ƠN GỌI

CHÚA NHẬT 14 MÙA THƯỜNG NIÊN

(Ed 2, 2-5; 1 Cr 12, 7-10; Mc 6, 1-6).

Chúng ta không biết nhiều về đời tư của tiên tri Edekiel. Tiên tri Edekiel sinh vào khoảng năm 622, trong thời gian tìm lại được sách Đệ Nhị Luật. Ông đáp lại tiếng Chúa, thi hành sứ vụ tiên tri vào khoảng năm 592, trước Công Nguyên. Edekiel lớn lên tại Giêrusalem và được đào tạo, huấn luyện trong đền thờ và trở thành tư tế. Edekiel dõi theo bước đường của tiên tri Giêrêmia, người đã sống trong thời kỳ khủng hoảng của dân tộc Do-thái. Edekiel ở trong số những người Do-thái bị bắt đi lưu đầy từ Giêrusalem tới Babylon, sau lần vùng dậy thất bại của nhà Jehoiakim. Sau những năm tháng bị lưu đầy, Edekiel được chứng nhận một thị kiến. Thiên Chúa cho ông nhận ra một viễn tượng để giúp cho sứ mệnh tiên tri và đem lại nhiều hoa qủa tinh thần qúi báu cho con dân đang bị lưu đầy xa xứ.

Chúa mời gọi tiên tri Edekiel đến với dân trong cảnh lưu đầy tại quê người đất lạ. Sứ mệnh của các tiên tri không dễ dàng xuông xẻ. Giống như các ngôn sứ khác, Edekiel phải đối diện với muôn ngàn khổ đau. Hầu hết các tiên tri được sai đi, đã bị bách hại, xua đuổi, tẩy trừ và giết hại. Chúa Giêsu đã nói với đan chúng: Vì thế, này tôi sai ngôn sứ, hiền nhân và kinh sư đến cùng các người: các người sẽ giết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác (Mt 23, 34). 

Chúa kêu gọi mỗi người một cách và trao một sứ mệnh khác nhau để loan báo ý định của Chúa. Saulô đã từng là người đi bách hại những Kitô hữu thời sơ khai, Chúa đã chọn ngài và biến đổi thành tông đồ Phaolô nhiệt thành. Cho dù có nhiều khó khăn trên bước đường truyền đạo, Phaolô không hề thoái lui. Ơn Chúa đủ cho ngài vượt qua mọi gian nan thử thách. Trong thơ gởi tín hữu Corintô, thánh Phaolô đã viết: Chúa phán với tôi rằng: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”. Phaolô vui mừng và tự khoe về những yếu đuối của ngài trong Chúa Kitô. Ngài hân hoan vui mừng chấp nhận tất cả những khổ cực trong cuộc sống vì danh Chúa Giêsu Kitô.

Bài Phúc âm hôm nay, kể lại rằng Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng Tin Mừng cũng không tránh khỏi những sự dị nghị, chống đối và hiềm thù. Rất nhiều người ngạc nhiên về giáo lý của Chúa nhưng họ vẫn tỏ vẻ khinh thường về nguồn gốc của Ngài. Chúa Giêsu đã rảo quanh các làng mạc và phố thị để thi hành sứ mệnh một cách rất khiêm nhường. Hình ảnh một Nước Trời như hạt cải được gieo xuống lòng đất và từ từ đâm chồi nẩy lộc. Chúa dùng tình yêu và sự chân thật để thánh hóa tâm hồn từng người.

Trải qua mọi thời, luôn luôn có những tâm hồn nhiệt thành đáp lại tiếng mời gọi của Chúa. Vườn Giáo Hội có rất nhiều công việc mục vụ cần được chăm sóc. Việc phục vụ và mục vụ thì muôn trùng, nên Giáo hội rất cần các nhân sự. Mỗi người đáp lại tiếng Chúa tùy theo khả năng của mình để phục vụ. Chúng ta có thể phục vụ trong bất cứ môi trường nào như trong đời sống gia đình, công tác ngoài xã hội và phục vụ trong Giáo hội. Đôi khi ngại ngùng hay so đo nhiều quá, chúng ta đã bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội phục vụ cho ích chung. Chúa ban cho chúng ta có khả năng không phải để chôn dấu, nhưng để phát triển và sinh ích lợi cho mọi người.

Làm nhân chứng cho Chúa là đi ngược dòng. Cuộc sống xã hội thì xuôi theo dòng chảy. Người trước kẻ sau cứ tiến bước theo những nhu cầu tự nhiên đòi hỏi. Nhiều người muốn thỏa mãn các nhu cầu, các thị yếu và những điều mới lạ. Tiểu chuẩn cuộc sống của đại đa số không đặt trên nền tảng của đạo đức và luân lý, nhưng tựa dựa vào sự thỏa mãn các nhu cầu thời đại. Nhu cầu của cuộc sống thì vô lường và không bao giờ thỏa mãn cho đủ. Chúng ta cần có những điểm dừng, trên đường cần có đèn xanh, đèn đỏ. Để khỏi lạc hướng, chúng ta cần chú ý đến những bảng chỉ đường. Sự thường đi theo bảng chỉ đường thì dễ chấp nhận hơn là phải theo lời chỉ dậy của người khác. Những ai đã từng lái xe đều có những kinh nghiệm này.

Chúng ta tự hỏi: Tại sao các ngôn sứ, tiên tri, sứ giả, thiện nguyện viên và các chứng nhân thường bị chống đối và loại trừ? Họ bị chống đối, vì họ dám đi ngược dòng chảy của cuộc sống xã hội tiêu thụ và hưởng lạc. Các ngôn sứ không là những người lập dị, nhưng họ như là những ngọn hải đăng chiếu sáng giúp nhiều người tìm về đúng hướng. Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cũng phải nên gương sáng trong tin yêu phục vụ.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin, đức cậy và đức mến, để chúng con luôn luôn là đèn cháy sáng được đặt trên giá để soi chiếu cho mọi người.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Chia sẻ Bài này:

Related posts