Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng tại Giêricô, một thành phố khá lớn, và khi Ngài rời khỏi thành phố, như thường lệ, có một đoàn dân đông đảo đi theo Ngài: “Một đám người khá đông ra khỏi thành Giêricô” (Mc 10:46). Đoàn dân vẫn khao khát nghe Chúa Giêsu nói, và họ vẫn muốn nhìn thấy điều kỳ diệu, rồi họ thấy một người mù ngồi bên đường: “Có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường” (Mc 10:46). Đối với dân chúng thời đó, việc bị mù như vậy là dấu hiệu của kẻ đã phạm tội và bị Thiên Chúa từ bỏ, nên người ta đã bảo người mù hãy im đi: “Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi” (Mc 10: 48). Một kẻ tật nguyền khốn khổ như anh ta không được phép gây phiền hà một vị thầy tiếng tăm Chúa Giêsu! Họ không ngờ sắp sửa chứng kiến một điều kỳ diệu được vị thầy Giêsu tiếng tăm thực hiện cho kẻ tật nguyền khốn khổ mà họ quát nạt này.
- Cầnđến lòng thương xót của Chúa
Thánh Máccô kề rằng người mù đó không phải là một kẻ vô danh; anh ta có một tên gọi riêng và thuộc về một gia đình riêng: “Anh ta là Batimê, con ông Timê” (Mc 10: 46). Trình thuật này có trong cả ba Tin Mừng Nhất Lãm: Mátthêu, Máccô và Luca, nhưng tên gọi Batimê chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Máccô. Anh Batimê này là một trong những người hiếm hoi được chữa lành mà tác giả Tin Mừng Máccô đã cho chúng ta biết tên. Chính anh ta cũng đã gọi đích danh Chúa Giêsu: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47). Anh mù sử dụng danh hiệu “Con vua Đavít” – cũng là trường hợp duy nhất danh hiệu này được sử dụng trong Tin Mừng Máccô – như muốn xác định Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, ĐấngThiên Sai. Điều đó ám chỉ đến vương quyền của Chúa Giêsu, là người thừa kế lời hứa về Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã lập với Đavít: “Chúa lập cho ngươi một nhà… Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 7:11,16). Điều này làm chúng ta nhớ đến lời truyền tin của Sứ thần Gabriel cho Mẹ Maria: “Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Ngài. Ngài sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:32-33). Trong sự mù lòa của mình, anh mù nhận ra Chúa Giêsu là Đấng mà những người sáng mắt khác không nhận thấy, Đấng có thể ban cho con người, và riêng anh ta, điều mà không ai khác có thể ban cho. Anh mù như thể đã biết trước rằng Chúa Giêsu, Đấng Mêsia, đã đến để cứu con người, trong đó có cả anh ta, và anh ta có quyền gọi Ngài một cách trang trọng như vậy. Batimê không màng chi đến những người muốn bịt miệng anh ta. Càng bị ngăn cản, niềm khao khát được gặp Chúa Giêsu của anh ta càng mãnh liệt hơn, anh ta chẳng còn gì để mất cả! Chính vì thế, dù bị “Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi” (Mc 10:48), anh ta liên tục kêu lớn tiếng những lời như chào mừng tung hô và nài xin Chúa Giêsu: “Anh ta càng kêu lớn tiếng: Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10: 48). Chẳng phải anh ta vẫn một mực tin tưởng, hy vọng đến độ thực sự phấn khích vì Chúa Giêsu, Đấng Mêsia Cứu Thế, đang ở rất gần anh ta sao? Các phản ứng rất cụ thể và đầy cảm xúc đời thường của anh nói lên rất rõ sự hứng khởi đó. “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giêsu” (Mc 10:50). Đó là hành động dứt khoát của một người đã sẵn sàng và không một chút ngần ngại thực hiện yêu cầu của Chúa Giêsu.
Cũng như anh mù Batimê, khi chúng ta biết mình cần đến Chúa Giêsu chúng ta có thể nhận ra Ngài thực sự là AI. Chúng ta biết Ngài là Đấng có thể ban cho cuộc sống của chúng ta điều mà không ai khác có thể ban cho. Có thể đó là sự bảo đảm trong đức tin rằng chúng ta thuộc về Ngài, hoặc lòng thương xót của Chúa mà chúng ta biết mình cần, hoặc sự đảm bảo về tình yêu của Chúa bây giờ và mãi mãi. Do vậy điều cần phải làm là chúng ta hãy liên tục cầu xin những ơn này khi cầu nguyện. Nếu chúng ta không biết phải cầu xin điều gì, thì chỉ cần nói đơn giản như anh mù Batimê: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10: 48).
- Đứng lên và bước theo Chúa Giêsu
Chúa Giêsu nghe thấy anh ta, Chúa Giêsu gọi anh ta. Ngài nhìn thấy rõ ràng sự đui mù của anh ta và Ngài biết rõ anh ta muốn xin gì, tuy nhiên “Chúa Giêsu đứng lại và nói: Gọi anh ta lại đây!” (Mc 10:49). Chúa Giêsu có thể chữa lành anh Batimê bằng một lời nói hay một cử chỉ, nhưng Ngài muốn bước vào một mối tương quan thực sự với anh Batimê. Ngài muốn nói chuyện với anh Batimê, hoàn toàn tôn trọng anh Batimê, tôn trọng sự tự do của anh.
“Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Ngài gọi anh đấy!” (Mc 10:49-50). Ở đây thánh sử Máccô nhấn mạnh tầm quan trọng của những người chung quanh chúng ta, những người truyền đạt lời mời gọi của Chúa Giêsu. Lời mời gọi của Chúa Kitô cho thấy sự quan tâm của Ngài dành riêng cho cuộc đời của mỗi chúng ta, qua những người khác, như cha mẹ, những người thân, những người bạn…
“Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giêsu” (Mc 10:50). Anh ta vất áo choàng lại vì biết sẽ không cần nó nữa. Một lời mời gọi từ bỏ những gì gây vướng víu cho chúng ta để bước theo Chúa Kitô. Anh ta đặt trọn niềm tin vào lời mời gọi của Chúa Giêsu. Bằng cách đáp lại Chúa Giêsu, anh ta đang thực hiện một hành động đức tin thực sự! Và hơn thế nữa, đó là một hành vi đức tin công khai! Và chính nhân danh đức tin này mà Chúa Giêsu đã chữa lành cho anh khi Ngài nói với anh: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” (Mc 10:52). Một lần nữa trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa hằng mong muốn cứu chúng ta nhưng Ngài để cho chúng ta tự do đáp lại. Khi chúng ta tin tưởng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa ,qua Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được cứu như anh Batimê: “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được” (Mc 10:52). Được chữa lành trọn vẹn đến nỗi trong niềm vui của mình, anh Batimê bắt đầu đi theo Chúa Giêsu: “Và đi theo Ngài trên con đường Ngài đi” (Mc 10:52). Bối cảnh của câu chuyện hôm nay là Chúa Giêsu đang lên Giêrusalem, nơi Ngài sắp hiến mạng sống mình vì tình yêu. Do đó, đáp lại lời mời gọi và đi theo Chúa Giêsu là dấn thân bước theo Chúa Kitô để cùng Ngài bước vào Lễ Vượt Qua của Ngài.
Câu chuyện liên quan đến chúng ta, chạm đến cõi lòng chúng ta. Quả thực khi đứng trước Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta đều mù quáng trước tội lỗi, trước sự khốn cùng của tâm hồn mình! Chúng ta thường tưởng rằng mình trổi vượt hơn người khác, thực ra đó chỉ là ảo tưởng! Chúng ta nhìn vào khiếm khuyết của người khác mà không thấy khuyết tật, thể xác và tinh thần, của chính mình! Trong thâm tâm, chúng ta coi thường những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người mà chúng ta cho là “thấp kém” hơn mình, không cùng đẳng cấp với mình. Chúng ta cần học cách canh chừng chính tâm trí của mình, để đừng cản trở ân sủng của Thiên Chúa trong cuộc sống của những người chung quanh và của chính chúng ta. Theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài đi là gì? Bao nhiêu người già trẻ, nam nữ, nghèo đói vất vả vẫn còn ở đó, bên vệ đường. Họ nghe thấy những người mang danh Chúa Giêsu đi qua, nhưng họ không thể làm gì khác hơn là chờ đợi một chút tình thương, một cái nhìn cảm thông, một câu thăm hỏi chân tình.
- Chúa Kitô hiện diện trên con đường của chúng ta
Cuộc sống của chúng ta là một con đường và rất thường khi chúng ta cũng ở bên lề đường mà không thực sự nhìn thấy mình đang ở đâu trong cuộc đời. Chúa Giêsu đang đi trên con đường đó và Ngài cũng hỏi chúng ta: “Các con muốn Ta làm gì cho các con?” Chúa Giêsu, vốn là Thiên Chúa hằng sống, muốn chữa lành chúng ta khỏi mọi điều ngăn cách chúng ta với Ngài, khỏi tất cả mọi điều khiến chúng ta mù lòa trước tình yêu của Ngài; trước sự hiện hữu độc đáo và tuyệt vời của chúng ta trong mắt Ngài, trước vẻ đẹp của sự sống mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta.
Với Batimê, chúng ta được mời gọi “vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giêsu” trong niềm tin tưởng thực sự dâng trào! Hôm nay, cùng với Batimê, chúng ta được mời gọi mạnh mẽ kêu lên cùng Chúa trong đức tin, rời bỏ vệ đường chúng ta đã ngồi kiếm ăn từ lâu, nhận ra rằng điều chúng ta cần nhất là sự sống viên mãn của Thiên Chúa. Thường thì chúng ta tiềm kiếm, cầu xin và chỉ dừng lại ở những nhu cầu trần thế, vật chất ở đời này, nhằm có được một cuộc sống thoải mái, tạo ra các mối quan hệ tốt hơn với người khác hầu đạt được những lợi ích cụ thể. Điều này tự nó không hẳn là xấu, nhưng nó sẽ khiến chúng ta trở nên đui mù một khi đã nhận được ân sủng này, chúng ta tạ ơn Chúa, cách chân thành, nhưng sau đó chúng ta nhanh chóng quay lại chăm sóc bản thân mà không quan tâm gì đến Thiên Chúa nữa. Ở đây qua Batimê, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều chúng ta nên cầu xin: buông bỏ cách sống giống như màn đêm tối mù này của chúng ta vì đó là cuộc sống cách xa tình yêu của Thiên Chúa.
Liệu chúng ta có thể nhận ra sự mù quáng của mình, biết rằng chúng ta là tội nhân, và rằng chính “đôi mắt tâm hồn”của chúng ta cần được chữa lành không?
Thật vậy, anh Batimê không xin một công việc, một ngôi nhà hay một thứ gì đó để sống, anh ta xin được chữa lành thị giác để trở thành một con người theo đúng nghĩa con người: “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Ngài trên con đường Ngài đi” (Mc 10:52), trở thành nhân chứng về quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa cho những người khác. Đây là dấu hiệu đầu tiên của sự chữa lành thực sự. Chúa Giêsu muốn mang lại cho cuộc sống của chúng ta một cảnh vực vượt quá sự tưởng tượng phàm nhân! Chỉ khi quyết định sống theo lời Chúa Giêsu, phục vụ Ngài, phục vụ Giáo Hội, phục vụ người khác, thay vì quay lại sống theo lý lẽ của trần gian, vốn chỉ tập trung vào cái tôi tranh giành ích kỷ của riêng mình, thì con người mới có thể có được sự sống đời đời, chính là nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu của Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài, vì Ngài đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Hípri 5:8-10).
Phêrô Phạm Văn Trung.