Ở đời này, ai cũng muốn những gì tốt nhất cho mình hoặc cho con cái của mình. Người ta muốn có địa vị, quyền cao chức trọng và được người khác kính nể, phục vụ mình. Điều này dĩ nhiên không xấu, nhưng liệu chúng ta có đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ đó không? Bởi vì ngồi ở địa vị “lãnh đạo” thôi thì chưa đủ để trở thành “hiền nhân quân tử”, mà còn phải tận tâm gánh vác trách nhiệm với tất cả sức lực và khả năng, sống chết với sứ mạng. Các môn đệ xưa kia của Chúa Giêsu cũng không phải ngoại lệ. Các ông cũng ham muốn ngồi chỗ tốt, làm “công hầu khanh tướng” trong Nước Chúa .
- Thật là cả gan!
“Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây” (Mc 10:35). Đây là những lời rào đón trước sau của Giacôbê và Gioan với Chúa Giêsu. Những lời này cho thấy Giacôbê và Gioan hoàn toàn nhận thức rõ ràng về những gì hai ông muốn có và đang chuẩn bị nói ra. Hai ông hẳn chưa mường tượng được phản ứng của Thầy mình, nhưng chắc chắn hai ông đã hình dung ra những phản ứng của các đồng môn. Những mong muốn kín đáo cần phải được che đậy, giữ trong bí mật. Chính vì thế hai ông cảm thấy cần phải đề cập vấn đề một cách bóng gió, có phần dè chừng như vậy. Nhưng cũng chính vì vậy mà Chúa Giêsu buộc hai ông phải nói rõ ra: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” (Mc 10:36). Bây giờ là lúc họ cần phải nói “huỵch toẹt”, không giữ gìn ý tứ gì nữa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10:37).
Hai ông thật là cả gan! Sự cả gan này có thể được coi là bằng chứng của niềm hy vọng vào Chúa Giêsu, mà theo suy nghĩ của hai anh em ông, là Đấng sớm muộn sẽ khôi phục vương triều Đavít vinh quang thuở xưa. Giacôbê và Gioan muốn ở bên hữu và bên tả Chúa Giêsu trong vinh quang của Ngài, trong Vương quốc của Ngài. Chỉ vậy thôi! Các ông là những môn đệ được kêu gọi đầu tiên, thậm chí là hai trong ba người bạn gần gũi nhất của Chúa Giêsu, nhưng vẫn chưa hiểu gì về kế hoạch của Thầy mình. Họ tưởng rằng Chúa Giêsu sắp tổ chức một vương quốc trên trần thế này, và đã đến lúc tranh thủ giành trước những địa vị tầm cỡ nào đó!
Đây thật là một khoảnh khắc hiếm hoi trong Tin Mừng khi bản tính tranh giành hơn thua của con người lộ ra một cách trần trụi như vậy. Quả thực, việc tranh giành này diễn ra ngay sau lần thứ ba Chúa Giêsu long trọng tiên báo cuộc khổ nạn của Ngài: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Ngài và sẽ nộp Ngài cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Ngài, khạc nhổ vào Ngài, họ sẽ đánh đòn và giết chết Ngài. Ba ngày sau, Ngài sẽ sống lại” (Mc 10:33-34).
Ngay trong lần thứ hai Chúa Giêsu báo trước về cuộc khổ nạn của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết chết, Ngài sẽ sống lại” Thánh sử Máccô nói rất rõ: “Nhưng các ông không hiểu lời đó…các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9:31- 34).
Có lẽ hai anh em ông suy tính rằng những địa vị lớn lao cần phải có sự liên kết chặt chẽ với quyền lực của Vị Thầy đầy quyền năng, một gắn kết toàn diện vì lợi ích tương lai. Lời yêu cầu của hai anh em ông cũng có thể dựa trên lời hứa: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm…” (Mc 10:28). Điều này còn rõ hơn trong Tin Mừng Thánh Mátthêu: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel” (Mt 19, 28).
Nhưng đối với Chúa Giêsu thì tòa xét xử, hay ghế ngồi của quan chức nơi trần gian, không xác định địa vị cao thấp trong Nước Trời, và đó không phải là việc của Ngài: “Việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho” (Mc 10:40). Qua lời này, Chúa Giêsu mặc khải ý nghĩa trọn vẹn về con đường của Ngài, về cuộc hành trình lên Giêrusalem mà Ngài đang thực hiện, vốn tạo nên bối cảnh của câu chuyện hiện tại. Đó không chỉ là một vấn đề với các môn đệ đang theo Ngài mà còn đối với chính Ngài: tự do chấp nhận tiến tới Cuộc Khổ Nạn và phó thác chính mình vào Thiên Chúa Cha với niềm tin tưởng trọn vẹn.
- Lời cảnh báo cho chúng ta, những môn đệ hôm qua và hôm nay
Dẫu sao Chúa Giêsu cũng cảnh báo ý định của anh em nhà Giêbêđê khi họ thúc giục Ngài thực hiện mong muốn của họ, vì nó bộc lộ thói tranh giành địa vị “ăn trên ngồi trước” hơn những người khác: “Giữa anh em thì không được như vậy” (Mc 10:43).
Lời cảnh báo được gửi đến tất cả các môn đệ của ngày hôm qua và ngày hôm nay. Mong muốn thống trị người khác hoàn toàn không phải là đặc quyền của Giacôbê, Gioan và những ai muốn theo Chúa Kitô. Dù mọi quyền hành hợp pháp đều đến từ chính Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu khẳng định trước mặt Philatô sau này: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19:11) nhưng Chúa Giêsu cũng cảnh báo chống lại ảo tưởng nhìn thấy nơi Ngài một Đấng Cứu Thế đánh đuổi người La Mã ra khỏi Israel, giải phóng dân Do thái, thiết lập triều đại của Ngài theo cách “thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (Mc 10:42). Giấc mơ cố hữu về một chế độ chính trị thần quyền, do Giáo hội nắm giữ, vẫn còn là một cám dỗ đối với nhiều tín hữu hôm nay. Lời Chúa Giêsu vẫn mãi là một thử thách với những ai muốn bước theo Ngài: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36).
- Hạ mình đến chết trên thập giá
Đối với Chúa Kitô, việc sử dụng quyền lực đúng đắn là phục vụ người khác. Việc phục vụ của Chúa Kitô đi xa đến độ hạ mình xuống thành thân phận nô lệ mà Thánh Phaolô mô tả dưới ánh sáng Thập Giá: “Ngài hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíp 2, 7-8).
Đó là việc hủy diệt chính mình cho đến khi không còn lại gì, “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45). Như vậy, con đường dẫn Chúa Giêsu đến vinh quang trên toàn Vũ trụ là con đường nhục nhã của thập giá và cái chết mà Ngài tự chấp nhận theo Thánh Ý Chúa Cha: “Chén Thầy sắp uống…phép rửa Thầy sắp chịu” (Mc 10:39). Do đó người theo Chúa Kitô “một khi cùng chịu đau khổ với Ngài, được thông phần đau khổ của Ngài…cũng được thông phần vinh quang của Ngài” (Rm 8:17).
Con đường để đạt tới “chỗ ngồi bên tả bên hữu” Chúa Kitô chính là những Thập Giá mỗi ngày mà những ai bước theo Ngài cần sẵn lòng chấp nhận và thậm chí mộ mến. Những Thập Giá mỗi ngày đó, dù muốn dù không, là điều không tránh khỏi, và dành cho những môn đệ của Chúa Giêsu, giống như thập giá dành cho hai tên trộm cướp: “Bên cạnh Ngài, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái” (Mc 5:27). Chỉ khác một điều, liệu chúng ta có như người trộm lành, trong đau khổ chết chóc trên thập giá, nhận ra phận tội lỗi của mình: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái đâu!” (Lc 23:41), biết tin tưởng vào Đấng chịu đóng đinh và kêu lên: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42). Đây mới đích thực là chỗ ngồi bên hữu và bên tả Con Người trong giờ Thương Khó vinh hiển của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã bảo hai anh em nhà Giêbêđê: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38).
Chén, đối với các ngôn sứ, không chỉ là biểu tượng của đau khổ, mà là “chén lôi đình, chén nồng choáng váng” dành cho dân tội lỗi, như tiên tri Isaia đã kêu lên: “Thức dậy, thức dậy đi, đứng lên nào, Giêrusalem hỡi! Từ tay Chúa, ngươi đã nhận, đã uống chén lôi đình, ngươi đã cạn chén nồng choáng váng” (Is 51,17). Đó là chén đích đáng dành cho dân tội lỗi mà Chúa Giêsu sẽ uống! Chúa Giêsu đang nói đến một huyền nhiệm, đó là cái chết, một cái chết trong bạo lực, bất công, khủng khiếp của một Đấng vô tội, nhưng lại là “giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).
Nhưng hai môn đệ tự tin chắc chắn: “Các ông đáp: Thưa được” (Mc 10:39). Các ông không chùn bước, miễn là đạt được mục đích, là tham gia vào quyền lực của Đấng Mêsia. Các ông vẫn tin rằng người ta vào Nước Thiên Chúa như khải hoàn bước vào một tòa thành; rằng bước theo Chúa Giêsu là chinh phục được những vùng đất và có quyền lực như những chiến lợi phẩm.
Một lần nữa, Chúa Giêsu lại kiên trì và hiền từ giải thích: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10: 45). Và chuẩn mực đó chiếu sáng những gì Ngài đang thực hiện trong hiện tại và soi tỏ những gì các môn đệ của Ngài sẽ làm theo Ngài trong tương lai. Hai anh em Giacôbê và Gioan sẽ theo Chúa Giêsu trên con đường phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người, và họ cũng sẽ sẵn lòng chấp nhận cái chết. Tất cả chúng ta cũng vậy khi giờ đến (Ga 17:1). Đó là con đường mà sớm hay muộn tất cả mọi người theo Chúa Kitô đều bước vào, nhưng không phải bước vào cõi chết tăm tối phi lý và vô nghĩa mà bước vào sự sống đời đời với Đấng Phục Sinh, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4: 14-16).
Phêrô Phạm Văn Trung