“Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1: 1). Đây là dòng đầu tiên trong sách Tin Mừng theo Thánh Máccô. Dòng này giống như một đầu đề in đậm trên trang đầu tiên của một tờ báo, bởi vì nó khái quát toàn bộ câu chuyện của Máccô.
Câu chuyện của Máccô khởi đầu bằng cách lùi thật xa về quá khứ. Câu chuyện bắt đầu với các giấc mơ của nhiều ngôn sứ từ lâu, nghĩa là đã bắt đầu từ ngàn xưa. Viện dẫn lời vị tiên tri cuối cùng hơn 400 năm trước của Cựu ước là Malakia: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con” (Malachi 3: 1), Máccô dẫn vào Gioan Tẩy giả. Như thế sự xuất hiện của Gioan Tẩy giả đã được loan báo trước trong Cựu Ước: ông là vị ngôn sứ trong hoang địa và là sứ giả đem tin vui Thiên Chúa sắp ngự đến: “Có tiếng hô: Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Isaia 40:3). Gioan mặc y phục và có lối sống của một vị ngôn sứ “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1:6). Giống như tiên tri Êlia, mặc áo lông lạc đà (Dacaria 13:4), thắt lưng bằng dây da (1 Vua 13:8), Gioan là một Êlia mới như ngôn sứ Malakia nói: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Chúa đến” (Malakia 3: 23). Gioan là ngôn sứ được sai đến dọn đường cho Chúa Giêsu: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi” (Mc 1:3). Tiếp nối và dựa vào truyền thống Cựu ước, Máccô muốn kể cho những ai đọc sách Tin mừng của mình câu chuyện Thiên Chúa đến với nhân loại, trước hết là đến với dân Do thái mà Ngài đã tuyển chọn. Thiên Chúa sai Con Ngài đến thế gian này để cứu con người khỏi tội lỗi và chỉ ra cho họ một cung cách sống để được cứu độ: “Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Mc 1: 4). Con người cần được thanh tẩy trong tinh thần sám hối để thoát khỏi vòng tội lỗi của kiếp người nhiều thăng trầm, và bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ. Trong thời của Malakia các tư tế đã thất bại trong nhiệm vụ của họ. Đối với họ, việc phục vụ trong đền thờ thật mệt mỏi, chán chường: “Phụng thờ Thiên Chúa thật là viển vông, tuân giữ các lệnh truyền của Chúa và bước đi ủ rũ trước nhan Ngài, nào ích lợi chi?” (Malakia 3: 14). Các của lễ đều có tì vết, kể là ô uế và bị loại ra: “Các ngươi tiến dâng thức ăn ô uế trên bàn thờ của Ta…các ngươi tiến dâng một con vật mù để làm lễ tế… Các ngươi dâng một con vật què hay bệnh tật…Ngài không còn đoái nhìn lễ vật, cũng không đoái nhận của lễ tay các ngươi hiến dâng nữa” (Malakia 1: 7-14). Vị sứ giả sẽ phải đến để thanh tẩy tinh thần thờ phượng của dân trước khi Đấng được xức dầu của Thiên Chúa xuất hiện: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước” (Mc 1:8) còn Chúa Cứu Thế đến là để thanh tẩy đời sống con người trong Thánh Thần, điều mà thế gian đang cần: “Còn Ngài, Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1:8). Chúa Cứu Thế đến là để làm công việc thanh tẩy đó ở bất cứ nơi nào, cho bất cứ ai mong chờ, tìm kiếm và tin theo Ngài, như ngôn sứ Malakia nói: “Quả thật, Ngài như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Ngài sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Ngài sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc” (Malakia 3: 2-3).
Lời kêu gọi của Gioan Tẩy giả được rao giảng trong hoang địa: “Có tiếng người hô trong hoang địa” (Mc 1: 3). Trong cuộc Xuất hành, đồng vắng là nơi dân Israel bị thử thách. Họ đã thất bại trong những thử thách ấy, nhưng giờ đây Gioan Tẩy giả mang đến một cảm nghiệm mới nơi hoang địa. Đây là cuộc Xuất Hành mới, mà dân mới của Thiên Chúa được kêu gọi bước theo một Môsê mới, là chính Chúa Giêsu, Đấng sẽ hoàn thành cuộc Xuất Hành này, không phải đến núi Sinai xưa “có sấm chớp, mây mù dày đặc, có tiếng tù và thổi rất mạnh… khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh” (Xh 19: 16,8), mà trên Thập Giá của Núi Sọ. Đó là nơi Ngài bị “giương cao” như “con rắn trong sa mạc” (Ga 3: 14) nhưng cũng là nơi Ngài “được giương cao lên khỏi mặt đất” để “kéo mọi người lên” (Ga 12: 32). Ngôn sứ Isaia đã nói: “Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng” (52:13). Vì tội lỗi của con người mà người tôi trung ấy “mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Isaia 52: 13) nhưng “vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Isaia 53:11). Người tôi trung ấy “đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân: nhưng thực ra, đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Isaia 53: 12). Đây là cách Chúa Giêsu – Đấng Mêsia – đến cứu độ con người và được tôn vinh. Cái chết của Ngài tẩy sạch mọi tội lỗi của con người và đem lại Ơn Cứu Độ, đó là vinh quang của Ngài.
Thánh Máccô muốn độc giả của mình biết rằng Tin mừng đó mang lại niềm Vui mừng và Hy vọng – Gaudium et Spes – lớn lao cho tất cả những ai đang cảm thấy mình đắm chìm trong một thế giới như “một ao tù tội lỗi” (Seneca đã gọi Rôma như thế).
Nhưng để có được niềm Vui mừng và Hy vọng đó, điều đầu tiên là phải chuẩn bị: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Hãy dọn sẵn con đường của Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi” (Mc 1: 2-3). Lời kêu gọi này vọng lại lời của tiên tri Isaia trong Cựu ước, được đọc trong bài đọc thứ nhất: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40:3).
Từ “con đường” được nhắc đến hai lần trong hai câu 2 và 3 cho thấy sự quan trọng của “con đường”. Đây là con đường của Chúa Giêsu, con đường Ngài bước đi, con đường Ngài kêu gọi các môn đệ đi theo. Con đường Chúa Giêsu là hành trình của người môn đệ. Đi theo Chúa Giêsu là đi theo con đường Ngài đi, là bước theo Ngài. Bây giờ là Mùa Vọng, chúng ta chuẩn bị cho con đường của Chúa, chuẩn bị bước theo Chúa Kitô.
Chúng ta đã dọn sẵn con đường cho Chúa Giêsu chưa? Chúng ta có sẵn sàng bước theo Chúa Giêsu không? Đó chính là điều Gioan Tẩy giả muốn nhắn “Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông” (Mc 1: 5) và cũng là cho chúng ta.
Gioan Tẩy giả chỉ cho chúng ta biết chuẩn bị cụ thể như thế nào để tiếp đón Chúa và đi theo Ngài: “Tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Mc 1: 4). Sự sám hối, μετάνοια – metanoia, cũng là lời kêu gọi mà Thánh Phêrô nhắc nhở trong bài đọc thứ hai: “Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3: 9). Đây là lời mời gọi bước vào một cuộc sống mới, một cuộc đời làm môn đệ, hệ tại một sự thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống: “Anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao, trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng” (2 Pr 3: 11-12).
Đây thực là sự chuẩn bị đúng đắn nhất cho Mùa Vọng. Không cần phải có một ai đó mang dáng vẻ kỳ lạ mới khiến chúng ta nhận ra sự cấp thiết ăn năn tội lỗi của mình. Tội lỗi đã lây nhiễm vào mọi phần trong con người chúng ta – mọi cảm xúc, suy nghĩ, lời nói và hành động. Đời sống chúng ta tiếp tục nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Do vậy, ăn năn là từ bỏ lối sống theo xác thịt, theo ham muốn của bản thân, theo đam mê, khoái lạc của dục vọng, không còn khả năng khát khao những điều thiện hảo thánh thiêng. Ăn năn là hối cải, là quay trở lại với một cách sống hướng về những điều cao cả mà lòng mình luôn mong chờ, giữ cho “aspiration à l’infini – khát vọng hướng về Vô Biên” (Karl Rahner) luôn bừng cháy trong tâm hồn, bằng cách liên lỉ khấn xin: “Xin Ngài ngự đến!” (Kh 22,20).
Ăn năn để được tha tội chuẩn bị cho Chúa Kitô đến, không phải chỉ trong ngày Lễ Giáng Sinh, mà là trong thẳm sâu cõi lòng, và ở đó luôn mãi trong tư cách là “Emmanuel – Đấng ở cùng chúng ta”. Lễ Giáng Sinh có ích gì nếu chúng ta không thấy mình cần có Đấng Cứu Thế, dù chúng ta vẫn kỷ niệm ngày sinh của Ngài, theo cách vui chơi của chúng ta? Và việc Ngài đến lần thứ hai sẽ mang lại ích lợi gì nếu chúng ta cứ tiếp tục sống theo ham muốn của mình, cứ tưởng rằng dăm ba việc lành chúng ta làm đủ giúp chúng ta được cứu độ? Mùa Vọng giúp chúng ta xác định những tội lỗi nào đã xâm chiếm lòng rồi quyết tâm thanh tẩy chúng khỏi cuộc sống. Đó là cách chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh giống như cách Thánh Gioan Tẩy giả chuẩn bị cho dân Do thái sẵn sàng cho lần đầu tiên Chúa Giêsu đến, và trên thực tế, đó cũng cách chúng ta chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến lần thứ hai.
Mùa Vọng sẽ kết thúc khi Lễ Giáng Sinh đến, nhưng việc mong chờ Chúa đến sẽ không bao giờ kết thúc giống như kết thúc một buổi tiệc mừng sinh nhật. Đó là một sự chuẩn bị mãi mãi, suốt đời, đồng nghĩa với một cuộc thay đổi cung cách sống, hoán cải hàng ngày, để Chúa Kitô tỏ hiện ngày càng đậm nét trong mọi khía cạnh của cuộc đời chúng ta, cho tới ngày: “Kìa Thiên Chúa các ngươi…quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền…Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40: 9-11).
Chúng ta ghi nhớ lời Thánh Phê rô trong bài đọc thứ hai: “Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Ngài thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3: 14) và khấn xin: “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).
Phêrô Phạm Văn Trung