Trong cuộc đời đầy dẫy gian dối lọc lừa, thì trung thực là một đức tính cao đẹp đáng được tán dương.
Ai cũng muốn đứng trên bệ cao
Sống ở đời, ai cũng muốn đứng lên “bệ cao”, để cho người khác nhận thấy mình cao lớn hơn, vĩ đại hơn, vinh quang hơn con người thật sự của mình. Làm như thế là không trung thực. Đây cũng là một hình thức lừa dối những người chung quanh cũng như tự lừa dối mình.
Những người Pha-ri-sêu thời Chúa Giê-su muốn dùng những hình thức như “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là Thầy”… như những thứ “bệ cao” làm cho họ “cao lớn” hơn trước mặt người đời. (Mat-thêu 23, 5-7)
Trong xã hội hôm nay cũng thế, người ta đua nhau tìm kiếm và cố đứng trên những “bệ cao” đủ loại để tỏ cho người khác thấy mình có giá trị và đáng được trọng nể. Đối với người nầy, “bệ cao” có thể là những món trang sức xa hoa đắt giá; đối với người kia, “bệ cao” có thể là những cơ ngơi đồ sộ, xe hơi sang trọng, vân vân… Và để có được những thứ “bệ cao” nầy, nhiều người sẵn sàng bán rẻ lương tâm, phẩm giá, danh dự của mình hoặc làm thiệt hại nặng nề cho người khác.
Ông Gioan Tẩy Giả, một mẫu người rất trung thực
Trong khi đó, Gioan Tẩy Giả từ khước mọi thứ “bệ cao”. Thay vì vui sống chốn phồn hoa đô hội thì ông lại thu mình vào nơi hoang địa khô cằn; thay vì ăn mặc lụa là gấm vóc như các người quyền quý thì ông lại khoác bộ da thú lên người làm áo che thân; thay vì ngày ngày thưởng thức cao lương mỹ vị thì ông chấp nhận ăn uống đạm bạc qua ngày bằng những thứ cào cào, châu chấu hoặc may lắm là kiếm được chút mật ong hiếm hoi trên rừng.
Gioan Tẩy Giả luôn luôn trung thực, trung thực với chính mình và với mọi người, có sao nói vậy và không cần bất cứ một thứ “bệ cao” nào để tôn mình lên.
Thời bấy giờ, danh tiếng của Gioan đang lên. Có luồng dư luận cho rằng ông là Đức Ki-tô; có những người khác tưởng lầm ông là ngôn sứ Ê-li-a vĩ đại giáng thế; có người nghĩ rằng với tầm cỡ của ông, ít ra ông phải là một vị ngôn sứ cao cả nào đó…
Thế mà khi những người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử các thầy tư tế và Lê-vi đến hỏi cho biết ông là ai, ông không nhận vơ cho mình những danh hiệu cao đẹp mà người đương thời gán cho ông như là đấng Ki-tô, là ngôn sứ Ê-li-a… Ông thẳng thắn xác nhận: “Tôi không phải là đấng Kitô, tôi không phải là ngôn sứ Ê-li-a, tôi cũng chẳng phải là một ngôn sứ nào cả.” (Gioan 1, 19-20)
Vậy họ hỏi ông: “Vậy ông là ai? Ông hãy trả lời cho chúng tôi biết ông là ai để chúng tôi còn phải tâu trình lại cho người người đã sai chúng tôi đến đây.” Bị ép quá, Gioan mới trả lời rằng: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa.” Đó là một phát biểu rất trung thực và cũng rất khiêm tốn về bản thân mình. (Gioan 1, 22-23)
Bấy giờ, đang khi nhiều người nghĩ rằng phép rửa của Gioan thiêng lắm, quan trọng lắm nên đổ xô đến cùng ông và nhận phép rửa bởi tay ông, thì chính Gioan lại cho rằng phép rửa ông cử hành chỉ là phần chuẩn bị cho một phép rửa khác quan trọng hơn, do một Đấng cao cả sẽ đến cử hành. Ông nói: “Tôi đây chỉ làm phép rửa bằng nước. Nhưng có một đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Ngài sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” (Gioan 1, 26-27). Người ấy sẽ rửa các ông trong Thánh Thần.
Như thế, khiêm nhường và trung thực là hai đức tính nổi bật của Gioan đáng cho chúng ta học hỏi và noi theo.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết học với thánh Gioan Tẩy Giả để sống trung thực với mình và nhất là đừng cố tìm cho mình những thứ “bệ cao” phù phiếm đến nỗi phải bán rẻ danh dự, lương tâm.
Xin cho con hiểu rằng muốn trở nên cao cả thực sự, thì không phải là tìm cách đứng lên những chiếc “bệ” thật cao nhưng là trau dồi các nhân đức và đào luyện cho mình có những phẩm chất cao đẹp.
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà