Sự việc Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên theo mình thật là một sự kiện kỳ lạ. Qua lời giới thiệu của ông Gioan: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1, 36) lập tức các ông đi theo Người và muốn tìm hiểu Người ở đâu. Đức Giêsu đã mời gọi họ: “Hãy đến mà xem.” (Ga 1, 39) Họ đã đến và ở lại với Người.
Sau khi tìm gặp được Đức Giêsu, ông Anrê đã dẫn em mình là Simon đến gặp Ngài. Vừa khi gặp Simon, Đức Giêsu đã phán: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Phêrô.” (Ga 1, 42)
Như vậy, muốn để người khác tìm gặp Đức Giêsu trước tiên ta phải giới thiệu. Qua lời giới thiệu mà mọi người có thể biết đến Ngài. Chỉ cần lời giới thiệu của ta để họ có thể gặp Chúa, còn gặp thế nào và cuộc đối thoại ra sao đều tùy thuộc vào Chúa. Ngài chỉ cần chúng ta là trung gian, mang Chúa đến với mọi người. Không cần ta nói, chẳng cần ta giãi bày, Thiên Chúa mới là tác nhân chính, mới là chủ thể của cuộc đối thoại giữa Ngài và người được ta giới thiệu.
Mấu chốt chính là ở đây, trong công cuộc truyền giáo, người làm việc tông đồ thường hay có xu hướng ỷ nại vào tài năng của mình, để cướp quyền Thiên Chúa. Họ vội quên rằng nếu như không có Thiên Chúa là chủ trong cuộc giao tiếp ấy thì mọi sự cũng đều hóa như không. Ngài có đầy đủ quyền năng và tự do khiến người khác tin nhận và yêu mến Ngài, bằng con đường Ngài muốn, theo cách Ngài muốn.
Nhân loại thường lại hay điều khiển mọi việc theo ý mình. Truyền giáo theo ý mình và cho mình chứ không còn cho Thiên Chúa và theo ý muốn của Ngài. Chẳng biết các môn đệ đến nơi Chúa ở, đã gặp gì ở đó nhưng Tin mừng cho biết họ đã ở lại với Người. Việc ở lại lúc này chính là ở lại trong tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa, là đã thuộc về Ngài, kết hợp nên một trong Ngài.
Đâu cần chúng ta yêu mến Chúa, mà ngược lại Ngài luôn đi bước trước đến với chúng ta. Anrê chỉ mới giới thiệu Đức Giêsu với Simon em ông, tức thì Thiên Chúa đã chọn lựa Ngài trở thành đá tảng xây dựng nền nhà Hội Thánh. Đức Giêsu đã đổi tên ông, và trao cho ông cả một kho tàng Nước trời vô giá.
Khi Thiên Chúa đổi tên ai, nghĩa là người ấy đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và bị Ngài chiếm hữu. Nhìn lại trang Kinh Thánh, cuộc đời của những thánh nhân là cuộc đời của những con người được Thiên Chúa đổi tên. Tên gọi ám chỉ sự sống từ nay đã thuộc về Ngài và chỉ sống cho Ngài mà thôi.
Còn chúng ta thì sao, có bao giờ trong đời chúng ta giới thiệu Thiên Chúa đến cho tha nhân để mọi người có thể nhận biết Thánh danh Ngài bằng chính cuộc sống chứng nhân của ta hay chưa? Khi giới thiệu Thiên Chúa cho tha nhân, chúng ta có biết phó thác mọi sự vào bàn tay quyền năng và quan phòng của Ngài hay chúng ta lại tìm đủ cách để vinh danh chính mình, thay vì vinh danh Thiên Chúa.
Khi nghe được tiếng Chúa gọi, khi nhận biết những biến cố xảy ra trong cuộc sống có sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta có biết đi theo tiếng gọi của Ngài hay không? Hằng ngày trong cuộc sống có biết bao nhiêu biến cố biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa nhưng chúng ta vẫn nhắm mắt làm ngơ.Khi đã gặp được Chúa, chúng ta có ở lại trong tình thương và ơn cứu độ của Ngài hay chúng ta lại quay về với lối sống hưởng thụ, ích kỉ của mình.
Và khi được Thiên Chúa thay tên đổi chủ, chúng ta có vâng phục và yêu mến để có thể bước đi theo Ngài, làm chứng nhân đích thực cho Tin mừng cứu độ hay không?
Lạy Chúa, được người giới thiệu về Ngài thì nhiều nhưng đem Thiên Chúa đến với tha nhân thì ít. Bản thân mình còn chưa gặp được Chúa, làm sao con có thể đem Chúa đến với người. Biết bao lần con đã từ khước ở lại trong tình thương của Ngài, để rồi mải miết chạy theo thú vui trần thế, những danh vọng, tiền tài, sự nghiệp, địa vị… Không ít lần Thiên Chúa đã thay tên đổi chủ trong lòng con, nhưng dường như con vẫn không thể nào mặc lấy tên gọi Kytô hữu cho trọn vẹn để mà có thể phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Xin giúp con, được một lần gặp Chúa để có thể thay đổi cả đời, chỉ biết sống và sống chu toàn thánh ý Ngài trên cuộc đời con mà thôi.
M. Hoàng Thị Thùy Trang