Hôm nay khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa mời gọi họ hãy buông bỏ. Họ phải tập trung vào nhiệm vụ duy nhất của mình là xua trừ ma quỷ: “Ngài ban cho các ông quyền trừ quỷ” (Mc 6:7) và chữa lành người bệnh: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6:13). Là những người rao truyền Tin Mừng ngày nay, mỗi người chúng ta tự hỏi liệu mình có thực sự tuân theo sứ mệnh đã nhận được vào ngày chịu phép rửa tội hay không. Chúng ta hôm nay là sứ giả của Tin Mừng Cứu Độ hay của sự chia rẽ, hủy hoại, nơi chúng ta sống và làm việc?
- Đưa mọi người trở lại quyền thủ lãnh của Chúa Kitô
Việc “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Chúa Kitô” (Ep 1:10) và việc đưa con người trở lại sự vâng phục Thiên Chúa là lệnh truyền của Chúa Kitô. Ngài sai các tông đồ khi xưa, và tất cả chúng ta ngày nay, đi rao giảng, làm chứng cho Tin Mừng: “Ngài gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” (Mc 6:7). Mục tiêu mà mọi nỗ lực của chúng ta phải hướng tới là đưa mọi người trở lại quyền thủ lãnh của Chúa Kitô: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6:12). Khi ấy, con người sẽ thấy mình được đưa đến với Thiên Chúa: không phải là một Thiên Chúa xa vời không quan tâm đến thực tại con người, như một số triết gia đã tưởng tượng, mà là một Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Ngài là Đấng sáng tạo thế giới, ôm trọn tất cả mọi thứ trong sự quan phòng yêu thương vô hạn của Ngài. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai nói: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Chúa Kitô, từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Chúa Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:3-6).
Vậy thì, đâu là con đường đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô? Con đường đó ở trước mắt chúng ta: là Giáo hội. Thánh Gioan Kim Ngôn (Chrysostom) đã nói rất đúng với chúng ta: “Giáo hội là niềm hy vọng của bạn, Giáo hội là sự cứu rỗi của bạn, Giáo hội là nơi nương náu của bạn” (Bài giảng thứ II về Eutropius). Trong Giáo Hội này chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy, trở thành ngôn sứ của Chúa Kitô, của Tin Mừng Cứu Độ của Ngài. Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Mầu nhiệm Giáo Hội được biểu lộ qua sự việc thành lập. Thực thế, Chúa Giêsu đã khai sinh Giáo Hội bằng việc rao giảng Tin Mừng cho biết Nước Thiên Chúa đã đến như đã hứa trong Kinh Thánh từ ngàn xưa: ‘Thời gian đã trọn; Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 5). Tất cả chúng ta đều trở thành những ngôn sứ. Theo Kinh thánh, ngôn sứ không phải là thầy bói nói trước về tương lai; nhưng đó là người nói và làm chứng cho Thiên Chúa, cho những điều thuộc về Thiên Chúa vốn không thể biết được. Và hôm nay Chúa Kitô sai tất cả chúng ta đi rao truyền Tin Mừng của Ngài, làm chứng cho Tin Mừng đó. Điều đó có thể dẫn tới những nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm nhất, thường ẩn giấu trong tâm tưởng và cõi lòng chúng ta, là không công bố Tin Mừng của Chúa Kitô nhưng lại muốn truyền bá một hệ tư tưởng vào thế giới. “Ý tưởng của tôi là tốt nhất, tôi biết điều gì là đúng và tốt nhất.” Trên thế giới này đã có quá đủ các thứ tư tưởng, các lối quan niệm, các thứ hệ thống triết luận, các thứ chủ nghĩa…vốn không đem lại yên ổn bao nhiêu cho tâm hồn con người, mà còn gây ra biết bao xáo trộn trong đời sống cộng đồng xã hội. Không cần phải thêm một hệ tư tưởng nào như vậy nữa. Điều cần cho tâm tưởng và cõi lòng nhân thế cần khởi đi từ một Đấng hoàn toàn có thể đáp ứng khát vọng sâu xa nhất của con người: là sự thanh thản bình an trong cõi nhân sinh này và niềm hy vọng phi thường vào sự sống muôn đời, sau kiếp người nhiều hỗn loạn và bất an: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14:27).
- Chúa Kitô sai chúng ta đi rao giảng niềm vui, niềm hy vọng
Điều chúng ta phải làm chứng là một niềm vui, một niềm hy vọng. Làm chứng có nghĩa là biểu lộ một điều gì đó đã được cảm nghiệm trong tâm hồn mỗi người chúng ta một cách sâu sắc và chân thật. Chính trong cảm nghiệm nội tâm này chúng ta học biết rằng Thiên Chúa yêu thương, chọn gọi chúng ta làm con cái tràn đầy ân sủng và phúc lành cùa Ngài. Điều đó đem lại niềm vui thúc đầy chúng ta ra đi nói với tất cả mọi người rằng họ cũng được yêu thương, chọn gọi như vậy. Tất nhiên, việc ra đi rao giảng Tin Mừng không luôn dễ dàng, không thiếu những khó khăn, trở ngại: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9:58), ngay cả kết thúc trong bi thảm, như chính Chúa Kitô đã không che giấu nỗi đau khổ của Ngài trên Thập Giá: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15:34). Nhưng sau những khó khăn, trở ngại và nước mắt của chúng ta, là một niềm hy vọng phi thường, khiến chúng ta đứng lên. Chúa Kitô, vốn là Thiên Chúa, đã trở nên một người trong chúng ta, ở giữa chúng ta, đã chịu khổ hình, chết, được mai táng trong mồ, rồi phục sinh và Ngài muốn chúng ta cùng sống lại với Ngài: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Chúa Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Ngài đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Ngài đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Ngài và ông Phêrô rằng Ngài sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Ngài như Ngài đã nói với các ông” (Mc 16:6). Thật là một tin vui cần phải công bố cho toàn thể nhân loại. Hiến Chế Lumen Gentium, số 35 viết: “Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên báo trời mới và đất mới thế nào (Kh 21,1), thì giáo hữu cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (Dth 11,1), nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một. Công cuộc rao giảng Tin Mừng đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian.”
Ngôn sứ Amos, trong bài đọc thứ nhất, được sai đến với dân của ông: “Chính Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Chúa đã truyền cho tôi: Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta” (Am 7:15). Ra đi như vậy không chỉ nói đến địa lý hay không gian nhưng trên hết là buông bỏ chính mình, buông bỏ mọi thứ quan niệm, tiêu chí, tương quan vốn ràng buộc mình, kể cả tình cảm tư riêng, gia đình, nghề nghiệp. Việc ra đi của các tín hữu ngày nay thường diễn ra không đâu xa. Nó diễn ra trong gia đình, nơi hàng xóm, trong họ hàng, nơi làm việc của chúng ta. Chúng ta được sai đi đến những môi trường đó. Có lẽ chúng ta sẽ nói: họ không thèm nghe chúng tôi, chuyện đó không có tác dụng gì đâu. Chúa Giêsu cho thấy ra đi không cần có gì bảo đảm, không cần những gì người ta cứ tưởng là cần: “Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6:8). Chúng ta trở thành những ngôn sứ, có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho người khác bằng cách minh chứng đức tin và đức ái trong lời nói, việc làm của mình bất cứ nơi đâu trong đời sống thường ngày: “Các giáo hữu được ban cho cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn từ để sức mạnh Tin Mừng sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội…Niềm hy vọng đó, họ không nên giấu kín trong lòng, trái lại họ phải diễn tả nó qua những cơ cấu của cuộc sống trần gian” (Hiến Chế Lumen Gentium, số 35).
- Những chỉ dẫn cần thiết cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai ra đi trong ân sủng quyền năng: “Ngài ban cho các ông quyền trừ quỷ” (Mc 6:7). Các tông đồ được sai đi trừ quỷ và thực tế quyền năng của Chúa Giêsu đã tác động trong sứ vụ của các tông đồ: “Các ông trừ được nhiều quỷ” (Mc 6:7). Hơn thế nữa, các ông “xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6:13). Bệnh tật, xét cho cùng, cũng là do ma quỷ gây ra. Nếu ma quỷ không tiêm sự dữ vào con người thì sẽ không có bệnh tật. Thiên Chúa đã tạo ra một thế giới tốt đẹp: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (Stk 1:31), nhưng việc rời bỏ Thiên Chúa, theo ma quỷ, mang đến đau khổ, “phải cực nhọc thật nhiều” (Stk 3:16), “phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi” (3:17), “phải đổ mồ hôi trán” (3:19). Người bệnh không phải là người nhiều tội hơn người khỏe mạnh. Nhưng ma quỷ, nguồn gốc của mọi sự dữ, hả hê trong việc chia cắt con người khỏi Thiên Chúa, là nguồn mọi sự thiện hảo, khiến họ trở nên ngày càng xa cách Thiên Chúa, trong tội lỗi, bệnh hoạn và bị quỷ ám. Quyền năng xua trừ quỷ dữ mà Chúa Giêsu ban cho các tông đồ chính là để chữa lành mọi sự và tái lập mối liên kết của con người với Thiên Chúa. Đó chính là Ơn Cứu Độ.
Nhóm Mười Hai được “sai đi từng hai người một” (Mc 6:7). Điều này có nghĩa gì? Theo sách Đệ nhị luật Do Thái: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (19:15). Chúa Giêsu trả lời những người Pharisêu: “Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật” (Ga 8:17). Hơn nữa, hai người có thể trông coi, hỗ trợ và khuyến khích lẫn nhau. Họ có trách nhiệm với nhau và tránh được nhiều cám dỗ hơn. Ngoài ra, vì có hai người nên không ai nhận thành quả là của riêng mình. Mọi thành quả đều nhờ bởi ơn Chúa: “Sine me non potestis facere – Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Đó luôn luôn là ơn ban của Chúa Kitô cho toàn thể Giáo Hội, mà sứ giả Tin Mừng chỉ là thành viên, là chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Kitô.
Khi đi truyền giáo, người môn đệ thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu: “Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng” (Mc 6:8). Có vẻ như người môn đệ đến tay không, nhưng thực ra họ mang đến một thứ quý giá hơn nhiều: đó là Tin Mừng Cứu Độ. Nếu người ta đón nhận Tin Mừng ấy và vui vẻ tiếp nhận người môn đệ thì một cộng đoàn những người tin Chúa sẽ dần dần được sinh ra. Điều quan trọng là người môn đệ phải ở đó trong thời gian cần thiết, không lo lắng về bất cứ điều gì khác ngoài việc “rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6:12). Tất nhiên, một số người sẽ đóng cửa, không muốn bị làm phiền. Nhà truyền giáo không để điều này thành gánh nặng cho tâm trí và cõi lòng mình, không tiếc nuối, phán xét hoặc lên án, mà vẫn giữ được sự thanh thản, không mang theo bụi chân làm lấm bẩn con người khi phải nhẹ nhàng bước tiếp cuộc hành trình.
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến điều khác: “Được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6:8). Khi bắt đầu cuộc đời công khai của mình, Chúa Giêsu đã được Gioan Tẩy Giả tuyên bố không đáng cởi quai dép cho Ngài. Khi “đóng đinh Ngài vào thập giá” bọn lính “đem áo Ngài ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì” (Mc 15:24). Có thể coi áo và dép ở đây là biểu trưng cho toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu. Các môn đệ đi truyền giáo thực sự là những sứ giả của Ngài. Cuộc sống của họ trở nên như cuộc đời của Chúa Giêsu – Alter Christus – và làm chứng cho toàn bộ con người và cuộc đời của Chúa Giêsu, để “trong Chúa Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (Ep 1:13-14).
Phêrô Phạm Văn Trung