CHÚA NHẬT 22 Thường Niên (ngày 2/9): Con người đã được Thiên Chúa dựng nên “theo hình ảnh Chúa” thánh thiện tinh tuyền, nhưng vì tổ tông Adam và Evà đã phạm tội phản nghịch với Chúa, gọi là tội tổ tông; vì thế, loài người chúng ta trở nên yếu đuối dễ sa ngã phạm tội. Thiên Chúa đã ban hành các Lề Luật để hướng dẫn chúng ta đi theo đường lối của Chúa và tránh sa ngã phạm tội. Chúng ta phải “tuân giữ và thực hành các giới răn đó để đi đúng đường lối Chúa và để xứng đáng là dân riêng của Chúa…” (Xin xem Bài đọc 1: Sách Đệ Nhị Luật 4,1-2.6-8).
Trong Bài Phúc Âm (Marcô 7,1-8,14-15,21-23), Chúa Giêsu phiền trách mấy người biệt phái và luật sĩ vì thái độ “giữ đạo bề ngoài”, mà tâm hồn thì đầy những tư tưởng xấu xa, tội lỗi như: “dâm ô, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá…”. Chúa Giêsu gọi những người đó là “bọn giả hình… là dân kính Chúa ngoài môi miệng mà lòng xa Chúa…”.
Trong Bài đọc 2 (Giacôbê 1,17-18.21-22.27), Thánh Giacôbê kêu gọi chúng ta “hãy khử trừ mọi tư tưởng ô nhơ, gian ác…” và “hãy thực thi những Lời Chúa mà chúng ta đã nghe, chứ đừng nghe xuông mà lừa dối chính mình.” Đồng thời Thánh Giacôbê cũng đưa ra một chỉ dẫn cụ thể về lòng đạo đức: “Lòng đạo đức thật đối với Thiên Chúa là: Thăm viếng các cô nhi, quả phụ đang phải sống trong hoàn cảnh quẫn bách, và hãy giữ mình trong sạch khỏi mọi tội lỗi ở đời này.”
LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ (ngày 8/9): Lễ này có từ khoảng thế kỷ 5 để kính ngày sinh của Đức Maria mà Thánh Gioankim và Anna là thân phụ và thân mẫu (Lễ kính Thánh Gioankim và Anna là ngày 26/7).
Bài đọc 1: (trích sách Tiên Tri Mikha 5,1-4) (cũng có thể lấy trong Thư Rôma 8,28-30). Bài Phúc Âm (Matthêu 1,1-16.18-23).
CHÚA NHẬT 23 Thường Niên (ngày 9/9): Bệnh tật và các đau khổ luôn đi theo thân phận con người chúng ta là con cháu của ông Adong và bà Evà. Chúng ta phải cầu xin Chúa thương nâng đỡ và giúp chúng ta can đảm để “vác Thánh Giá” của mình, như Chúa Giêsu đã bảo chúng ta: “Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình đi, vác Thánh Giá mình hằng ngày mà theo Ta.” Chính Chúa Giêsu cũng đã chịu bao nhiêu đau khổ và chịu chết nhục nhã trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta.
Trong Bài đọc 1 (Isaia 35,4-7), Thiên Chúa bảo Tiên tri Isaia hãy nói với dân chúng là “hãy can đảm lên… và hãy vững lòng tin vào ngày Thiên Chúa sẽ đến để cứu dân Chúa và đem lại niềm vui, người mù sẽ thấy được, người què sẽ đi được…”. Đoạn này cũng ám chỉ ngày Chúa Giêsu đến trần gian và làm các phép lạ để chữa bịnh tật cho nhân loại, chẳng những bệnh tật phần hồn mà cả phần xác, như trong Bài Phúc Âm hôm nay (Marcô 7,31-37) đã ghi lại việc Chúa Giêsu chữa một người câm điếc, và anh ta đã nói được và nghe được.
Ngoài ra Bài đọc 2 (Giacôbê 2,1-5), Thánh Giacôbê cũng khuyên bảo chúng ta hãy biết tôn trọng mọi người, đừng phân biệt người giầu người nghèo, người sang người hèn; đừng kính trọng người này và coi thường người kia; nhưng phải cư xử lịch sự với mọi người, đó mới là lòng bác ái chân thật. Thiên Chúa lại hay thương xót và nâng đỡ những người nghèo khó, bệnh tật, đui mù, bị xã hội bỏ rơi.
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ (ngày 14/9): Hằng năm, Giáo Hội dâng Lễ Suy Tôn Thánh Giá để nhắc nhở chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá Chúa mà suy nghĩ về tình yêu vô biên của Chúa đối với nhân loại chúng ta, đến nỗi đã chịu chết treo nhục nhã trên Thánh Giá như một kẻ nô lệ, như một tội phạm, để đền bù tội lỗi chúng ta. Nguyên thuỷ, Thánh Giá chỉ là một cây thập tự để đóng đinh các tội phạm thuộc hàng nô lệ trong Đế quốc Rôma xưa. Đó là một cái chết thật khổ sở và nhục nhã vô cùng. Nhưng từ khi Chúa chịu đóng đinh vào Thánh Giá để chết vị tội lỗi chúng ta, thập tự giá đã trở nên Thánh Giá cứu chuộc tội lỗi chúng ta, và chúng ta suy tôn Thánh Giá để thờ lạy Chúa Giêsu đã vì tình yêu chúng ta mà hy sinh chịu chết treo trên Thánh Giá để chuộc tội chúng ta; đồng thời cũng để chúng ta suy nghĩ về những tội lỗi mọi người chúng ta đã phạm nặng nề như thế nào, mà làm việc ăn năn đền tội, mà xa lánh dịp tội và chừa bỏ tội lỗi.
Bài đọc 1: Sách Dân Số 21,4-9. Bài đọc 2: Thư Philipphê 2,6-11. Bài Phúc Âm: Gioan 3,13-17.
LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI (ngày 15/9): Ngay sau ngày Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội dâng lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi để nhắc nhở chúng ta về những đau khổ vô cùng Mẹ Maria đã chịu khi nhìn thấy con Mẹ yêu dấu phải chịu chết treo trên Thánh Giá. Tâm hồn thánh thiện, trong sạch của Mẹ như bị xé nát ra, thật là sầu bi thảm thiết. Qua bao nhiêu đau khổ Mẹ vui lòng chịu, nhất là dưới chân Thánh Giá, Mẹ đã cùng Con Mẹ là Chúa Giêsu, đồng công cứu chuộc tội lỗi chúng ta.
Suy ngắm về những sự thương khó của Mẹ Maria để chúng ta thêm lòng yêu mến Mẹ và ăn năn thống hối tội lỗi chúng ta, vui lòng chịu mọi đau khổ trong cuộc đời chúng ta để đền bù những tội nặng nề của chúng ta mà chừa bỏ tội lỗi, ăn năn trở về để sống xứng đáng con của Chúa và của Mẹ.
Bài đọc 1: Sách Phương Ngôn 8,22-31. Bài đọc 2: Thư Do Thái 5,7-9. Bài Phúc Âm: Gioan 19,25-27.
CHÚA NHẬT 24 Thường Niên (ngày 16/9): Theo bản tính tự nhiên, không ai trong chúng ta muốn chấp nhận khổ đau và sự chết đến với mình hãy đến với người thân yêu của mình. Hôm nay khi nghe Chúa Giêsu nói: “Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các thượng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi…”. Thánh Phêrô đã can ngăn Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu đã phiền trách Thánh Phêrô và nói là “chỉ lý luận theo tính loài người, chứ không muốn theo thánh ý Chúa!” (xin xem Bài Phúc Âm: Marcô 8,27-35).
Vì Chúa Giêsu đã vâng theo thánh ý Đức Chúa Cha chấp nhận mọi khổ đau, và chết trên Thánh Giá để cứu chuộc loài người tội lỗi. Đó là chương trình cứu chuộc nhân loại tội lỗi của Thiên Chúa, mà Tiên tri Isaia đã ám chỉ đến trong Bài đọc 1 (Isaia 50,5-9). Chúa Giêsu đã muốn thổ lộ sự khổ nạn của Chúa cho các Tông đồ biết để khi sự việc xảy ra các ngài đỡ sợ hãi, chán nản. Mọi việc đã xảy ra đúng như Chúa Giêsu đã nói trước: Chúa đã để cho các kỳ lão, thượng tế, luật sĩ Do Thái bắt Chúa, hành hạ bằng mọi khổ hình, rồi đưa ra toà Philatô, và sau cùng giết chết trên Thánh Giá như một tội phạm.
Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta noi gương Chúa: “Hãy từ bỏ mình đi, vác Thánh Giá mình hằng ngày ma theo Chúa…” vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai chịu mất mạng sống mình vì Chúa và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình.” (xin xem Bài Phúc Âm hôm nay).
Trong Bài đọc 2 hôm nay (Giacôbê 2,14-18), Thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta hãy sống Đức Tin và thực hành Đức Tin bằng cách chia sẽ cơm ăn, áo mặc cho những người nghèo khó, những người thiếu thốn. Đó là Đức Tin sống động đưa đến Đức Bác Ái, và bảo đảm cuộc sống đời đời cho chúng ta.
CHÚA NHẬT 25 Thường Niên (ngày 23/9): Con người chúng ta thường hay bị cám dỗ làm điều xấu về nhiều hình thức khác nhau; nhưng tất cả các cám dỗ đều quy về 3 điều chính là lòng ham danh, ham lợi, ham lạc thú. Theo bản tính tự nhiên ai trong chúng ta cũng muốn có địa vị cao, muốn giàu có, muốn thỏa mãn những lạc thú xác thịt. Hôm nay trong Bài Phúc Âm (Matcô 9,30-37) ghi lại việc 12 môn đệ tranh luận với nhau xem “ai là người lớn nhất trong nhóm”. Nhân dịp này, Chúa Giêsu dạy các ông và mọi người chúng ta bài học khiêm nhường và phục vụ: “Ai muốn làm người lớn nhất thì hãy hạ mình xuống làm người nhỏ nhất và làm đầy tớ mọi người!” Chính Chúa Giêsu “dù là Thiên Chúa cao cả nhưng đã hạ mình xuống làm người” và sống nghèo khó như một người bình dân, như một người thợ thuyền. Chính Ngài cũng nói về mình: Con người đến không phải để bắt người ta phục vụ mình; nhưng là để phục vụ mọi người.” Rồi Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ và mọi người chúng ta thêm bài học ai hạ mình xuống phục vụ những người đơn sơ bé nhỏ như trẻ em, là phục vụ chính Chúa.
Chính tính kiêu ngạo, tự đưa mình lên làm cho chúng ta hay ganh tị nhau, hay gièm pha, nói hành nói xấu, cãi vã lẫn nhau dẫn đến tranh chấp, thù hận như Thánh Giacôbê nói trong Bài đọc 2 (Giacôbê 3,16–4,3).
Chính lòng quá ham muốn địa vị và lòng tự ái, tạo nên những con người “ác tâm” tố cáo lẫn nhau và gây ra bao nhiêu những lộn xộn trong xã hội, rồi đưa đến chiến tranh, giết hại lẫn nhau, và gây ra chết chóc ngay cả cho các trẻ em và người vô tội, những người công chính, thanh liêm (xem Bài đọc 1: Sách Khôn Ngoan 2,12.17-20).
CHÚA NHẬT 26 Thường Niên (ngày 30/9): Trong Bài Phúc Âm hôm nay (Marcô 9, 38-43.45.47.48), Chúa Giêsu cảnh tỉnh mọi người chúng ta phải rất ý tứ đừng làm gương xấu cho người khác, nhất là những người bình dân, những trẻ em. Chúa Giêsu nói rất mạnh: “Thà buộc thớt cối xay vào cổ người đó mà ném xuống biển còn hơn…”. Hơn nữa phải tránh xa các dịp gây ra tội lỗi; Chúa Giêsu cũng nói rất mạnh: Nếu tay làm dịp tội thì hãy chặt tay đi… Nếu chân làm dịp tội thì hãy chặt chân đi… Nếu mắt làm dịp tội thì hãy móc mắt đi…”.
Chúng ta nhớ lại Chúa Giêsu dạy chúng ta phải làm gương sáng cho nhau, mọi người hãy trở nên “muối để ướp thế gian” là “đèn sáng soi sáng cho những người chung quanh”. Các Chủ Chăn phải là “muối ướp” là “đèn soi sáng cho đoàn chiên”. Các bậc vợ chồng phải làm gương sáng đạo đức cho nhau. Các bậc cha mẹ phải làm gương sáng cho con cháu.
Trong Bài đọc 2 (Giacôbê 5,1-6): Thánh Giacôbê cũng khuyên bảo chúng ta hãy sống tinh thần khó nghèo “đừng ham mê vàng bạc, của cải thế gian… Đừng bóc lột những người làm công, đừng gian lận tiền bạc… Đừng chè chén say sưa… Đừng chiều theo khoái lạc xác thịt… Đừng tranh chấp địa vị mà giết hại lẫn nhau…”.
Ngoài ra, Bài đọc 1 (Dân Số 11,25-29) cũng dạy chúng ta đừng nên ganh tị lẫn nhau, đừng tranh chấp thù hận; trái lại, hãy xin Thần Trí Thiên Chúa soi sáng để “lo làm lành lánh dữ” và sống an hoà với mọi người.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta, giúp chúng ta sống khiêm nhường phục vụ lẫn nhau với cả tâm hồn yêu thương; xa tránh những dịp tội lỗi, tránh “làm gương mù gương xấu” cho người khác, nhất là những người đơn sơ chất phác, các trẻ em còn ngây thơ.
Xin Chúa, nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyễn cầu, nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta và gìn giữ chúng ta trong ơn nghĩa Chúa luôn.
Lm. Anphong Trần Đức Phương