyện cũng như hỗ trợ những người gặp khó khăn. Truyền giáo đường phố mang thông điệp đức tin đến với mọi người ở nơi họ đang ở, trong cuộc sống hàng ngày của họ và có thể là một cách mạnh mẽ để tiếp cận những người có thể không gặp được Tin Mừng nếu không có cung cách này.
  14. Truyền giáo bằng cầu nguyện: Chiều kích này nhấn mạnh tầm quan trọng của cầu nguyện như một khía cạnh nền tảng của truyền giáo. Nó bao gồm việc dành thời gian cầu nguyện cho việc lan rộng của Tin Mừng, việc hoán cải lòng người và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong mọi nỗ lực truyền giáo. Cầu nguyện là nền tảng tinh thần và duy trì mọi chiều kích khác của truyền giáo, khiến nó trở thành một khía cạnh thiết yếu trong sứ mệnh chia sẻ Tin Mừng. Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa có tác dụng cứu rỗi đối với người khác và giúp đưa họ đến gần Ngài hơn.

Mỗi chiều kích này đóng một vai trò riêng trong việc rao giảng Tin Mừng, và mỗi cá nhân có thể ưu tiên một hoặc nhiều cách tiếp cận này tùy thuộc vào năng khiếu và ơn gọi của họ. Tuy nhiên, trong mọi nỗ lực rao giảng Tin Mừng, tình yêu phải luôn ở trong tim. Tình yêu không chỉ tạo nên sứ điệp trung tâm của Tin Mừng và lời dạy của Chúa Giêsu mà còn thấm nhuần sứ điệp với tính xác thực, khả năng liên kết và ảnh hưởng sâu sắc.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

theo https://pembrokediocese.com/

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts