NGƯỜI NÀY LÀ AI?

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô làm nổi bật sự tương phản giữa cơn hoảng loạn gần như cực độ của các môn đệ và cung cách an nhiên tự tại của Chúa Giêsu: “Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Chúa Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” (Mc 4:37-38). Quá quẫn trí, các môn đệ đánh thức Chúa Giêsu, cầu cứu Ngài: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4:38). Tất cả những gì Chúa Giêsu làm là nói với biển và gió: “Im đi! Câm đi!” (Mc 4:39) và ngay lập tức “Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (Mc 4:40).

 

  1. Quyền năng của Chúa Giêsu trên mọi sự

Người này là ai?” (Mc 4:41). Đây là câu hỏi lớn mà Thánh Máccô đặt ra suốt trong sách Tin Mừng của ngài. Và ở đây cũng vậy, câu hỏi căn cơ của Thánh Máccô khi xưa, và cũng là của mỗi người ngày nay hẳn là: Ai là người có quyền tối thượng trên sức mạnh kinh hồn của đại dương mênh mông, cũng như trên những bí nhiệm khôn cùng của toàn thể thiên nhiên bát ngát, của vũ trụ bao la và thế giới các thụ tạo? Không phải là chính Thiên Chúa sao? Trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa phán với ông Gióp: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; rồi Ta phán: Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành” (Gióp 38: 8-11).

Các thánh vịnh nhắc lại điều này, ca ngợi quyền năng của Thiên Chúa: “Họ vượt biển ngược xuôi nghề thương mãi, giữa trùng dương lèo lái con tàu, mắt đã tường việc Chúa làm nên và kỳ công Ngài thực hiện giữa dòng nước lũ. Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp, lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn. Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu, lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc, bị quay cuồng, lảo đảo như say, khéo cùng khôn đã chìm đâu mất. Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Ngài đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng, họ vui sướng, vì trời yên bể lặng và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ” (Tv 107: 23-30).

Vậy thì khi các môn đệ của Chúa Giêsu đặt câu hỏi: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4:41), thì hẳn các ông đã biết câu trả lời: Người này là Đấng được Thiên Chúa sai đến! Câu hỏi của các ông không chỉ là một câu hỏi nhưng thật ra là một phản ứng hoảng sợ còn hơn sự hoảng loạn trước sức mạnh của trận cuồng phong trước đó. Đó là sự kinh sợ trước sự tỏ hiện quyền năng của Thiên chúa. Và đây là lý do tại saoThánh Máccô nói: “Các ông hoảng sợ và nói với nhau: Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” Cho đến lúc ấy, họ vẫn khiếp sợ trước cơn bão cuồng nộ, và giờ đây, sự bình yên được khôi phục một cách kỳ diệu, họ tràn ngập nỗi sợ hãi mà người ta cảm thấy khi ở trước hiện diện của Thiên Chúa. Cũng như Môsê khi nhìn thấy bụi cây cháy bừng, nhưng không bị thiêu rụi trên núi Khôrép: “Ông Môsê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa” (Xh 3:1-6). Mãi về sau, khi ông theo lệnh Chúa đưa dân ra khỏi Ai cập vào trong sa mạc, ông xin với Chúa: “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài” (Xh 33:18) thì Ngài cảnh báo: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33: 20).

Quyền năng của Thiên Chúa thường bị hiểu lầm vì con người có xu hướng nghĩ về quyền năng đó dưới dạng sức mạnh vật lý, hoặc tri ​​thức bách khoa hoặc như khả năng thực hiện những việc lạ lùng theo ý muốn của Ngài. Nhưng thật ra quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện bằng khả năng Ngài thực hiện ý muốn của Ngài trong mọi tình huống, cả trong thực tế cụ thể lẫn trong lòng người thầm lặng, bằng bất cứ cách nào Ngài muốn để dẫn đưa con người vào tình thương của Ngài và cuối cùng là để tôn vinh chính Ngài. Quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Ngài vẫn tác động cách siêu nhiên, vẫn biến đổi cuộc sống một cách lặng lẽ và bền bỉ, và Ngài hướng dẫn các sự kiện để hoàn thành những gì chúng ta không bao giờ có thể tự mình làm được. Chúng ta có nhận ra và cảm nghiệm quyền năng của Thiên Chúa trong đời sống mình không? Chúng ta chỉ cần biết nơi để tìm, hãy chạy đến với Chúa Giêsu như các môn đệ xưa: “Các môn đệ đánh thức Ngài dậy” (Mc 4:38).

  1. Tin tưởng vào Chúa Giêsu, Đấng Toàn Năng đến từ Thiên Chúa.

Nhưng điều gây ngạc nhiên nhất trong trình thuật này không phải là nỗi sợ hãi của họ khi đối mặt với cơn bão, cũng không phải là nỗi sợ hãi khi họ đối mặt với Đấng mà họ nhận ra là sứ giả của Thiên Chúa. Điều đáng ngạc nhiên nhất là câu hỏi của Chúa Giêsu: “Sao nhát thế?” (Mc 4:40). Chính Chúa Giêsu ngạc nhiên. Ngài ngạc nhiên về việc các môn đệ của Ngài “nhát thế.” Họ hoảng sợ ngay khi có Ngài bên cạnh. Vấn đề còn nặng nề hơn nhiều, đó là việc các môn đệ không tin tưởng vào quyền năng của Ngài, vốn là Đấng Toàn Năng từ Thiên Chúa mà đến. Chính vì thế Chúa Giêsu trách họ: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4:40)

Thật ra, các thứ hoảng sợ trong cuộc đời chẳng phải là khởi đầu của sự khôn ngoan hay sao, nếu chúng giúp chúng ta nhận ra sự bất lực, những giới hạn của chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa? Khi chúng ta thấy mình đang ở trên một chiếc thuyền tròng trành nghiêng ngả, chỉ vì một cơn gió chướng bất ngờ nổi lên, chúng ta liền trở nên sợ hãi rất nhanh; nói gì khi có một cơn bão thực sự ập đến, chắc chắn chúng ta phải kinh hoàng lắm. Thế thì những cơn giông bão trong cuộc đời chúng ta và trong cuộc sống của thế giới thì sao?

Có những khoảnh khắc trong cuộc sống mà mọi thứ dường như đều chống lại chúng ta. Mọi nỗ lực của chúng ta nhằm giải quyết vấn đề đều thất bại, các giải pháp lảng tránh chúng ta, nguồn lực không có sẵn và hết cánh cửa này đến cánh cửa khác đóng lại trước chúng ta. Cuối cùng, chúng ta nhận ra rằng sức lực của chúng ta làm cho chúng ta thất vọng và không có sự can thiệp nào của Chúa để giúp chúng ta giải quyết vấn đề được. Chính những lúc như thế, khi chúng ta gần như không thể đứng vững, sức mạnh của Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta: “Họ lạc bước trong vùng sa mạc, nơi cằn cỗi, không thấy đường về chốn thành thị để định cư, vừa đói vừa khát, mạng sống đã hầu tàn. Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Ngài đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân, dắt họ đi thẳng đường ngay lối về chốn thành thị để định cư…Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Ngài đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng, họ vui sướng, vì trời yên bể lặng và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.” (Tv 107: 4-7; 23-30).

Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu câu này: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Còn chúng ta thường hỏi Chúa câu hỏi này: “Chúa ơi, chúng con khổ quá, chúng con chết đến nơi rồi, Chúa không thấy gì hệ trọng sao?” Điều Thánh Máccô nhấn mạnh ở đây là cơn cám dỗ coi sự im lặng của Thiên Chúa là dấu hiệu của sự thờ ơ, thậm chí là sự không hiện hữu của Ngài, như chủ thuyết vô thần và nhiểu người vô tín thường lấy đây làm chứng cớ. Nhưng Chúa Giêsu dường như muốn nói: sợ hãi là thiếu đức tin: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Và Ngài, rất bình tĩnh, làm chủ mọi sự; không chút sợ hãi một giây nào: “Chúa Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” (Mc 4:38), bởi vì Ngài biết rằng Cha Ngài ban cho Ngài quyền năng chỉ huy biển và gió. Chính sự thiếu niềm tin khiến chúng ta cảm thấy bất lực và sợ hãi.

  1. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.

Dĩ nhiên vấn đề không phải là biến giấc mơ không còn nỗi sợ hãi nào trong cuộc sống của chúng ta thành hiện thực và tin rằng kể từ bây giờ bản thân chúng ta sẽ toàn năng. Thực tế sẽ nhanh chóng làm chúng ta nản lòng. Nhưng vấn đề là cần có đức tin, nghĩa là tin rằng, trong Chúa Giêsu, từ nay trở đi, chúng ta có thể làm được mọi sự, kể cả việc làm chủ biển khơi, giông bão và quan trọng hơn là thắng vượt thế lực của cái ác, trong thế giới, xã hội, cộng đoàn, gia đình và ngay cả trong lòng dạ của mỗi người chúng ta. Vì nơi Chúa Giêsu một thế giới mới đã được sinh ra. “Hãy thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (Stk 1:28). Thiên Chúa nói như thế với người đàn ông và người nữ khi tạo dựng ra họ. Đó không phải là một lời thoảng qua! Đó vẫn là dự án của Thiên Chúa dành cho con người. Dự án này của Thiên Chúa đối với con người được hoàn thành nơi Chúa Giêsu Kitô; đến lượt Ngài nói với chúng ta: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18). Như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng tôi…Chúa Kitô đã chết thay cho mọi người,để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình. Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Chúa Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Ngài như vậy nữa” (2 Cr 5:14-16) thì từ nay trở đi “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8:35-37). Chúng ta đã được nhấn chìm trong tình yêu của Ngài khi chịu phép Rửa tội, và được thúc đẩy tiến về phía trước. “Vậy anh em hãy đi …” (Mt 28:19).

Chúng ta nghe Thánh Phaolô nói tiếp trong bài đọc thứ hai: “Cho nên, phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5:17). Từ giờ trở đi, chúng ta không chỉ là thụ tạo cũ xưa nữa. Bây giờ, không có gì giống như trước đây. Nhân loại nên mới, như thể vừa mới được sinh ra, nhờ cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô.

Từ nay trở đi chúng ta sống cuộc sống mới của Đấng Phục Sinh. Nhờ sự sống của Ngài, chúng ta có khả năng đối mặt với những trận chiến giống như Chúa Giêsu để làm chủ mọi cơn bão của thế giới con người, của sự dữ và hận thù dưới mọi hình thức. Mọi Kitô hữu đều có thể nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Chỉ cần chúng ta “Mắt hướng về Chúa Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12:2).

Khi truyền tin cho Mẹ Maria, sứ thần nói: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Bấy giờ bà Maria nói: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:37). Trong lời dạy của Chúa Giêsu cũng không có chữ “không thể làm được”, vì thế Thánh Phaolô đã nói: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Philípphê 4: 13).

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho chúng con cảm nghiệm được như Mẹ Maria và Thánh Phaolô và tuyên xưng vững chắc như các ngài.

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts