(Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mt 13,24-32)
Có 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra có một số nhỏ các quốc gia độc lập như nước Vatican, Taiwan và Kosovo không là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nói đúng hơn là có tất cả 196 nước trên thế giới. Có những nước lớn, đất rộng người đông như Trung Hoa có trên 1 tỷ 341 triệu người, Ấn Độ có trên 1 tỷ 210 triệu và Hoa Kỳ có trên 314 triệu người. Tổng số dân trên thế giới khoảng trên 7 tỷ. Có những quốc gia nhỏ xíu như Vatican rộng (0,2 square miles) với 770 người và nước Monaco (0,7 square miles) với 32.000 dân. Số dân tăng dần mỗi năm. Số người qua đời ít hơn số trẻ sơ sinh. Dòng dõi này nối tiếp dòng dõi kia hướng đến cùng đích. Bước vào thế kỷ thứ 21, nhờ khoa học kỹ thuật siêu vượt, con người đã mở rộng tầm kiến thức và tạo mối liên hệ tới mọi quốc gia. Sự truyền thông đa chiều đã nối kết con người xích lại gần nhau hơn.
Sống trên trần gian là cuộc lữ hành đi về quê thật. Có biết bao con đường mở ra giúp dẫn đưa con người đi đến cùng đích. Con người mọi thời đã suy tư giác ngộ ra nhiều thứ đạo, nhiều tôn giáo và nhiều cách thế để đạt mục đích. Có 20 tôn giáo chính thức, đang là chỗ cậy dựa tinh thần cho nhiều người: Kitô giáo đông nhất có trên 2 tỷ tín đồ, Hồi giáo khoảng trên 1 tỷ 570 triệu, Hinduism (Ấn Độ giáo) có khoảng 950 triệu, Buddhism (Phật giáo) có số thống kê không chính xác (350-1.600 triệu tín đồ)… Ngoài ra còn rất nhiều các nhóm tôn giáo khác nhau. Tất cả các tôn giáo cùng đi tìm ý nghĩa và cùng đích cho cuộc sống hôm nay và ngày mai. Đa số các tôn giáo đều tin có cuộc sống hạnh phúc mai hậu nơi thiên đàng, niết bàn, cõi tây phương cực lạc, quê trời, cõi trời và nơi trường sinh bất tử.
Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta về Nước Trời. Nước Trời khởi đi từ trần thế và kết thúc trên quê trời. Nước Trời tại thế được ví như một thửa ruộng được gieo cả lúa và kẻ thù lén gieo cỏ lùng. Cả lúa và cỏ lùng chen nhau mọc lên. Dụ ngôn nói rằng: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30). Đây là một hình ảnh rất thực tế và sống động trong xã hội con người. Một tập thể con người trong bất cứ một nhóm hội, giáo hội và xã hội có những thành phần tốt xen lẫn những thành viên xấu. Cả tốt cả xấu sát cánh đồng hành với nhau. Cỏ và lúa không thể chuyển đổi hay biến đổi nhưng tâm con người có thể thay đổi từ xấu đến tốt và có khi từ tốt trở nên xấu.
Ông chủ ruộng không muốn nhân công nhổ cỏ lùng, sợ sẽ ảnh hưởng tới lúa. Lòng thương cảm của ông chủ: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa” (Mt 13,29). Hình ảnh biểu trưng của cỏ lùng và lúa rất dễ hiểu. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm đối diện với những người tốt, kẻ xấu. Mỗi người đều có cơ hội thay đổi để nên tốt lành hơn. Sự kiên nhẫn của ông chủ ruộng là một ân huệ của thời gian để con người kịp thời thay đổi cách sống. Sự thật ở đời, chúng ta khó tìm được một người hoàn toàn tốt hay một người toàn xấu. Trong tâm con người, có phần tốt và chút thói xấu lẫn lộn. Nghèo cùng tâm trí và không biết gieo duyên lành sẽ dễ bị cuốn lôi theo dòng chảy. Đôi khi vì quá chủ quan, chúng ta không nhận ra những thói hư tật xấu của mình. Mỗi người cần xét mình và biết mình để tìm cách sửa sai và thăng tiến mỗi ngày.
Trong thế giới ngày nay, xuất hiện rất nhiều tôn giáo dẫn đường cuộc sống. Mỗi tôn giáo với những linh đạo riêng có thể giúp các tín đồ của mình tu thân và tu tâm để thoát vòng loạn ly. Đời sống con người hiện đại đang dần bị tục hoá. Ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ và tương đối đang bủa vây và kéo chìm con người trở về với bản năng hưởng thụ. Qua truyền thông nối mạng, hình như các tệ nạn và gương xấu đang tràn lan một cách mạnh mẽ như sóng triều. Sức mạnh của sự thoả mãn vật chất mạnh hơn các lý tưởng tinh tuyền của tôn giáo. Nhiều người tìm kiếm thoả mãn những đòi hỏi vật chất và vui hưởng cuộc sống trong hiện tại, thay vì hướng đến cuộc sống hạnh phúc tương lai. Chúng ta cần thức tỉnh cả trong ý tưởng, tâm linh và thân xác để nhận diện ý nghĩa thật của cuộc sống.
Cỏ lùng chen lấn phát triển rất nhanh. Có nhiều tâm hồn giống như cỏ dại mải mê hưởng thụ cuộc sống, chỉ biết lo tìm thoả mãn những nhu cầu vật chất hiện tại. Nhiều bạn trẻ thả trôi cuộc đời lênh đênh không có lý tưởng, đích điểm. Thật đáng thương cho kiếp phận con người. Hằng ngày tôi gặp gỡ nhiều người trẻ tự thắt nút cuộc đời qua những biến cố xảy ra. Đang trong tuổi đẹp trăng tròn, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu tìm hưởng thụ tính dục, rồi sớm có con, không hôn nhân, không gia đình, thay bạn đổi bồ như thay áo. Qua năm tháng, những nút thắt cuộc đời đan kết chất chồng lên nhau như mối tơ vò. Nhìn một người mẹ trẻ có 3 đứa con với 2 hoặc 3 bạn tình. Tương lai tại thế của các bạn trẻ này thật mờ mịt khó đường giải quyết. Xảy một ly đi một dặm, làm lại cuộc đời thế nào bây giờ! Làm sao chúng ta có thể nói với họ về tương lai của ngày sau? Các bạn trẻ tự giới hạn viễn tượng sống để giải quyết vấn đề hiện tại với nhiều điều nan giải. Cứ thế cuộc đời bị luẩn quẩn trong mạng lưới ràng buộc, cả nể cho nên sự dở dang.
Chúa Giêsu mở cửa Nước Trời mời gọi mọi người bước vào. Nước Trời được ví như hạt cải bé nhỏ được gieo trong ruộng. Một việc tốt dù nhỏ cũng có thể sinh ra hoa trái tốt lành. Chúng ta phải gieo nhân tốt mới có thể sinh quả tốt được. Giữa ngã ba cuộc đời, chúng ta phải biết chọn lựa và từ bỏ. Chọn lựa con đường dẫn đến hạnh phúc và an lạc. Từ bỏ đi những bận vướng của cuộc sống. Cuộc đời có nhiều vương vấn nên cần có thái độ dứt khoát. Ai cũng có thể làm lại cuộc đời. Không khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt đầu lại. Chấp nhận thực tại, chúng ta tháo cởi từng những nút thắt để cuộc sống tâm linh được thanh thản và an vui. Những việc làm tốt nho nhỏ hằng ngày sẽ lớn dần và đơm bông kết trái.
Chúa Giêsu biết thân phận yếu đuối mỏng giòn và tội lỗi của con người, nên Ngài đã dâng hiến lễ đền tội để giao hoà. Thư gửi tín hữu Dothái viết: “Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo” (Dt 10,14). Dù con người có sa phạm, lầm lạc và tội lỗi, Chúa vẫn có cách dẫn đưa họ trở về như mẫu gương của Thánh Augustinô. Nếu chúng ta chỉ hối tiếc về sự sa ngã lầm lạc thì chưa đủ. Muốn làm lại cuộc đời, chúng ta cần thành tâm nhận lỗi, rồi hối lỗi, thật lòng sửa lỗi, chuộc lỗi, xin tha lỗi và tu luyện tâm tính. Đây là một sự thách đố quyết tâm đổi đời. Hãy chạy đến với lòng Chúa thương xót xin ơn tha thứ. Chúa sẽ tẩy sạch tâm hồn, đổi mới trái tim yêu thương và thánh hoá ta nên con người mới trong ân sủng.
Niềm tin vào Thiên Chúa là niềm hy vọng viên mãn. Tiên tri Đanien đã có thị kiến về ngày thế mạt: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đn 12,2). Chúng ta không thể coi thường những chỉ thị, huấn lệnh và lời giảng dạy trong Giáo Hội. Niềm tin tôn giáo là cửa ngõ dẫn chúng ta vào Nước Trời. Chúng ta cần phải đi, phải bước tới và thực hành những điều Chúa truyền dạy. Nước Trời mở cửa đón nhận tất cả mọi người, nhưng chỉ những kẻ kiên trì phấn đấu đến cùng mới đáng hưởng phần phúc thiên đàng.
Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho Nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày để ngày sau được chung hưởng hạnh phúc đời đời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng