Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
38 Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng
.39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.
40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”
41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.
42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma.
43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.
44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
« Anh em phải coi chừng » Đây là một câu lạ thường từ miệng Chúa Giê-su!
Chúng ta đang đọc đoạn cuối của Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Chúa trao cho các môn đệ những lời khuyên sau cùng.
Trước đó vài câu, Chúa nói: «Anh em hãy tin vào Thiên Chúa…tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. » (Mc 11, 22,24),
sau đó Ngài lại khuyên: « Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt » (13, 5).
Trong bài này, dường như Chúa muốn nói « Đừng tin vào bất cứ ai ».
Đó là những kinh sư, hay ít nữa vài người trong họ. Lời lẽ hăng hái của Chúa ở đây giống như cách nói của các ngôn sứ. Không biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe các ngôn sứ dùng những ngôn từ rất mạnh để công khai khiển trách một vài thái độ. Nhưng không vì thế Chúa vơ đũa cả nắm, kết án mọi kinh sư.
Có những kinh sư được tôn trọng trong thời Chúa Giê-su và thường là chính đáng. Họ là ai ?
Đó là những giáo dân có học bộ luật Mô-sê trong các trường chuyên nghiệp, những người tốt nghiệp luật (giống như ngày nay, chúng ta nói người này có bằng cử nhân thần học).
Họ có quyền suy niệm Lời Chúa và lên bục rao giảng trong các nhà nguyện. Họ được quyền ngự trong toà án tối cao Do Thái, họp hai lần mỗi tuần trong Đền Giê-ru-sa-lem. Những người giỏi nhất được ban chức hiệu « tiến sĩ Luật ».
Họ được kính nể, thật ra chính vì mọi người tôn trọng Lề Luật.
Sách Huấn Ca để nguyên một trang để ca ngợi các kinh sư (Hc 38, 34-39,11) « 1 Kẻ để hết tâm hồn suy gẫm luật Đấng Tối Cao thì không phải vậy. Người ấy truy tầm lẽ khôn ngoan nơi mọi bậc lão thành, không ngừng nghiên cứu các sấm ngôn, 2 giữ gìn cẩn thận điều danh nhân đã nói, đi sâu vào các dụ ngôn phức tạp. 3 Người ấy còn tìm hiểu ý nghĩa tiềm tàng của châm ngôn và miệt mài với những dụ ngôn bí ẩn » (Hc 39, 1-3).
Nhưng khi được dân chúng thừa nhận như thế làm cho vài người lên mặt. Trong các thánh đường họ ngồi ở những chỗ dành riêng, có người xấu tính lưu ý rằng những chỗ ấy quay lưng khỏi Bản Lề Luật mà quay mặt về dân chúng.
Chúa Giê-su tỏ ra rất thoải mái đối với họ. Trước đó vài câu Chúa khen một người trong họ. Thánh Mác-cô kể rằng : « 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! ” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa » (12, 34).
Trong bài này thì trái ngược, hình như Chúa chống lại mọi kinh sư. Nhưng thật ra, chỉ là một cách đáp lại sự quấy nhiễu của vài người trong nhóm họ, khi Chúa bước vào đời sống công khai. Từ ngày đó họ nuôi lòng ganh tị đối với Chúa.
Thật vậy, thánh sử Mác-cô cho ta thấy rất đầy đủ, suốt trong bài Tin Mừng, sự ngờ vực càng ngày càng sâu sắc của các kinh sư đối với Chúa Giê-su.
Về điều này, có lẽ chúng ta nên đọc lại (hay kết nối lại) tất cả các giai đoạn : Chữa lành người bại liệt tại Ca-phác-na-um (2, 6-7); bữa cơm nhà ông Lê-vi (2, 16); lời cáo buộc Chúa là đồng lõa với quỷ để có quyền thế:« 22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ » (3, 22), hay trong cuộc tranh luận không giữ phong tục. (7, 5).
Lòng ganh tị của họ dần dần biến dạng thành thù ghét và nảy sinh ra ý định muốn giết Ngài. Sau khi Chúa đuổi những người buôn bán trong Đền, « 18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người » (tóm lại, đó là sự ganh tị giữa các giáo sư 11, 18).
Chính sau giai đoạn với những người buôn bán, họ buộc Chúa chứng minh sự táo bạo của Ngài. « 27 Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: 28 “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy? » (11, 27-28).
Hơn nữa trong cuộc Thương Khó, Phi-la-tô không lầm [thánh Mác-cô ghi nhận : « 10 Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người » (15, 10)] .
Chúa Giê-su ý thức rằng họ thù ghét Ngài, nhưng không phải vì thế mà Chúa khiển trách họ.
Đối với Ngài còn có điều quan trọng hơn : « 40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá ». Bởi thế Ngài trách, có người trong họ lợi dụng chức vụ của mình.
Chúng ta có thể nghĩ rằng các kinh sư có những giờ cho tư vấn, các bà goá đến xin hỏi về luật lệ (chắc hẳn là không miễn phí) « 40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn ».
Câu này nghiêm khắc thật, nhưng đó là cách nói của các ngôn sứ, vì lòng trở nên chai đá dần nếu ta không đề phòng.
Những người Chúa ám chỉ ở đây làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, nhưng những lời cầu nguyện này là làm bộ chứ không phải cầu nguyện thật sự, vì sau đó họ cướp của những người nghèo…lời cầu nguyện của họ không làm họ gần Thiên Chúa hơn. Chúng ta có thể hiểu, chính họ tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ.
Và đây, chính một bà goá tiến lên cho tiền vào quỹ của Đền. Bề ngoài của bà cho thấy rõ bà nghèo. Thánh sử Mác-cô nói đến ba lần (xem 42, 43 : « bà goá nghèo » ; 44 : «bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình »). Rất đáng tiếc, đó là trường hợp thường tình vì các bà góa không được hưởng gia tài của chồng, số phận của các bà thường tuỳ thuộc vào lòng quảng đại của quần chúng. Bằng chứng sự nghèo của các bà là Luật Lệ lúc nào cũng nhấn mạnh phải nâng đỡ cô nhi quả phụ, chắc hẳn một kinh sư không thể không biết, chuyên gia về Luật cơ mà.
Bà goá tiến tới đặt hai quan tiền vào thùng, thì đây Chúa đem bà làm mẫu gương cho các môn đệ : « Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.
44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình »
Thánh Kinh không nói gì hơn những điều nhận xét của Chúa Giê-su về bà, nhưng muốn nói rằng lòng cậy trông của bà sẽ được khen thưởng…
Sự đối kháng với bài đọc một Chúa nhật hôm nay (Bà goá thành Xê-rếp-ta) rất gợi ý :
Như người phụ nữ Xê-rếp-ta đã cho tất cả lương thực dự trữ của bà cho Ê-li-a, ở đây bà goá thành Giê-ru-sa-lem cũng cho những đồng xu chót của bà. Lòng tin nơi Chúa, đó là thế! Dám lấy đến nguy cơ cuối cùng, trút bỏ mọi sự cho đến trơ trụi hoàn toàn.
Những lời khuyên sau cùng của Chúa Giê-su có một vẻ nổi bật đặc biệt.
Đến lượt các môn đệ phải chọn lựa một thái độ dứt khoát trong Giáo Hội sơ khai.
Mẫu gương mà Chúa xác định, không phải sự phô trương của vài người kinh sư, tìm kiếm vinh quang…
nhưng lòng quảng đại kín đáo của người đàn bà goá mạnh dạn chấp nhận mất hết.
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính : Khổng Nhuận
Nguồn: Trầm Tư Bên Suối Blog