Con đường Hiroshi Igarashi đến với Giáo hội bắt đầu từ trong tù, nơi anh được giới thiệu về Kitô giáo – và nhất là Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Anh có lòng sùng kính sâu sắc nữ thánh nhân này kể từ đó, và trong những ngày này anh dọn chỗ trên vách tường căn hộ nhỏ ở Tokyo để treo những bức ảnh của thánh nhân. Một số ảnh trước đây được anh treo trong phòng giam. Thường thì phạm nhân không được phép treo ảnh, nhưng Igarashi nài xin ban quản giáo và cuối cùng được phép. Có tiền án hình sự ba lần và gần 20 năm ngồi tù, Igarashi biết rõ thực trạng và tất cả các vấn đề trong tù.“Nhiều tù nhân bị cô lập và thiếu thốn tình thương. Điều mà những người này cần là có người hỗ trợ họ về mặt tình cảm, nhưng không có ai làm điều đó cả. Vì thế họ cảm thấy tuyệt vọng. Thời gian ở tù chỉ làm họ tổn thương thêm và khiến họ tồi tệ hơn.”
Igarashi nói ra những điều này từ kinh nghiệm của mình vì anh cũng đã từng cảm thấy tuyệt vọng. Khi anh bị bắt giam lần thứ ba, gia đình anh cắt đứt mọi liên hệ với anh. Anh đã nghĩ đến chuyện tự vẫn, nhưng ngay lúc đó có một người Brazil gốc Nhật vui tính bị cảnh sát bắt giam. Người này thường xuyên cầu nguyện và nói về Kinh Thánh cho Igarashi nghe.
Đó là lần đầu tiên Igarashi bắt đầu đọc Kinh Thánh. Anh ấn tượng nhất là câu: “Saolô, Saolô sao ngươi lại bắt bớ ta?“ ( Cv 9, 4 ) Đối với Igarashi, câu này nghe như thể Đức Kitô đang hỏi chính anh:“Sao con phạm tội chống Ta?” Đó là lúc anh trở lại đạo. Anh cầu nguyện hết lòng, lớn tiếng nói: “Con xin lỗi Chúa!”
Anh nhận ra khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, Ngài chết thay cho anh trên đó và anh khóc nức nở. Một quản giáo nghĩ anh muốn tự tử, nên đã làm mọi việc có thể để an ủi con người tuyệt vọng này. Igarashi biết Mẹ Têrêsa cũng trong nhà tù, qua một quyển sách anh tình cờ đọc được. Anh lập tức tin rằng “con người này có thật” và muốn đi học hỏi nơi thánh nhân, mãi sau này anh mới biết ngài đã qua đời. May mắn thay, anh có cơ hội gặp được một số tu sĩ dòng Thừa sai Bác ái do ngài sáng lập.
Anh gặp nhiều người khác trong Giáo hội trước khi mãn hạn tù, trong đó có các giám mục, linh mục và nữ tu. Đức cố Hồng y Seiichi S. Hirayanagi mở khóa học giáo lý tân tòng giới thiệu đức tin Công giáo cho anh. Một luật sư Tin Lành đã đứng ra bảo lãnh anh. Khi ra tù, Igarashi bắt đầu biến đức tin thành hành động thực tế bằng cách thành lập Nhà Mẹ. Đức Tổng giám mục Takeo Okada đích thân gửi thư chúc mừng. Trong những ngày này điện thoại bắt đầu reo từ sáng sớm đến suốt ngày, người ta gọi đến hỏi thông tin về Nhà Mẹ. Anh làm việc hết mình, phấn đấu noi theo con đường tình yêu của Mẹ Têrêsa. ( Ucanews.com, Câu chuyện của một tù nhân Nhật và Chân phước Têrêsa )
Lời thầm thì của Chúa qua Tin Mừng đã tái sinh anh Hiroshi Igarashi ngay trong ngục tù. Cộng thêm gương chứng nhân của Mẹ Têrêsa đã tiếp sức cho anh cải tà quy chánh, làm lại cuộc đời mới. Câu chuyện của anh minh họa sống động Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Phàm ai nghe và dón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.” Nhưng dân Do Thái thời ấy lại thì thầm bất tín, bất bình Lời Chúa. Chỉ vì họ đố kỵ ganh ghét, chỉ vì theo tà tâm, mong đợi Đấng Messia theo khuôn mẫu, thần tượng, một anh hùng giải thoát dân tộc khỏi ách thống trị La Mã, một đại ân nhân hào phóng cho họ thỏa thuê xôi thịt. Không được như ý, họ liền thì thầm ngấm ngầm chống báng Đức Giêsu.
Thầm thì đố kỵ
“Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống.” Dân Do Thái tỏ ra phản đối, chống lại Người, không phải không thấy những phép lạ nhãn tiền, hay không phải không được nghe những lời giảng dạy cao quý của Đức Giêsu, mà họ chỉ nại đến một lý do đơn giản đến bất ngờ: lý lịch của Người. Tầm thường, nghèo khó, xuất thân chẳng quyền cao, chức trọng, không danh tiếng, cũng chẳng xuất chúng. Cộng với tánh đố kỵ, ganh ghét, nhỏ mọn, làm sao họ chấp nhận Người trổi vượt họ cả trăm ngàn lần? Sao dám chấp nhận Người là Đấng Messia ngàn đời mơ ước?
Tuy nhiên, họ chỉ dám thầm thì vì danh bất chính ngôn bất thuận. Không dám nói to lên để tranh luận thẳng thắn, vì biết sẽ thua lý, thua tình. Vì ngay các luật sĩ, các tư tế, các thầy Biệt phái Pharisiêu cũng từng bị đuối lý, thua trắng tay, khi công khai tranh luận với Người về luật lệ, giáo lý, và nhất là về Kinh Thánh.
Đức Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thiên Chúa đặt vào lòng người từ khi sơ sinh, lương tâm cùng với tình cảm và trí khôn, để phân biệt đâu là sự lành, sự dữ, điều tốt, cái xấu, việc đúng, lỗi sai. Nhân chi sơ tánh bản thiện. Thiên Chúa giao cho mỗi người những vốn liếng cao quý đó, để có thể tự điều chỉnh, như lời ngôn sứ Isaia: “Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo.”(Is 54, 13)
Theo thời gian, lương tâm có thể thay đổi, biến dạng, lệch lạc vì chịu ảnh hưởng môi trường gia đình, giáo dục và xã hội, nhưng vẫn còn trí khôn có thể phán đoán, nhận biết lý lẽ, sự thật và vẫn còn con tim biết yêu chuộng, thích thú điều tốt lành, lánh xa điều dữ. Nên con người không thể dễ dàng tha hóa, nếu không cố tình sa đọa, cố ý gian tham, bất nhân, độc ác. Vậy chỉ vì sống vị kỷ, kiêu căng, tự phụ, nuông chiều theo ý riêng xác thịt, người ta mới bưng tai, bịt mắt, từ chối lý lẽ, sự thật, đường công chính, mà lìa xa Thiên Chúa, cội nguồn sự sống, tình yêu và lòng thương xót.
Thầm thì tà tâm
Sống trong không gian ba chiều, con người thường bị giam hãm, bị đóng khung trong tầm nhìn hữu hạn, thường hâm mộ những cái hữu hình to lớn, kỳ quan kiến trúc, công trình xây dựng quy mô, đồ sộ, phô trương, choáng ngợp, mà hầu như quên đi những gì bé nhỏ, tầm thường, tự nhiên và gần gũi, thân thiện, như sông biển, núi non, rừng thẳm, thiên nhiên hùng vĩ. Hay không muốn quan tâm, hướng đến những điều quan trọng hơn, cao siêu hơn, linh thiêng và bất biến, như Đấng Tạo Hóa. Vì coi thường, nên người ta không tiếc thương bạc đãi, khai thác, gây ô nhiễm, phá hoại môi trường, để rồi chịu những cơn nổi giận của Mẹ Trái Đất bị xúc phạm, như mưa lũ, lụt lội, sạt lở, hạn hán, sóng thần,…
Con người tham lam khai thác đất đai đến kiệt quệ và sa mạc hóa. Không đoái hoài cho đất đai nghỉ ngơi, tái tạo độ phì nhiêu màu mỡ, như Luật dạy phải tuân thủ Năm Sabbat. ( Lv 25, 1-7 ) Hiện nay, hàng vạn mẫu đất chuyên trồng cây bông bên Trung Quốc bị sa mạc hóa vì quá tận canh, tận thu, phá vỡ cân bằng sinh thái. Vì tà tâm, rủ nhau suy tôn, thờ lạy con bò vàng, thiên hạ bất tuân Lề Luật Thiên Chúa, mới thầm thì bất bình, bác bỏ, lìa xa Lời Chúa.
Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Thiên hạ đâu chịu nghe lời răn dạy của Thiên Chúa, nên dĩ nhiên xoay lưng lại Lời Đức Giêsu rao giảng, để bây giờ phải lãnh những hậu quả nhãn tiền.
Thầm thì chống đối
Người ta thầm thì chống báng, cũng chỉ vì cái tôi quá lớn, kiêu căng cao ngất trời xanh, che khuất cả vầng sáng mặt trời rực rỡ, nên tự hóa ra tối tăm, hẹp hòi, hoang tưởng, u mê như ếch ngồi đáy giếng. Chỉ nhìn thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình, thì lại không để ý tới ( Lc 6, 41 )
Vẫn biết cơ cấu tổ chức nào cũng đều bất cập, bất toàn, kể cả Tòa Thánh Vatican, vẫn biết cá nhân các đấng bậc, từ Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ, đến Giáo dân nam nữ, trẻ già, đều là con người, không thể vẹn toàn đức hạnh, thánh thiện, nhưng thiên hạ vẫn nại cớ vào đó để bài bác Nước Chúa. Không những không tin, hay nhẹ tin, hoặc nghi kỵ, bất tuân phục giáo lý Chúa, mà còn báng bổ, đả kích và xúc phạm thô bạo, vì những thiếu sót, những bất cập trong Giáo hội Công Giáo. Ngụy biện, suy diễn, quy nạp những tiểu tiết, chuyện nhỏ, mà vô tình hay hữu ý bác bỏ những điều vĩ đại vô song của đạo Chúa, như Tình Yêu Cứu Chuộc, Lòng Thương Xót bao dung và quảng đại của Thiên Chúa, thì còn gì đáng chê trách hơn?
Chẳng hề chấp nhất những lời thì thầm của thiên hạ bất bình, bất kính, lẫn bất mãn, vụng trộm kích động, phản đối, xúi giục, xúc phạm, Đức Giêsu vẫn điềm đạm dạy bảo toàn dân: “Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.
Chớ thì thầm với nhau
Đức Giêsu ôn tồn khuyên, đừng thì thầm đố kỵ, tà tâm hay chống đối, mà hãy hoàn toàn tin cậy và phó thác vào Người, để được ban sự sống. Hơn nữa Người còn tự hiến thân, hy sinh trở nên tấm bánh dưỡng nuôi và che chở con người lữ hành trên đường hy vọng. “Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết.” Lời Chúa và Mỉnh Máu Chúa đã trở nên lương thực trường sinh, bất tử cho những ai đói khát sự công chính, sự thật và sức sống viên mãn.
“Muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng “mầu nhiệm Đức Tin,” và ban sức mạnh đức tin cho con.” ( Đường Hy Vọng, số 373 )
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống trong một xã hội bát nháo, cơ hội, duy vật, thực dụng, ráo riết chối bỏ và chống báng Thiên Chúa, trong môi trường chỉ biết cúc cung bái thờ lạy cái bụng mà thôi. Kính xin Lời Chúa đến thức tỉnh, cảnh giác, giải thoát chúng con khỏi những tiếng thì thầm êm ái, ngọt ngào quyến rũ đến chết người. Xin ban Thánh Thể đến cải hóa, đổi mới và tăng sức mạnh cho chúng con can đảm dấn thân đi theo Chúa trọn đời.
Lạy Mẹ Maria Thánh Thể, kính xin Mẹ cầu bầu cùng Đức Chúa Thánh Thần soi sáng, chỉ đường dẫn lối chúng con trung kiên đi theo Chúa, thoát khỏi những cạm bẫy của thân xác, thế gian và ma quỷ, đố kỵ, tà tâm, bất mãn giăng lên khắp ngả đường. Amen.
AM Trần Bình An