Lộ trình Em-mau – Hành trình đức tin

Khi viết bài suy niệm Lời Chúa CN III/PS-B (bài Tin Mừng “Lc 24, 35-48” trình thuật việc hai môn đệ trên đường Em-mau trở về Giê-ru-sa-lem kể cho các môn đệ biết đã gặp Chúa Giê-su Phục Sinh); kẻ viết bài này nhận thấy lộ trình Em-mau thể hiện rõ một hành trình đức tin: Từ giai đoạn khủng hoảng đức tin (gặp thử thách) đến khi được ánh sáng Phục Sinh soi chiếu, “nhận về” Tình Yêu (Chúa hiện ra ban Thánh Linh “bình an cho các con”); và cuối cùng đức tin đuợc củng cố vững vàng, sẵn sàng lên đường “cho đi” Tình Yêu (loan báo Tin Mừng). Vì thế xin được chia sẻ về câu chuyện 2 môn đệ trở về quê là làng Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem khoảng chừng mười một cây số (Lc 24, 13-32):

Với tâm trạng buồn rầu, họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc đã xảy ra. Ngay khi đó, Đức Giê-su hiện ra với họ nhưng họ không nhận ra, và khi Người hỏi họ đang nói với nhau chuyện gì thì họ lập tức bày tỏ tâm trạng buồn chán thất vọng vì đã tới ngày thứ ba rồi mà niềm hy vọng của họ vẫn chưa được đáp ứng (“Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.” – Lc 24, 21). Suy niệm thấu đáo mới thấy được một hành trình mang nhiều ý nghĩa tiêu biểu cho cuộc đời người tín hữu:

I- LỘ TRÌNH ( CON ĐƯỜNG) EM-MAU:

Có thể nói câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau biểu trưng cho một hành trình đức tin. Và cái hành trình ấy đã diễn ra 3 bước:

1- Thử thách: Sau khi Người Thầy tử nạn trên thập giá, thì có thể nói hai môn đệ trên đường Em-mau bộc lộ rõ nét nhất tâm trạng chung của các Tông đồ tiên khởi: mỏi mệt, chán chường, thất vọng não nề. Thế là hết, hết mọi hy vọng về một vương triều mới dưới sự lãnh đạo của Vua Giê-su. Tuy rằng các môn đệ khác tập trung tại một nơi để cầu nguyện cùng với người Mẹ mà Thầy mình đã trối trăng dưới chân thập tự; riêng hai ông thì thật sự tuyệt vọng, chẳng còn lý do gì để lưu lại chốn kinh thành.

Hành vi rời Giê-ru-sa-lem của 2 môn đệ, nếu xét theo tâm lý con người thì cũng bình thường, không có gì đáng trách. Cũng bởi vì ngay khi Thầy còn sống, được ở liền bên với Thầy, chứng kiến biết bao nhiêu việc làm và nhất là những phép lạ Thầy chữa bệnh cho nhiều người, thậm chí còn cho cả kẻ đã chết được sống lại nhãn tiền, vậy mà vẫn còn hoài nghi; huống hồ nay Thầy đã chết và được chính bản thân mình mai táng trong mồ, thì làm sao còn nuôi được hy vọng như khi mới theo Thầy? Cuộc đời luôn có những thử thách mà cái thử thách này có thể nói là một thử thách nghiệt ngã, không chỉ dành riêng cho 2 môn đệ trên đường Em-mau, mà là chung cho tất cả các môn đệ.

2- Tiếng gọi của Tình Yêu:  Hành trình Em-mau nghe sao mà chua xót thế! Còn đâu nữa ước vọng làm Tả Hữu Thừa tướng dưới quyền Vua Giê-su (2 môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an xin được ngồi bên tả và bên hữu Chúa Giê-su – Mc 10, 37), hoặc ít ra cũng là được vào Vương quốc của Người trước tiên và được ngồi trên cao liền sát với Con Thiên Chúa. Thôi thì đành “trở về làng cũ học cày cho xong” để rồi cứ “ngày ngày vác cuốc thăm đồng…” “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” (ca dao, tục ngữ VN). Tâm trạng chán chường tuyệt vọng của hai môn đệ đã khiến người khách đồng hành quở trách: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24, 25-26).

Không những thế, người khách lạ lùng ấy còn kể ra một danh sách dài các ngôn sứ đã minh họa cho những gì liên quan đến Đức Giê-su: “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.” (Lc 24, 27). Những lời dạy của vị khách kể như là tiếng gọi của Tình yêu, bởi đã mở mắt cho 2 môn đệ thấy được lòng trí u mê, tăm tối của con người, nhất là cái niềm tin rất dễ bị chao đảo. Chậm tin, kém tin là đương nhiên, và vì thế, khi nghe được những lời khai thông ấy, họ mới lên tiếng đáp trả khi thấy người khách lạ tỏ ý muốn chia tay: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”

3- Sự “nhận về” và “cho đi”: Thật sự chẳng ai ngờ được người khách đồng hành lại chính là người Thầy đã tử nạn trên thập giá. Thì ra Thầy vì Tình Yêu đã vâng lệnh Chúa Cha xuống trần để cứu độ loài người, Thầy luôn luôn và mãi mãi đồng hành, “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” mà họ không tự biết, vẫn còn bán tín bán nghi. Phải đợi đến lúc đồng bàn, Thầy lập lại động tác như trong bữa Tiệc Ly, họ mới nhận ra.

Các môn đệ và nói chung là con người đã đón nhận biết bao nhiêu hồng ân xuất phát từ Tình Yêu của Thầy mà vẫn hững hờ, vô cảm. Hành động “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” cũng chỉ là một nghĩa cử bình thường của tình nhân loại. Nhưng nghĩa cử đó đã được đáp ứng: Hai môn đệ mời Thầy dùng cơm bánh đời thường thì Thầy lại mời họ dùng cơm bánh bởi trời. Sự nhận về và cho đi giữa Thầy và các môn đệ thật quá đỗi lạ lùng, và đó chính là sự kỳ diệu của Tình Yêu. Con người ở thế kỷ XXI này cũng vậy thôi, đã nhận về rất nhiều, quá nhiều Máu và Nước Tình Yêu từ Trái Tim Thầy, từ Lòng Nhân hậu của Thiên Chúa, vậy mà vẫn còn và còn rất nhiều cảnh “Ngày xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách trọ các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các người đã chẳng thăm viếng.” (Mt 25, 42-43). Thế đấy!

II- HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN:

Hành trình Em-mau là một hành trình khởi đi từ nỗi thất vọng, chán nản ê chề, trở thành một hành trình tìm kiếm đức tin và kết thúc hết sức tốt đẹp, nên “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.” Trở lại với nhóm Mười Một không phải chỉ là để kể cho nhau nghe những điều mình đã tai nghe mắt thấy, mà là để “tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 1, 1-4). Kết quả là: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.” (Cv 1, 42-43).

Đó chính là một hành trình đức tin khởi đi từ khi con người đón nhận Ơn gọi Ki-tô hữu: Được nhận vào làm môn đệ của Đức Giê-su, được tham dự vào 3 chức vụ của Người (Ngôn sứ – Tư tế – Vương giả). Lãnh nhận chức vụ “ngôn sứ” là lãnh nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng (“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ nhữngđiều Thầy đã truyền cho anh em và đây, Thầy ở cùng anh  em mọi ngày cho đến tận thế.” – Mt 28, 19-20). Lãnh nhận chức vụ “tư tế” tức là hiến trọn cuộc đời mình làm của tế lễ dâng lên Thiên Chúa như xưa Đức Ki-tô đã thực hiện trong “hy tế thập giá”. Còn chức vụ “Vương giả” là chức vụ làm vua bản thân (làm chủ cuộc đời của chính mình, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân như xưa Đức Vua Ki-tô đã thực hiện tinh thần “mến Chúa yêu người”).

Vì thế, các Ki-tô hữu thời đại hiện tại cũng đừng vội tự ti mặc cảm khi nhìn lại mình thấy mình đã buồn nản vì những thử thách nghiệt ngã để rồi tản mác khắp nơi, chẳng còn tin tưởng vào một điều gì nữa. Hãy “quay trở lại Giê-ru-sa-lem”, tề tựu nhau mà cầu nguyện – cầu nguyện với Mẹ Maria. Chắc chắn Chúa vẫn luôn đồng hành với chúng ta trên hành trình Em-mau, và Người sẽ cùng “quay trở lại Giê-ru-sa-lem” với chúng ta. Tiếp theo, Thầy Chí Thánh sẽ ban cho “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần.” (Cv 1, 4) như lòng mong ước.

III- MÔ THỨC GIÁO LÝ:

Suy cho cùng, hành trình Emmau như một mô thức giáo lý tiêu biểu: Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, Thánh sử Lu-ca luôn sử dụng hình ảnh những cuộc hành trình để nói về sự phát triển nhân bản trong diễn trình giáo dục đức tin: tìm kiếm, tiến bước, gặp khó khăn, khắc phục rồi lại tiếp tục tiến bước. Chỉ cần nói đến hành trình “lên Giê-ru-sa-lem” của Chúa Giê-su và các môn đệ, cũng đủ thấy tác giả Lu-ca luôn chú trọng tường thuật những hành trình đức tin của các môn đệ. Riêng trình thuật Emmau được coi như bài dạy về đời sống đức tin, về sự hiện diện đầy mầu nhiệm của Chúa, Đấng vẫn ở với các tín hữu trên mọi nẻo đường đời, không chỉ trong sự vui mừng, mà cả những lúc chán chường tuyệt vọng lẫn đêm đen tội lỗi. Từ hành trình Emmau, có thể rút ra những nguyên tắc Giáo Lý: 

1. Chúa Giê-su là Đấng trung tín: Đức Ki-tô đích thân tiến tới gặp các môn đệ, như Lời Ngưởi đã hứa (“Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” – Mt 28, 20), nhằm chứng minh Thiên Chúa là Đấng Trung Tín  (St 24, 27; 32, 11; Xh 34, 6 ; 2Tm 2, 13 ; 1Cr 1, 9 ; Thánh vịnh 25, 10; 30, 10; 31, 6; 36, 6; 40, 11; 54, 7; 57, 4, 11; 69, 14; 71, 22; 86, 15; 146, 6…).

2. Chúa Giê-su luôn đồng hành với các môn đệ: Khi thấy hai môn đệ đau buồn, Đức Ki-tô tiến đến gần và cùng đi với họ. Điều đó chứng tỏ Đức Ki-tô Phục Sinh luôn quan tâm đến các môn đệ và sẵn sàng nâng đỡ khi họ buồn phiền đau khổ vì những thử thách gặp trên đường đời. Nói cách cụ thể, Đức Ki-tô luôn đồng hành, sát cánh với các tín hữu là các môn đệ của Người.

3. Chúa Giê-su luôn nhắc nhở để giúp các môn đệ củng cố đức tin: Khi Đức Ki-tô hỏi họ: “các anh đang trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” rồi Người nhắc nhở: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24, 17-25); mục đích là để các môn đệ hãy tin tưởng vào những Lời dạy của Người Thầy luôn quan tâm tới các môn đệ. Từ đó, củng cố đức tin cho bản thân họ thêm vững chắc trước biết bao thách đố của cuộc đời.

4. Chúa Giê-su ban Thánh Thần soi sáng, mở lòng mở trí cho các môn đệ: Người làm như thể muốn đi xa hơn, cốt ý để họ giữ Người ở lại, để có dịp Người mở lòng mở trí cho họ. Nói cách khác, Người muốn các môn đệ thực sự ao ước ra khỏi vùng bóng tối của cuộc đời. Và để đáp lại sự mong ước đó, Người sẽ ban Thần Khí soi sáng cho họ, nhờ thế, “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24, 31).

5. Chúa Giê-su luôn mong muốn các môn đệ được dùng của ăn thiêng liêng thông qua bí tích Thánh Thể: Tại bàn ăn, Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ, lúc ấy mắt họ mở ra, và họ nhận ra Người. Chính lúc Đức Ki-tô lặp lại những động tác như khi Người thiết lập bí tích Thánh Thể, không những để họ sáng mắt sáng lòng, mà còn tác động vào tâm trí nhằm củng cố đức tin cho họ.

6. Các môn đệ vui mừng và hăng say tiến bước thi hành sứ vụ: Vì vậy, họ lập tức trỗi dậy, trở về Giê-ru-sa-lem. Hành động này chứng tỏ là khi đức tin đã được củng cố vững chắc, hai môn đệ sẽ quay trở lại họp cùng anh em, để cùng với các môn đệ tiến bước trên “hành trình thi hành sứ vụ” đã đươc trao phó.

Điều Chúa Giê-su làm trên đường Emmau phản ánh những tầm nhìn thông suốt nhất trong việc phát triển và giáo dục con người. Kỹ thuật giáo lý của Người có tính tổng thể và cảm nghiệm, đụng tới toàn bộ con người từ tri thức đến giao cảm. Nó cũng diễn tiến theo một trình tự, bắt đầu với tình thế “nhập môn” (mới vào học) của người học, với những nhu cầu đặc thù của họ. Tiếp theo là tính cách “trường tồn” (lâu dài, liên tục) trong quá trình học tập. Thực thế, cuộc hành trình trên đường Emmau phản ảnh diễn trình rất có trình tự của chính việc học tập, trải dài theo quá trình sống đức tin trong suốt cuộc đời người tín hữu. Không những đối tượng học tập chỉ là những Ki-tô hữu (học trò) trong việc học hỏi Đức tin; mà còn giúp ich rất nhiều cho những Giáo lý viên (thầy dậy) trau giồi kiến thức giáo dục, nâng cao tay nghề trong sứ vụ được trao phó.

KẾT LUẬN:

Tóm lại, để rút ra những bài học hữu ích, người Ki-tô hữu hãy lên đường thay vì ngồi lại một chỗ; cởi mở để hội nhập thay vì khư khư bảo thủ; chia sẻ tận tình thay vì khép kín một cách nghèo nàn. Cùng đồng hành với nhau trong hành trình đức tin luôn có Chúa ở cùng (“Thầy sẽ ở cùng với anh em mọi ngày cho đến tận thế” – Mt 28, 20). Cần phải hiểu Tin Mừng không chỉ đơn giản là một ngôn từ, nhưng là một chứng từ yêu thương vô điều kiện và tín trung: đó là ra khỏi chính mình để đến gặp gỡ người khác, gần gũi với người bị cuộc sống làm thương tổn, là chia sẻ với người túng thiếu, là ở bên những ai đau yếu, già cả hay bị loại trừ…” (Sứ điệp Phục Sinh 2014).

Vâng, “Tôi cũng mong đợi nơi anh chị em điều mà tôi yêu cầu tất cả mọi thành phần của Giáo hội: ra khỏi chính mình và đi về những vùng ngoại ô của cuộc đời: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ”, đó là những lời cuối cùng của Chúa Giê-su ngỏ với các môn đệ và hôm nay vẫn còn ngỏ cho tất cả mỗi người chúng ta (x. Mc 16, 15)… (Tông thư “Năm Đời sống Thánh hiến”, Mục II. – số 4). Để đạt được ước nguyện, xin hãy chạy đến “Ngôi Trường của Đức Maria”, cầu xin Mẹ dạy dỗ, “dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Ki-tô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người” (Tông thư Rosarium Virginis Mariae”, số 1). Ước được như vậy.

Ôi! Lạy Chúa! Xin soi lòng mở trí cho chúng con biết được Chúa vẫn luôn luôn và mãi mãi đồng hành với chúng con trên hành trình Em-mau – hành trình đức tin của chúng con. Lạy Chúa! Cuộc đời của chúng con trên cõi dương gian này đã xế chiều, sắp tàn, cúi xin Chúa “ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” (Lc 24, 29) và ban cho chúng con “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 1, 4), để chúng con có đủ dũng khí, sẵn sàng thi hành sứ vụ của mình như hai môn đệ trên đường Em-mau. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

Chia sẻ Bài này:

Related posts