CHÚA NHẬT XXIII B THƯỜNG NIÊN
Is 35:4-7a; Gc 2:1-5; Mc 7:31-37
Tai để nghe, mắt để nhìn. Thiên Chúa ban cho con người hai cơ quan đó là để giúp con người sống đúng nghĩa con người, đạt Chân Thiện Mỹ, nghĩa là phải dùng mắt và tai để phục vụ mình, tha nhân và Thiên Chúa. Khi mà con người không có khả năng dùng hai cơ quan đó hay dùng không đúng với chức năng của nó là chúng ta có lỗi với đấng đã ban cho chúng ta những cơ quan đó bằng cách này hay cách khác. Người có tôn giáo gọi hành động đó là “phạm tội” hay bị sa vào cảnh “tù đày”.
Qua bài đọc hôm nay (Is 35:4-7), tiên tri Isaiah báo hiệu cảnh tù đầy cuối cùng của dân Israel tại Babylone.
Cuộc xuất hành của dân Chúa ra khỏi gông cùm Ai Cập là mẫu mực chúng ta suy nghĩ về ơn cứu độ và cuộc hành hương vĩ đại của loài người hướng về Thiên Chúa. Tiên tri Isaiah đã gặp phải một cộng đồng bị lưu đầy đã quá chán nản. Ngài nhắc nhở họ hãy nhớ lại những ngày họ vượt thoát khỏi cảnh tù đầy ở Ai Cập mà vui mừng.
Những hình ảnh “xuất hành” Người Mù Nhìn Thấy, Kẻ Què Đi Được, Người Câm Nói và Người Chết Sống Lại là những dấu hiệu phi thường. Được Thiên Chúa giải thoát và cứu độ, mọi dân tộc, mọi người sẽ trở về đất tổ bằng con đường sa mạc trong một cuộc xuất hành mới. Tiên tri nói: con đường duy nhất là con đường thánh phải đi qua nếu chúng ta muốn được cứu rỗi.
Ở giữa sa mạc, suối nước sẽ dư thừa. Những kẻ đau khổ sẽ được quyền năng Thiên Chúa cứu chuộc. Kẻ bệnh tật ốm đau sẽ được chữa lành, nếu họ đến với Chúa. Isaiah đã kể ra những đau khổ được Thiên Chúa chữa lành: “Lúc đó mắt mù sẽ trông thấy, tai điếc sẽ nghe được, người què quặt sẽ đứng dậy nhảy múa như hiêu nai và miệng lưỡi người câm sẽ phát ra tiếng nói và hát bài ca vui mừng.”
Lời tiên đoán của Isaiah về cuộc sống mới được thể hiện qua bài tin mừng Macco nói về Chúa Giesu chữa lành một người câm và điếc (Mc 7:31-37). Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ về những điều gọi là bệnh hoạn và đau khổ trong Tin Mừng.
Người bệnh là những người bị sa ngã vì bản tính bất toàn của mình. Chúa Giesu chữa họ để họ trở về trạng thái bình thường, như người cùi được sạch, người mù nhìn thấy, người câm nói được v.v.….
Chúng ta không rõ chúa Giesu chữa lành theo những giai đoạn nào. Chúa không làm ảo thuật. Chúa chữa người điếc bằng cách sờ vào tai họ cho chúng ta thấy đau khổ của người điếc là vì tai không nghe được….
“EPHPHATHA, HÃY MỞ RA”
Giáo Hội sơ khai rất ngỡ ngàng khi thấy Chúa chữa lành người câm điếc. Cử chỉ chữa lành của Chúa liên hệ khá mật thiết với nghi thức Rửa Tội của Kito giáo. Vị làm phép rửa đặt ngón tay vào lỗ tai và sờ vào môi, đầu lưỡi người chịu phép rửa và nhắc lại lời Chúa Giesu: “Ephphatha, Hãy mở ra!” Chúa đã làm cho người điếc nghe được, người câm nói được. Người chịu phép rửa đã được sạch mọi tội lỗi.
BÀI HỌC LẮNG NGHE
Thị giác liên quan đến sự vật, thích giác liên quan đến con người. Thị giác phải thi hành bằng khoa học, bằng quan sát khách quan. Thích giác phải thi hành qua tương quan giữa con người với nhau nhưng lại có tính chủ quan. Khi chúng ta dùng mắt nhìn người và sự vật, chúng ta hoàn toàn làm chủ những gì đến với con mắt chúng ta, vì chúng ta có thể nhắm mắt khi ước đoán hay tưởng tượng. Khi chúng ta đọc lời kinh thánh, chúng ta có thể nhắm mắt và ngừng đọc. Trái lại, tai -không như mắt- ta không thể bịt tai lại. Chí có cách duy nhất để không nghe là rời khỏi nơi có tiếng nói!
Chúng ta học hỏi về người khác bằng cách nghe và lắng tai nghe để hiểu điều họ nói. Ngôn ngữ biểu lộ ý nghĩ của con người trong khi thị giác không như vậy. Thị giác biểu hiện tính khách quan. Nếu chúng ta muốn học hỏi về Thiên Chúa, chúng ta phải lắng nghe Lời Người với tất cả lòng và trí chúng ta.
Khi nhìn lên ảnh Chúa, chúng ta không thấy Chúa nói gì với chúng ta. Nhưng satan hiện ra như một thiên thần, còn Chúa coi như đổ vỡ hết, một thân xác bị tan nát, chết treo trện thập giá. Ai có thể nói được điều đó không cần niềm tin ở con mắt và lỗ tai?
Khi chúng ta đọc Kinh Thánh, chúng ta có “nghe thấy” lời kinh thánh nói không? Kinh Thánh không biểu chúng ta đọc Lời Chúa nhưng biểu chúng ta lắng nghe lời Chúa. Đó là lời kinh vĩ đại của Israel: “Shema, Israel,” “Hãy nghe đây, Hỡi Israel.” Một người nào đó phải đọc Lời Chúa cho tôi nghe để tôi thực sự hiểu thấu Lời Chúa.
Niềm tin kinh thánh không có tính cá nhân nhưng có tính cộng đồng. Nói và nghe bao hàm một chấp nhận hỗ tương. Chấp nhận và tương kính là yếu tố chính của cộng đồng, và chỉ có cách đó chúng ta mới có thể không nghe bằng cách rời khỏi phòng họp, rời khỏi cộng đồng và tự mình bước ra đi. Buồn thay, đó là trường hợp của những người đã từ bỏ cộng đồng Giáo hội, tuyên bố đã tìm thấy tự do, tự chủ và sự thật trong quạnh hưu, xa cách khỏi cộng đồng của niềm tin!
Điều mà họ tìm thấy không phải là sự quạnh hưu đúng nghĩa, nhưng là cô đơn, ích kỷ, một chủ thuyết cá nhân khắc khổ. Nghe và lắng nghe thực sự bao hàm một chấp nhận quyền bính và là thành viên của cộng đồng.
ĐIẾC THỂ XÁC VÀ ĐIẾC TINH THẦN
Những câu chuyện chữa lành phản ảnh sự tương quan đầy quyền năng và mật thiết giữa Chúa Giesu với Thiên Chúa và lòng trắc ẩn của Người. Chúa chữa lành bằng Lời và đụng chạm thể xác. Điếc thể xác và điếc tinh thần thì giống nhau. Chúa Giesu gặp một loại người điếc bẩm sinh, một loại là dân Pharisieu, một loại nữa là không chấp nhận Lời Chúa. Chúa băn khoăn không chỉ vì tàn tật thể xác mà cả tàn tật tinh thần và đạo lý.
Thế giới ngày nay có rất nhiều người điếc Lời Thiên Chúa, nhưng không phải điếc thể xác mà là điếc tinh thần do tội lỗi. Chúng ta thường xuyên phạm tội coi như bình thường và dần dần trở thành điếc và mù lời Chúa kêu gọi chúng ta hàng ngày.
Nếu điếc và câm là hoàn toàn mất khả năng liên lạc hay tình liên đới tốt với người hay cộng đồng thì chúng ta phải hiểu rằng mỗi người chúng ta, một cách nào đó, đều có thể bị khiếm khuyết không nghe không nói được. Giá trị của liên lạc như nghe và nói không đơn giản chỉ là không nói không nghe được mà là thi hành hay không thi hành nhiệm vụ của mình là yêu thương.
Chúng ta có mù và điếc hay không khi chúng ta tỏ ra có cảm tình hay kỳ thị người này người nọ chỉ vì họ giàu sang hay nghèo hèn (Gc 2:1-5). Nên nhớ Thiên Chúa chọn lựa kẻ nghèo hèn và hứa thưởng công cho họ (Gc 2:5).
Chúng ta điếc khi chúng ta không nghe lời yêu cầu giúp đỡ, tỏ ra lãnh đạm và vô cảm trước những khổ đau bệnh hoạn của những người anh em hàng xóm hay đồng bào. Như vậy là chính anh em đã đồng lõa đàn áp những kẻ nghèo đói khổ sở đang bị ức hiếp, là xúc phạm đến danh tính đức Giesu Kito (Gc 2:6-7).
Cha mẹ điếc khi không chịu tìm hiểu một số hành động kỳ lạ của con cái rồi không thèm để ý đến việc chúng kêu cầu lòng yêu thương của mình.
Chúng ta điếc khi chúng ta chỉ biết chúng ta, không thèm để ý đến thế giới bên ngoài vì vị kỷ, kiêu hãnh, tức giận, ganh tương hay ngoan cố, không chấp nhận tha thứ cho tha nhân.
Chúng ta điếc khi chúng ta từ chối không nhìn nhận những kẻ đau khổ ở quanh ta, không nhìn nhận tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói, đàn áp, ức hiếp, bất công của một chính thể độc tài toàn trị và sự tàn phá của chiến tranh.
Chúng ta điếc khi chúng ta từ chối lắng nghe tiếng cầu cứu của những đứa trẻ chưa được vinh hạnh thở khí trời, của những người mà cuộc sống của họ đang gặp nguy hiểm vì già yếu, tật nguyền, bệnh hoạn kinh niên, cả những kẻ muốn kết liễu cuộc sống của họ vì lòng thương xót đặt không đúng chỗ.
CÁI ĐIẾC CỦA NHẠC SĨ BEETHOVEN
Nhạc sĩ kiêm nhà dương cầm trứ danh của Đức Ludwig van Beethoven (1770-1827) là một trong những nhạc sĩ nổi danh và được mọi thế hệ trên thê giới yêu mến nhất. Điều mà tôi không hề biết cho tới gần đây là Beethoven bắt đầu điếc không nghe được khi ông 28 tuổi. Cái điếc này đã cho ông một nội cảm sâu xa vượt quá khỏi những gì ông có thể nhìn thấy và nghe được.
Beethoven đã biết ngay từ thuở thiếu thời, đối với Thiên Chúa âm nhạc là tuyệt vời và độc nhất. Ông đã ý thức điều đó khi ông viết nhạc. “Ngay từ thời thơ ấu tâm hồn tôi đã thấm nhuần đầy tình yêu thương. Và tôi luôn luôn cố gắng hoàn thành những việc vĩ đại ấy.” Trong nhiều bức thư, ông đã bày tỏ ước vọng phuc vụ Thiên Chúa và nhân loại bằng âm nhạc. “Lạy Chúa toàn năng, Chúa nhìn thấu lòng con…và Chúa biết nó tràn đầy tình yêu nhân loại và ước vọng làm điều thiện.”
Cuộc đời của Beethoven là cả một nghịch lý. Một đàng, cuộc sống cô đơn của ông vì điếc lác đã là một gánh nặng cho ông, một đàng đời sống tinh thần nội tâm của ông lại bùng phát thành một loại âm nhạc lừng danh có một không hai. Nhiều lần cái điếc của ông đã đưa ông tới bờ vực thẳm và ông đã nguyền rủa nó. Tuy nhiên ông đã chấp nhận. Có thể vì ngoài sức chịu đựng, nhưng vì thánh ý Chúa thì phải chịu vậy.
Chớ gì Lời Chúa nói với người điếc được lặp lại cho mỗi người chúng ta hôm nay: “Ephphatha, hãy mở ra!” Chớ gì tai, mắt, lòng chúng ta mở rộng để nghe, để nhìn, để biết, để hiểu Tin Mừng Phúc Âm Chúa Giesu Kito!
Fleming Island, Florida
August 2021