Thứ Năm Tuần Thánh
THÁNH THỂ
Một mặc khải về con người của Thiên Chúa
Trần Mỹ Duyệt
Những tư tưởng sau đây tôi bắt gặp và suy nghĩ sau khi nghe bài giảng huấn của Lm. Ðinh Quang Thịnh. Những tư tưởng là tôi say mê và cũng đã mở ra cho tôi một cái nhìn mới về Thánh Thể, về con người của Thiên Chúa nhập thể: Chúa Giêsu.
Câu hỏi về Thiên Chúa đã được chính Maisen nêu lên khi ông lãnh trách nhiệm dẫn dắt dân Thiên Chúa và về vai trò được trao cho ông. Ông đã hỏi Chúa, “vậy nếu họ hỏi tôi, ‘tên Ngài là gi’? Tôi sẽ nói với họ như thế nào?” Thiên Chúa phán: “Ta là đấng ta là” (Xuất Hành 3:13-14). Và Ðấng ấy theo Thánh Gioan diễn tả trong sách Khải Huyền chính là “Alpha và Omega” (Khải Huyền 1:8). Có nghĩa là Nguyên Thủy và Cùng Ðích. Ðấng mà tác giả Thánh Vịnh 83 gọi là Yavê: “Chỉ có người mang danh Yavê, Ðấng Tối Cao trên khắp cõi trần” (Thánh Vịnh 83: 19).
Mặc dù tên Ngài là Yavê, nhưng căn cứ vào câu trả lời của Thiên Chúa cho Maisen về tên của Ngài, và lời giải thích của Thánh Gioan vẫn rất mơ hồ và không đáp lại được thao thức của con người khi thật sự họ muốn biết về Ngài. Nhưng làm sao một loài thụ tạo lại có thể biết được Ðấng Tạo Hóa của mình? Cũng như Thánh Augustine muốn biết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?
Tuy không có thể “biết” đầy đủ về Thiên Chúa, nhưng con người vẫn nhận ra được sự hiện hữu của Ngài. Ngài không để chúng ta phải thất vọng nhưng đã tỏ mình ra để chúng ta có thể cảm nhận được Ngài. Cũng Thánh Gioan đã nêu lên một định nghĩa về Ngài khi viết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Gioan 4:8). Như vậy, tất cả những gì mà Cựu Ước đã nói về Ngài, hôm nay được thu gọn vào một định nghĩa vừa đơn sơ, vừa dễ hiểu, và cũng vừa thu hút được niềm tin của con người. Không ai có thể nói mình xa rời Thiên Chúa và không hiểu được Ngài khi biết rằng Ngài là “Tình Yêu”, vì ai cũng có thể cảm nhận được tình yêu, và ai cũng biết yêu. Do đó, theo Thánh Gioan, hễ ai biết yêu và cảm nhận được tình yêu, thì người đó cũng hiểu và biết được Thiên Chúa, vì Ngài không là gì khác hơn là “tình yêu”.
Thiên Chúa là ai?
Thiên Chúa là ai? Trình thuật của Thánh Gioan cho biết trong số các Tông Ðồ khi được Chúa Giêsu hỏi, chỉ có một mình Phêrô là đã trả lời được câu hỏi ấy: “Thầy là Ðức Kitô của Thiên Chúa” (Luca 9:20). Nhưng như vậy, có lẽ cũng vần còn mơ hồ. Vẫn còn là một cái gì khó hiểu đối với con người. Và phải chờ đến khi Chúa Giêsu nói về chính mình. Ngài nói:
“Ta là bánh hằng sống. Ta là bánh từ trời xuống” (Gioan 6:35,41).
“Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo ta sẽ không bước đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Gioan 8:12).
“Ta là cửa chuồng chiên. Ai vào qua cửa này sẽ được cứu độ. Ai vào và ra qua cửa này sẽ tìm được đồng cỏ” (Gioan 10:7, 9).
“Ta là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành thì thí mạng sống mình vì chiên. Ta là mục tử nhân lành, ta biết chiên ta và chiên ta biết tâ” (Gioan 10:11, 14).
“Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Gioan 14:6).
“Ta là cây nho thật và cha ta là người chủ vườn. Ta là cây nho, các con là cành” (Gioan 15:1,5).
Ðức tin dậy chúng ta rằng Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha. Do đó, tất cả những gì Ngài nói về mình cũng là nói về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Tóm lại, Ngài cho nhân loại, cho con người biết Thiên Chúa là ai: Ðó chính là tình yêu.
Trong tất cả những điều mà Chúa Giêsu nói “Ta là” đều nói lên một tình yêu hết sức chân thành, hết sức gần gũi, và hết sức mật thiết với con người và cuộc sống của con người. Con người qua định nghĩa của Thánh Gioan và qua những gì Chúa Giêsu đã nói về mình như sờ được và cảm được Thiên Chúa. Một Thiên Chúa hết sức gần gũi và yêu thương.
Thánh Thể: Thiên Chúa hiện thân
Ðọc và suy ngắm tất cả những gì mà Chúa Giêsu đã nói Ngài “là”, chúng ta thấy hiện ra một mặc khải rõ ràng về Bí Tích Thánh Thể. Và vì thế có thể nói rằng nơi Thánh Thể, con người đón nhận toàn vẹ và được xuyên thấu, hòa nhập vào tình yêu của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, qua việc đón rước Thánh Thể, chúng ta đã làm cho tình yêu ấy được nên trọn theo lòng ao ước của Thiên Chúa.
Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã cho biết ước vọng của Thiên Chúa là được ở với loài người, được yêu thương con người. Ngài nói với các môn đệ: “Thầy ước ao ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu nạn” (Luca 22:15). Ăn lễ Vượt Qua tức là cử hành Bí Tích Thánh Thể.
Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả gói trọn trong Bí Tích Thánh Thể qua hai câu nói trước và sau của Chúa Giêsu: “Ta là bánh hằng sống. Ta là bánh từ trời xuống” (Gioan 6:35,41). Và câu: “Ta là cây nho thật và cha ta là người chủ vườn. Ta là cây nho, các con là cành” (Gioan 15:1,5). Bánh và rượu nho như Chúa Giêsu đã dùng để lập Bí Tích Thánh Thể. Như vậy, khi rước Thánh Thể là mang trọn lấy Thiên Chúa tình yêu, được nuôi dưỡng, cũng như lớn lên và tan biến trong tình yêu Thiên Chúa. Qua Thánh Thế, con người hiểu và cảm nhận được Thiên Chúa là ai và như thế nào.
Có Chúa Giêsu ở cùng cũng là có Ba Ngôi Thiên Chúa ở cùng. Ánh sáng của Ba Ngôi sẽ trở thành ánh sáng dẫn đường ta đi để khỏi bị bước đi trong bối tội tội lỗi và sự chết: “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo ta sẽ không bước đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Gioan 8:12).
Trong tình yêu thương ấy, chúng ta sẽ đi ra, đi vào một cách tự do và tin tưởng, vì chắc chắn tìm được ơn cứu độ. Hơn nữa, chính tình yêu ấy sẽ nuôi dưỡng chúng ta như chiên được nuôi dưỡng trên đồng cỏ non: “Ta là cửa chuồng chiên. Ai vào qua cửa này sẽ được cứu độ. Ai vào và ra qua cửa này sẽ tìm được đồng cỏ” (Gioan 10:7, 9). Hơn thế, được hướng dẫn và chăn nuôi bằng mục tử nhân lành. Ðấng đã sẵn sàng thí mạng vì mình: “Ta là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành thì thí mạng sống mình vì chiên. Ta là mục tử nhân lành, ta biết chiên ta và chiên ta biết ta” (Gioan 10:11, 14).
Và sau cùng, chính tình yêu Thiên Chúa qua Chúa Giêsu trở thành đường dẫn ta về Thiên Ðàng, trở thành sự thật chúng ta không hề bị lầm lạc, và chính là sự sống của chúng ta: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Gioan 14:6).
Một Bí Tích diễn tả cách trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa, mặc khải cách đầy đủ về Thiên Chúa như vậy nên chúng ta không lạ gì Chúa Giêsu đã tỏ ra “ước ao” để cử hành với chúng ta mọi ngày. Và đó là điều tại sao mỗi ngày khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, Ngài sẽ đem chúng ta lại gần với Tình Yêu Thiên Chúa và sống sung mãn trong tình yêu ấy. Hơn nữa, đó cũng là dịp để tình yêu ấy trở nên tuyệt hảo nơi chúng ta như “ao ước” của Chúa Giêsu. Trong Thánh Thể: “Tình yêu Thiên Chúa đã nên tuyệt hảo nơi ngài. Cách thế mà chúng ta chắc chắn được hiệp nhất với ngài” (1Gioan 2:5).
Bánh và rượu. Lúa miến và cây nho, là một vòng tròn khép kín diễn tả trọn vẹn những gì Thiên Chúa là. Ngài là tất cả, và là tình yêu đời đời mà chúng ta phải tìm kiếm, phải yêu mến và đón nhận. Thánh Tôma Tiến Sỹ khi suy về Phép Thánh Thể cũng đã thốt lên: “Thiên Chúa, Ðấng thông minh và tốt lành tuyệt đối, cũng không làm gì được hơn việc Ngài thiết lập Phép Thánh Thể”. Và cùng với Tôma chúng ta hãy “phục bái tôn thờ”. Nhưng nhất là hãy năng đến để đón nhận Ngài vào tâm hồn qua việc tham dự Thánh Lễ và rước Thánh Thể mỗi ngày.
Thứ Sáu Tuần Thánh
THÁNH GIÁ CUỘC ÐỜI
Trần Mỹ Duyệt
Ðối với những ai tin nhận Chúa Giêsu Kitô và sống với niềm tin ấy, thì hai chữ sau đây xem ra rất tương phản với những gì mà họ vẫn thường nghe nói về Ðấng mà họ gọi là Thiên Chúa Tình Yêu và giáo lý yêu thương của Ngài. Hai tiếng ấy là: Thánh giá.
Thật vậy, những đau khổ, thử thách, và đắng đót cuộc đời đã khiến con người nhiều khi phải băn khoăn tự hỏi: “Tại sao tôi khổ quá như thế này?” Riêng với những ai theo triết lý sống của Phật Giáo thì đời không chỉ là khổ mà còn là một “bể khổ”. Nhiều người vì quá thất vọng, quá đau khổ nên phải tìm giải thoát bằng cái chết.
Ðau khổ và sự chết đã có mặt trên trái đất. Nó đi liền với thân phận và kiếp người, nhưng con người không nên quên rằng bên cạnh đó còn có sự hiện diện của Tình Thương Thiên Chúa. Chính ở điểm này mà những đau khổ, những thử thách và vất vả của con người mang một ý nghĩa mới, ý nghĩa cứu độ vì chúng được liên kết với những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Giáo Hội kỷ niệm trọng thể biến cố này, và cây thập giá được dùng làm biểu tượng cho tình yêu cao trọng đó. Như vậy, thập giá luôn luôn có mặt trên hành trình đức tin của một Kitô hữu. Và đó cũng là mầu nhiệm cuộc sống này, và là điều mà chúng ta vẫn thường thấy xẩy ra cho bất cứ ai muốn theo con đường Chúa Giêsu đã đi và muốn làm môn đệ Ngài. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi đó đây là Mầu Nhiệm Ðau Khổ.
Mỗi lần viếng Ðàng Thánh Giá, và mỗi lần suy ngắm về Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu, thì mầu nhiệm đau khổ phải chăng lại thôi thúc và sống lại trong ta? Nó như nhắc nhở ta về giá trị thật của cuộc đời và những đau khổ mình phải chịu. Ðặc biệt, nếu để tâm suy ngắm và cầu nguyện, nó sẽ giúp ta khám phá mỗi ngày một hơn vẻ đẹp, sức hấp dẫn, và giá trị của thập giá.
Con đường thập giá Chúa đã đi qua từ dinh Philatô đến Núi Sọ, cũng chính là con đường thập giá mà mỗi người chúng ta sẽ phải trải qua từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày nằm yên trong nấm mồ. Nó phản ảnh những gì mà Chúa Giêsu đã nói trước về hành trình của những kẻ sẽ theo Ngài: “Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mát-thêu 16:24).
Cũng như Chúa Giêsu bị xử một cách bất công và oan uổng, rất nhiều lần trong đời sống, chúng ta cũng bị người này, người khác cáo gian, bỏ vạ, và kết án bất công. Trong nhiều trường hợp, những khó khăn, thử thách đã trở thành thánh giá mà chúng ta phải mang vác. Nhiều khi vì tính yếu đuối, vì thiếu lòng sốt sắng, đạo đức, chúng ta đã vấp ngã. Nhưng cũng nhiều lần chúng ta vì cố tình để đam mê và dục vọng khống chế, chúng ta đã để mình bị cám dỗ đè bẹp. Sức nặng ấy chính Chúa Giêsu đã mang vác lấy cho chúng ta và đã quỵ ngã ba lần trên đường lên Núi Sọ.
Tuy nhiên trên đường đời, và trong những chặng đường thánh giá, Chúa vẫn gửi đến cho chúng ta những niềm an ủi mà không để phải thất vọng. Như Chúa xưa đã được Mẹ Maria, Ông Simêon, Bà Veronica khuyến khích, chia sẻ trên đường thập giá, Ngài cũng cho chúng ta những niềm vui, và an ủi tâm hồn, đó là những lúc chúng ta được khỏe mạnh, may mắn, thành công. Những lúc chúng ta được cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em và bạn hữu yêu thương, quý mến. Nhưng nhất là những giây phút chúng ta cảm nhận được sự yêu thương, hiện hũu và bình an của Thiên Chúa. Trong những lúc như vậy, Ngài cũng bảo chúng ta phải chia sẻ với những anh chị em đang gặp thử thách, như chính Ngài đã dừng lại để an ủi những phụ nữ Giêrusalem đang khóc thương Ngài.
Tuy nhiên, trong những đau thương và thử thách nhiều khi quá lớn lao xảy đến cho ta do sự tàn ác của lòng dạ con người đến độ đã bóc lột chúng ta trần truồng, khiến niềm tin chúng ta bị chao đảo. Trong những lúc như vậy, chúng ta cần phải nhìn lên Chúa đang bị lý hình lột trần truồng trước khi xô Ngài ngã xuống trên thập giá. Ngài đã đau đớn, tủi hổ biết bao vì tội lỗi của chúng ta và của nhân loại.
Chúa bị đóng đinh vào thập giá. Những chiếc đinh dài và nhọn đã ghim vào chân tay và giữ chặt Ngài trên thập giá. Nhiều lúc và nhiều trường hợp chúng ta cũng cảm thấy như mình hoàn toàn bị chôn bám, bị ghim cứng vào những thử thách đến thất vọng, hốt hoảng, và phải chiến đấu đến nghiệt ngã để mình khỏi bị rơi vào những cám dỗ. Trong những lúc như vậy, chúng ta hãy nhìn lên Chúa và suy ngắm về việc Ngài cũng đã bị ghim cứng trên thập giá vì yêu thương chúng ta.
Chúa đã chết trên thập giá. Ðây là hình ảnh cái chết tâm linh và tâm lý của chúng ta. Nhiều lần chúng ta cũng tưởng như mình đã chết. Ðó là những lúc thiếu vắng tình thương, không được ai nâng đỡ. Bị nghiền nát trong những đau đớn của bệnh tật, khó nghèo, dốt nát, và bị đời lãng quên. Ðôi lúc tưởng chừng như chính Chúa cũng quên không nhớ đến chúng ta. Những lúc mà chúng ta cho rằng sống cũng như chết vậy!!!
Chúa đã cho đi đến giọt máu cuối cùng, và còn lại tấm thân tàn tạ sau khi chết Ngài cũng trao phó cho chúng ta để rồi bị chôn trong mồ đá. Cuộc đời chúng ta nhiều khi thật sự cảm thấy vô nghĩa và vô vọng. Dù đã cố gắng rất nhiều, chúng ta thấy mình không làm được gì, không có được gì. Cuộc đời là một màu đen tăm tối. Chúng ta cảm thấy mình chỉ là đồ vô dụng, thừa thãi.
Nhưng rồi kìa! Chúa đã phục sinh và ra khỏi mồ. Mầu nhiệm thập giá nay được quanh vinh và hiển lộ khi Ngài chỗi dậy từ cõi chết. Những câu hỏi về đau khổ, bất công, nghèo đói, bệnh tật, bị chà đạp, và ngay cả sự chết nay đã có câu trả lời như Giáo Hội đã hát lên trong khi suy ngắm những chặng đàng Thánh Giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô. Vì Chúa đã dùng thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ”.
Chúa đã dùng thánh giá mà chuộc tội thiên hạ Như vậy, nếu những đau khổ có xẩy đến và những thử thách có làm ta kinh hãi, thất đảm thì hình ảnh mà ta cần có để nhắc nhớ mình, chính là 14 chặng đàng thánh giá, đặc biệt, khi Chúa Giêsu chịu chết treo trên thập giá. Thử hỏi còn tình yêu nào cao cả hơn tình người thí mạng sống vì người mình yêu? Chúa đã nói và đã làm điều này.
Thập giá cuộc đời hay những đau khổ, thử thách cuộc đời. Nhiều khi ta nhìn những thập giá ấy như là một hình phạt nặng nề, và không thể chấp nhận. Nhưng nếu Chúa Giêsu đã không dùng phương tiện nào khác hơn để cứu chuộc nhân loại, thì ta còn có lựa chọn nào khác hơn để thánh hóa và được cứu độ nhờ thập giá: “Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mát-thêu 16:24). Vậy hãy ôm vác lấy thánh giá bằng tâm tình yêu mến và phó thác. Chính thánh giá ấy sẽ giải thoát và đem lại cho chúng ta sự bằng an trên hành trình đức tin và hành trình cuộc sống.
Ðêm Vọng Phục Sinh
TỘI HỒNG PHÚC
Trần Mỹ Duyệt
“Ôi! Tội hồng phúc. Vì đã đáng được Ðấng Cứu Chuộc cao sang như thế!” Con cái Adong “đã đáng được Ðấng Cứu Chuộc cao sang” từ trời hạ mình xuống, mang lấy thân phận xác phàm, sống kiếp con người và chịu chết đền thay tội lỗi. Ðiều xem ra như bất hạnh lại trở thành niềm vui mừng, hạnh phúc nhờ sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu.
Trong đêm mà Giáo Hội gọi là “đêm thật hồng phúc, đêm phối hợp trời đất với nhau, đêm phối hợp Thiên Chúa với loài người”, đã mở ra cho tất cả những ai tin nhận Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Chuộc một cái nhìn mới về giá trị cuộc sống, giá trị của kiếp người được gói gọn trong ơn gọi làm con Thiên Chúa. Chỉ có những ai có niềm tin này mới cảm nhận được thế nào là niềm vui, thế nào là sự giải thoát do cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu đem lại.
Mang tiếng khóc chào đời. Lớn lên với thân phận mỏng dòn theo dòng định mệnh sinh lão, bệnh, tử. Ngày qua ngày, kiếp sống này còn phải đối đầu với trăm ngàn khó khăn, thử thách. Thử thách đến từ những thiên tai như bão lụt, động đất, sóng thần, hỏa hoạn. Thử thách do lòng dạ ác hiểm của con người như chiến tranh, bạo loạn, khủng bố, chém giết. Và thử thách gây ra do chính mình như kiêu căng, tự phụ, dục vọng, cờ bạc, rượu chè, tham lam và ích kỷ. Giá trị một mạng người nhiều khi không bằng một con vật! Nhưng đau khổ nhất vẫn là sau những ngày lang thang trên mặt đất, lại bị loại ra ngoài Thiên Ðàng, quê hương hạnh phúc với Ðấng yêu thương họ, nơi mà nhẽ ra họ đáng được hưởng sau chuỗi ngày dong duổi trên dương thế.
Tội lỗi. Bắt đầu từ đây mà thân phận yếu hèn, bệnh tật, khuyết điểm, và cả sự chết được lý giải. Do tội lỗi mà chiến tranh, bạo loạn, chém giết, hận thù, chia ly, đói khổ, tranh giành, thanh toán lẫn nhau đã xuất hiện trong sinh hoạt thường ngày của xã hội con người. Nhưng nhất là tội đã cắt đứt mối giao tình giữa Thiên Chúa và con người, giữa Ðấng Tạo Hóa và loài thụ tạo. Chính tội đã đem con người xa lìa tình yêu của Thiên Chúa. Chính tội đã chỉ cho con người biết mình “trần truồng” trước mặt Thiên Chúa, và đã làm cho con người không còn đơn sơ, trong trắng trước mặt Ngài. Hơn thế nữa, tội đã đặt con người vào sự kiềm chế và thống trị của Satan, của Hỏa Ngục. Mà sự thống trị của Satan chính là sự thống trị của dục vọng, của tham lam, của kiêu căng, tự phụ, của hận thù, của chém giết, và của chết chóc. Satan sẽ tìm mọi cách để tách biệt con người khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa một khi con người đã bị nó thống trị.
Do đó, “nếu không được cứu chuộc, chúng ta sinh ra nào có ích gì?” Con người làm gì nơi dương thế, và sẽ đi về đâu? Câu hỏi đã làm ray rứt bao tâm hồn, nhưng lại là câu hỏi mà con người không ai có thể trả lời một cách thỏa đáng. Nhưng vì “lòng Chúa thương yêu không thể đo lường được; để cứu chuộc người tôi tớ, Chúa đã nộp chính Con mình”, mà nay chúng ta được giao hòa với Người, và trở thành con cái của Người. Ðây là câu trả lời ý nghĩa nhất, chính xác nhất về sự xuất hiện của con người trên trái đất, cũng như mục đích và tương lai của nó. Thật vậy, chỉ vì tình Chúa yêu thương không thể đo lường được mà con người có mặt trên trái đất. Cuộc sống con người, do đó, là một hành trình về miền đất hứa. Và tương lai con người là một cuộc sống trường sinh bên Ðấng yêu thương mình bằng một tình yêu đã đưa mình từ hư không trở thành hiện hữu.
Tất cả vẻ huy hoàng, thánh thiện và vui mừng của Ðêm Thánh Phục Sinh là ở chỗ tội Tổ Tông là một trọng tội, tội đã làm mất đi liên hệ cha con, cắt đứt mối giao hảo giữa Thiên Chúa và con người, đặt con người vào thành phần đối lập với Ngài, nhưng nhờ vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, tội ấy đã được đền trả và bị xóa tan. “Ðêm làm cho các người tin Chúa Kitô ngày nay trên khắp vũ trụ thoát khỏi nết xấu thế gian và bóng tối tội lỗi, đưa họ về ơn Chúa và cho họ thông dự vào sự thánh thiện”.
Trong đêm cực thánh. Ðêm Con Chúa sống lại từ cõi chết, chiếu tỏa ánh sáng chan hòa trên những tâm hồn tin theo Chúa Kitô, chúng ta hãy cùng với Giáo Hội vui mừng ca lên: “Ôi! Tội hồng phúc. Vì đã đáng được Ðấng Cứu Chuộc cao sang như thế!” Ca lên lời ca biết ơn Ðấng đã cứu mình khỏi tội, Ðấng đã ban lại cho những ai tin nhận quyền làm con Thiên Chúa. Trên Thiên Ðàng thánh Phêrô, thánh Phaolô, thánh Mađalêna, thánh Augustine và những vị đã có một quá khứ tội lỗi sẽ cảm động biết bao khi nghe những lời ca đầy gợi nhớ của Ðêm Thánh Phục Sinh này. Các ngài hẳn là sẽ yêu mến và biết ơn Ðấng Cứu Thế cao sang đã giải thoát mình và đã đem mình vào tình yêu Thiên Chúa biết bao. Phần chúng ta, những tội nhân của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nghĩ gì và sống như thế nào để những lời này cũng mang một âm hưởng thánh thiện cho cuộc đời trần thế, và để sau này trên nơi vĩnh hằng, chúng ta sẽ cùng với các thần thánh đời đời ca ngợi tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Ðấng đã đưa chúng ta về ơn Chúa và cho chúng ta thông dự vào sứ thánh thiện nhờ sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.
“Ôi! Tội hồng phúc. Vì đã đáng được Ðấng Cứu Chuộc cao sang như thế!”