– Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm B –
Chuyện kể về Zeb và Martha, hai vợ chồng thời khẩn hoang lập quốc bên Mỹ. Hai người cắm đất định cư tại một vùng hoang sơ, rất thưa thớt hàng xóm láng giềng. Họ dựng một ngôi nhà gỗ, làm thêm một cái vựa và một cái chuồng để nuôi gia cầm. Trước nhà là một cây lớn, và Zeb treo lên một cái chuông. Zeb giải thích cho Martha biết bọn du thủ du thực có thể lảng vảng qua lại, và dặn dò, “Khi anh ở ngoài đồng, trong trường hợp thực sự cần đến anh thì mới kéo chuông. Nhưng nhớ là chỉ kéo chuông khi nào khẩn cấp mà thôi.” Sau đó vài ngày, trong khi vào rừng đốn gỗ, Zeb nghe tiếng chuông liền vội vã giục ngựa quay về, và sốt ruột hỏi, “Chuyện gì vậy?” Martha đáp, “Em đoán chắc là anh thích uống cà phê nóng.” Zeb bực mình, “Bây giờ em nghe cho kỹ nhé. Chuông này chỉ kéo trong trường hợp khẩn cấp mà thôi. Mất hết nửa ngày rồi, bây giờ anh phải vất vả làm cho xong mấy việc nữa.” Zeb lên ngựa ra đồng, nhưng vừa vung rìu đốn cây, lại nghe tiếng chuông giục giã. Zeb lại đôn đáo phóng ngựa chạy về, vừa đến nơi, nóng ruột hỏi, “Chuyện gì, chuyện gì?” Martha đáp, “Cái bể tắm nhà mình bị rò rồi anh ạ!” Zeb gắt lên, “Như vậy có gì mà khẩn cấp. Để thủng thẳng sửa cũng được. Bây giờ anh phải đi đốn gỗ.” Thế rồi Zeb phóng ngựa ra đi! Sau một giờ đồng hồ đốn gỗ chặt cây, Zeb lại nghe tiếng chuông lần thứ ba. Anh vội vội vàng chạy về và thấy ngôi nhà gỗ đang bốc cháy, cái vựa đã ra bình địa, còn gia súc thì tán loạn. Zeb còn thấy Martha đang bị trói vào gốc cây, ủ rũ bên cạnh dây chuông. Zeb kêu lên, “Martha, phải như vậy mới được!” (Sensebough, P., “Milwaukee Sentinel”).
Trong bài Phúc Âm hôm nay, các tông đồ cũng lên tiếng báo động. Chúa Giêsu cùng các ngài vượt thuyền qua biển hồ. Một trận bão dữ dội nổi lên. “Những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi nước sắp đầy” (Mc 4:37). Tình cảnh tồi tệ đến độ các tông đồ biết chắc thuyền sắp chìm. Các ngài cảm thấy kinh hãi – một nỗi kinh hãi sâu xa khi đối diện với cái chết. Các ngài nhận ra cái chết đã cận kề. Nhưng trước tình trạng kinh hoàng ấy, Chúa Giêsu vẫn dựa gối đàng lái thuyền mà ngủ ngon lành. Chúa Giêsu là chỗ dựa cuối cùng trong cơn quẫn bách. Các tông đồ đành đánh thức Chúa dậy và kêu trách, “Lạy Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” (Mc 4:38). Chúa Giêsu phán với biển, “Hãy im đi, hãy lặng đi.” Tức thì gió ngừng, biển lặng như tờ. Theo các tông đồ, thì “phải như vậy mới được.” Nhưng Chúa Giêsu trách các ngài, “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Thánh Marcô cho chúng ta biết, bấy giờ các ngài thất kinh hồn vía.
Có người đã viết, “Trong Kitô giáo có một từ ngữ bình dị nhưng tuyệt vời và không thể thiếu được. Đó là từ “kinh ngạc.” Chẳng hạn bạn kinh ngạc về lễ Giáng Sinh, và nhờ đó, không những bạn có một ngôi sao trên bầu trời, mà còn trong đôi mắt của bạn. Nếu bỏ đi sự kinh ngạc và kính sợ, bạn sẽ vấp vào những vấn đề hóc búa. Dù Kitô giáo là gì đi nữa, nó cũng chính là câu trả lời đầy kinh ngạc trước những gì còn lớn lao hơn cả sự sống.” Ôi, thật kinh ngạc! Thật kinh ngạc! Chỉ cần nghĩ tới! Thiên Chúa yêu thương tôi!
Dag Hammarskjold đã khơi lại phần ca từ trong một ca khúc của nhóm George Beverly Shea khi ông viết: “Chúa không chết vào ngày chúng ta không còn tin vào một Thiên Chúa của từng người, nhưng chúng ta sẽ chết nếu cuộc sống chúng ta không còn được soi chiếu bằng ánh quang bền bỉ của một điều kỳ diệu, cội nguồn của điều vượt trên mọi trí năng.” Wilson, Kenneth nói con người “đã mất ý thức về sự kinh ngạc và mầu nhiệm.” Nếu quả như vậy thì chúng ta có được một lý do để hiểu vì sao con người thời nay khó hiểu đức tin của chúng ta, bởi lẽ Kitô giáo là một tôn giáo bao hàm các mầu nhiệm, lòng kính sợ và sự kinh ngạc, và thường là những điều chưa từng được biết. Cần phải có đức tin. Thánh Phaolô Tông Đồ đã viết, “Phải công nhận: mầu nhiệm của đạo thánh thật cao cả” (1 Tm 3:16). Loại bỏ mầu nhiệm- chúng ta đang nói về mầu nhiệm Thiên Chúa – loại bỏ lòng kính sợ, loại bỏ sự kinh ngạc, loại bỏ thái độ tôn kính, tức là vất bỏ luôn cốt lõi của đức tin.
Trong lớp giáo lý Chúa Nhật, một cậu bé đã thực sự hiểu được điều này khi buột miệng nói, “Chúa làm con kinh ngạc quá!” Chúng ta sẽ làm hỏng con cái nếu như chúng ta không chứng tỏ một thái độ thơ ngoan, biết rộng mở trước mầu nhiệm sự hiện diện đáng kính sợ của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta.
Trong thời đại vi tính, não trạng của chúng ta cũng bị vi tính hóa. Cái gì không tính toán được, thì không hiện hữu. Cái gì chúng ta không đụng chạm, nếm cảm, ngửi mùi, nghe thấy, thì không hiện hữu. Nhưng, theo lời Thánh Kinh, nếu cuộc sống của chúng ta thiếu sự kính yêu, kính sợ, kinh ngạc, và tôn trọng những sự vô hình, có lẽ chúng ta không hiện hữu – hay ít là chúng ta không ở chỗ, đáng lẽ ra chúng ta cần ở. Nhưng khi Chúa Giêsu bước vào cuộc sống của chúng ta, Người sẽ làm cho chúng ta mở rộng trước sự kinh ngạc, và cuộc sống trở nên đầy những kinh ngạc. Sự sống không phải là một câu đố để giải đáp. Nhưng là một mầu nhiệm để sống. (Thomas Hilton, “An Awe-Full Life”).
Nhiều lần Chúa Giêsu đã nhấn mạnh tới vinh quang Thiên Chúa, Người thường nói, “Các con hãy xem hoa huệ ngoài đồng,” “hãy xem chim sẻ,” “cánh đồng lúa,” hoặc “cây vả.” Người dùng những hình ảnh kích gợi sự ý thức của con người về sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ. Thánh Phaolô viết, “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả thật, những gì người ta không thể nhìn thấy nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn của con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1:19-20).
Kỳ công và vinh quang Thiên Chúa ở khắp nơi. Khi chúng ta nhận thấy những điều này nhờ các giác quan, chúng trở nên chất xúc tác kích gợi sự nhận thức của chúng ta về sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta.
Chúng ta được cứu độ và chữa lành không phải khi tiếp nhận Thiên Chúa từ bên ngoài, nhưng khi chúng ta để Thiên Chúa trong chúng ta lớn lên và chiếm trọn hữu thể chúng ta. Và khi nghiệm thấy sự hiện diện thần linh như thế, như các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay, những người đã chứng kiến quyền năng cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta sẽ thấy hết sức kinh ngạc.
Trong một giáo họ kia có một cha sở trẻ trung rất đẹp trai và một cộng đoàn thưa thớt. Trong nhóm chiên con ít ỏi ấy có một thiếu nữ đạo đức. Một sáng Chúa Nhật, từ nhà thờ về, có người hỏi thiếu nữ ấy, “Hôm nay Cha giảng thế nào?” Thiếu nữ đáp, “Hay lắm. Em thấy bài giảng rất tuyệt, ngặt nỗi là trong nhà thờ quá ít người, nên mỗi lần cha sở nói, ‘Anh chị em thân mến,’ em lại đỏ bừng cả mặt.”
“Anh chị em thân mến,” anh chị em là ai? Trước khi trả lời, tôi muốn anh chị em hứa đừng đỏ mặt. Anh chị em là những con người! Anh chị em là những kiệt tác độc đáo trong kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa! Anh chị em là con cái Thiên Chúa! Không có anh chị em, thế giới này không thể là thế giới mà Thiên Chúa muốn dựng nên. Anh chị em có một vị trí đặc biệt trong chương trình Thiên Chúa dành cho công trình tạo dựng của Người. Mục đích của anh chị em ở đây rất đặc biệt!
Anh chị em thân mến! Thiên Chúa cần anh chị em. Thiên Chúa cần anh chị em để thể hiện những ưu phẩm của Người qua anh chị em! Thiên Chúa cần anh chị em để qua anh chị em, Người thi thố tình yêu bao la của Người – dành cho gia đình, bè bạn, hàng xóm của anh chị em, kể cả những người xa lạ, những người có thể gọi là đối thủ của anh chị em nữa. Như thế, không đáng kinh ngạc hay sao? Hôm nay, anh chị em hãy nghĩ về điều đó khi rời nơi này. Nhưng hứa là đừng đỏ mặt đấy nhé!
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ