“Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi”. Thánh Gioan Tẩy giả tự trả lời về mình như thế cho những người Do thái chất vấn ông.
“Tiếng kêu trong hoang địa”. Nói đến hoang địa là nói đến một môi trường chưa được sử dụng, chưa được khai phá. Môi trường đó còn âm u, đầy dẫy nguy hiểm. “Tiếng kêu trong hoang địa” là tiếng kêu giữa mênh mông, giữa những âm u nguy hiểm đó.
Nhưng dù nói là kêu trong hoang địa, và bản thân thánh Gioan đã từng sống trong hoang địa, nhưng ngài đã không hô to một lời nào trong suốt những năm tháng sống một mình ở nơi ấy.
Ngược lại, bây giờ, để thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình, thánh Gioan đã rời hoang địa, đi vào làng mạc và cất tiếng rao giảng kêu gọi lòng sám hối ăn năn.
Hóa ra hoang địa nhưng không là hoang địa thiên nhiên, không là một môi trường nào đó mà thánh Gioan đã từng sống.
Bởi thế, khi áp dụng hình ảnh tiếng kêu trong hoang địa của tiên tri Isia đã loan báo trong Cựu ước để nói về chính mình, điều mà thánh Gioan nhắm đến chính là tâm hồn con người. Nếu hoang địa là mênh mông, là âm u, nguy hiểm, thì hoang địa tâm hồn còn đáng sợ, và nguy hiểm hơn.
Cách đây vài năm, một lần kênh truyền hình HTV7 chiếu bộ phim Hòn đá lăn tròn do Mêhycô sản xuất. Có thể nói nhân vật chính trong phim, luật sư Prado, là đại diện của một thứ hoang địa tâm hồn. Đúng là hòn đá lăn tròn. Địa vị, tiền bạc đã làm cho luật sư lăn theo nó quay tít như một hòn đá tuột dốc.
Ông là kẻ kiêu căng, ích kỷ, tính toán và đầy tham vọng. Tất cả những tính xấu đó lớn trong ông đến nỗi biến ông thành một kẻ thủ đoạn không thể tả. Ông bất chấp tất cả dù người đó là vợ ông, con ông, quảng gia của ông, hoặc những người cùng làm việc với ông, miễn sao đạt được quyền cao chức trọn, đem lại danh vọng cho ông, cho chính ông mà thôi.
Có những lần ông nhắc tới Chúa. Nhưng Chúa không còn ở trong tâm hồn ông nữa. Có nhắc tới Chúa chẳng qua chỉ là xảo thuật, nhằm gây lòng tin cho ai đó để họ tin vào chính bản thân ông, chứ không phải vào Chúa, để rồi biến Chúa trở thành phương tiện phục vụ chính ông, phục vụ con người đầy thủ đoạn của ông…
Cám dỗ của địa vị, tiền bạc đã làm cho mảnh đất tâm hồn luật sư Prado trở thành hoang địa. Một thứ hoang địa nghiệt ngã và đầy đớn đau. Đáng tiếc thương cho một kẻ quá khôn ngoan đối với cái lợi riêng bản thân của đời này, nhưng lại quá dại khờ khi mỗi một ngày sống là mỗi một một ngày ông tự đào sâu thêm cái hố, vốn đã làm cho ông xa rời mọi người, xa rời lòng thương yêu dành cho những người cùng sống với ông, đặc biệt là vợ con ông, càng trở thành xa diệu vợi hơn với ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Cái hố sâu thăm thăm thẳm mà cả một đời ông tạo ra, đã không thể lấp đầy, vì thế đã chôn ông dưới đáy của nó. Bởi đó, ở phần cuối bộ phim, nó đã biến một luật sư như luật sư Prado uy quyền là thế, tiếng tăm là thế, đã từng được mọi người nể phục, vậy mà giây phú cuối đời, ông đã phải cô đơn đến mức tuyệt vọng. Ông đã muốn lấp đầy cho nỗi cô đơn, cho sự tuyệt vọng của mình bằng những tiếng hét, tiếng rú kinh hồn. Càng cố rú lên bao nhiêu, thì không chỉ tiếng rú, mà là cả con người ông, cả mạng sống của ông càng rơi vào mênh mông bao la bấy nhiêu. Bộ phim kết thúc trong nỗi bi đát tận cùng cho một sự kết thúc đời người của luật sư Prado đầy tăm tối…
Bạn có thấy, hoang địa tâm hồn thật nguy hiểm? Nó chỉ toàn là hận thù, là thủ đoạn. Một thứ hoang địa đầy dẫy nỗi chết chóc, cho nên rất cần những “tiếng kêu trong hoang địa” giúp ta “sửa lại cho ngay đường Chúa đi”, nghĩa là chỉnh đốn tâm hồn mình.
Sửa lại tâm hồn để ta trở thành người ngay chính, để đừng bao giờ là một Prado trong cõi đời này.
Bởi nếu mang hình ảnh Prado, ta sẽ là kẻ bị cuốn trôi bởi mọi thứ hào nhoáng, mọi ảo ảnh hạnh phúc mà quên mất ánh sáng thật, hạnh phúc thật. Là Prado, ta cứ mải miết chạy theo “cơm áo gạo tiền”. Tệ hại hơn, mãi chạy theo thủ đoạn để tìm danh vọng, tìm của cải, để thăng quan tiến chức, để làm giàu… mà quyên đi hay cố tình quên đi các bổn phận đạo đức, bổn phận xưng tội, rước lễ, nghe Lời Chúa…
Hãy sửa lại tâm hồn, để tâm hồn trở nên ngay chính. Với tâm hồn ngay chính, ta sẽ đủ sức mạnh đặt mình đứng đối diện với cám dỗ mà chống trả, mà lớn lên trong lẽ sống đức tin,
Trên tất cả, bạn và tôi hãy khắc ghi lời thánh Gioan Tẩy giả: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi”.
Đó là lời kêu gọi của một thời đã xa. Đó là lời kêu gọi còn mới nguyên qua mọi thời đại.
Nhưng cũng là lời mà hôm nay thánh Gioan ngỏ với bạn và tôi: “Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi”, sửa cho ngay tâm hồn của chúng ta.
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng