Chúa tuyên bố:“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Lạc đà chui lỗ kim? Không tưởng.
Nhưng tại sao điều không tưởng lại được Chúa sử dụng để làm ví dụ so sánh với người giàu, so sánh với sự giàu? Nói như thế, hình như thiên đàng… không có người giàu? Nếu thế, các Tổ phụ của chúng ta, Abraham, Isaac…, nức tiếng giàu có, các ngài ở đâu?
Hơn thế, trong Hội Thánh, ngoài xã hội, không thiếu những người giàu đầy lòng yêu mến Chúa, sống có nhân có nghĩa, luôn thi hành đức bác ái, làm giàu bằng lương tâm chân chính…, tất cả họ ở đâu sau khi rời trần thế?
Không, Chúa không quy chụp tất cả những người giàu theo nghĩa “cá mè một lứa”. Không phải cứ là người giàu thì phải ở ngoài thiên đàng, còn cứ là người nghèo thì vào thiên đàng. Không phải Chúa bênh vực người nghèo và bỏ rơi người giàu. Giàu, tự nó không làm nên tội. Cũng vậy, nghèo, tự nó không lập công phúc.
Bằng hoàn cảnh cụ thể về một người giàu có, – được Chúa mời gọi “hãy bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy theo tôi”. Anh đã không đáp trả ơn gọi của mình, nhưng lại “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” – Chúa đưa ra kết luận: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”, trước là nói đến chính anh ta và những người có thái độ giống như anh: giàu của nhưng không giàu lòng. Sau là Chúa dạy từng người chúng ta phải mở rộng bàn tay, không để mình nô lệ của cải để có thể dễ dàng sống bác ái, sống hiến dâng một cách nhanh nhẹn, không tính toán.
Giàu hay nghèo không là cơ sở để Chúa phán xét. Tấm lòng con người mới là điều quan trọng để quyết định tội – phúc. Giàu lòng sẽ dẫn ta đến giàu nhân, giàu nghĩa, giàu sự xót thương, giàu tình bác ái. Do sự giàu lòng ấy, chúng ta cũng sẽ trở nên giàu công đức, giàu ân phúc của Thiên Chúa.
Có một cách để chúng ta có thể làm giàu lòng mình, đó là:
– Nếu gọi “lỗ kim” là sự rộng lượng, là tinh thần quảng đại, thì hãy làm cho lỗ kim lớn hơn “con lạc đà”. Nghĩa là ta phải tập sống mỗi ngày một biết yêu tha nhân hơn, sống siêu thoát với tiền của hơn. Ta hãy tự nhủ mình: “Chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…” (kinh Hòa Bình), để có thể sống rộng lượng hết sức và sống tinh thần quảng đại ở mức độ cao nhất.
Hãy nhớ câu chuyện về một người giàu, khi còn sống đã trối cho người thân, và sau khi ông chết, người thân của ông đã làm theo lời trăn trối. Họ ghi trên chính ngôi mộ của ông những lời thấm thía: “Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác. Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng. Những gì tôi đã cho đi, nay thuộc về tôi”.
Chỉ có sự cho đi, chỉ có lòng quảng đại ban phát, mới là cách biến “lỗ kim” của tình yêu rộng lượng, tình yêu dấn thân, tình yêu hy sinh, tình yêu bác ái, tình yêu dựng xây đời sống chung… mở rộng ra, để ta, dù giàu hay nghèo, dễ dàng đi vào hưởng Nước Chúa.
– Nếu gọi “con lạc đà” là sự tham lam, ích kỷ, thì hãy làm cho con lạc đà nhỏ hơn “lỗ kim”. Nghĩa là phải rèn mình cho sự hẹp hòi, sự tính toán cho bản thân, sự thu tích để làm giàu vật chất… ngày càng nhỏ lại. Hãy kiên trì rèn mình mỗi ngày, đến khi nào con lạc đà của sự tham lam, ích kỷ không còn. Hãy nhớ, càng quảng đại cho đi, sự tính toán cho bản thân cứ như thế, sẽ dần dà nhỏ lại.
Có lần, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được” (Mt 6, 24).
Ai cậy dựa vào tiền của, người đó sẽ lãnh lấy sự bạc bẽo của tiền của, nhất là trong ngày mình xuôi tay nhắm mắt. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng muôn đời tín trung, sẵn sàng ban phát chính Người cho ta. Người sẽ theo ta trên mọi nẻo đời. Người không bỏ ta khi ta rời trần thế, điều mà tiền của không thể thủy chung như thế được.
Hãy tín thác mình trong tay Chúa. Hãy để Chúa làm chủ cuộc đời ta. Nếu trọn cuộc đời, ta chỉ tin tưởng Chúa và để một mình Người định liệu, dẫn dắt ta đi theo cách của Người, thì chắc chắn, ta không còn mê của thế gian, không còn sợ đói nghèo đến nỗi phải lo thu tích, vun vén cho bản thân.
Vậy, chúng ta hãy nhanh chân đi đến địa chỉ mà Chúa nói rõ trong đoạn Tin Mừng khi âu yếm nhìn chàng thanh niên giàu có. Địa chỉ đó là người nghèo: “Anh chỉ thiếu một điều, là bán hết của cải đem phân phát cho kẻ nghèo”.
Dù cho “làm lớn” cái lỗ kim, hay “thu nhỏ” con lạc đà, tất cả nhắm một điểm quan trọng duy nhất: mến Chúa và yêu người. Mến Chúa để yêu thương con người. Và yêu con người để chứng minh lòng yêu mến Chúa nơi bản thân.
Mến Chúa đòi phải thi hành lòng mến ấy cách thực tế nơi anh chị em. Vì“sự gì ngươi làm cho một người bé mọn nhất vì danh Ta, là làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Và yêu anh chị em bằng việc làm cụ thể chính là thể hiện lòng yêu mến Chúa ra bên ngoài cách tỏ tường.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG