Tin Mừng Mátthêu hôm nay trình bày cho người đọc thấy Thiên Chúa mạc khải chính Ngài cho tất cả mọi người, không phân biệt ai, dù là người Do thái hay dân ngoại phương xa, như các đạo sĩ từ Phương đông. Thiên Chúa mạc khải chính mình qua Chúa Giêsu, Vị Vua mà con người cần tìm đến.
- Tìm kiếm Thiên Chúa để thờ phượngNgài
Các đạo sĩ từ phương đông đến Giêrusalem để tìm kiếm vị vua mới sinh của dân Do Thái. Các đạo sĩ này đi khắp Giêrusalem để hỏi dân chúng xem vua ở đâu vì họ thấy ngôi sao của ngài xuất hiện và đến để thờ lạy ngài: “Có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Ngài xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài” (Mt 2:1-2). Các đạo sĩ này là ai? Tiếng Hy Lạp sử dụng từ μάγοι – Magoi – nghĩa là những “đạo sĩ” hay “nhà thông thái”. Họ là những “chuyên gia” về chiêm tinh nhưng kiến thức chuyên môn của họ có thể bao quát hơn, bao gồm cả y học, tiên tri và giải mộng. Họ được người cùng thời coi là những người khôn ngoan trong việc giải thích ý nghĩa các vì sao. Họ từ phương đông đến nghĩa là họ đến từ Babylon, Ba Tư hoặc Ả Rập. Vậy đây là những nhà chiêm tinh của dân ngoại ở phương đông. Không phải là vô lý khi nghĩ rằng đoàn của họ không chỉ có ba người. Có thể họ có cả một đoàn tùy tùng đông đảo vì khoảng cách di chuyển là rất xa, từ khu vực Babylon, Ba Tư, Ả Rập đến Giuđêa. Họ đi hàng trăm dặm để tìm Vị Vua mới sinh theo cách giải thích thiên văn của họ.
Qua ngôi sao lạ, Thiên Chúa dẫn dắt những nhà chiêm tinh này tìm ra Vị Vua và thờ lạy Ngài. Thiên Chúa dùng khoa học đương đại của họ để cho thấy có một Vị Vua mà bất cứ ai, dù ở phương trời nào, cũng cần phải thờ phượng. Các nhà thông thái phương Đông này, đại diện cho các dân tộc ngoại giáo trên thế giới vào thời Chúa Giêsu, đã bắt đầu tìm thấy nơi Chúa Giêsu câu trả lời cho việc tìm kiếm và thực hiện các khát vọng sâu xa trong cõi lòng của họ.
Tôi có như các nhà thông thái phương đông, đi tìm Hài Nhi Giêsu và thấy Ngài là một Vị Vua đáng thờ lạy không? Tôi có hiểu ý nghĩa của việc thờ lạy như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ bảo không: “Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là thờ lạy. Thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, là Chúa và Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót” (số 2096)?
- Sứ điệp đầu tiên của Vị Vua: sự chống báng.
“Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao” (Mt 2:3) Tại sao thế? Các nhà thông thái tuyên bố vua dân Do Thái đã ra đời và đang “tìm đến bái lạy Ngài.” Phản ứng của người dân Giêrusalem và các nhà lãnh đạo không phải là sự phấn khởi do sự xuất hiện của Vị Vua đến cứu dân mình. Không, họ không vui mừng, trái lại họ cảm thấy hoảng hốt và bối rối trước tin tức này. Hêrôđê và Giêrusalem chưa sẵn sàng đón nhận Vị Vua. Thực ra, họ rất lo sợ trước tin Ngài đến.
Vì vậy, các thượng tế và kinh sư của Giêrusalem được Hêrôđê triệu tập “hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu” (Mt 2:4) Họ trả lời rằng: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2:5) Đây là lời của tiên tri Mica trong chương 5, câu 1. Các thượng tế và kinh sư trích dẫn đoạn văn liên quan đến việc “vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời”. Lẽ ra khi trích dẫn lời này của tiên tri Mica, họ phải cảm thấy vô cùng phấn khởi, tràn đầy hy vọng và niềm vui, vì Vị Vua sẽ đưa dân trở lại và chăn dắt dân mình trong sức mạnh của Thiên Chúa: “Ngài sẽ chăn dắt, dựa vào quyền lực Thiên Chúa của ngài. Và dân chúng sẽ được an cư” (Mica 5:3). Thế nhưng, trái lại, một bầu không khí căng thẳng bao trùm. “Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện” (Mt 2:7). Ông ta làm ra vẻ cũng quan tâm đến việc thờ phượng Vị Vua giống như những nhà thông thái này. Ông bảo các nhà thông thái: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Ngài” (Mt 2: 8). Nhưng mục đích của ông ta không phải là tôn thờ mà là tiêu diệt Hài Nhi (2:13).
Phản ứng đầu tiên mà quyền lực thế trần dành cho Chúa Giêsu là thái độ thù địch. Chúa Giêsu khiến sự thù địch lộ diện. Tại sao lại có sự thù địch như thế? Hêrôđê, vua xứ Giuđêa, không bao giờ chấp nhận phục tùng một vị vua nào khác ở vùng đất này. Ông sợ mất quyền lực, và để duy trì sự kiểm soát dân, ông ta sẵn sàng giết bất cứ ai mà ông ta coi là đối thủ. Đó là lý do thực sự cho sự thù địch chống lại Chúa Giêsu. Tác giả thánh vịnh cho thấy rõ: “Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ chống lại Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương” (Tv 2:2).
Chúng ta không muốn phục tùng một vị vua nào hết. Chúng ta muốn làm vua trên cuộc đời của chính mình. Chúng ta không muốn ai bảo chúng ta điều gì đúng và điều gì sai. Không có quy tắc nào dành cho tôi, vì tôi tự do, tôi là chủ nhân của chính mình. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu đặt chúng ta trước sự chọn lựa: theo Ngài, đón nhận Ngài là Chúa, là Vua, lắng nghe và làm theo Lời Ngài hoặc chống lại Ngài như có lần Ngài nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11:23).
- Dửng dưng trước sự hiện diện của Thiên Chúa
Trước sự xuất hiện của Chúa Giêsu các thượng tế và kinh sư đã làm gì? Họ không làm gì cả. Họ thờ ơ. Họ biết kinh thánh. Họ có thể hiểu được kinh thánh đang nói về điều gì. Nhưng Sách Thánh không tác động gì đến tấm lòng của họ. Họ không quyết tâm đi theo các nhà thông thái cho đến khi gặp được Chúa Giêsu. Họ không muốn tìm kiếm Vị Vua mới.
Đây cũng có thể là tình trạng của chúng ta. Chúng ta có thể biết kinh thánh, nhưng Lời Chúa chưa khiến cuộc đời chúng ta biến đổi. Các tín hữu làm những việc khiến bản thân trông có vẻ giữ đạo nhưng chẳng có bao nhiêu thực chất. Sự sùng kính của họ dành cho Thiên Chúa có nguy cơ chỉ là lễ nghi bề ngoài. Chúa Giêsu chỉ còn là một mối quan tâm thoảng qua. Chúng ta sẽ không thù địch chống lại Chúa Giêsu và những người theo Ngài. Nhưng chúng ta cũng sẽ không cống hiến hết mình, không làm gì nhiều cho Chúa Giêsu. Người ta không cần đến Thiên Chúa trong một thế giới ngày càng dửng dưng, thiếu hiểu biết về tâm linh, dẫn đến tinh thần sa sút. Sự dửng dưng tâm linh là bởi sự thiếu nghiêm túc đối với những câu hỏi lớn của cuộc đời: Tôi có tin vào Thiên Chúa không? Tôi dành cho Thiên Chúa bao nhiêu chỗ trong đời tôi? Tôi có hành xử theo Lời Chúa không? Lễ nghi, kinh sách…có giúp tôi lên đường tìm gặp và thờ lạy Chúa Giêsu, Vua các vua, tôn vinh Ngài là Đấng Cứu độ và là Đấng Emmanuel đang sống giữa chúng ta không?
Cuộc sống của chúng ta vốn bị khép kín trong vòng tròn lao nhọc kiếm miếng ăn, vui chơi, nghỉ ngơi, sanh con đẻ cái…khiến chúng ta dễ quên những điều cao cả. Sự dửng dưng này là dấu hiệu của thời đại ngày càng bị tục hóa, ảnh hưởng bởi lối nghĩ mọi thứ đều là tương đối.Chúng ta biết quá nhiều về những điều nhỏ nhặt và quá ít về những điều lớn lao. Chúng ta không còn muốn nhìn các vì sao trên trời cao và tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Tôi còn muốn đi tìm ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình trong thế giới này không? Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, có phải lả điểm quy chiếu cho mọi tâm tư, lời nói, hành vi và thái độ của tôi không? Đây cần phải là những câu hỏi dành cho tôi, vào lúc này hay lúc khác, nhất là trong những khoảnh khắc tự ý thức lặng lẽ và tỉnh táo nhất.
- Tôn thờ Thiên Chúa cách đích thực
Các thượng tế và kinh sư của Giêrusalem và Hêrôđê không nhìn thấy ngôi sao nào, bởi vì họ không chăm chú tìm kiếm những sự trên trời. Họ bận tâm và mải mê những chuyện dưới phàm trần, ngay cả việc thờ phượng Thiên Chúa cũng chỉ là việc tế tự tôn giáo, là nghi lễ khói hương, che giấu quyền lực và quyền lợi phía sau.
Liệu tôi cũng có phần nào như họ, đúng như Chúa Giêsu nói sau này: “Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mt 15:7-9)?
Trong khi đó các đạo sĩ đã đi một quãng đường rất xa, hy sinh nhiều thứ để tìm kiếm Chúa Giêsu. Họ sẽ không dừng lại cho đến khi họ tìm thấy Chúa Giêsu. Khi tìm được Chúa Giêsu, họ tôn thờ Chúa Giêsu bằng những lễ vật đắt giá.
Đây là bản chất của sự tôn thờ. Tôn thờ không phải là đến nhà thờ nhưng cõi lòng vẫn dửng dưng, tâm hồn mơ màng ở một chốn mông lung nào đó. Tôn thờ không có nghĩa là làm cho xong các nghi lễ luật định. Tôn thờ là tuyên bố Thiên Chúa cao cả trên hết mọi thứ trong cuộc đời để rồi chúng ta dám dâng hiến mọi thứ và cả cuộc đời mình cho Ngài. Chúng ta thấy điều này ở những nhà thông thái này: “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng” (Mt 2:10). Thật là niềm vui lớn lao đến độ khi họ đã tìm thấy Hài nhi, họ “sấp mình thờ lạy Ngài” (Mt 2;11). Tôn thờ Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta tìm kiếm Ngài trong vui mừng, nhất là khát mong được sống với Ngài, và nhờ Ngài, được sống với mọi người, như anh chị em một gia đình, trong mầu nhiệm hiệp thông, như Thánh Phaolô diễn tả trong bài đọc thứ hai: “Mầu nhiệm đó là: trong Chúa Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:6).
Phêrô Phạm Văn Trung.