Thánh Marcô cho biết: “Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương” anh ta. Từ cái nhìn của Chúa Giêsu, tôi thấy không chỉ một mà là hai cái nhìn: của Chúa Giêsu và của người thanh niên. Nhưng không dừng ở cái nhìn, mà trong từng cái nhìn còn cho thấy tầm nhìn.
Tầm nhìn của Chúa Giêsu là hướng người thanh niên về cùng chính Chúa, là dẫn anh ta đi tới tột đỉnh của sự sống, đó là sống đời đời trong Chúa, có chính Chúa là gia nghiệp vĩnh cửu.
Còn người thanh niên, dẫu đã là người tốt, anh không thể phóng tầm nhìn xa hơn mớ vật chất mà anh đang sở hữu. Anh sụ mặt bỏ đi ngay sau lời mời gọi của Chúa: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”, đến nỗi Chúa phải thốt lên lời xót xa: “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa”.
- NGƯỜI THANH NIÊN – GIỚI HẠN CỦA MỘT CÁI NHÌN.
Người thanh niên đã thật sự tốt. Anh giàu nhưng cái giàu của anh chân chính, không tội lỗi, không hoen ố. Anh đã có thói quen giữ trọn giới răn của Chúa từ thuở nhỏ. Lối sống lành mạnh, gieo nhiều thiện cảm của anh đã là sự ngưỡng mộ của bao nhiêu người.
Chúa trao cho anh cái nhìn. Đó là cái nhìn của Đấng Cứu chuộc trên thụ tạo của mình. Đó cũng là cái nhìn của lòng thương yêu, sự thấu hiểu, sự chúc lành và trao ban ân phúc…
Trên tất cả, cái nhìn của Chúa còn mời gọi anh bước tiếp, bước xa, bước dài trên con đường thánh thiện, con đường của sự hoàn hảo, con đường đích thực, con đường đưa tới hạnh phúc khôn cùng, đưa tới chiếm lĩnh trọn vẹn sự sống trong Chúa, không chỉ nơi trần thế, mà còn trong “trời mới đất mới”, nơi không còn lo lắng, đau thương, chết chóc…
Chúa không bằng lòng với cái nhìn chỉ bằng đôi mắt, dù cái nhìn của Chúa dành cho anh là “nhìn chăm chú”. Chúa muốn anh, qua đôi mắt ấy, anh hãy tiến tới trong cùng một TẦM NHÌN của chính Chúa.
Tầm nhìn ấy chính là biết nhận ra siêu nhiên quý hơn phàm trần; đường đi lên trời là mang lấy trọn đời mình niềm phó thác chứ không trông vào vật chất; theo Chúa bằng một trái tim không san sẻ là phải cho người nghèo tất cả, để trở nên như Chúa là người nghèo giữa mọi người nghèo.
Để sống với Chúa, để đi cùng Chúa, con người ta đâu chỉ hoàn thành một vài giới răn, đâu chỉ là không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không làm chứng gian, không lường gạt, và đã thảo kính đối với cha mẹ là đủ!
Để đi cùng Chúa, kẻ được gọi là người tốt, người thánh thiện còn phải sống như chính Chúa đã sống, yêu như Chúa đã yêu, hy sinh và hiến dâng mình như Chúa đã hy sinh và hiến dâng. Và nếu cần, chấp nhận chết như Chúa đã chết vì ích lợi thiêng liêng của anh chị em mình.
Vì thế, muốn theo Chúa, anh cần vượt xa vài giới răn đã từng sống, vượt xa cái tư tưởng cho rằng, như thế là mình đã tốt. Anh phải trở nên bần cùng, phải trở nên không còn gì, không có gì, sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, đau khổ của người mang lấy phận nghèo.
Anh cần phải giẫm lên sự bám víu vật chất, vượt trên cái nhìn hoàn toàn trần trụi, nhỏ bé của một con người để có thể nhận ra “một kho báu trên trời”, như khởi điểm cho việc anh mặc lấy tầm nhìn của Chúa.
Một khi có được khởi điểm của một tầm nhìn mới, Chúa sẽ tiếp tục mời gọi anh: “Rồi đến theo Ta”.
Nhưng anh thất bại. Đó cũng là sự thất bại của lời Chúa mời gọi: Người thanh niên không thể vượt qua cái nhìn của mình để có thể mặc lấy tầm nhìn của Chúa. Anh không dám phó mình trong tay Chúa. Anh không thể nhìn thấy Chúa là bảo đảm của sự sống bản thân. Anh chấp nhận thua cuộc để trở về với căn nhà và mớ vật chất mà anh đã từng đổ mồ hôi lẫn công sức để tạo ra.
- HÃY MẶC LẤY TẦM NHÌN CỦA CHÚA.
Mỗi tín hữu cần đinh ninh lời này của Chúa: “Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng các ngươi; đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta. Trời cao hơn đất thế nào, đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi như vậy” (Is 55, 8-9).
Chúa là thượng trí. Chúa nhìn mọi sự khác chúng ta nhìn. Chúa nhìn mọi sự trong chiều kích siêu việt và khôn ngoan. Không có bất cứ ai, không có bất cứ cái gì thoát được tầm nhìn của Chúa.
Chúa đã nhìn thấy sự cuối cùng ngay lúc khởi đầu. Chúa luôn đi bước trước và muốn ta theo Chúa, phó mình cho Chúa. Nói mạnh hơn, ta hãy ném mình vào vòng tay của Chúa, chấp nhận để Chúa hoàn toàn lo liệu và dẫn dắt.
Đàng khác, Chúa yêu ta, hiểu ta hơn ta có thể yêu và hiểu chính mình. Trong tình yêu ấy, Chúa có kế hoạch tốt lành cho cuộc đời ta. Ta không bao giờ đơn độc vì có Chúa luôn ở cùng như chính Chúa đã từng hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu mà Chúa dành cho, để bước đi cùng Chúa trong đường lối, trong tầm nhìn hoàn hảo của Chúa. Chỉ khi nhìn sự việc bằng cái nhìn của Chúa, ta mới không nản lòng, không thất vọng, không mất niềm vui khi phải đối diện cùng thử thách trong đời.
Hãy nhớ lại hoàn cảnh và ơn gọi của thánh Phaolô để thêm mạnh mẽ tín thác vào lòng thương yêu của Chúa, mạnh mẽ để Chúa dẫn dắt, cùng quyết bước đi với Chúa trong chính tầm nhìn của Chúa.
Chính thánh Phaolô cũng xác nhận trong thư gởi tín hữu Philipphê: “Tôi muốn anh em biết là những gì xảy đến cho tôi thật ra đã giúp cho Tin Mừng được tiến triển” (1, 12).
Bởi từ khi thánh Phaolô trở thành Kitô hữu, ngài ôm giấc mơ lớn: Rao giảng tại Rôma, thành phố quan trọng nhất thế giới, trung tâm của thế giới thời bấy giờ. Vì thế, sau nhiều năm bôn ba, cuối cùng ngài có mặt tại Rôma.
Nhưng thánh ý và tầm nhìn của Chúa hoàn toàn khác. Sau khi đến Rôma, thay vì truyền giáo, thánh nhân lại bị cầm tù. Thánh nhân trở thành kẻ thù của triều đình Ceasar, lúc đó là Nero, một trong những khuôn mặt xấu xa và độc ác nhất của lịch sử loài người.
Là tù nhân hoàng gia, thánh Phaolô bị xiềng chung với một người lính canh cũng của hoàng gia suốt 24 giờ trong một ngày. Cứ sau bốn giờ người ta lại thay đổi phiên lính canh. Việc này diễn ra ròng rã suốt gần ba năm. Có ai ngờ, trong chừng ấy thời gian, thánh Phaolô đã làm chứng về Chúa Kitô cho khoảng 4.380 người lính canh.
Ai mới thực sự là tù nhân của ai? Ai mới thật sự bị giam cầm?
Chương 4 thơ gởi tín hữu Philipphê còn cho biết: Trong hơn hai năm bị xem là tù nhân, thánh Phaolô còn được tiếp xúc với nhiều thành viên trong gia đình Nero. Một số trong họ, nhờ lời chứng của thánh nhân tại tòa án ở Rôma, đã trở thành Kitô hữu.
Chưa hết, là con người của sự hăng say ra đi, thực tế đã nhiều lần lao mình vào cánh đồng truyền giáo, bất chấp mọi sóng gió, vượt trên mọi thác ghềnh, khó có thể khiến một người như thánh Phaolô ngồi yên.
Chỉ có trong nhà tù, thánh nhân bị buộc phải ngồi yên. Kết quả của những ngày tháng lao lý ấy, thánh nhân đã viết nhiều bức thơ không phải chứa đựng tư tưởng của một tù binh, không hề chứa đựng cái đầu của kẻ mất tự do, nhưng chất chứa sứ mạng của một tông đồ, chất chứa tinh thần của người chỉ biết tùng phục Chúa Kitô.
Điều gì có sức tác động lớn hơn: lời rao giảng của thán Phaolô ở đấu trường La mã, chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc nhất thời hay những lá thơ, đúng hơn là những quyển sách nhân danh Chúa Kitô, có giá trị rao giảng về Chúa Kitô suốt hơn hai mươi thế kỷ qua và sẽ còn về sau cho hết thế hệ loài người này đến thế hệ loài người khác!
Đây hoàn toàn không phải kế hoạch của tông đồ Phaolô. Tất cả đều được sắp xếp trong thánh ý quan phòng và khôn ngoan của Chúa. Chúng thể hiện đường lối của Chúa, tình yêu của Chúa, tầm nhìn kỳ vỹ và nhiệm lạ của Chúa.
Bản thân thánh Phaolô cũng là tấm gương hoàn bị cho mỗi Kitô hữu hôm nay. Thánh nhân luôn tin tưởng, Chúa có chương trình lớn hơn có lợi cho bản thân mình và cho danh Chúa.
Dù ngược ý mình, thánh nhân không tìm cách nổi loạn, hay kháng cự, nhưng luôn hạnh phúc giao phó bản thân, giao phó hoàn toàn hoàn cảnh mà chính mình đang rơi vào để chỉ một mình Chúa tùy nghi quyết định.
Bạn thân mến, như người thanh niên xưa trong Tin Mừng, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên không còn gì, không có gì, để hoàn toàn nghèo khó nhằm cùng Chúa bước đi trong tầm nhìn của Chúa.
Nhưng đừng như người thanh niên ấy. Bạn và tôi không “sụ mặt bỏ đi” nhưng trao đời mình cho Chúa để Chúa dẫn dắt, để đi cùng Chúa trong tầm nhìn mới mà Chúa hoạch định.
Hãy nhớ, Chúa luôn ban ơn giúp sức cho ta, nhưng Chúa không thay ta chọn lựa và quyết định. Từng người đều có quyền tiếp tục hay bỏ cuộc. Chúa mời gọi, nhưng đứng vững trong lòng tin, trong sự cậy trông hay không là tùy ở ta. Ta có quyền quyết định vận mạng đời mình y như trường hợp của người thanh niên trong Tin Mừng.
Vì thế, một khi quyết theo Chúa, mỗi người hãy cùng với thánh Phaolô, từng ngày sống là từng ngày tập nhìn bằng tầm nhìn của Chúa. Hãy luôn tự hỏi: “Chúa muốn gì nơi con? Chúa đang thực hiện điều gì trên cuộc đời con? Có phải đây là cách Chúa đưa con đi về phía Chúa?”.
Hãy tự hỏi để khám phá đường lối và tầm nhìn của Chúa. Hãy quyết bước theo, đừng cưỡng lại, dẫu phải đối diện cùng nhiều khó khăn, ngang trái, nghịch cảnh, thậm chí cả đến đau đớn, trầy xướt, rát buốt…
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG