Trước khi khởi sự rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã được Thánh Thần soi động lui về sa mạc để sống một thời gian tịnh tâm. Người sắp sửa dấn thân cho Phúc Âm Thiên Chúa. Người được Thiên Chúa ban khả năng để thực thi sứ mạng, nhưng, xét trên phương diện nhân tính, Người cũng phải giải quyết vấn đề sử dụng khả năng ấy như thế nào. Qua bốn mươi đêm ngày cầu nguyện và ăn chay, Chúa Giêsu đã cảm nghiệm sâu xa sự hiện diện của Thiên Chúa. Đồng thời, Người cũng nghiệm thấy sự hiện diện của Satan, tên đầu sỏ đã lạm dụng tài năng của hắn.
Ma quỉ đã ba lần cám dỗ Chúa Giêsu hãy sử dụng khả năng Con Thiên Chúa của Người theo những mục tiêu vị kỷ. Ma quỉ rỉ rón, “Hãy bái lạy tôi, và ông sẽ được thống trị toàn thể thế giới. Hãy phục quyền tôi, và chúng ta sẽ cho thế giới biết ai đang nắm quyền tối cao.” Nhưng Chúa Giêsu lập tức cắt dứt lời hắn, “Satan, hãy xéo đi! Vì có lời chép rằng, ‘Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi'” (Mt 4:10).
Trước cổng dẫn vào thiên đàng là một hàng dài các ông xếp hàng chờ được nhận vào. Ở phía cổng có tấm bảng, “Dành riêng cho quí ông sợ vợ khi còn dưới thế,” người ta thấy hàng người rồng rắn dài ngoằng. Trong khi ở phía cổng bên kia, phía trên có tấm bảng, “Dành riêng cho quí ông không sợ vợ,” người ta chỉ thấy duy nhất một người. Thánh Phêrô tới gần người đàn ông đứng một mình và hỏi, “Vì sao ông bạn lại đứng ở đây?” Ông ta đáp, “Thực tình con chẳng biết. Bà xã con lệnh cho con phải đứng ở đây.”
Lạm dụng khả năng mình để chi phối cuộc sống người khác là một cám dỗ xấu xa. Các bà vợ, các ông chồng, các người làm cha mẹ, anh chị em, chính trị gia, thầy cô giáo, giáo sĩ, nhà khoa học, bè bạn, chủ nhân, v.v. đều dễ mắc lỗi này. Cơn cám dỗ này rất phổ biến và vẫn hiện thực đối với tất cả chúng ta, nhất là trong liên hệ với người thân. Giữa vợ chồng chẳng hạn, người nào cũng có nhiều cách để kiểm soát và chi phối người kia, đến nỗi người bị chi phối rất khó thăng tiến và thi thố thiên khiếu riêng của họ. Điều này hàm chứa một lệch lạc, cho rằng người kia không bao giờ đủ khôn ngoan, mạnh mẽ và kinh nghiệm để tự đưa ra những quyết định và lựa chọn. Khi thấy vợ còn lưỡng lự và chưa chín chắn, người chồng dễ bị cám dỗ lấn lướt và chi phối đời sống của vợ, “Xem nó như vậy đấy. Hãy uốn nắn sao cho nó đừng bao giờ đánh mất cái tính thích dựa dẫm mà mình đã mất nhiều năm vun đắp nơi nó.”
Một tương quan yêu thương đặt nền tảng trên sự tự nguyện của từng phần tử đòi chúng ta phải tôn trọng những ân huệ cá biệt Thiên Chúa ban cho mỗi người. Chi phối và kiểm soát người khác là đối nghịch với yếu tố thiết yếu này. Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Người, và những ân huệ Thiên Chúa ban cho từng người đều có đặc tính cá biệt. Mỗi người đạt tới đời sống sung mãn của họ và phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa theo những ân huệ cá biệt. Khi chúng ta chiều theo cơn cám dỗ muốn chi phối và kiểm soát họ, khi chúng ta tái tạo họ theo hình ảnh chúng ta, là chúng ta bóp ngạt tiến trình của Thiên Chúa. Hãy để họ yên! Hãy để họ trở nên con người như Thiên Chúa muốn về họ! Hành vi yêu thương nhất chúng ta có thể thực hiện cho những người thân yêu của mình là hãy thừa nhận các ân huệ cá biệt của họ; hãy thừa nhận tính cách cá nhân toàn vẹn của họ; con người họ thế nào, ta hãy chấp nhận thế ấy, một cách vô điều kiện. Nhưng ta chỉ có thể làm được điều này khi ta cũng đồng thời thừa nhận con người cá nhân, những ân huệ cá biệt, và tính cách cá nhân toàn vẹn của chính mình.
Khi được hỏi mấy tuổi, đứa bé gái trả lời, “Con bốn tuổi,” rồi nói luôn, “có nhiều đứa mới ba tuổi.” Câu trả lời này cho ta thấy hậu quả của việc chưa chấp nhận con người thực của mình (như Thiên Chúa đã tạo dựng) một cách vô điều kiện. Chúng ta cảm thấy bất an và cố gắng trấn an bằng cách nghĩ rằng có nhiều người còn thua kém, còn ở dưới chúng ta. Và một trong những cách thức chúng ta thường làm là hạ bệ những người thân cận để chúng ta có thể ẩn tránh vào đó. Tại một số gia đình, tệ nạn này đã trở thành một nếp sống: lải nhải, kèo nhèo, miệt thị, chi phối, kiểm soát.
Một học sinh trung học kia xin làm ít giờ tại một siêu thị. Sau ngày làm việc đầu tiên, khi được mẹ hỏi thăm về công việc, cậu đã trả lời, “Thật là một kinh nghiệm để đời. Trong lúc con thu xếp lại các ngăn kệ trong khu vực đồ hộp, một phụ nữ đẩy xe đi tới; theo sau là một bé gái chừng ba tuổi. Con nghe bà mẹ gắt gỏng, “Bám vào xe! Kéo vớ lên! Đừng động vào! Đừng động đậy! Đừng táy máy! Sửa tóc lại! Đi tới đây! Đừng mơ màng nữa được không!” và một lô một hồi nữa, con đếm được cả thảy mười bảy lệnh truyền. Đó là chỉ mới ở một lối đi mà thôi. Rồi một đôi vợ chồng già đi tới. Mỗi lần người này chọn mua món gì, thì người kia lại quát, “Lấy cái to hơn đi! Mua cái nhỏ hơn đi! Chọn nhãn hiệu khác đi! Ai lại thèm cái đồ đó!” và cứ thế. Hình như họ không phải đi mua hàng, mà là đi tranh cãi. Con không thể tưởng tượng cuộc sống của họ trong gia đình như thế nào.”
Điều cốt yếu của tình yêu Kitô giáo là hiến thân cho tha nhân để họ được viên mãn và được tôn trọng. Một bà nọ cảm thấy hết sức bất an nên tìm đến một chuyên gia tâm thần có đạo và xin chữa trị. Sau vài lần, chuyên gia nói với bà, “Này chị Margaret, trong lúc chúng ta trao đổi với nhau, tôi nhận thấy trong chị có tiềm ẩn một người rất xinh đẹp. Tôi muốn cùng chị làm cho con người xinh đẹp ấy hiện tỏ ra.” Chuyên gia kể lại, “khi nghe nói như vậy, bà rất bỡ ngỡ. Bà nói rằng suốt thời gian được ăn học cũng như nhiều năm sống trong bậc gia đình, bà chưa hề nghe ai nói với mình như vậy bao giờ. Lúc nào cũng là mệnh lệnh, trách vụ, kỳ vọng, khinh miệt, chỉ trích. “Tôi cảm thấy trong chị có ẩn một người rất xinh đẹp.” Khi nghe những lời này, sức sống bỗng nhiên bừng lên trong bà. Giờ đây, bà bắt đầu tôn trọng những ân huệ cá biệt của mình và bớt cảm thấy bất an.”
Cố sức đóng vai Thiên Chúa trong cuộc đời của chính mình hoặc của người khác là coi thường sự sống. Ta không phải là chủ tể vận mạng của mình hoặc của bất kỳ ai cả. Hãy phó thác! Ngay từ ban đầu, tính ham muốn kiểm soát chính là vấn đề chủ yếu của con người. Satan rỉ rón với Ađam và Evà rằng nếu ăn trái cấm, họ sẽ thống trị như các vị thần, và hai nguyên tổ đã không cưỡng nổi cơn cám dỗ ấy và đã sa ngã, đánh mất ơn nghĩa Chúa, nên chúng ta mới nông nổi thế này.
Một ông cụ suốt đời sống tại một thành phố lớn đến tham quan một công viên quốc gia rộng lớn. Ở đó, lần đầu tiên, ông được thấy một thác nước khổng lồ. Ông đứng trầm ngâm thật lâu, thưởng ngoạn cảnh tượng hùng vỹ. Cuối cùng, ông thầm thĩ thưa lên, “Lạy Chúa, Chúa đã làm thật tuyệt! Lạy Chúa, Chúa đã làm quá tuyệt!” Trong tất cả những điều kỳ diệu trên đời, từ một lá cỏ mỏng manh cho đến những tinh tú bao la, không gì có thể sánh được với kỳ công kiệt tác của Chúa: con người.
Hễ khi nào thấy mình muốn uốn nắn người khác theo bản thân mình, chúng ta hãy lặng lẽ và chiêm ngắm cảnh tượng xinh đẹp ấy. Và nếu chiêm ngắm kỹ lưỡng, thật lâu, với một tâm tình yêu mến, chúng ta có thể kinh ngạc khi thấy mình phải cung kính buột miệng kêu lên, “Ôi lạy Chúa, Chúa đã làm quá tuyệt! Con chỉ có thể giữ nguyên như vậy mà thôi!”
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ