NƯỚC TRỜI

CHÚA NHẬT 5 MÙA THƯỜNG NIÊN

 (G 7, 1-4.6-7; 1Cr 9, 16-19.22-23; Mc 1, 29-39) 

Cuộc đời của ông Gióp là một bài học quý giá cho những ai đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Một cuộc đời có những thăng trầm năm chìm bảy nổi. Có khi giàu sang phú quý, có lúc bị tước đoạt tất cả. Sông có khúc, người có lúc. Ông được hưởng những tháng ngày vui sướng ngập tràn, nhưng rồi bỗng một ngày ông trở thành trắng tay và rơi vào cơn cùng khốn. Khi khỏe mạnh cường tráng cũng như bệnh tật yếu đau, ông Gióp luôn một niềm cậy trông vào Chúa. Ông diễn tả cuộc đời rất thật, chân chạm đất với những nỗi lo âu sầu khổ. Ông Gióp không chạy trốn thực tại nhưng đối diện với cuộc sống trong thời gian thử thách. Sự mong ước thúc đẩy niềm hy vọng vào một ngày mới tươi đẹp. Ông luôn ý thức đời sống chỉ là một hơi thở qua mau. 

Phúc âm thánh Mátcô thuật lại việc Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng khắp xứ Galilê. Chúa chữa cảm sốt cho bà nhạc phụ của ông Simon và tất cả các bệnh nhân người ta mang đến cho Ngài. Chúa chữa trị những người bị quỷ ám và xua trừ ma qủy. Tin Mừng cứu độ được khai mở, đó là Nước Chúa. Cả bốn thánh sử Matthêu, Mátcô, Luca và Gioan dùng từ Nước Chúa (Kingdom of God). Riêng thánh sử Matthêu dùng cả hai từ Nước Chúa và Nước Trời (Kingdon of Heaven). Chúng ta không phải chờ đợi Nước Trời đến gần mà là Nước Trời ngay trong cuộc sống hôm nay. Ngày xưa Chúa mời gọi dân chúng ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến. Năm Hồng Ân đã đến rồi. Chúa Giêsu đã đón nhận nhiều tâm hồn vào Nước của Chúa. Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả về Nước Trời như dụ ngôn người gieo giống, hạt cải, cỏ lùng, men trong bột, kho báu và viên ngọc quý và chiếc lưới thả xuống biển… 

Nước Chúa đang lan rộng khắp nơi. Mọi thời đều cần nhiều chứng nhân và thợ lành nghề làm việc trong vườn nho của Chúa. Trong thư gởi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã bộc bạch : Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc âm. Thánh Phaolô đã đi cùng khắp để mang tin vui đến cho mọi người. Ngài được mang danh hiệu là Tông đồ Dân Ngoại. Ngài chịu khổ cực trăm bề để nên nhân chứng cho Đấng đã hiến mình vì nhân loại. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả chỉ vì phần rỗi của chúng nhân. Phaolô nhiệt thành rao giảng Lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Ngài chịu bắt bớ, đánh đập, tù đầy, giam giữ cùng mọi sự khốn khó trên đường truyền đạo. Niềm cậy trông vào ơn cứu độ thật mãnh liệt. Phaolô viết thơ giảng dạy, an ủi và khuyến khích các giáo đoàn giữ vững niềm tin. 

Điều quan trọng là mỗi người chúng ta hãy sống tinh thần Nước Trời ngay trong hoàn cảnh hiện tại. Hãy an hưởng tất cả những phúc lộc của cuộc sống. Chúng ta không biết ngày giờ Chúa lại đến nhưng chúng ta chắc rằng Chúa sẽ đến đón chúng ta vào ngày sau hết. Chúa mời gọi chúng ta luôn trong tư thế sẵn sàng và tỉnh thức. Trong cuộc lữ hành, sự chuẩn bị sám hối lúc nào lúc cần thiết. Chúng ta không phải đợi nước đến chân rồi mới nhảy. Mỗi ngày sống chúng ta đều có cơ hội lắng nghe và thực hành lời Chúa. Chúng ta không cần phải lo lắng, chao đảo hay run sợ trước những tin đồn thất thiệt về ngày Chúa đến. 

Một số người chủ trương: cuộc sống vắn vỏi, phải hưởng thụ và thỏa mãn mọi nhu cầu trước. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra cho ngày mai. Không cần phải bận tâm suy nghĩ và lo lắng chi về tương lai. Thế là cuộc sống bị buông thả theo dòng chảy của thời gian. Lý tưởng bị hỏa mù và cùng đích cuộc đời cũng bị rơi vào sự nghi ngờ vô định. Nhiều khi chúng ta bị lạc lõng trong cuộc lữ hành trần thế. Vì thế, muốn tiến được tới đích cùng, chúng ta cần phải có hướng đi và có mục đích để đạt tới. Điều này chúng ta đang thực hành mỗi ngày. Trong đời sống, mỗi ngày khi thức dậy, chúng ta biết việc gì phải làm, nơi nào phải đi và ý nào phải thực hiện. 

Đời sống của người Kitô hữu không như thế, chúng ta biết đường đi và cùng đích là vui hưởng trong Nước Chúa. Sống tinh thần của Nước Trời từng giây phút trong đời sống, chúng ta sẽ tìm được nguồn bình an và thánh thiện. Có Chúa Kitô là Thầy, là đường, là sự thật và là sự sống dẫn đường. Phó thác, cậy trông và bám chặt lấy giáo lý của Chúa Kitô, chúng ta không sợ bị lầm lạc. Ngài chính là ngôi sao dẫn đường tới quê thật. Hãy ngước nhìn lên chiêm ngắm thập giá nơi Chúa Kitô đã hy sinh chết vì yêu, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho tất cả mọi vấn nạn trong đời. Dù đường đời nổi trôi, năm chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh, chúng ta vẫn có nơi tựa nương và phó thác cuộc đời. 

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con vô bờ. Chúa đã hạ thân đem tin vui Cứu Độ cho nhân loại. Xin cho chúng con học theo thánh Phaolô biết xả thân đem Tin Mừng ơn cứu độ đến cho mọi người. Niềm vui hạnh phúc là mọi người nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa cùng yêu thương nhau như anh chị em để mai sau cùng chung hưởng hạnh phúc đời đời. 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York.

Chia sẻ Bài này:

Related posts