Trong khi độc ác và bạo lực đang leo thang tại nhiều nơi trên thế giới; khi việc chém giết đối thủ cách dã man, tàn bạo được xem như là chủ trương của những nhóm phiến quân đang nổi dậy; khi có nhiều hung thủ sẵn sàng giết cả gia đình nạn nhân vô tội, kể cả trẻ con còn nằm nôi, để chiếm đoạt của cải hay để báo thù… thì lời kêu gọi sống hiền lành của Chúa Giê-su vang dội lên trong Tin Mừng Mát-thêu hôm nay: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 1-12) quả là phương dược tối cần thiết cho căn bệnh trầm kha của nhân loại.
Chúa Giê-su là Thiên Chúa nên Ngài có đầy đủ những phẩm tính cao đẹp nhất, thế nhưng Ngài lại chú trọng đến đức tính hiền lành hơn hết và kêu mời chúng ta: “Hãy học với Tôi vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29), “Phúc cho những ai hiền lành”, “Hãy khôn ngoan như con rắn và hiền lành như bồ câu” (Mt 10, 16).
Giờ đây, xin cùng nhìn lại những phẩm chất của người hiền lành.
Người hiền lành mềm dẻo như tre
Trong cơn bão tố cuồng phong, nhiều cây cổ thụ cao lớn bị quật ngã, trốc gốc, gãy cành; nhưng tre cũng như lau sậy thì an bình vô sự nhờ tính mềm dẻo của mình. Tương tự như thế, người hiền lành luôn mềm dẻo trong cách đối nhân xử thế, nên họ có thể tự bảo toàn mình trước các trận “cuồng phong”.
Người hiền lành uyển chuyển dịu dàng như nước
Người ta có thể đập vỡ đá cứng, nhưng không bao giờ đập vỡ được nước. Khi ta giáng búa tạ vào đá, đá sẽ dùng sự cứng rắn của mình kháng cự lại búa và như thế đá sẽ bị vỡ tan; còn khi giáng búa tạ vào nước, nước dùng sự mềm mại của mình mà nuốt lấy búa và nhận chìm búa xuống bùn!
Nước tuy mềm mại nhưng có thể bào mòn đá cứng: “nước chảy đá mòn.” Người hiền lành tuy mềm mỏng nhưng có thể khuất phục những tâm hồn chai đá nhất.
Người hiền lành lấy nhu thắng cương, lấy nhược thắng cường
Họ hiểu được chân lý Chúa Giê-su dạy: “Ai dùng gươm thì sẽ phải chết vì gươm” nên họ không dùng bạo lực với bất cứ ai. Họ không ăn miếng trả miếng như bao nhiêu người khác, không theo luật “mắt đổi mắt răng đền răng” nhưng biết chế ngự tính nóng nảy, hãm dẹp tính tự ái, biết lấy thiện báo ác, biết lấy tình thương xoá bỏ hận thù.
Vì thế, rốt cuộc, người hiền lành mới là người chiến thắng. Họ thu phục được nhân tâm và tình yêu của mọi người chung quanh.
Câu chuyện sau đây cho chúng ta thấy rõ bài học này:
“Ngày xưa, một người nông dân ở cạnh nhà một người thợ săn. Người thợ săn nuôi một đàn chó săn rất dữ tợn và khó dạy; chúng thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi đàn cừu của người nông dân. Người nông dân yêu cầu người hàng xóm canh giữ đàn chó nghiêm ngặt để khỏi quấy rối đàn cừu của anh, nhưng người thợ săn không đếm xỉa gì đến những lời đó.
Một ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng rào, đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con trong đàn bị thương nặng.
Lúc này, người nông dân không thể chịu đựng được nữa nên anh ta bèn lên phủ để trình báo quan. Vị quan phủ chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói:
“Ta có thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại, nhưng nếu ta làm như thế thì anh sẽ mất đi một người bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì hơn: một người bạn hay một kẻ thù làm hàng xóm của mình?”
Người nông dân trả lời rằng anh muốn có một người bạn thì hơn. Vị quan phủ nghe vậy bèn phán:
“Được, vậy ta sẽ bày cho anh một cách để vừa bảo vệ an toàn cho đàn cừu, vừa giữ được tình bạn”.
Nghe lời chỉ dẫn của vị quan phủ, vừa về đến nhà, người nông dân bắt ba con cừu đẹp nhất trong đàn đem tặng cho ba cậu con trai nhỏ của người hàng xóm.
Đám trẻ rất vui thích quấn quít chơi đùa bên mấy con cừu. Để bảo vệ cho những con vật dễ thương mà con mình rất yêu quý, người thợ săn liền làm một cái cũi to lớn và chắc chắn để nhốt đàn chó. Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn cừu của người nông dân nữa.
Cảm kích trước sự hào phóng của người nông dân dành cho những đứa con của mình, người thợ săn thường mang những món mà anh săn được sang cho người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thịt cừu và phô mai mà anh ta làm ra. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, người thợ săn và người chăn cừu trở thành bạn tốt của nhau.”
(Khuyết danh, từ internet)
Thế là bằng ứng xử hiền lành khôn khéo, người nông dân đã khuất phục được kẻ thù.
Lạy Chúa Giê-su hiền lành khiêm nhượng,
Xin cho chúng con hiểu rằng: giải quyết tranh chấp bằng bạo lực, hung tàn, độc ác… là con đường dẫn đến đau thương, tang tóc và huỷ diệt; trái lại, giải quyết tranh chấp bằng đường lối ôn hoà, hiền lành, nhân ái… vẫn luôn là thượng sách.
Xin cho chúng con mau mắn đáp lời Chúa mời gọi: “Hãy học với Tôi vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29), nhờ đó, gia đình, xã hội chúng con được luôn an bình hạnh phúc.
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà