Hôm nay, giữa Mùa Chay, Giáo hội cử hành Chúa nhật Laetare, được lấy từ lời đầu tiên của bài thánh ca nhập lễ hôm nay: “Laetare, Ierusalem – Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô! Hãy cùng Giêrusalem khấp khởi mừng, hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô, để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ” (Is 66:10-11)
- Niềm vui giải thoát
Đó là những gì Thiên Chúa đã truyền cho tiên tri Isaia công bố cho những người Do Thái đang bị giam cầm ở Babylon, nơi mà họ thường ngồi bên bờ suối và khóc lóc. Họ treo đàn hạc lên cây vì buồn quá không hát nổi và nhớ lại tất cả những tội lỗi của mình. Bài đọc thứ nhất từ Sách Biên Niên thứ hai mô tả những tội lỗi đó: “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Chúa đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế. Họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Ngài và chế giễu các ngôn sứ của Ngài” (2 Sb 36: 14, 16). Nhưng Chúa không ngừng yêu thương họ. Vì tình yêu, Ngài đã làm cho việc lưu đày ở Babylon thành cơ hội để dẫn đưa họ hoán cải về với Ngài, một sự giải thoát mà chính Thiên Chúa đã khiến Kyrô, vua Ba Tư, thực hiện.
Việc giải phóng người Do Thái khỏi Babylon, như lời tiên tri Isaia loan báo chỉ là một dấu hiệu báo trước một sự giải thoát và một niềm vui lớn lao hơn nhiều mà Chúa Giêsu sắp mang đến cho nhân loại, một sự giải phóng khỏi sự lưu đày và xa cách Thiên Chúa do tội lỗi gây ra, thoát khỏi sự giam cầm của tội lỗi vốn sẽ dẫn đến cái chết. Đó là một thông điệp vui mừng không chỉ dành cho thành Giêrusalem, mà dành cho tất cả mọi thành phố. Niềm vui đó òa vỡ vì tình yêu khôn dò của Thiên Chúa không ngừng nghỉ tìm cách cứu chuộc chúng ta. Giáo Hội khuyến khích chúng ta suy ngẫm về tình yêu đó trong Tin Mừng hôm nay, khi Thánh Gioan nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Thánh Gioan nói thêm: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian,” để trừng phạt chúng ta một cách nghiêm khắc vì tội lỗi của chúng ta, “nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Ga 3:17). Dù loài người ở trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với người Do Thái ở Babylon, nhưng chính Chúa đã phái một người vĩ đại hơn Kyrô, Vua Ba Tư, đến giải phóng chúng ta. Người đó là Con của Ngài. Thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Rôma rằng: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8:32). Điều đó khiến Thánh Phaolô kết luận: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8:35). Khi Thiên Chúa Cha quyết định không để cho chúng ta phải chết trong cảnh lưu đày vĩnh viễn nhưng sai Con của Ngài đến chịu chế nhạo, chịu đóng đinh một cách dã man, và chịu chết đau thương thay chúng ta, thì một cách nào đó theo cách nhìn của người phàm chúng ta, Ngài đã dành cho chúng ta một tình yêu thương còn lớn lao hơn cả tình yêu dành cho Con Ngài. Ngài đã chọn cứu mạng sống chúng ta bằng cách để Con Ngài thành của lễ hiến tế. Tình yêu không thể diễn tả này là lý do đáng kinh ngạc cho niềm vui! Tình yêu của Thiên Chúa sẽ vượt qua mọi giới hạn để cứu chúng ta, và đó là cội nguồn của mọi niềm vui Kitô giáo.
- Chúa Kitô như con rắn đồng Môsê giương cao trong sa mạc
Để bước vào niềm vui trong tình xót thương của Chúa Kitô, con người cần hiểu được cái giá của niềm vui đó và sự đáp trả mà niềm vui đó đòi hỏi. Hôm nay Chúa Giêsu cho Nicôđêmô biết cái giá của niềm vui đó: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3:14). Con rắn ngày xưa đã khiến Adam và Eva trong Vườn Địa đàng không tin vào Thiên Chúa, và chọn sống xa cách Thiên Chúa thay vì sống trong tình yêu thân thiết với Ngài, nghĩa là chọn cái chết thay vì sự sống. Lịch sử dân Israel cho thấy họ vẫn thường mất lòng tin vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài vừa cứu họ khỏi tay Pharaô. Họ muốn thờ một vị thần khác: “Dân này có khuynh hướng xấu. Họ nói với tôi: Xin ông làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môsê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai cập” (Xh 32:23-24). Họ trách cứ Thiên Chúa bắt họ phải lang thang trong sa mạc: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống ? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này” (Ds 21:5). Thiên Chúa đã cho phép rắn trườn vào giữa họ và cắn họ: “Bấy giờ Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Israel phải chết” (Ds 21:6). Thuốc giải độc mà Thiên Chúa kê đơn để cứu họ là yêu cầu Môsê làm một con rắn đồng và treo lên một cây gậy, và những ai nhìn vào con rắn đó sẽ được cứu. Con rắn đồng như một lời nhắc nhở về tội lỗi khiến họ nhiễm độc chết người cả thể xác lẫn linh hồn. Chúa Giêsu nói rằng trên Thập Giá Ngài sẽ trở nên giống con rắn đồng được treo lên cao đó: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3:14). Ngài sẽ hút chất độc của tội lỗi ra khỏi vết thương của chúng ta và mang nó lên Thập tự giá của Ngài.
Chúng ta cần phải ngắm nhìn Chúa Giêsu trên Thập tự giá để biết tội lỗi nghiêm trọng của chúng ta đã gây ra điều gì. Chúng ta không thể tự cứu mình khỏi tội lỗi bằng nỗ lực của chính mình, nhưng chính tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, Đấng đã gánh lấy tội lỗi con người và chịu chết, sẽ đem lại cho chúng ta liều thuốc giải độc cứu rỗi. Để được cứu độ, chúng ta cần ngắm nhìn Chúa Giêsu bằng con mắt đức tin, một đức tin thấm nhuần trong lối sống hàng ngày. Đó là điều Thánh Gioan bày tỏ ngay sau những lời giải thích về chiều sâu tình yêu của Thiên Chúa. Ngài nói với chúng ta: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi” (Ga 3:18). Ngài mạnh mẽ nhắc nhở chúng ta rằng giống như những người ở Giêrusalem trước thời lưu đày đã từ chối lắng nghe các ngôn sứ, thì chúng ta hôm nay cũng có thể không lắng nghe Chúa Giêsu: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3:19). Thánh Gioan giải thích bản án đó: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3: 20). Ngắm nhìn Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá bằng con mắt đức tin có nghĩa là đi vào sự thật của Thập Giá. Điều đó có nghĩa là cùng Chúa Giêsu bước vào ánh sáng, bỏ lại bóng tối tội lỗi phía sau, sống một đời sống công chính trước mặt mọi người, thực hiện mọi sự trong Thiên Chúa: “Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3: 21).
- Sự cao vời của lòng Chúa xót thương
Nhìn vào Thập Giá bằng ánh sáng đức tin có nghĩa là nhận ra nơi Thập Giá tình yêu thương xót vô giá của Thiên Chúa. Sự cứu rỗi của chúng ta đã được mua bằng cái chết của chính Chúa Giêsu. Chúng ta không xứng đáng được Ngài chết thay cho, nhưng vì xót thương chúng ta nên Ngài đã chết vì chúng ta. Thánh Phaolô tập trung vào điều này trong bài đọc thứ hai hôm nay. “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Ngài cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Chúa Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Ngài đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Chúa Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2:4-6).
Trong buổi suy niệm Kinh Truyền Tin ngày 15 tháng Ba năm 2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải nghĩa tình thương xót của Thiên Chúa được nhìn thấy trên Thập giá. “Đừng bao giờ quên điều này, Thiên Chúa giàu lòng thương xót.… Thập Giá Chúa Kitô là bằng chứng cao cả nhất về Tình Yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta: Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta cho đến cùng (Ga 13:1), nghĩa là không chỉ vào giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế, nhưng cho đến giới hạn tột cùng của tình yêu. Nếu trong công cuộc tạo dựng, Chúa Cha đã ban cho chúng ta bằng chứng về tình yêu cao cả của Ngài bằng cách ban cho chúng ta sự sống, thì trong cuộc khổ nạn của Người Con, Ngài đã ban cho chúng ta tất cả mọi bằng chứng: Ngài đã đến để chịu đau khổ và chết cho chúng ta. Và tình yêu quá lớn lao này chính là lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Ngài yêu thương chúng ta, Ngài tha thứ cho chúng ta. Với lòng thương xót của mình, Thiên Chúa tha thứ cho tất cả và Thiên Chúa luôn tha thứ.”
Toàn bộ mục đích của Mùa Chay là đưa chúng ta đến sự hiệp nhất với Chúa Kitô trên Thập Giá, để Thiên Chúa giàu lòng xót thương làm cho chúng ta giàu lòng thương xót, giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần đón nhận lòng thương xót đó đến mức nào và sau đó chia sẻ lòng thương xót đó một cách hào phóng với người khác. Thực hiện điều này là cần thiết để chúng ta bước vào niềm vui mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta. Niềm vui tột cùng của chúng ta là tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và vì tình yêu của Thiên Chúa là lòng thương xót của Ngài, do đó chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được niềm vui trọn vẹn của Chúa Kitô khi chúng ta đón nhận và chia sẻ lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người. Đời sống của chúng ta là để thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta: “tin vào Con Thiên Chúa để khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Chúng ta cần phải bước qua cánh cửa của lòng thương xót và đưa nhiều người khác qua cùng cánh cửa đó, như Thánh Phaolô căn dặn: “Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu của Ngài đối với chúng ta trong Chúa Kitô Giêsu, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Ngài. Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2:7-10).
Phêrô Phạm Văn Trung