LÀM GÌ ĐỂ LUÔN HY VỌNG?

Phận người như một định luật: để sống, để ấm no và tồn tại, loài người phải không ngừng lao tác, vất vả, khổ đau, mồ hôi và nước mắt. Không ai đứng ngoài lao động mà lại có thể sống và trưởng thành. Đó là thứ định luật không bao giờ sai dù là ai, thế hệ nào, giai đoạn lịch sử nào.

Nhưng định luật cuộc đời vẫn là thứ định luật khắt khe: Lao động vừa mang lại ấm no nhưng cũng làm cho sức lực con người cạn kiệt.

Thân phận con người là sinh ra trong đau khổ, cất tiếng chào đời bằng nước mắt, cả đời làm người, khó có ai không trầm mình trong từng khoảnh khắc của nhọc nhằn, lo toan, trách nhiệm, biết bao nhiêu sự khó, sự khổ tấn công…

Khi thân xác rã rời, sinh lực tiêu hao, giã từ cuộc đời chấp nhận bỏ tất cả, vĩnh biệt tất cả, vĩnh biệt cả thân xác của chính mình, nhường cho dòi bọ làm thức ăn…

Câu chuyện cuộc đời ông Gióp mà Thánh Kinh diễn tả, đủ nói lên thân phận bi đát ấy. Hôm nay, bài đọc I, nội dung của đoạn trích sách ông Gióp cũng phản ánh tất cả sự thực mà dù chẳng bao giờ mong muốn, nó vẫn xảy đến trên từng phận người: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất… Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.

Bài Tin Mừng cho thấy rõ định luật cuộc đời ấy khi kể lại chuyện Chúa chữa bệnh cho bà mẹ vợ của thánh Phêrô và của rất nhiều người.

Hãy nhớ, dù chữa bệnh, Chúa không tiêu diệt bệnh. Vì thế, bất cứ là người nào, dù được chính Chúa chữa, bệnh vẫn tái diễn. Bệnh tật làm con người kiệt sức, già yếu, chết. Không một ai trong số người được Chúa chữa còn sống cho đến nay.

Cũng thế, khi nghe tin ai đó bị ốm đau bệnh tật, mọi người đều coi đó là chuyện bình thường. Sinh ra, bệnh tật, già yếu, chết mãi mãi vẫn là định luật khắt khe trong cuộc đời. Nếu chẳng có đức tin, sự sống con người thật vô nghĩa.

Với tôi, để thăng tiến đời mình, để tìm hạnh phúc cho cuộc đời chóng qua và cũng để đạt phần thưởng Nước trời, chúng ta có thể thực hiện những điều sau:

 

  1. Dù đau khổ đến đâu vẫn luôn phó thác vào Chúa.

Trong cái nhìn đức tin: lao động là cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Công sức lao động cùng những đau khổ, bệnh tật, già yếu… cho ta nên giống Chúa Kitô đau khổ. Ta vác thập giá đời mình mà bước đi với Chúa, để cùng thập giá Chúa, thập giá đời ta trở nên nguồn cứu độ chính ta và mọi người.

Trong ý nghĩa của niềm tin như thế, ta nhận ra sự cần thiết  của đau khổ. Chúa Kitô chịu đau khổ để cứu chuộc ta, nhưng Chúa không làm một mình, Chúa cần công nghiệp của ta tháp nhập vào công nghiệp của Chúa.

Ta cần phó thác mình trong tay Chúa như ông Gióp. Ông đã chạm đến đỉnh của tuyệt vọng, nhưng ông không hề phạm tội, không xúc phạm tới Thiên Chúa. Dù không hiểu vì sao bản thân đau khổ, ông vẫn hy vọng vào Chúa. Giữa lúc bế tắc, thương đau, tuyệt vọng nhất, ông càng tin tưởng Chúa. Nhờ đức tin đi liền sự phó thác, sau cùng, ông Gióp nhận ra tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa.

Như ông Gióp, ta hãy luôn phó mình trong tay Chúa. Càng đau khổ bao nhiêu, càng bị thử thách vây bũa bao nhiêu, ta càng quyết tâm vững lòng tin vào Chúa, càng quyết tâm phó thách đời mình, hoàn cảnh của mình cho Chúa. Hãy chạy về phía Chúa. Hãy để Chúa làm chiếc phao cứu sinh cuối cùng của đời ta.

 

  1. Không bao giờ được lãng quên lòng yêu thương của Mẹ Thiên Chúa.

Luôn chạy đến cùng Đức Mẹ dù phải đối diện cùng trăm ngàn nghịch cảnh. Chúng ta hãy học gương tìm niềm hy vọng nơi lòng tin tưởng và yêu mến mà chúng ta dâng lên Đức Mẹ theo gương đức Hồng y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận.

Dịp Đại hội đón Thiên Niên kỷ Thứ ba vào năm Thánh 2000, Đức hồng y nói về nguồn hy vọng thiêng liêng mà ngài có được trong những năm tù đày như sau:

“Trong những năm khốn đốn bị biệt giam, những năm đau buồn nhất trong đời tôi, tôi chỉ nhìn thấy hai người lính canh và họ được lệnh không được nói với tôi một lời nào.

Tôi cảm thấy bị mọi người bỏ quên, tôi thấu suốt nỗi đau khổ tuyệt đỉnh của Chúa Giêsu cô đơn trên thánh giá. Tôi nghĩ đến những giáo dân, những tín hữu, đến các linh mục, tu sĩ, chủng sinh đang ở ngoài kia, họ cũng bị ruồng bỏ, bị đau khổ tù đày và bị bách hại. Trong sâu thẳm của yếu đuối, tinh thần lẫn thể xác, tôi nhận được ân sủng của Đức Mẹ Maria.

Tôi không được phép dâng thánh lễ, nhưng tôi đã đọc hàng trăm kinh Kính Mừng, và Đức Mẹ đã ban cho tôi sức mạnh kết hợp với Chúa Giêsu trên thánh giá. Tôi cảm thấy Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại khi Ngài cô đơn trên thánh giá, trong sự bất lực hoàn toàn.

Các người lính canh dần dần hiểu biết tôi. Chúng tôi trở thành bạn hữu. Họ đã giúp đỡ tôi. Họ cho phép tôi làm một cây thánh giá bằng gỗ. Tôi đã giấu trong một cục xà bông. Tôi dùng một đoạn dây điện để làm dây đeo và họ đã cho tôi mượn chiếc kềm nhỏ để làm và họ còn làm giúp với tôi nữa.

Chiếc thánh giá mà tôi mang đây làm bằng gỗ và dây điện từ nhà tù. Chiếc thánh giá này luôn luôn nhắc nhở: Hãy yêu thương mãi! Hãy tha thứ mãi! Sống với hiện tại để truyền bá Tin Mừng! Mỗi giây phút sống là để yêu mến Thiên Chúa”.

Bắt chước Đức Hồng y Phanxicô, chúng ta luôn chạy đến cùng Đức Mẹ, xin Đức Mẹ an ủi, cứu giúp, chở che, bảo vệ khỏi mọi điều xấu, điều dữ tấn công.

Hãy nhớ lại hình ảnh Chúa Giêsu quằng quại trong đớn đau, trong cô đơn tận cùng, trong tuyệt vọng đầy thách thức trên thánh giá lại có sự hiện diện đầy nâng đỡ, đầy yêu thương, thấu hiểu và cảm thông của Đức Mẹ để ta không bao giờ lãng quên vai trò của Đức Mẹ trong cuộc đời ta, nhất là khi phải đối diện với những thách thức luôn rình rập để tấn công trong cả đời làm người của ta.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts