LÀM NHỮNG ĐIỀU CHÚA ĐÃ LÀM

Từ rất xa xưa, Cựu Ước mô tả dân Israel như một gốc nho hay vườn nho của Thiên Chúa: “Vườn nho của Giavê Thiên Chúa, ấy là nhà Israel. Cây nho Chúa mến yêu quí chuộng, ấy là người xứ Giuđa” (Is 5,7).

Nhưng hình ảnh cây nho biểu trưng cho Israel hầu như đi liền với lời khiển trách, cảnh cáo, đe dọa. Chẳng hạn bài ca về cây nho trong sách tiên tri Isaia:

“Có gì làm hơn được cho vườn nho của Ta, mà Ta đã chẳng làm? Ta những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?… Ta chỉ mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 5, 4. 7).

Hoặc như tiên tri Giêrêmia: “Ta trồng ngươi như cây nho sai trái, được tuyển chọn giống tốt. Sao ngươi lại trở thành cây nho dại” (Gr 2, 21).

Hay trong sách tiên tri Êdêkiel, vì sự kiêu ngạo của Israel, bằng hình thức ẩn dụ của cành nho, Thiên Chúa trách cứ dân nặng như một lời đe dọa: “Cũng như gỗ cây nho trong đám cây trên rừng đã bị Ta quăng làm mồi cho lửa, thì dân cư Giêrusalem cũng bị Ta thiêu như thế” (Êd 15, 6).

Rất nhiều những hình ảnh về cây nho mà mặc khải của Cựu Ước dùng như một thông điệp để nói với dân của Chúa…

Còn Tân Ước, khi dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói về chúng ta với Chúa, Chúa Kitô dạy hãy hiệp nhất, hãy gắn chặt đời mình với Ngài. Nói cách khác, ta và Chúa hãy ở trong nhau: ta trong Chúa và Chúa trong ta.

Cành nho cần cây nho, ta cũng cần Chúa Kitô như thế. Nếu không hiệp nhất với Chúa, không ở trong Chúa, ta không thể sống, không thể sinh hoa trái.

Ở lại trong Chúa Kitô, đó là điều mà chính Chúa Kitô mời gọi: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh emCũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái…”.

    Nhưng ở lại trong Chúa Giêsu là gì? Bài giảng thánh lễ chiều chúa nhật 3.5.2015, trong chuyến thăm mục vụ giáo xứ Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình ở vùng biển Ostia Lido, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời:

“Ở lại trong Chúa Giêsu có nghĩa là: tìm Chúa Giêsu; cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích Thánh Thể, và Hòa giải. Ở lại trong Chúa Giêsu – điều này là khó khăn nhất đối với mọi người – có nghĩa là làm những điều Chúa Giêsu đã làm, có cùng thái độ của Chúa Giêsu.

Ngược lại, khi chúng ta tìm cách triệt tiêu người khác, chẳng hạn, chúng ta nói hành nói xấu người khác, chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu: Chúa Giêsu không bao giờ làm điều ấy.

Khi chúng ta nói dối, chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu, Chúa không bao giờ làm như thế.

Khi chúng ta lường gạt người khác bằng những công việc bẩn thỉu, chúng ta là những cành cây chết, chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu…

Ở lại trong Chúa Giêsu là làm cùng điều Chúa đã làm: làm điều thiện, giúp đỡ người khác, cầu xin Chúa Cha, săn sóc các bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo, có niềm vui của ơn Chúa Thánh Thần…”.

Vậy, mỗi một Kitô hữu, để được ở lại trong Chúa và được Chúa ở cùng, hãy tập nhìn bằng ánh nhìn của Chúa, mang lấy tâm tư như chính tâm tư của Chúa, đập nhịp tim của mình như chính nhịp đập của trái tim Chúa, hành động như Chúa hành động, suy nghĩ theo những suy nghĩ của Chúa…

Câu chuyện mà Mẹ Têrêsa thành Calcutta kể về hai bạn trẻ như một minh chứng cụ thể cho cách ta trong Chúa và Chúa trong ta:

Một ngày của năm 1982, có hai người trẻ tới nhà các nữ tu và dâng cho Mẹ Têrêsa một số tiền khá lớn, nhờ các nữ tu giúp đỡ những người nghèo khó.

Họ cho Mẹ biết: “Chúng con vừa cưới nhau hai ngày. Trước ngày cưới, chúng con suy nghĩ nhiều. Sau cùng, chúng con quyết định không may áo cưới, không tổ chức yến tiệc. Chúng con dùng khoản chi phí cho đám cưới tặng những người không được may mắn”.

Mẹ Têrêsa nói thêm: “Ở Ấn Ðộ, đối với người Hinđu thuộc giai cấp thượng lưu, đám cưới mà không có áo cưới và tiệc cưới là một điều nhục nhã. Với quyết định đầy nhân ái của mình, chắc chắn đôi bạn trẻ đã khiến những thân nhân của họ đau khổ không nhỏ”.

Đôi vợ chồng trẻ còn nói thêm: “Chúng con muốn tặng cho nhau một món quà cưới thật đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống của chúng con bằng một hy sinh mà cả hai đều dự phần vào”.

Đôi vợ chồng trẻ đã thực hành điều mà Đức Thánh Cha dạy: Họ đã “làm điều Chúa Giêsu đã làm, có cùng thái độ của Chúa Giêsu”. Đó là cách thế để họ ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong họ.

Đến lượt mình, chúng ta cũng sẽ được ở trong Chúa và được Chúa ở lại với mình nếu chúng ta cũng biết “làm điều Chúa Giêsu đã làm, có cùng thái độ của Chúa Giêsu” y như vậy.

 

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts