Qua tác phẩm, “Walden,” Henry David Thoreau chứng tỏ niềm vui dạt dào và khả năng hiếm thấy của ông trong việc tìm ra niềm vui đích thực trong những gì đơn giản và bình thường của đời sống. Ông không chỉ bơi lội, câu cá, trồng đậu, chơi sáo, đi dạo, đọc sách hoặc chuyện vãn với bạn bè, mà còn đi sâu vào kinh nghiệm lắng nghe, nhận thức, quan tâm, ngạc nhiên, vui mừng. Năm 45 tuổi, Thoreau bị lao phổi. Trong những năm tháng thường được gọi là “cơn bệnh cuối đời,” bài học vô giá về từng giây phút cuộc sống mà Thoreau đã học được tại Walden Pond càng trở nên thấm thía hơn nữa. Người ta kể lại, khi nghe bạn bè khuyên nhủ hãy nghĩ tới cuộc sống đời sau, Thoreau trả lời đại khái là: Sống trọn giây phút hiện tại là được rồi!
Sống trọn giây phút hiện tại là một ân huệ cao quí, đơn giản vì nó làm cho cuộc sống phong phú và sung mãn ngay từ bây giờ. Hơn nữa, sống trọn giây phút hiện tại chính là cách thức tối hảo giúp chúng ta chuẩn bị cho giờ sau hết.
Nhạc sư Handel thực hiện kiệt tác “Messiah – Đấng Cứu Thế” trong vòng chưa đầy một tháng. Ông hoàn toàn tập trung vào công việc, hầu như không ăn không uống và làm việc suốt ngày suốt đêm. Khi phần Hai (gồm cả điệp khúc Hallelujah) hoàn tất, Handel lao thẳng tới cửa sổ, đầm đìa nước mắt hân hoan và reo to, “Quả thật tôi đã thấy toàn thể thiên đàng và cả Thiên Chúa ngay trước mắt tôi!”
Thời Cựu Ước, các bậc tiền nhân thánh đức của chúng ta đã ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của quá khứ và tương lai, tuy nhiên, họ vẫn là những con người thực tế, những con người hiện tại, những con người lúc này. Thánh vịnh 118 là một điển hình tuyệt vời. Thánh vịnh này khởi đầu bằng nhận thức về sự hiện diện, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, rồi lên đến cao điểm như lời tác giả: “Đây là ngày Chúa đã lập ra; nào chúng ta cùng vui mừng hân hoan trong ngày này” (Tv 118:24).
Không phải hôm qua, chẳng phải ngày mai, nhưng là hôm nay: Hôm nay, nào chúng ta cùng vui mừng hân hoan!
Chúng ta thấy tinh thần ấy trải rộng khắp Tân Ước, và điều ấy có lẽ khiến một số người chúng ta phải ngạc nhiên. Nói “ngạc nhiên” vì Chúa Giêsu vẫn coi sự sống đời đời là chủ điểm giáo huấn của Người, và hầu hết chúng ta thường nghĩ rằng sự sống đời đời là “một cái gì thuộc về tương lai.” Thế nhưng Chúa Giêsu thực sự không nghĩ như vậy. Sự sống đời đời rõ ràng là tương lai. Tuy nhiên trong toàn bộ Phúc Âm, sự sống đời đời được đề cập như một phẩm tính, chứ không phải một chiều kích, của cuộc sống. Điều này được nói rất rõ trong lời cầu trọng thể của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha trong bữa Tiệc Ly, và được Phúc Âm thánh Gioan ghi lại: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17:1-2).
Nhận biết Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa, nhận biết Thiên Chúa không chỉ bằng trí năng, mà còn bằng toàn bộ hữu thể – đó chính là sự sống đời đời, ngay từ bây giờ. Khi hiểu biết Thiên Chúa như vậy, chúng ta được trải nghiệm phẩm chất sự sống đời đời ngay từ bây giờ. Đây là điều hết sức hệ trọng chúng ta cần hiểu biết bởi vì nhiều người trong chúng ta vẫn sống với quá khứ. Chúng ta không sống tại đây, nhưng bám riết vào dĩ vãng: Nào là khi nhà tôi còn sống, thật tuyệt vời biết bao; nào là hồi lũ trẻ còn ở nhà, chúng tôi đã có những thời gian đầm ấm quanh bàn ăn, ôi tuyệt vời làm sao. Một số trong chúng ta cứ vấn vương với quá khứ, như nữ danh ca Barbara Streisand, chúng ta lúc nào cũng mơ mộng về “Nẻo đường hồi xưa,” trong khi lại bỏ qua “Con đường hôm nay.”
Nhiều người lại có khuynh hướng ngược lại: Họ mộng mơ về tương lai, “Chờ khi tôi khỏe khoắn hơn,” hoặc “Để khi lũ trẻ lớn khôn và tôi có nhiều thời giờ hơn dành cho những gì mình thích,” hoặc “Đợi khi giá cà phê hạ bớt cái đã.” Một số Kitô hữu quá nghĩ tới đời sau đến nỗi sao lãng cả cuộc sống hiện tại. Một bài ca cổ hát rằng, “Vì quá chú tâm tới thiên đàng nên chúng ta hóa ra vô tích sự ở đời này.”
Thánh Kinh nhắc nhở húng ta rằng cả quá khứ lẫn tương lai đều quan trọng. Chúng ta cần ý thức về gia sản tôn giáo và những cội nguồn dân tộc của mình. Hơn nữa, cuộc sống Kitô giáo còn là một cuộc sống chứa chan hy vọng và mơ ước. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là khả năng sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa một cách sâu xa và tràn đầy; là khả năng kinh nghiệm, tại đây và lúc này, tâm tình kính sợ, kinh ngạc và hân hoan về phép lạ cuộc sống hiện tại của chúng ta.
Trong khảo luận “Ngập Tràn Niềm Vui,” Ardis Whitman đã ghi lại một thời khắc tuyệt vời khi bà được ngất ngây trước phép lạ kỳ công tạo dựng của Thiên Chúa: “Tôi vất vả suốt đêm với một bản thảo. Thật không dễ dàng, và tôi tưởng rằng mình chẳng bao giờ có thể hoàn tất. Thế nhưng khi đồng hồ vừa điểm năm tiếng, câu văn cuối cùng ráo mực, và tôi thả bút xuống, mở cửa, bước vội ra sân cỏ. Những ánh sao thưa thớt và bầu trời phương đông sáng tỏ dần. Một vài chú chim cất tiếng líu lo, như đang thử giọng, như muốn đánh thức những đồng loại của chúng gần đó. Những hàng cây, còn đen rợp chân trời, lúc này cũng bắt đầu rõ hình định dạng. Một dòng suối ánh sáng phủ bóng cây liễu vắt ngang dãy phố và chiếu thẳng vào một cành cây bulô của chúng tôi. Bầu trời sáng dọc tới suốt chân trời phía đông. Càng lúc, cây cối, từng cây từng cây hiện ra. Cây phong cao lớn được chiếu sáng như một chân đèn giữa bóng tối. Mặt trời đã lên cao! Một vầng lửa rực rỡ sau những bóng cây tối, hương thoảng trong lành lan nhanh giữa bầu không khí. Mặt trời đem lửa đến cho từng nhánh cây, từng chiếc lá. Chim chóc lúc này hát vang như thể vừa được tạo thành trong chính buổi sáng hôm nay; và tôi, thấy mình như vừa được tạo thành, cũng tràn ngập niềm vui đến độ không sao kiềm nổi.”
Một ông cụ ngồi trên xe lửa, lặng lẽ nhìn ra cửa sổ, thấy vạn vật lướt qua: những tòa nhà, những hàng trụ điện, những đám mây lững lờ, những đám trẻ nô đùa. Một phụ nữ xa lạ đến ngồi bên cạnh. Ông cụ tươi cười, chỉ một chiếc xe ngựa chở cỏ khô, cười cười và nói, “Xem kìa, cỏ về với vựa. Không tuyệt lắm sao?” Người phụ nữ hiếu kỳ, “Xe ngựa chở cỏ về vựa có gì là lạ đâu?” Ông cụ nhẹ nhàng trả lời, “Cô lấy làm lạ vì sao một chiếc xe ngựa chở cỏ khô lại quan trọng như vậy chứ gì. Nhưng, cô biết không, tuần trước bác sĩ cho tôi biết tôi chỉ còn sống được ba tháng nữa thôi. Kể từ đó, mọi sự đều trở nên vô cùng xinh đẹp, vô cùng quan trọng đối với tôi. Tôi cảm thấy mình như thể vừa thức dậy sau một giấc ngủ.”
Chỉ còn hai tuần nữa là lễ Phục Sinh. Nhưng trước khi đến ngày đó, chúng ta phải qua cuộc Thương Khó. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã nhắc chúng ta nhớ đến thực tại ấy. Gần tới giờ khổ nạn, Chúa đã nói, “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật vậy, Thầy bảo thật các con, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12:23-24).
Thiên Chúa trồng chúng ta trên thuở đất xinh đẹp của Người để chúng ta chết đi, và như thế, chúng ta mới nhận biết sự sống đời đời. Cái chết khởi đầu ngay từ thời khắc ra đời. Như hạt lúa mì, chúng ta đang trong quá trình biến đổi, phá vỡ, bung ra, lớn lên, vươn tới trưởng thành và phó mình cho chương trình hoàn hảo của Thiên Chúa. Mỗi người đều có cơ hội góp phần của riêng mình vào việc hoàn thành chương trình hoàn mỹ của Thiên Chúa. Mỗi người đều có cơ hội để hiểu biết và sống sự sống đời đời ngay từ bây giờ.
“Sự sống đời đời là thế này: là nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và Đấng mà Cha sai đến, là Giêsu Kitô.” Nhận biết Thiên Chúa trong cuộc sống này là kinh nghiệm tình yêu của Người dành cho bạn và cho từng người trên địa cầu này. Và sống sự sống đời đời là yêu thương tất cả những anh chị em của bạn, những người đã và đang sống trên địa cầu này, bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương họ trước. Bạn hãy sống như vậy, và bạn sẽ được ngập tràn niềm vui.
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ