Một doanh nhân thành đạt kia một hôm chợt nhận ra cuộc sống của mình đã mất phương hướng. Ông đến gặp chuyên gia trị liệu và kể lại quá trình phấn đấu lâu dài để đạt tới thành công hôm nay. Ông huyên thuyên nhiều giờ về công ăn việc làm, về cạnh tranh khốc liệt, về hy sinh gia đình phải nhẫn chịu, về nhiều nấc thang ông đã nỗ lực để vươn tới đỉnh cao. Ông tâm sự, “Khi đã đạt tới đỉnh cao, thật không như tôi nghĩ. Tôi thấy mình rỗng tuếch. Tôi đảo mắt nhìn quanh và nhận ra tôi đã dựa chiếc thang của mình vào lộn chỗ.”
Nếu như lúc này bạn cũng cảm thấy trống vắng, thì việc thừa nhận bạn đã dựa lầm chiếc thang của mình không đúng chỗ thực sự là một điều không dễ. Thực tế dù không tốt đẹp gì nhưng dường như vẫn khá ổn định. Cho nên cố gắng thay đổi tất cả là liều lĩnh. Vì thế, chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống của mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10:38-39).
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô Phục Sinh diễn tả cho các môn đệ: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Jerusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24:46-48).
Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta là chứng nhân của điều ấy. Chúng ta được mời gọi trở nên thừa tác viên của Chúa Kitô. Chúng ta được mời gọi loan báo Tin Mừng về Quyền Năng Phục Sinh của một Thiên Chúa, Đấng biến đổi sợ hãi thành hy vọng, nỗi buồn thành niềm vui, cái chết thành sự sống. Chúng ta được mời gọi rao giảng ơn tha thứ. Chúng ta được mời gọi làm chứng nhân của bình an và tình huynh đệ trong Thánh Danh Chúa Giêsu.
Trước đó, trong Phúc Âm thánh Luca, Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô, “Con bảo Thầy là ai?” và Phêrô đã trả lời, “Thầy là Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa” (Lc 9:20). Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng Cứu Độ, Chúa đã cho chúng con tiếp xúc với Thực Tại Tối Thượng. Nhờ Chúa, chúng con mới biết Thiên Chúa là Đấng tốt lành, Đấng đáng tin cậy, Đấng hằng quan tâm đến chúng con, Đấng trung tín trong lời hứa dẫn đưa chúng con đến phần phúc muôn đời. Lạy Chúa, chúng con sẽ đón lấy thập giá hằng ngày để bước theo chân Chúa và loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng thế giới.
Chính Phêrô, người tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, cũng đã va vấp và nhiều lần sa ngã trong nỗ lực theo chân Thầy Chí Thánh. Chẳng hạn ngay sau lời tuyên xưng trên đây của Phêrô, Chúa Giêsu đã giải thích Người sẽ chịu án tử. Phêrô cảm thấy bức xúc nên kéo Chúa Giêsu ra và nói to, “Lạy Thầy, chớ thì điều ấy đừng xảy đến với Thầy” (Mt 16:22). Và Chúa Giêsu đã quở trách ngài là đồ quỉ vì không dám đối diện với thực tại. Ngay trong đêm Vượt Qua, tại phòng tiệc Ly, khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Phêrô đã cự tuyệt, “Không bao giờ Thầy phải rửa chân con!” Nhưng khi Chúa Giêsu nói rõ về hành vi Người đang làm, thì Phêrô lại khẳng khái đi từ cực đoan này sang cực đoan kia: “Lạy Chúa, xin rửa không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13:8, 9). Thế rồi cũng đến giờ phút đau thương nhất trong cuộc đời của Phêrô. Sau khi Chúa Giêsu bị bắt, Phêrô bị tố cáo là người theo Chúa, nhưng ngài đã chối phắt, không chỉ một hai lần, mà đến ba lần. Thế rồi gà gáy như lời Chúa Giêsu đã báo trước, và Phêrô đã than khóc nức nở. Ưu điểm của Phêrô là sau mỗi lần sa ngã, ngài liền chỗi dậy và bắt đầu làm lại từ đầu; rút kinh nghiệm và lại tiến lên.
Trong cộng đoàn ở đây có những người đã từng sa đi ngã lại, và họ tự hỏi, “Vì sao như vậy?” Tôi không biết tại sao và cũng chẳng biết ai là người biết tại đâu. Nhưng tôi biết, nhờ ơn Chúa, sau mỗi lần sa ngã, anh chị em vẫn có thể chỗi dậy và tiến bước như Phêrô. Tôi biết nếu như anh chị em đã dựa chiếc thang của mình vào lầm tòa nhà, thì hãy noi gương Phêrô, hạ chiếc thang của mình xuống và vác thập giá của mình lên. Nhìn vào đời sống của Phêrô, chúng ta thấy Thiên Chúa có thể làm thăng tiến cũng như làm nổi bật vẻ đẹp và cá tính của con người Phêrô đúng như Người đã tạo dựng. Và chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa cũng muốn xử như vậy với chúng ta. Phêrô giúp chúng ta nhận ra rằng việc trở nên một con người hoàn thiện, hiểu biết điều gì đúng điều gì sai, là một tiến trình phát triển. Thật sai lầm khi cho rằng lý tưởng làm môn đệ Chúa Giêsu là một mục tiêu đạt được một lần vĩnh viễn. Trở nên môn đệ Chúa Giêsu chủ yếu là một quá trình vươn tới một mục tiêu. Khi ấy, cho dù tôi bất toàn, cho dù có nhiều khuyết điểm, cho dù là một tội nhân, thì ơn Chúa vẫn dành cho tôi để tôi có khả năng dấn thân vào cuộc sống với tất cả những quyết định và những áp lực của nó, và được vui sống.
Người ta thường nói, “Con người đi tìm vàng, nhưng ít khi tìm được những thỏi lớn. Vì vậy, họ sàng lọc kỹ lưỡng những vụn, những bụi. Những thứ này sau đó được đúc thành thỏi lớn. Điều tốt cũng đến với chúng ta như vậy – ít khi đến như một thỏi vàng, nhưng thường đến như những vụn, những bụi.” (Bailes Dr. Frederick, “Hidden Power for Human Problems.”)
Một phụ nữ phát hiện Michael, người lái xe thu rác khu phố mù chữ. Bà đã đề nghị giúp đỡ. Bà kể: “Suốt một năm trời, Michael đến nhà tôi đều đặn mỗi tuần một lần, và cả gia đình tôi cùng cố gắng giúp đỡ cho anh ấy biết đọc biết viết.” Tuy họ không thành công, vì Michael vẫn chưa đọc thông viết thạo, nhưng dù sao, theo lời của Michael, “Gia đình họ đã đối xử với tôi như người bạn thì cũng tốt lắm.” Câu chuyện ngắn ngủi đơn sơ, nhưng nếu như đừng bỏ qua những mẩu vụn, thì bạn sẽ có những thỏi vàng.
Freeman James muốn ngồi xuống viết sách, nhưng tự hỏi, “Viết gì bây giờ nhỉ?” Trái tim tôi trả lời, “Hãy viết về tình yêu.” Nhưng tâm trí tôi bảo, “Hãy viết về khôn ngoan.” Trái tim không tranh cãi với tâm trí; nhưng dùng tình yêu để ôm chặt tâm trí của tôi. Thế rồi, sau đó một lúc, tâm trí tôi lên tiếng, “Tình yêu chính là khôn ngoan.”
Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, khôn ngoan đích thực chỉ về khôn ngoan của tâm hồn. Chúng ta thăng tiến trong sự khôn ngoan thông qua quá trình biết quan tâm, biết cảm thông, biết tha thứ cho nhau trong tương giao với tha nhân. Mỗi lúc, chúng ta chỉ có thêm một bụi, một vụn vàng. Và khi tình yêu chúng ta lớn lao, thì cái nhìn của chúng ta về sứ mệnh Chúa Kitô Phục Sinh ủy thác cho chúng ta cũng lớn lao.
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ