Lv 13,1-2.45-46; 1 Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45
Kính thưa Cộng Đoàn,
Chúng ta vừa nghe trang Tin Mừng theo Thánh Máccô thuật lại việc Chúa Giêsu chữa cho người phong.
Anh ta làm điều mà Chúa Giêsu không vui, bởi vì chữa cho anh thì Chúa Giêsu dặn anh ta: Đừng có đi nói với ai hết. Anh không làm theo lời Chúa Giêsu dặn. Và rồi anh ta vừa được chữa lành xong, anh ta đi loan báo cho mọi người cái niềm vui mà anh được chữa lành đó.
Và tại sao anh lại vi phạm cái lời của Chúa? Xin thưa: vì anh cảm thấy sướng quá! Bởi vì bao nhiêu năm trời anh ta bị giam trong nỗi cô đơn của đau đớn, của bệnh tật của sự miệt thị của biết bao nhiêu con người.
Trong khi đó, Chúa đã chạm và chữa cho anh sạch sẽ bệnh. Từ cái chạm của Chúa Giêsu, tất cả mọi khổ đau thể xác và tinh thần của anh đã biến mất. Phải nói rằng đó là một niềm vui quá lớn, không thể che giấu được nên anh chia sẻ niềm vui đó cho người khác, thì khi ấy niềm vui đó của anh mới được trọn vẹn. Và Chúng ta thấy, đó là niềm vui của cuộc đời.
Thi thoảng, chúng ta thấy giáo xứ này giáo xứ kia, chỗ này chỗ kia, cử hành gọi là năm thánh. Khai mạc năm thánh để mừng kỷ niệm thành lập giáo xứ chẳng hạn.
Năm thánh đó, thì chúng ta thấy đó là năm của niềm vui. Mời gọi mỗi người sống trong cái niềm vui của năm thánh, niềm vui từ Thiên Chúa trao ban cho con người.
Trong Thánh Kinh thì nếu mà trở về với những cái biến cố mà chúng ta thấy trong Cựu Ước có, đó là năm thánh.
Năm THÁNH là cái chữ mà gói gọn “vui lên”. Vui lên bởi vì năm thánh là năm của ơn toàn xá, là năm của niềm vui.
Và trong năm đó thì chúng ta thấy: Người nào nghèo mà đi bán đất cho người khác thì được trở về với cái miếng đất ngày xưa của mình, và những người đi làm nô lệ thì được giải thoát và được trả tự do. Và trong năm Thánh người nào mà bị mắc nợ thì được xóa sạch.
Thì rõ ràng chúng ta thấy rằng là năm thánh là năm của niềm vui lắm!
Và rồi, nhiều khi trong cuộc đời của chúng ta, giáo xứ của chúng ta, họ đạo của chúng ta, mừng năm thánh; chúng ta không có cảm thấy cái niềm vui, bởi vì cuộc sống của chúng ta vẫn còn đó những khó khăn. Mình nợ ngân hàng thì mình vẫn phải trả cho ngân hàng. Mình nợ người này người kia, mình phải trả lại cho người này người kia.
Và rồi, để làm sao mình có cái cảm nghiệm được cái niềm vui, niềm vui trong Chúa, niềm vui có Chúa, niềm vui cùng Chúa?
Thì chúng ta trở về với cái anh chàng phong cùi trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta thấy, tại sao anh ta vui ? Vui, bởi vì anh ta quá đau khổ ! Trong chớp mắt thôi! anh ta có kinh nghiệm về sự giải thoát của Chúa Giêsu cho anh ta khỏi bệnh tật. Thật sự ra mà nói thì, chúng ta chưa có cái cảm nghiệm được cái niềm vui của Thiên Chúa dành cho mình. Chúng ta chưa có kinh nghiệm được giải thoát!
Và rồi, chúng ta cũng cảm thấy ngạc nhiên là tại sao mà Chúa lại dặn anh ta đừng có đi nói cho người khác về việc Chúa làm cho anh ta. Bởi vì đó là bí mật Đấng Messia, Chúa Giêsu không muốn anh ta đi loan báo cho mọi người rằng là: Chúa đã chữa lành cho anh ta. Bởi vì Chúa Giêsu sợ nếu mà anh ta đi loan báo việc Ngài đến chữa lành cho anh ta. Thì không khéo người ta nhìn Chúa Giêsu như một thầy lang, như là một người bác sĩ có tài chữa lành bệnh tật thôi!
Nhưng mà, sứ mạng của Chúa Giêsu thì không phải là như thế! Cái sứ mạng mà chúng ta thấy đâu đó! Chúa Giêsu chữa lành trong kinh thánh đó chỉ là mang dấu chỉ để mời người ta nhìn đến một cái ơn giải thoát sâu xa hơn. Ơn giải thoát đó, chúng ta phải nhìn vào thực tế và trong hoàn cảnh của người Phong cùi chúng ta sẽ thấy rõ.
Ở bài đọc thứ nhất, mô tả về người Phong cùi thời đó, cũng như bây giờ. Người nào mà bị phong cùi thì bị ở riêng một nơi .
Người nào bị phong cùi thì đầu tóc để rối, đi đâu cũng la lên rằng là “cùi đây, cùi đây” ! để người ta biết mà tránh. Nếu mà không tránh thì bị lây.
Và chúng ta thấy, sống trong hoàn cảnh như thế thì người phong cùi không chỉ đau về nỗi đau thể xác mà còn là mang một cái nỗi đau tâm lý. Một cái nỗi đau của con người sống bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội nữa.
Và đặc biệt với xã hội người Do Thái là xã hội tôn giáo thì người ta lại quan niệm rằng: những người bị phạm tội là Chúa phạt như thế!
Đã nghèo, đã bệnh tật mà còn mang trong mình cái mặt cảm bị Thiên Chúa trừng phạt..Và đau đớn nhất là, không được vào trong Hội đường để mà thờ phượng Chúa nữa, đau khổ lắm!
Và rồi chúng ta thấy, sau khi được chữa lành, thì anh ta trở về với cộng đoàn và bệnh phong coi như là bị loại trừ khỏi anh. Anh ta cảm thấy cô đơn, đau khổ lắm nhưng mà rồi được trở về hòa nhập lại với cộng đoàn. Đó là một niềm vui!
Và chúng ta phải ở trong cái trạng thái của anh ta, khi mà mình được giải thoát khỏi nỗi cô đơn và mình được hội nhập cộng đoàn, với mọi người thì lúc đó mình mới cảm thấy niềm vui.
Ngày hôm nay, chúng ta thấy, chúng ta đang sống giữa một cái xã hội mà truyền thông phát triển: điện thoại, internet. Và chúng ta thấy: tưởng chừng con người đến với nhau nhiều hơn, nhưng mà thật sự ra con người cô đơn.
Nhiều lần, nhiều lúc đi ra quán cà phê chúng ta thấy: cả gia đình ngồi với nhau đó, nhưng mà mỗi người một cái điện thoại, mỗi người một cái iPhone, mỗi người một cái iPad để rồi không ai nhìn đến ai cả, và ai cũng làm việc riêng của mình, dẫu rằng người ta ngồi chung với nhau.
Chúng ta thấy, chính trong cái sự phát triển đó! mà con người không còn hiệp thông với nhau. Và đặc biệt chính vì cái sự hiệp thông đó của con người bị cắt đứt, thì con người cũng bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, người ta đến với Chúa: ầu ơ ví dầu, trong các thánh lễ, đến cho xong, đến cho hết rồi đi về. Không còn một cái tương quan nào với Thiên Chúa nữa.
Và rồi tất cả những điều đó đã làm nên cái tội lỗi nơi con người. Con người không còn tin nhận Thiên Chúa nữa.
Chính trong cái đam mê tội lỗi của mình, đam mê đã giam hãm con người ta, cắt đứt khỏi tương quan với Thiên Chúa và con người, và người ta loại trừ THIÊN Chúa ra khỏi người ta.
Đức Piô thứ 12 bảo: Tội con người ngày hôm nay đó là gì ? Là tội mà con người đánh mất về cảm thức về tội lỗi.
Thì rõ ràng rằng là, ngày hôm nay giữa một cái xã hội mà chúng ta thấy, lương tâm người ta không còn bị cắn rứt nữa bởi tội lỗi, và người ta không cần đến Thiên Chúa nữa. Người ta sống trong một cái xã hội vô thần một cái quan niệm vô thần người ta không cần THIÊN CHÚA nữa!
Thì khi đó người ta đâu có cần đến để mà cầu xin Chúa chữa lành, như cái anh chàng phong cùi ngày hôm nay. Khi nào, người ta cảm thấy mình bị tội lỗi, mình bị cô đơn, mình bị đau khổ, thì lúc đó mình mới cần được giải thoát như anh chàng phong cùi.
Và chúng ta thấy anh chàng phong cùi ngày hôm nay, rất là dễ thương! Anh ta quỳ gối xuống và tha thiết xin: Lạy thầy, nếu thầy muốn thì xin cho con được khỏi bệnh. Nếu thầy muốn, nghĩa là thầy làm được ! Thầy muốn thì con sạch thôi ! Và anh ta diễn tả niềm tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu.
Và đôi khi chúng ta thấy, chúng ta có niềm tin đấy! Nhưng mà niềm tin ấy chưa đủ mạnh, bởi vì chúng ta vẫn chạy theo tà thần. Chúng ta vẫn chạy theo thần này thần kia, để chúng ta loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời và chúng ta không còn cảm thấy ơn CHÚA cứu độ là cái ơn cần cho cuộc đời của chúng ta nữa.
Và khuôn mặt của người phong cùi ngày hôm nay, chính là khuôn mặt của mỗi người chúng ta. Liệu rằng chúng ta có khám phá ra trong cái khuôn mặt của anh cùi là khuôn mặt của mỗi người chúng ta hay không? Khi chúng ta mang trong mình tội lỗi, yếu đuối, nhưng mà điều quan trọng rằng chúng ta có chạy đến với Chúa hay không?
Cuộc đời này chúng ta vẫn chạy theo những niềm vui. Niềm vui bên ngoài, rồi cuối cùng cũng được lấp đầy, nhưng mà rồi cuối cùng cũng thiếu thốn.
Và chúng ta cứ loay hoay mãi trong cái niềm vui của trần gian, chứ không phải là cái niềm vui mà Thiên Chúa ban tặng.
Niềm vui mà Thiên Chúa ban tặng là niềm vui sâu xa trong tâm hồn. Niềm vui đó chúng ta cần phải đi khám phá trong tĩnh lặng, trong gắn bó mật thiết với Chúa và đặc biệt trong niềm tin với Chúa. Như anh chàng phong cùi ngày hôm nay. Anh ta đã đủ mạnh niềm tin để anh ta quỳ xuống và Xin Chúa chữa lành.
Liệu rằng: chúng ta có can đảm, để chúng ta quỳ xuống với Chúa, xin Chúa chữa lành cho chúng ta như anh ta hay không?
Khi nào niềm tin của chúng ta đủ mạnh thì khi ấy Chúa có thể đến, và ở lại với chúng ta và chữa lành cho chúng ta. Còn khi niềm tin của chúng ta nó cứ hời hợt thì Chúa làm sao có thể đến với chúng ta. Nay chúng ta chạy đến chỗ này, mai chúng ta chạy đến chỗ kia! để chúng ta tìm được cái niềm vui, tìm được cái sự giải thoát. Nhưng mà thật sự ra, tất cả những cái đó chỉ là bên ngoài chỉ là niềm vui của tạm bợ không phải là niềm vui đến từ Chúa.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta, để chúng ta bắt chước như anh chàng phong cùi của ngày hôm nay:
Để xin Chúa chữa lành cho chúng ta.
Để chúng ta thoát khỏi những bệnh tật của thể xác, của tâm hồn.
Để chúng ta đến gần Chúa hơn, và chúng ta sống mật thiết với Chúa hơn như anh cùi ngày hôm nay. Amen.
Huệ Minh