Chủ đề: “Mỗi người chúng ta phải tuyên xưng đức tin của riêng mình vào Chúa Giêsu và nói rằng, “Lạy Chúa con và Thiên Chúa của con.“
Một bác sĩ chuyên giải phẫu bàn tay, trong một bài báo được phát hành trên toàn quốc, ông viết rằng trong mọi cuộc giải phẫu, ở một điểm nào đó, ông đã phải kêu lên, “Lạy Chúa con và Thiên Chúa của con!”
Câu chuyện đằng công việc giải phẫu bất thường này được phát xuất trong thời gian ông ở Việt Nam.
Một tối kia, sau khi mới tốt nghiệp y khoa, ông được gọi đến để lấy một viên đạn từ tay một người lính. Đã vậy, ông phải thi hành điều đó dưới ánh sáng của đèn pin. Cuộc giải phẫu ấy đã làm ông cảm động đến nỗi, sau cuộc chiến, ông quyết định chuyên ngành giải phẫu bàn tay.
Vì sự chuyên môn này, nhà phẫu thuật rất thấu hiểu sự đau đớn khủng khiếp gây nên bởi vật gì đó, tỉ như viên đạn, xuyên xé qua xương, bắp thịt, và các thần kinh của bàn tay.
Ông nói cứ mỗi lần ông nghĩ về sự đau đớn khủng khiếp mà Chúa Giêsu phải chịu khi bị đóng đinh trên thập giá thì ông phải nhăn mặt.
Nói về bài phúc âm hôm nay, vị bác sĩ cho biết ông nghĩ rằng lời kêu than của Thánh Tôma, “Lạy Chúa của con và Thiên Chúa của con,” không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà đó còn là lời sửng sốt bàng hoàng khi thấy các bàn tay của Chúa Giêsu bị xé nát và sứt sẹo biết chừng nào.
Chỉ lúc bấy giờ Thánh Tôma mới thực sự nhận thức được sự đau đớn mà Chúa Giêsu đã chịu trên thập giá. Và sự khám phá đó, vị bác sĩ nói, “vượt quá mức chịu đựng của Thánh Tôma.”
Vị bác sĩ này chấm dứt bài viết thật xúc động với lời chứng sau: “Mỗi lần tôi giải phẫu và nhìn vào bên dưới lớp da… của bàn tay con người, tôi được nhắc nhở rằng Đức Kitô đã hy sinh bàn tay lành lặn của Người vì tôi. Và, cùng với Thánh Tôma, tôi nói, ‘Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.'” Dr. C. Scott Harrison, Guideposts (April 1985)
Tôi thích câu chuyện này vì nó dẫn chúng ta về một điểm đức tin mà chúng ta thường hay quên. Điểm đó là:
Mỗi người chúng ta phải đạt đến mức độ trực tiếp tin vào Chúa Giêsu . Chúng ta không thể tin chỉ vì bạn hữu chúng ta tin. Phải, đức tin của họ giúp đỡ chúng ta, nhưng điều đó chưa đủ. Chúng ta phải đạt đến mức độ trực tiếp tin vào Chúa Giêsu, giống như vị bác sĩ đã làm trong câu chuyện trên, và cũng như Thánh Tôma đã làm trong phúc âm hôm nay.
Và vì thế, hãy xem đến một vài trường hợp ngắn gọn của một số người, giống như chúng ta, đã đạt đến mức độ trực tiếp tin vào Chúa Giêsu.
Tác giả Robert Cleath được dẫn đến sự tin tưởng khi chiêm niệm về sự biến đổi không thể tin được đã xảy ra nơi các môn đệ của Chúa Giêsu vào ngày Phục Sinh.
Trước Phục Sinh, họ vỡ mộng, tiêu tan hy vọng. Sau Phục Sinh họ biến đổi một cách lạ lùng. Ngay cả họ được sức mạnh để làm phép lạ. Ông Cleath nói: “Không một giải thích nào đủ lý lẽ để giải thích về sự biến đổi đời sống của họ ngoại trừ chính họ: họ đã thấy Đức Giêsu… còn sống.”
Ông Blaise Pascal, một thiên tài toán học, đã phải tin khi suy niệm về dữ kiện sau, đó là không có sự đe dọa ghê gớm nào, dù cái chết, có thể ngăn cản các môn đệ của Chúa Giêsu đừng hô lớn cho thế giới biết rằng Người đã sống lại.
Ông Pascal cho biết, ông tin rằng có những người sẵn sàng “chịu cắt cổ” vì điều họ rao giảng.
Và sau cùng, là những tù nhân ở trong trại tù bên sông Kwai. Qua những cảm nghiệm của chính họ về quyền năng của Chúa Giêsu đang hoạt động trong đời sống của họ mà họ đã phải tin.
Nên nhớ rằng các tù nhân buộc phải làm việc dưới ánh nắng gay gắt mà không được đội nón và đi chân không. Chỉ sau một vài tuần, những người vạm vỡ trở thành các bộ xương biết đi. Nhuệ khí chỉ còn là con số không. Phải thi hành một điều gì đó.
Chính vào lúc này, hai tù nhân trong trại phân chia các tù nhân khác thành nhóm nhỏ để học hỏi Kinh Thánh. Từ việc học hỏi này, các tù nhân biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại và đang ở giữa họ. Tất cả những gì họ phải làm là tìm đến với Người.
Khi các tù nhân tìm đến với Chúa Giêsu, họ cảm nghiệm được sự biến đổi lạ lùng trong đời sống của họ. Chính cảm nghiệm này đã giúp họ quỳ xuống và nói với Chúa Giêsu rằng, “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.”
Điều này giúp chúng ta nhìn lại chính con người của mình. Chúng ta cũng phải tin nơi Chúa Giêsu một cách cá biệt. Chúng ta cũng phải tìm ra lý do của riêng mình để giúp chúng ta quỳ xuống và nói với Chúa Giêsu rằng, “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.”
Chúng ta không thể ngược dòng thời gian đi vào lịch sử 2,000 năm trước với ngày Phục Sinh đầu tiên.
Chúng ta không thể đặt ngón tay vào lỗ đinh nơi bàn tay của Chúa Giêsu, như Thánh Tôma đã làm. Chúng ta không thể giải phẫu bàn tay con người, như vị bác sĩ đã làm, để qua cảm nghiệm ấy biết được sự đau khổ vô cùng mà Chúa Giêsu đã phải chịu.
Chúng ta có thể làm như các tù nhân ở sông Kwai đã làm.
Chúng ta có thể tin vào Phúc Âm.
Chúng ta có thể đến với Chúa Giêsu qua đức tin.
Từ những cảm nghiệm của riêng mình, chúng ta có thể khám phá rằng Chúa Giêsu đã sống lại ở giữa chúng ta và sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, cũng như Người đã giúp đỡ các tù nhân.
Đây là lời mời gọi mà bài Phúc Âm hôm nay đưa ra cho chúng ta.
Đây là lời mời gọi mà chính Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta khi Người nói với Thánh Tôma:
“Có phải anh tin là vì anh thấy Thầy? Phúc cho những ai không thấy mà tin!” Gioan 20:29
Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, khi Chúa Giêsu nói với Thánh Tôma, “Thật phúc cho những ai không thấy Thầy mà tin!” đó là Chúa nói với chúng ta.
Người nói với hàng tỉ người Kitô Hữu trong lịch sử rằng:
“Phúc cho các con nếu các con tin vào Phúc Âm.
Phúc cho các con nếu các con đến với Thầy qua đức tin.
Thật vậy, phúc cho các con vì các con sẽ khám phá ra điều mà các tù nhân đã làm. Các con sẽ khám phá ra rằng Thầy đã sống lại, Thầy đang sống, ngay bây giờ Thầy đang ở giữa các con, sẵn sàng để giúp đỡ các con.”
Chúng ta hãy chấm dứt với một bài thơ. Một độc giả ở Cedar Rapid, Iowa , gửi cho bà Ann Landers. Bà đã in lại trong tiết mục của bà trong tờ báo ngày Chúa Nhật Phục Sinh.
Bài thơ gửi cho những người như chúng ta, mà trong những lúc yếu đuối, nhiều khi chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ không biết Thiên Chúa có thực sự hiện diện hay không, và nếu Người hiện diện, không biết Người có lo lắng gì đến chúng ta không. Bài thơ viết:
“Này bạn, là người không thể di chuyển nổi một vì sao,
Không làm nổi một ngọn núi từ mặt đất,
Hoặc vẽ ra được đường nét của một hoa tuyết
Hay hiểu được sự lạ lùng của sự sinh nở,
“Này con người kiêu ngạo
bạn không thể thay đổi vũ trụ trong bất cứ phương cách nào,
Hay tạo thành một búp hoa, hay thả ra một giọt mưa
Hay tung ra một cụm mây vào ngày nắng đẹp,
“Ôi người trần tục, ngươi không thể vẽ ra cảnh hoàng hôn
Hay tạo ra cảnh bình minh le lói.
Ôi con người nhỏ bé
Ngươi không thể tạo ra dù chỉ một phép lạ,
Sao ngươi dám nghi ngờ Đấng duy nhất có thể làm được điều đó.”