Chúa Giê-su nói: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”.
Như thế thì, chuẩn mực của mục tử tốt lành là “mục tử biết con chiên của mục tử” và “con chiên biết mục tử của chiên”.
Không thấy nói chuẩn mực của mục tử tốt lành là bằng cấp, là học vị, là du học, là phân biệt triều, hay dòng, là tu hội, là tu đoàn, là đan sĩ…Và cũng không biết cái phẩm trật dựa trên học vị bằng cấp trong giáo hội, đã có tự lúc nào, và sẽ còn kéo dài tới khi nào, trong khi, 12 con người xuất thân từ đại học Giê-su ra chẳng có cái bằng cấp nào cả, nếu không nói là môn học “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” là môn học cả đời, và hầu như không có luận áo nào đạt điểm tốt nghiệp.
Cha Gioan Maria Vianey chẳng hạn. Không những chẳng có bằng cấp, chẳng có học vị, mà còn được xếp vào loại linh mục yếu kém chuyện học, học hoài cũng chẳng giỏi, thiếu điều bị loại khỏi chủng viện, và khi đã được lãnh chức linh mục, còn bị anh em linh mục xem thường. Thế nhưng, như Thánh Phao-lô nói: “Chính trong khi tôi yếu đuối thì Chúa Ki-tô nên sức mạnh cho tôi”, Cha Vianey đã học môn học “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” ở trường Đại Học Giê-su mà không hề có lấy cái bằng cấp, không có lấy học vị đáng giá trong mắt người đời, kể cả trong mắt của những người có học vị có bằng cấp trong Giáo Hội.
Cha xứ họ Ars chỉ mới là một điển hình trong vô vàn điển hình quý giá nơi các linh mục chẳng nổi tiếng học hành gì, chẳng bằng cấp gì, nếu không nói là vẫn được xếp vào loại tầm thường, nhưng gặt hái về cho Chúa nhiều linh hồn.
Thiết tưởng, chính môn học “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” là môn học chìa khóa mở ra cho người mục tử con đường yêu thương phục vụ của Mục Tử Nhân Lành Giê-su Ki-tô, chứ không phải môn học nào khác với bằng cấp sáng chói, với bảng vàng danh dự, với học vị cao ngất trời kia.
Kinh nghiệm cho thấy cái thành công của một linh mục quản xứ không lệ thuộc vào bằng cấp học vị, mà lại dựa căn tính “Ipse Christus” để yêu thương đoàn chiên, chăm sóc đoàn chiên, và hết lòng, hết dạ, hết linh hồn, hết trí khôn lo cho đoàn chiên sống mật thiết với Thiên Chúa trong ân sủng và sống bình an, hiệp nhất, yêu thương nhau trong cộng đoàn. Thành công của một linh mục là “linh mục ấy đã là “chính Chúa Ki-tô’ mục tử, chính Chúa Ki-tô hiền lành khiêm nhượng yêu thương thí mạng vì chiên”.
Vâng,
-Có hiền lành khiêm nhượng mới dám bước ra khỏi cái lâu dài khanh tướng của mình mà bước xuống, cúi xuống, biết xuống con chiên của mình, mới dám cham xuống những nỗi đau của con chiên, dám xuống tay xoa dịu những vết thương, dám xuống tay băng bó, dám xuống cả tấm lòng mà thấu cảm cái bất hạnh của con chiên thiếu đói, tật nguyền, bệnh hoạn, giữa đời thường kia. Bằng không, hãy cứ chờ con chiên nào đến được với cha thì cha biết, con nào chẳng chịu đến thì cha chẳng hề biết.
-Có hiền lành khiêm nhượng mới có chạnh lòng, mới có mau mắn sáng kiến tỏ bày lòng thương con chiên và lo lắng cho đoàn chiên. Bằng không, linh mục trở nên người vô cảm hơn ai hết.
-Có hiền lành khiêm nhượng trong lòng mới thể hiện ra đích thực con người của Đức Giê-su Ki-tô yêu thương hết mình, phục vụ tận tình, kiên nhẫn ép mình chịu thương chịu khó cho đoàn chiên được sống vui. Bằng không, linh mục là người nhàn nhã, cầu an hơn ai hết.
-Có hiền lành khiêm nhượng trong lòng mới chính hiệu là gương sáng đức hạnh, thánh thiện, gương sáng cho một cuộc sống khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh, gương sáng cho một sự kết hiệp viên mãn với Lời Hằng Sống, Bánh Hằng Sống, gương sáng “làm việc này mà nhớ đến ta”, gương sáng tấm bánh bẻ ra cho đời, gương sáng sống và chết cho đoàn chiên được sống. Bằng không, linh mục chỉ là lính chăn thuê có cấp bậc ngon lành hơn ai hết.
Hẳn là, không cần ai phải nói, các linh mục hiểu rõ, biết rõ việc phải nên giống Chúa Giê-su Mục Tử hiền lành khiêm nhượng. Nhưng, vấn đề biết là một chuyện, và sống như điều mình biết là chuyện khác. Nhất là, trong toàn cảnh cảm tính của giáo dân Việt Nam, một là, vẫn luôn tốt lành, vẫn suy tôn, quý mến, chiều chuộng các cha quá lẽ, hoặc hai là, chẳng dại gì mà thật thà lên tiếng góp ý với các cha, bởi có góp ý cũng chẳng được, lại coi chừng chuốc họa vào thân: bị chụp mũ là tội phá hoại giáo hội, chết không có đất mà chôn!
Xin đừng nghĩ rằng, các linh mục vẫn biết rõ điều đó, và giáo dân thì không được phép yêu cầu linh mục phải sống thế nào. Chúa bảo: “con chiên biết chủ chiên mà”.
Không linh mục nào phải dại gì để bị mang tiếng là kẻ chăn chiên thuê cho Đức Cha, hết thuê chăn chiên ở xứ này, rồi thì thuê chăn ở xứ khác…Nhưng cũng có trường hợp con chiên thì chẳng thấy chủ chiên thương yêu con chiên, chẳng thấy lo lắng gì cho con chiên, hay đúng hơn chủ chiên chỉ có việc dâng lễ mà đôi khi còn ngã lên té xuống, giải tội thì bất đắc dĩ quát tháo lung tung, thì nói chi đến chuyện lo cho đoàn chiên một đời sống tâm linh vững mạnh!
Nói đến chuyện này, thì có cha lại bảo đừng vơ đũa cả nắm!
Thế nhưng, nếu là con chiên trong xứ đạo mà có cha sở như thế, thì chỉ một cha thôi mà vơ một nắm con chiên có khi đôi ba ngàn con vất vào đâu chẳng biết. Con chiên nản chí, nản lòng, bỏ xứ mình, dự lễ xứ khác.
…..
Đã đến cái thời kỳ mà Giáo Dân khao khát sự thánh thiện của các linh mục hơn khi nào hết. Không nên xếp giáo dân vào loại mạt hạng như ngày xưa nữa, nhưng hãy biết rằng họ đang mong chờ nơi các linh mục một đời chứng hơn là những lời chứng.
Bởi vậy mới cho chuyện con chiên nơi này, nơi kia lo lắng, suy tư, trăn trở thao thức, rồi bàn tán xôn xao mỗi khi có lệnh thuyên chuyền các linh mục trong Giáo Phận:
-Cha mới rất giỏi, du học về!
-Không, chúng tôi ngán rồi. Chúng tôi cần một cha mới biết “thương con chiên và mang lấy mùi chiên, nhất là mùi chiên lợm mửa ở nơi này”.
-Cha mới giảng rất hay!
-Không, chúng tôi cũng ngán rồi! Chúng tôi cần một cha “sống trước giảng sau, giảng ít ít cũng được, hơn là giảng thật hùng hồn, giảng thật hay ho mà toàn những điều Ngài chưa sống, hoặc toàn là những điều ngược lại với đời sống của Ngài!”
-Cha mới xây nhà thờ rất giỏi! Kiếm tiền rất giởi!
-Không chúng tôi cũng ngán rồi. Chúng tôi cần một cha mới xây dựng lại ngôi nhà hiệp nhất muôn lòng trong giáo xứ của chúng tôi, bởi vì cha cũ đã làm sụp đổ căn nhà ấy. Hội đồng bất nhất, đoàn thể chia rẻ, toàn là tướng không quân nên các sinh hoạt hời hợt rời rạc…sao cũng xong, miễn là cha khỏe.
Không chỉ dừng lại ở đoàn chiên trong ràn, mà còn phải hướng tới những con chiên ngoài ràn: “Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta”
Vậy nếu lo cho đoàn chiên trong ràn mà lo chưa xong, thì làm gì có chuyện nghĩ tới những con chiên ngoài ràn kia đang khao khát vào chung một ràn chiên, một chúa chiên.
Lạy Chúa, Lễ Chúa Chiên lành, chúng con tôn vinh Chúa Giê-su là Mục Tử Tốt lành, mục tử hiền lành khiêm nhượng yêu thương đoàn chiên và thí mạng sống vì đoàn chiên, là gương soi, là chuẩn mực cho các linh mục coi xứ. Chúng con tạ ơn Chúa vì chúng con có những linh mục thánh thiện đạo đức xứng đáng là “chính Chúa Ki-tô” mục tử, “chính Chúa Ki-tô” hiền lành khiêm nhượng đang hiến tế cuộc đời mình cho đoàn chiên của chúng con được sống, và sống dồi dào.
Nhưng lạy Chúa, chúng con cũng đang lấy làm tiếc vì không thiếu những linh mục không hoặc chưa theo đúng chuẩn mực “hiền lành khiêm nhượng của Chúa” mà coi sóc, chăm lo cho chúng con. Nguyện xin tình yêu Chúa thôi thúc các Ngài yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô Mục Tử nhiều hơn nữa, và sẵn sàng biến cuộc đời các Ngài nên “Ipse Christus”, nên “chính Chúa Ki-tô” Mục Tử Tốt Lành, Hiền Lành Khiêm Nhượng, Hiến Thân cho đoàn chiên chúng con được hưởng nhờ ơn cứu độ. Amen.
PM. Cao Huy Hoàng, 19-4-2018