* Để nghe trên Youtube:
– Trang Chủ của kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
– Quý vị có nhu cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa nhật XIV Mùa Thường Niên – Năm B
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (6,1-6)
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.
Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
“Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”
Cả ba thánh sử Mátthêu, Luca và Máccô đều thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu trở về quê nhà và bị những người đồng hương, thậm chí những người họ hàng thân thiết coi thường. Lý do vì Người từng sống giữa họ với một cuộc sống thật giản dị tại Nadarét, quê hương của Người, và dân làng ai cũng biết Người!
Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi tìm mọi cách để đến gần với con người. Người mong chờ con người mở rộng lòng và tin tưởng vào Người, nhưng Người chỉ gặp sự khước từ và hoài nghi khiến cho: “Người lấy làm lạ vì họ không tin”.
Suốt ba năm rao giảng Tin mừng, không phải lúc nào Chúa Giêsu cũng được mọi người tin nhận, nhất là những người nắm rõ luật Chúa và giữ luật nghiêm ngặt như giới Pharisiêu và luật sĩ, thậm chí các tông đồ cũng có lúc bị Chúa khiển trách là “cứng lòng, kém tin”. Hơn hai ngàn năm sau, trong thời đại chúng ta, tình trạng không tín ngưỡng, không tin vào Thiên Chúa vẫn còn! Có biết bao nhiêu phụ huynh đã tận tâm giáo dục con cái mình theo đạo Chúa, trong tinh thần Giáo Hội. Thế nhưng, hôm nay, con cháu họ không còn tin vào Thiên Chúa hoặc không còn giữ đạo nữa! Chúng ta thấy rằng chính Chúa Giêsu đã giảng dạy, đã làm những phép lạ, nhưng Người không thể làm cho dân làng của Người và ngay trong chính họ hàng thân thuộc tin vào Người, dù rằng họ vẫn tưởng rằng họ biết rất rõ về Người.
Cả ba bài đọc hôm nay đều nói về “linh đạo của sự thất bại”, đó là nhận biết sự bất toàn của mình và dám đi vào thất bại để qua đó mọi người nhận biết quyền năng của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, tiên tri Êdêkien được Chúa sai đến nói lời của Người với một dân “lòng chai dạ đá, phản nghịch và chống lại Thiên Chúa”. Dù ông có thể thất bại vì họ có thể không nghe lời ông, nhưng họ sẽ được nhận biết có một ngôn sứ đang ở giữa họ. Trong bài đọc II, thánh Phaolô lại vui mừng và tự hào về những yếu đuối của mình, vì nhờ đó mà sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong ngài. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu không vì sự thất bại nơi quê hương mà từ bỏ sứ mạng của mình. Trái lại, vì sự cứng lòng tin của những người đồng hương mà các làng chung quanh được nghe Người rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa.
“Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (c. 10). Điều này phải trở thành nguyên tắc cho những ai muốn làm việc tông đồ. Họ không hãnh diện về những tài năng mình có, cũng không nhát đảm vì mình yếu đuối, bởi họ biết phải cậy trông vào ai để thi hành sứ mạng Chúa trao phó. Vì như lời Chúa Giêsu nói với vị tông đồ: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (c. 9). Như thế, chính ơn Chúa cứu rỗi chứ không phải do công lênh hay cố gắng của con người!
Khi kể lại việc thất bại của Chúa Giêsu tại Nadarét, thánh sử Máccô nghĩ đến Giáo Hội, đến mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa vẫn đang còn tiếp diễn, mà chỉ với con mắt đức tin người ta mới nhận ra được tầm quan trọng của nó. Ngày xưa, dân làng Nadarét khinh thường Chúa Giêsu, hôm nay, vẫn còn những nhóm Kitô hữu tỏ thái độ chống lại một số lập trường của Giáo Hội khi họ tuyên bố chỉ tin vào Chúa chứ không tin vào Giáo Hội!
Bản chất của Giáo Hội là Thánh nhưng gồm những con người tội lỗi, yếu đuối và đầy giới hạn. Tuy vậy, Chúa vẫn luôn nói với chúng ta qua Giáo Hội. Người tiếp tục công trình của Người qua con người, qua những người mà chúng ta quen biết, có khi quá quen biết. Nếu việc thiếu đức tin của dân làng Nadarét làm cho Chúa Giêsu ngạc nhiên và bị xúc phạm, thì phải chăng Giáo Hội hôm nay vẫn còn bị tê liệt bởi sự thiếu đức tin hoặc sự cứng lòng tin của chính những người ở trong Giáo Hội chăng?
Trong mỗi thời đại, Chúa đều gửi đến các ngôn sứ loan báo lời Người. Ngày xưa, có các ngôn sứ như Êdêkien hay tông đồ Phaolô. Ngày nay chúng ta cũng có những vị “ngôn sứ” như mục sư Martin Luther King, Mẹ Thánh Têrêsa Calcuta, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, v.v… Các ngài đã không vì sợ những người có quyền thế hay búa rìu dư luận mà im lặng, nhưng đã lên tiếng chống lại bất công, lên án chiến tranh, bạo lực để bảo vệ những người bé nhỏ bị áp bức. Nhưng những lời nói của họ chỉ được đáp lại bằng những phản ứng thù nghịch, chống đối. Nếu họ khuyên sống chung thủy trong đời sống vợ chồng để tránh bệnh Siđa, họ lại bị dân chúng lên án. Nếu họ kêu: “Hãy ngừng mọi bạo động!”, người ta lại ám sát họ. Nếu họ mạnh dạn tố cáo bất công xã hội, nhất là đối với những người nghèo, vô gia cư, người ta lại tìm cách bịt miệng họ!
Chúng ta luôn cần đến các ngôn sứ của Chúa, nhất là trong thời đại hôm nay, mặc dù đôi lúc các vị ấy khiến chúng ta cảm thấy phiền hà, khó chịu. Họ nhắc nhở chúng ta những gì Tin Mừng truyền dạy, về luật Chúa và luật con người. Trong xã hội hôm nay, nơi những bạo lực, bất công ngự trị, nhân quyền bị vi phạm, chúng ta cần lắng nghe các ngôn sứ nhắc nhở chúng ta về tình thương yêu qua từng chặng đường của cuộc đời.
Ước gì chúng ta biết lắng nghe và đón nhận các thông điệp mà Chúa gửi đến qua trung gian của những người thân quen của chúng ta, ngay cả qua trung gian của những người bé mọn và nơi các trẻ thơ.