Bà vợ ông hiệu trưởng của một trường trung học đệ nhất cấp than thở về nỗi khổ bà đã chịu đựng suốt một năm trời vì cách thức ăn mặc hiện nay, hay nói đúng hơn, chẳng có một qui định nào về việc ăn mặc của học sinh. Bà ngao ngán khi thấy học sinh đến trường với những bộ y phục hở hang. Còn Nancy, con gái nhỏ của bà,” cũng ngao ngán vì “cứ phải làm gương cho các học sinh khác” – bởi cha mẹ bắt ép – trong việc ăn mặc khi đi học. Nancy muốn “tụi nó sao, con vậy” trong chuyện ăn mặc, và cô cứ phàn nàn về điều này. Rốt cuộc, bà mẹ đành chiều ý và Nancy được phép đến trường với quần kaki nhàu nát và áo lính cũ rích. Một hôm, đi học về, Nancy hớn hở, “Mẹ ơi, một đứa bạn con chưa hề biết mặt đã tới bắt chuyện và ganh tị với con, ‘Chắc là cô có một người mẹ thật tuyệt vời cho nên mới được đi học trong bộ đồ ngon lành thế này.'” Trên đây chỉ là một trường hợp khủng hoảng nho nhỏ của bà mẹ ấy, tuy nhiên, tình trạng căng thẳng có lẽ vẫn tiếp tục làm hao mòn năng lực thể lý và cảm xúc của bà.
Bác sĩ William Holmes thuộc viện đại học y khoa Washington đã liệt kê những biến cố trong cuộc sống có khả năng tác hại cho năng lực thể lý và xúc cảm của chúng ta. Danh mục ấy gồm những sự cố như bệnh nặng, người thân qua đời, mất việc, v.v.. Mỗi biến cố xảy ra trong cuộc sống đều được đánh một con số, biểu thị mức độ căng thẳng có tác động ảnh hưởng đến chúng ta. Chúng ta có thể loại bớt hoặc ghi thêm vào danh mục này những biến cố đã từng xảy ra với chúng ta. Nếu những con số ấy vượt quá một tổng số nào đó, chúng ta đương nhiên sẽ suy nhược thần kinh. Danh mục này rất hữu ích nếu như chúng ta đừng quan trọng hóa quá đáng. Nó giúp chúng ta nhìn ra các việc trong cuộc sống có ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào. Nhưng điều kỳ lạ nhất của danh mục này là trong đó có cả lễ Giáng Sinh, cũng được đánh số. Như vậy, họ vẫn chưa tìm được ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh cho cuộc đời họ.
Sách Giảng Viên trong Cựu Ước được một tác giả rất tốt lành, khôn ngoan và tin tưởng vào Thiên Chúa viết ra. Tuy nhiên, ông cũng là một người bi quan, và rất yếm thế. Ông tin Thiên Chúa cao cả đã tạo dựng thế giới và vạn vật rất tốt đẹp, nhưng Người đã xa rời và không để lại đầu mối hoặc chìa khóa nào giúp chúng ta tìm ra ý nghĩa của chúng. Như vậy, ông luận ra điều tốt nhất chúng ta có thể làm được chỉ là tồn tại và chấp nhận gánh nặng của một mầu nhiệm vĩ đại không bao giờ được giãi bày. Đó cũng là điều chúng ta gặp thấy nơi tâm trạng của một số tác giả đương thời như Albert Camus và Franz Kafka. Kafka viết về một sứ giả được đức vua sai đi để chuyển trao một thông điệp quan trọng cho bạn. Bạn đợi chờ mong mỏi nhưng sứ giả chẳng bao giờ tới nơi vì gặp quá nhiều ngãng trở. Tâm trạng này cũng được thể hiện trong vở kịch “Đợi chờ Godot” của Samuel Beckett. Khi nào Godot đến, mọi điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Thế nhưng Godot không bao giờ đến.
Tin Mừng Phúc Âm tuyệt vời ở chỗ là Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, đã đến với chúng ta trước. Qua việc Chúa Kitô đến, Thiên Chúa như đang phán, “Ta yêu thương các con, Ta quan tâm đến các con, Ta đến với các con.” Như vậy, không phải Thiên Chúa không cho bạn chìa khóa và đầu mối để hiểu được mầu nhiệm về cuộc đời. Đó là một thần học lành mạnh: đơn sơ, nhưng sâu sắc. Đó là tuyên ngôn thần học trực tiếp có lẽ do C.S. Lewis viết ra. Lewis, một tác giả người Anh, theo lời ông, đã “ngạc nhiên vì vui mừng” khi thấy Chúa Giêsu Kitô có thói quen diễn giải giáo lý của Người một cách đơn sơ, trực tiếp, rất dễ hiểu. Chuyện kể về một phụ nữ giàu có và cô người giúp việc. Bà luôn đối xử tốt với cô giúp việc, nhưng có một cái gì đó trong thái độ của bà khiến cô giúp việc luôn nhớ mình là bề dưới. Cả hai cùng có thai gần như đồng thời với nhau và cô giúp việc không thể phục vụ bà chủ được nữa. Chừng một năm sau, hai người gặp nhau ngoài phố, mỗi người đẩy một chiếc xe. Người phụ nữ giàu có nói với cô giúp việc trước kia của mình, “Hôm nay đúng là một ngày hạnh phúc trong đời tôi. Hôm nay cục cưng của tôi nói được tiếng nói đầu tiên của nó.” Vừa lúc đó, đứa con của cô giúp việc từ trong chiếc xe đẩy ngóc đầu ra hỏi, “Nói gì vậy?”
Một trong những điều đẹp đẽ về C.S. Lewis là bạn không bao giờ phải hỏi, “Nói gì vậy?” Ông đã gợi ý: Thiên Chúa là Đấng đến với chúng ta trước. Trong vũ trụ này, chúng ta chỉ là một hành tinh cỏn con, vô nghĩa, lạc lõng giữa khoảng không bao la. Thế nhưng Thiên Chúa Tối Cao đã thực hiện một chuyến thăm đặc biệt đến với hành tinh nhỏ bé này. Đấng Tạo Hóa, Đức Vua vũ trụ, đã thực hiện một chuyến thăm đặc biệt để ban mình trọn vẹn cho chúng ta. “Viếng thăm một hành tinh bé nhỏ!” Hình ảnh đẹp đẽ và thi vị này giúp chúng ta cảm nhận được công trình kỳ diệu Ngôi Lời đã nhập thể và cư ngụ giữa chúng ta.
Một khi điều kỳ diệu ấy đã đánh động lòng bạn, một khi bạn đã nhận thức sự Hiện Diện sống động của Thiên Chúa, cuộc sống của bạn như được một phép lạ biến đổi. Một phép lạ của các phép lạ, bạn không chỉ hiện hữu, mà còn là chính con người của bạn thực sự: một con người đẹp đẽ, độc đáo, đáng yêu, đáng quí mà Thiên Chúa đã sáng tạo. Bạn sẽ nhạy cảm trước những xúc cảm và nhu cầu của tha nhân. Mỗi ngày, bạn kỷ niệm sự kiện Chúa Giêsu giáng thế không phải như một biến cố làm suy nhược thần kinh, nhưng như một cột trụ sức mạnh.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh đã nhắn các môn đệ đến Galilê để gặp Người. Thánh Matthêu cho chúng ta biết, “Khi nhìn thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng cũng còn ít kẻ hoài nghi.” Chúa Giêsu đi tới và nói với họ những lời này: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy: các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ” (Mt 28:17-18).
“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ.” Các môn đệ đầu tiên cũng như tất cả các môn đệ sau này của Chúa Giêsu đều ghi nhớ mệnh lệnh thiết yếu này. Hãy đi giảng dạy muôn dân! Hãy rửa tội cho họ! Hãy rao giảng trên các mái nhà, các đỉnh đồi và khắp mọi nơi: Chúa Giêsu Kitô đã đến giữa chúng ta! Nhưng tại sao chỉ có một số Kitô hữu được gọi là những nhà truyền giáo, trong khi một số khác lại không? Tại sao chỉ một số Kitô hữu nào đó được mong đợi sẽ nói về Chúa Giêsu cho gia đình, bạn hữu cũng như cho những người du lịch mà thôi? Theo định nghĩa của Chúa Giêsu, sứ vụ loan báo Tin Mừng được ủy thác cho mọi Kitô hữu.
Qua sự kiện Chúa Kitô giáng thế, chúng ta đã có sự hiện diện sống động của Thiên Chúa. Một khi điều đó đánh động lòng bạn, một khi bạn cảm nhận được điều đó, một khi tình yêu Thiên Chúa bao trùm cuộc sống của bạn, bạn sẽ trở nên tinh tế trước nhu cầu phải chia sẻ điều đó với tha nhân.
Trong tác phẩm “Câu Truyện Hai Thành Phố” của Charles Dickens, Sidney, một người tốt lành, lực lưỡng, đã đổi chỗ cho một người sắp bị tử hình. Sidney muốn chịu án thay. Trong nhà tù, Sidney gặp một phụ nữ cũng sắp bị tử hình. Bà này hoảng sợ. Nhưng khi nói chuyện với nhau, Sidney truyền sang cho bà một phần sức mạnh và nghị lực của anh. Người phụ nữ ấy yêu cầu hai người cùng được xử tử bên nhau. Trong cảnh cuối cùng, chiếc xe chở hai người đến pháp trường lăn bánh giữa lúc Sidney vẫn đứng hiên ngang, cao lớn, bên cạnh là người phụ nữ, cầm chặt tay anh. Đến pháp trường, nỗi sợ hãi của người phụ nữ hoàn toàn biến mất. Khi sắp sửa bị điệu đi, bà nhìn thẳng vào Sidney và nói, “Tôi tin rằng anh đã được trời cao sai đến với tôi.”
Các môn đệ Chúa Giêsu cũng phải cảm nhận như vậy về việc Chúa giáng thế. Người đã được Trời Cao sai đến với chúng ta, trong một chuyến thăm đặc biệt dành cho hành tinh nhỏ bé này để ban tràn trào tình yêu của Người cho chúng ta.
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ