MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ VĨ ĐẠI HƠN

“Đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta một lúc hai lần hiện ra của Chúa Phục Sinh; lần thứ nhất, Tôma “Điđymô” không có mặt để nhìn thấy Ngài, ông không tin; Ngài lại phải hiện ra lần nữa. Tôma thật bướng bỉnh! Nhưng ngạc nhiên thay, Đấng Phục Sinh lại muốn dùng con người bướng bỉnh này để giúp chúng ta hiểu được ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’.

Tôma đã thấy Chúa, ông được mời thọc ngón tay vào lỗ đinh, xỏ bàn tay vào cạnh sườn Ngài; và Tôma đã không nói, ‘Đúng là Chúa đã sống lại!’ Không! Tôma đã vượt xa hơn, vượt quá sự hiểu biết cần thiết ấy, để nói, “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”. Tuyệt vời! Tôma, người đầu tiên trong số các tông đồ tuyên xưng thần tính của Chúa Kitô sau phục sinh, và Tôma yêu mến Ngài trọn đời. ‘Một điều gì đó vĩ đại hơn’ đó là mặc khải về một Thiên Chúa xót thương, luôn tha thứ.

Không thể gần gũi hơn, Chúa Phục Sinh tự đặt mình trong một khoảng cách rộng vừa một bàn tay hoặc một ngón tay để Tôma có thể dễ dàng chạm đến Ngài. Ngài mời người môn đệ đang nghi ngờ này đến sát bên Ngài để chạm vào Thánh Tâm đầy xót thương của Ngài; hầu không chỉ hết nghi ngờ về thân xác phục sinh của Đấng Cứu Độ, nhưng còn không nghi ngờ gì nữa về một Thiên Chúa giàu lòng xót thương, điều mà Ngài hứa khi tha tội. Cùng Tôma, chúng ta cũng hãy đến sát Ngài trong khoảng cách chỉ vừa một bàn tay ấy; đồng thời, hãy nhìn qua cạnh sườn rộng mở của Ngài để thấy cho được ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’, một trái tim quá yêu thương mọi linh hồn.

Không chỉ muốn chạm đến trái tim Ngài, chúng ta sẽ làm ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’; đó là mời Chúa Giêsu chạm vào trái tim chúng ta. Như những người phung cùi đã phơi trần thân thể biến dạng của họ cho Chúa Giêsu chạm đến và chữa trị, chúng ta cũng trao cho Ngài linh hồn biến dạng của mình, xin Ngài chạm vào và chữa lành. Hãy để “ngón tay thánh” của Ngài chạm đến những gì cần được cảm hoá bởi ân sủng Ngài, đặc biệt qua Bí tích Hoà giải; ấy cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’, cũng là điều Ngài khát khao. Hãy đem trái tim khát khao của Ngài đến với các linh hồn. Phải, các linh hồn cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ mà Ngài hằng khao khát, và đó là công việc của chúng ta.

Nhật ký của chị Faustina viết, “Con gái của Ta, hãy nói với cả thế giới về lòng thương xót không thể tưởng tượng được của Ta. Ta mong Lễ Lòng Chúa Thương Xót là nơi nương tựa và chở che cho mọi linh hồn, nhất là cho những tội nhân đáng thương. Vào ngày đó, chính vực thẳm của lòng thương xót dịu dàng của Ta được mở ra; Ta tuôn đổ cả đại dương ân sủng cho linh hồn nào đến gần suối xót thương của Ta. Linh hồn đi xưng tội và rước lễ sẽ được thứ tha mọi tội lỗi và mọi hình phạt. Ngày đó, tất cả các cơn lũ thần thánh sẽ mở ra; dòng chảy ân sủng được mở ra”. Từ lúc chị qua đời, 1938, những mặc khải riêng cho chị bắt đầu được đọc và chia sẻ, nhưng một số người đã đặt câu hỏi về tính xác thực của chúng. Vì vậy, ngày 06/3/1959, các tác phẩm của Faustina đã bị Văn Phòng Toà Thánh đưa vào danh sách “cấm”; tuy nhiên, năm 1965, với sự cho phép của cùng một Văn Phòng Toà Thánh, Đức Tổng Giám mục Karol Wojtyła, giáo phận Kraków, Ba Lan, đã bắt đầu cung cấp thông tin; chị Faustina và các bài viết của chị đã toả sáng. Tiến trình này kết thúc ngày 15/4/1978 với việc Bộ Giáo Lý Đức Tin, Rôma, ban hành một sắc lệnh mới, cho phép phổ biến tài liệu của nữ tu Faustina và lòng sùng kính mới đối với Lòng Chúa Thương Xót. Sau đó, bởi sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ đã xảy ra, chỉ 6 tháng sau, Tổng Giám mục Karol Wojtyła được bầu làm giáo hoàng, đó là Đức Gioan Phaolô II. Hơn hai thập kỷ sau, ngày 30/4/2000, Faustina được chính Đức Gioan Phaolô II phong hiển thánh; nhân dịp này, ngài thiết lập lễ Lòng Thương Xót cho Giáo Hội hoàn vũ vào ngày thứ tám Tuần Bát Nhật Phục Sinh hàng năm.

Anh Chị em,

Thật đáng kinh ngạc, tự tay Chúa Giêsu Phục Sinh chọn ra một trong những giáo hoàng vĩ đại nhất để giới thiệu những mặc khải này với thế giới; từ đó, những thông điệp này đã trở thành một bữa tiệc chung cho tất cả mọi người. Phần chúng ta, hãy đến với Ngài là suối nguồn xót thương dù chúng ta là ai, tình trạng linh hồn chúng ta thế nào, tội lỗi, sốt mến; lơ là hay đạo đức… Đừng để mình chết khát khi ở bên mạch suối sự sống của Ngài; ấy là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ Ngài đang mong đợi. Cuộc đời luôn có gì đó hơn, nhưng sự Phục Sinh của Đức Kitô và lòng thương xót của Ngài thì không thể có ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ được nữa. Chúng ta hãy chọn lựa và sống cho cái tuyệt đối đó: lòng thương xót Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Ước gì lòng thương xót của Ngài chạm đến chúng ta, biến chúng ta thành những khí cụ xót thương của Ngài cho anh chị em bên cạnh mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin Lời Chúa, linh hồn con không sợ hãi khi đến gần Chúa, dẫu tội con đỏ tươi và lớn đến cỡ nào, lòng thương xót Chúa vẫn lớn hơn, đậm hơn. Đừng để con khát khao điều gì khác ngoài Chúa, và khát cả những linh hồn cho Chúa; ấy cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts