HÃY XIN LỖI

“Ơn gọi” thường là đề tài được nhiều linh mục vận dụng nhất khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay. Bởi bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên. Mùa Thường Niên lại thường được xem là mùa Chúa khởi đầu hoạt động công khai thì quả là hợp khi suy tư về ơn gọi, ơn cộng tác với Chúa đi hoạt động.

Nhưng cũng có một đề tài khác, đi trước đề tài ơn gọi, tuy thích hợp cho Mùa Chay, nhưng cũng không kém phù hợp cho những ngày này, đó là đề tài “sám hối”. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

Lời giảng đầu tiên của Chúa là như thế, mà có lẽ cũng là đề tài chính cho Chúa Nhật này luôn chăng vì bài đọc I cũng lại là Jona rao giảng sám hối cho dân Ninivê, và chữ nghiêng (như tóm tắt) đầu đoạn Tin Mừng, cũng là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ tông đồ của Người bằng lời kêu gọi tha thiết: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

Thời đã mãn, nghĩa Kinh Thánh thì khác, nhưng nghĩa ta muốn ứng dụng lại quả phù hợp để chọn đề tài sám hối: thời đã mãn, tức năm Canh Tí đã gần hết, Nước Chúa gần là Tết đến bên, Xuân Tân Sửu ló dạng, anh em hãy sám hối. Cuối năm xét mình hối cải cũng phù hợp, nhưng nhất là ta đang ở cuối tuần lễ cầu cho hợp nhất, mà sám hối lại là nền tảng đặt móng cho toà nhà hợp nhất.

Khi ĐGH Gioan 23 và nhất là ĐGH Phaolo 6 nói về sự phân li trong Kitô giáo: Công giáo, Chính Thống, Tin Lành… thì đã lần đầu tiên xuất từ miệng thủ lãnh tối cao của Công Giáo câu này: “lỗi ở cả hai phía.” Đó đã là một bước đại nhảy vọt diễn tả sự sám hối. Tuy 50% : lỗi ở cả hai phía, nhưng đã tiến bộ lắm để đến đức giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị, thì nhận lỗi về phía mình luôn.   

Giả như năm 1054, năm mà cuộc ly khai Đông và Tây tràn ly nước, giá như lúc đó bên Công Giáo (Tây) cử một nhà ngoại giao mềm mỏng thay cho ĐHY Humberto nóng tính, và bên Đông (Chính Thống) có một người trưởng đoàn khiêm tốn hơn Thượng Phụ Cerularius hơi cao ngạo, thì đâu đến nỗi hai bên ném vạ tuyệt thông cho nhau, và phải đợi đến hơn 900 năm sau, ngày 7-12-1965, tại Roma, ĐGH Phaolo 6 và tại Constantinop, Đức thượng Phụ Athenagoras đã cùng một lúc cất vạ tuyệt thông lẫn nhau.

Còn cuộc ly khai Tây và Tây: Công Giáo và Tin Lành: giả như lúc đó, năm 1517, bảng 95 luận đề của Luther được giáo hội nghiêm chỉnh xét mình sám hối, và Luther cũng không nóng vội lìa xa Hội Thánh, thì đâu xảy ra việc chiếc áo không đường may của Chúa Giêsu bị chia ra thành trăm mảnh. Đúng là lỗi ở cả hai bên, nhưng bên Công Giáo với đa số áp đảo tự nhận mình lỗi 50%, chứ không phải tứ lục 40-60, lỗi bên kia nhiều hơn, đã là bước tiến xa trên con đường sám hối để hợp nhất.

Năm 2000, ĐGH Gioan Phaolô 2 còn mạnh mẽ hơn nhiều khi nhận lỗi về mình, khi đứng ra xin lỗi anh em Chính Thống vì trong quá khứ đã nhiều lần Công Giáo đè nén giáo hội họ, kể cả đè nén bằng vũ lực.  

Người Công giáo tự hào, không phải vì họ không có lỗi, nhưng tự hào vì mình có một vị giáo hoàng đã làm cho lời xin lỗi trở thành chìa khóa mở cánh cửa cho sự hòa giải. Phóng viên Luigi Accattoli trong lúc viết cuốn “Khi Đức Giáo Hoàng ngỏ lời xin lỗi”, cho thấy Đức thánh cha là hiện thân của sự hòa giải. Dường như ngài là một nhà lãnh đạo biết xoa dịu lòng người bằng lời xin lỗi, ngay cả khi đó không phải là lỗi của chính mình.

Ngay khi còn ở Ba Lan, Đức thánh cha, mà ngày ấy còn là Đức Tổng Giám mục Karol Wojtyla đang coi sóc giáo phận Kracovi, trước khi Công Đồng Vatican II kết thúc năm 1965, đã thay mặt Hội Đồng Giám mục Ba Lan gởi một lá thư có nội dung xin lỗi đến Hội Đồng Giám mục Đức. Và qua Hội Đồng Giám mục Đức, Hội Đồng Giám mục Ba Lan cũng ngỏ lời xin lỗi người dân Đức. Lời lẽ trong thư hết sức dịu ngọt: “Chúng tôi tha thứ và xin được tha thứ”.  Lẽ ra người Đức phải xin lỗi người Ba Lan mới đúng, vì trong thế chiến thứ hai, chính Đức Quốc xã đã tàn sát người Ba Lan. Nhưng Hội Đồng Giám mục Ba Lan, trong đó có Đức Tổng Giám mục Karol Wojtyla, người mà sau là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (Cả), đã lên tiếng trước để xóa bỏ sự thù hận mà chiến tranh gây ra, để hai dân tộc Đức- Ba lan có thể hiệp thông với nhau.

Và vì thế Chúa Nhật 12/3/2000, dưới sự chủ toạ của ĐGH Gioan Phaolô II, 5 vị Hồng Y và 2 giám mục đọc lên 7 lỗi lầm mà Giáo Hội nghĩ là con cái Giáo Hội Công giáo đã lỗi phạm trong quá trình lịch sử của Giáo Hội.

Những vị đọc những lời nguyện này gồm có Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (sau đó làm giáo hoàng Benedictô 16) xin Chúa và đồng loại tha những lỗi về phục vụ chân lý, Đức Hồng Y Roger Etchegaray về những lỗi lầm chống lại thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, Đức Hồng Y Edward Cassidy về tổn thương hợp nhất và Đức TGM Nguyễn văn Thuận đọc lên những lỗi lầm chống lại công lý và hòa bình, v.v…

ĐGH Phanxicô đương nhiệm thì khỏi sợ là ngài không dám xin lỗi! Khi một ký giả hỏi ngài, “thưa ngài Bergoglio, ngài tự nhận mình là ai?” ĐGH buột nhanh câu trả lời mà sau đó ĐGH nói không ngờ đúng đến vậy: “tôi là một người tội lỗi.”

Trong đời sống mỗi ngày, ta vẫn thường chứng kiến bao nhiêu rạn nứt dẫn đến chia rẻ: vợ chồng ly dị nhau; hai người bạn đang chơi thân, nhưng vì một lý do nào đó trở thành thù địch; anh em ruột không nhìn nhau nữa; biết bao nhiêu cảnh chém giết, thưa kiện nhau chỉ vì một lời nói gây tự ái, vì của cải, vì đất đai… Những lúc căng thẳng đó, rất cần lời xin lỗi và lòng tha thứ. Đó là những việc cụ thể mà ta có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Chỉ có một tâm hồn sám hối mới có thể hợp nhất và hòa thuận.

Một lần Chúa Giêsu hiện ra với cha Giovani tỏ lòng thương yêu và khen giáo dân của ngài, vì họ làm đẹp lòng Chúa. Cha liền thưa với Chúa:

– Lạy Chúa, chắc là vì họ sốt sắng thờ phượng Chúa?

Chúa lắc đầu, cha hỏi tiếp:

– Có thể là vì họ biết cảm tạ Chúa?

– Cũng không phải thế.

Cha Giovani suy nghĩ một lúc rồi thưa:

– Hay là vì họ biết kêu xin Chúa ban ơn nầy ơn nọ?

Chúa Giêsu cũng lắc đầu nói:

– Con đoán sai cả rồi. Điều mà giáo dân của con làm cho Ta vui lòng nhất là họ biết nài xin mỗi khi cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương tha tội chúng con, vì chúng con là kẻ tội lỗi…

Còn danh hoạ Leonardo da Vinci khi vẽ bức tranh “Bữa Tiệc ly” của Chúa Giêsu, ông có việc cãi vã với một người và đi đến xô xát nhau. Sau đó, ông vào phòng làm việc cầm cọ lên định vẽ gương mặt của Chúa, nhưng ông không phác họa được nét nào. Ngồi mãi không vẽ được, buộc lòng ông phải quyết định làm một việc mà ông tin chắc nó sẽ giúp ông vẽ được gương mặt Chúa… Ông đặt cọ xuống, đi thẳng đến gặp người ông vừa ẩu đả, và làm hòa. Sau đó, ông trở lại phòng làm việc, và vẽ được gương mặt Chúa dễ dàng.

Hãy sám hối vì đã cuối năm và hãy sám hối vì phá vỡ sự hợp nhất Kitô giáo, sự hợp nhất trong gia đình. Hãy thử đi bước đầu:  lỗi cả 2 phía đã. Chàng nói: “Em có lỗi, nhưng anh biết anh cũng có lỗi nữa,” để có thể một ngày nào đó chàng nhận lỗi về mình: “tha cho anh vì anh có lỗi với em.”

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

Chia sẻ Bài này:

Related posts