HƠN CẢ SỰ CHỮA LÀNH

Tại sao chúng ta lại bị bệnh? Là những người có đức tin, những Kitô hữu, chúng ta biết rằng nhiều người trong chúng ta cũng hỏi một câu hỏi tương tự: tại sao Thiên Chúa lại để chúng ta bị bệnh? Một số người mắc bệnh rất nhẹ, trong khi những người khác phải nhập viện và thậm chí tử vong. Tại sao? Bài đọc Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta suy nghĩ theo những cung cách mới.

  1. Thiên Chúa không muốn chúng ta bị bệnh

Khi bắt đầu bài đọc Tin Mừng này (Mc 1:29-39), chúng ta thấy đây là đầu tiên trong Tin Mừng Máccô Chúa Giêsu chữa lành một người bệnh. Ngài đã đuổi thần ô uế ra khỏi một người. Nhưng Ngài chưa chữa lành cho bất cứ người bệnh nào tính đến bây giờ. Chúa Giêsu “khi vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, đến nhà hai ông Simôn và Anrê” (Mc 1: 29). Ở đó Ngài thấy mẹ vợ của Simon đang nằm trên giường vì sốt. “Ngài lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1: 30-31). 

Ngay buổi tối hôm đó tin đồn đã lan ra và mọi người đều mang những người bệnh đến với Chúa Giêsu: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Ngài” (Mc 1: 32). Và Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh tật cho họ. Ngài còn xua đuổi ma quỷ ra khỏi họ: “Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1:34). Tất cả những điều này cho chúng ta thấy một cách rất rõ ràng rằng Thiên Chúa không muốn chúng ta bị bệnh. 

Nếu chúng ta bị bệnh, hoặc nếu người thân bị bệnh, đó không phải là do Thiên Chúa muốn họ bị bệnh. Chúa Giêsu không thể không chữa lành những người bệnh tật. Và Ngài coi việc chữa bệnh là dấu hiệu cho thấy: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1:15) và là một khía cạnh quan trọng trong sứ mạng của Ngài trên trần gian. 

Thiên Chúa không muốn chúng ta bị bệnh. Và khi Nước Thiên Chúa đến thời viên mãn thì mọi bệnh tật sẽ bị xua tan vĩnh viễn. Như Sách Khải Huyền đã nói, khi triều đại của Thiên Chúa đến thời viên mãn: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:3-4).

  1. Vậy tại sao chúng ta bị bệnh?

Như vậy, Thiên Chúa hứa với chúng ta rằng vào một ngày nào đó, bệnh tật sẽ không còn. Nhưng bây giờ thì sao? Chúng tôi vẫn bị bệnh. Tại sao? 

Sách Gióp trong bài đọc thư nhất nhận xét về đời người: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê ? Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công, cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề…Thịt tôi chai ra, dòi bọ lúc nhúc, da tôi nứt nẻ, máu mủ đầm đìa. Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng” (G 7: 1-3, 5-6). 

Nhưng điều cần nhớ là ngay cả khi chúng ta đau bệnh, Thiên Chúa vẫn quan tâm đến chúng ta, hơn bao giờ hết. Thiên Chúa chăm sóc chúng ta như cha mẹ chăm sóc con cái. 

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo viết rằng: “Dân Israel cảm nghiệm rằng, bệnh tật có liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi và sự dữ, và sự trung thành với Thiên Chúa, theo Lề Luật của Ngài, sẽ trả lại sự sống: “vì Ta là Chúa, Đấng chữa lành ngươi” (Xh 15: 26)…Sau cùng, tiên tri Isaia loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đem đến cho Sion một thời đại, lúc đó Ngài sẽ tha thứ mọi tội lỗi và chữa lành mọi bệnh tật” (GLGHCG, số 1502). 

Cũng vậy, bất cứ khi nào chúng ta đau bệnh, Thiên Chúa đều chăm sóc chúng ta, như cha mẹ yêu thương chăm sóc con mình. Thiên Chúa quan tâm đến từng đứa con của Ngài, bất kể bệnh tật của họ hay làm thế nào họ mắc phải bệnh đó.

Nhưng câu hỏi vẫn là, tại sao Thiên Chúa không chữa lành chúng ta ngày nay? Tại sao vẫn có bệnh tật trong thế giới của chúng ta? Trả lời cho câu hỏi này cũng giống như trả lời cho câu hỏi: tại sao lại có cái chết trong thế giới của chúng ta? Và chúng ta có câu trả lời rõ ràng, theo Kinh thánh: Cái chết xảy ra trong thế giới chúng ta bởi vì có tội lỗi trong thế giới của chúng ta. Và bệnh tật thực ra chỉ là dấu hiệu báo trước cái chết của chúng ta. Trước khi có tội lỗi trong thế giới này, không có bệnh tật hay cái chết. Nguyên nhân của bệnh tật cũng giống như nguyên nhân của cái chết. Đó là kết quả của việc con người không vâng theo Lời Thiên Chúa: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’… Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (Stk 3:17,19). 

Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa trừng phạt chúng ta mắc bệnh và chết như thể “Đáng đời, cho mày chết! Ai bảo không nghe Ta!” Bệnh tật và cái chết là hậu quả tất yếu của tội lỗi mà con người tự do chọn lựa. Dù sao đi nữa, Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương con người. Ngài hứa giải thoát con người khi phán với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (Stk 3:15). 

  1. Lý do Chúa Giêsu chữa lành bất cứ ai

Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nên mặc dù chúng ta là những con người tội lỗi, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến gánh tội lỗi đó bằng cách chết trên thập giá. Bệnh tật và cái chết không có tiếng nói quyết định cuối cùng trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa mới có tiếng nói quyết định cuối cùng. Và tiếng nói quyết định cuối cùng đó là sự sống trong Chúa Giêsu. 

Việc Chúa Giêsu chữa lành những người ở Caphácnaum đưa ra một dấu hiệu rõ ràng rằng Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta. Tuy nhiên đó không phải là tất cả sứ mạng của Chúa Giêsu khi Ngài đến trần gian. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu chữa lành tất cả những người mắc bệnh và nếu Chúa Giêsu ở lại Caphácnaum tiếp tục công việc chữa lành ở nơi ấy thì đó là chuyện dễ dàng đối với Ngài. Nhưng đó không phải là điều Ngài muốn làm. Thay vào đó, vào ngày hôm sau Ngài dậy sớm và đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Và khi các môn đệ tìm thấy Ngài, họ nói với Ngài rằng: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (Mc 1: 37), cho thấy họ đang hy vọng những người thân của họ được Ngài chữa lành, nhưng Chúa Giêsu nói với họ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1:38). 

  1. Điều Chúa Giêsu đến trần gian để làm.

Loan báo sứ điệp Tin Mừng: thời gian đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần là việc lớn lao và quan trọng hơn việc chỉ chữa lành người bệnh.Tất nhiên Thiên Chúa vẫn chữa lành nhiều người bệnh trong thời đại chúng ta. Nhiều người được chữa lành nhiều thông qua bác sĩ, nghiên cứu y học và các loại thuốc men. Những người khác, thông qua những phép lạ hiển nhiên mà con người vẫn chứng kiến nơi này nơi kia ngày nay. Nhưng triều đại của Thiên Chúa còn có ý nghĩa hơn thế nữa: chấm dứt mọi bệnh tật và cái chết, chấm dứt mọi đau khổ, mọi đau đớn và tang tóc. Không còn nước mắt nữa. Chỉ có niềm vui. Đó là điều Thiên Chúa dự định cho chúng ta. Và đó là lý do Chúa Giêsu đến trần gian. 

Nhưng cách duy nhất Chúa Giêsu đã làm tất cả những điều đó là trên thập giá. Đó là nơi diễn ra sự chữa lành cuối cùng: tha thứ tội lỗi của chúng ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không ở lại Caphácnaum, mà rời khỏi đó để loan báo sứ điệp Tin Mừng khắp Israel, trước khi đi đến thập giá vì tất cả chúng ta. Và đó là lý do tại sao hôm nay Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy tin vào Tin Mừng này. Bởi vì dù chúng ta đau ốm hay khỏe mạnh, chán nản hay hạnh phúc, giàu có hay nghèo khó, xứng đáng hay không, Thiên Chúa vẫn ban cho chúng ta sự chữa lành tối thượng qua sự tha thứ tội lỗi của chúng ta, qua cái chết và sự phục sinh của Con Một Ngài. 

Còn bệnh tật hôm nay thì sao? Còn các đại dịch khủng khiếp thì sao? Nó vẫn còn là một bí nhiệm. Bây giờ một số đau đớn về thể xác sẽ được cất đi khỏi chúng ta. Những đau đớn khác sẽ được cất đi trong cõi vĩnh hằng. Như kinh thánh nhắc nhở chúng ta: “Bây giờ, chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương” (1 Cr 13:12)  Chúng ta không biết tại sao. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi tín thác và tin tưởng rằng Thiên Chúa quan tâm đến tất cả chúng ta và có kế hoạch chấm dứt mọi bệnh tật và cái chết trên trần gian của chúng ta.

  1. Chỗi dậy vào ngày cuối cùng

Nói cách khác, bài Tin Mừng hôm nay chỉ là phần mở đầu về ngày vinh quang sắp đến, khi Chúa Giêsu trở lại. Vào ngày vinh quang đó, tất cả chúng ta sẽ nhận được ân huệ giống như mẹ vợ của Simon Phêrô khi Chúa Giêsu thấy bà nằm trên giường vì sốt: “Ngài cầm lấy tay bà mà đỡ dậy” (Mc 1:31). Và đó đúng là những gì Chúa Giêsu sẽ làm cho tất cả chúng ta, trong Sự Phục Sinh vào Ngày Cuối Cùng. Ngài sẽ nắm lấy tay mỗi người chúng ta, đỡ chúng ta dậy và chào đón chúng ta vào vòng tay ân sủng và sự sống vĩnh cửu của Ngài. Đó là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta. Không có lời hứa nào và ân huệ nào lớn hơn nữa.

Công việc của chúng ta nơi trần gian này là tiếp tục sứ mạng chữa lành và cứu độ của Chúa Giêsu như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!…Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cr 9: 16,18,22)

 

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts