Một lần nữa, chúng ta suy niệm câu chuyện đau lòng: Người đồng hương của Chúa Giêsu khước từ Chúa.
Tuy ít nhiều chi tiết, dụng ý, ngụ ý, bối cảnh văn chương khác nhau, nhưng cả ba tác giả Nhất Lãm (Mt 13, 53-58; Mc 6, 1-6; Lc 4, 14-39) đều ghi nhận, Chúa Giêsu, sau thời gian rời gia đình đi rao giảng, trở về quê nhà Nazareth, không được đón tiếp nồng hậu. Cả ba đều cho thấy Chúa Giêsu thất vọng đối với đồng hương: “Ngôn sứ không có thế giá tại quê hương mình” (Ga 4,44).
Người làng Nazareth nói không sai về nguồn gốc nhân tính của Chúa: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon”. Bởi Chúa lớn lên từ đây. Xóm làng này, từ nhiều chục năm nay, còn có ai lạ gì hình ảnh cha của cậu bé Giêsu, bác thợ Giuse hàng ngày tỉ mỉ với cái bào, cái cưa, cái đục lui cui đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ…
Nhưng họ chỉ biết một mà không biết hai. Họ tưởng mình thông suốt về lý lịch của Chúa Giêsu, thực ra họ chỉ là kẻ mù tối. Cái óc phán đoán chỉ biết dựa trên thứ chủ nghĩa lý lịch đã che mù con mắt của họ, đẩy họ xa rời đức tin.
Bởi còn một chân lý quan trọng phía bên trong con người Giêsu ấy chính là nguồn gốc bởi trời, nguồn gốc thần linh tuyệt đối mà ngoài Chúa ra không một ai có được: Chúa là chính Đức Chúa Trời, là Ngôi Hai Thiên Chúa và là Đấng Thiên sai mặc lấy bản tính loài người nhập thể vào trần gian.
Khi có sẵn thành kiến về gốc gác của Chúa, người làng Nazareth cho thấy lòng họ nhiều tiêu cực: kiêu ngạo, ấu trĩ, thiếu cầu tiến, thiếu khôn ngoan…
Trong tất cả những tiêu cực, nổi bậc là sự tầm thường và thái độ ganh tỵ của họ đứng trước sự tự tin, khôn ngoan, uyên bác của Chúa Giêsu. Nhìn Chúa bằng cặp mắt tầm thường, họ đánh giá Chúa cũng bằng sự tầm thường ấy.
Cái tầm thường đã “cư ngụ” sẵn, đã ngốn hết mọi vị trí trong phán đoán của họ. Vì thế, dẫu có nhận ra “ông này được khôn ngoan”, thì họ vẫn không chấp nhận thực tế sự “khôn ngoan” của Chúa.
Nhìn người khác bằng ánh mắt tầm thường, cũng có nghĩa là lòng mình chỉ là cõi lòng tầm thường; con người mình chỉ là con người tầm thường.
Mọi suy xét, hiểu biết xuất phát từ cái tầm thường, làm sao có thể ra khỏi cái thế giới tầm thường đang vây lấy nó. Nói cho đúng, đã là kẻ tầm thường, não trạng của kẻ vốn tầm thường, trước sau cũng chỉ tầm thường mà thôi.
Chính cái tầm thường cố hữu của người làng Nazareth khi đứng trước sự khôn ngoan vượt bậc của Chúa, đã không mang lại cho họ bất cứ kết quả hay bài học tốt đẹp nào.
Trái lại, nó khiến họ càng lấn sâu vào sự dè biểu, chê bai. Họ nương vào cái lý lịch của Chúa Giêsu để tự đánh lừa: Giêsu nào có gì hay. Con của lão thợ mộc, con của bà Maria quê mùa. Đó chỉ là một gia đình nghèo kiết xác.
Họ bám víu vào cái lý lịch mà họ tự hiểu về Chúa để tự yên tâm về sự đánh giá mà họ dành cho Chúa. Càng tìm lý lẽ ngụy biện hòng làm bệ đỡ cho lối suy nghĩ tiêu cực, càng cho thấy họ tầm thường. Cái tầm thường ấy chỉ có thể đẻ ra lòng ganh tỵ. Càng tầm thường, càng ganh tỵ mà không tiếp thu được bất cứ điều gì từ sự khôn ngoan của Chúa và từ chân lý mà Chúa mạc khải.
Qua suy nghĩ về cách mà người đồng hương của Chúa thể hiện, ta phải nhìn lại mình, nhìn lại thái độ sống bên cạnh anh em của mình. Ta cũng đầy ganh tỵ tầm thường, đầy những lý lẽ ngụy biện để chối từ anh em, chối từ một hiện thực nào đó, lẽ ra rất cần, rất tốt cho bản thân hay đời sống chung.
Ganh tỵ vì thua kém, bởi anh em, nhất là những kẻ từng ở bên cạnh mình, nay trội hơn mình, là thứ sản phẩm xuất ra từ cái tầm thường của ta.
Tầm thường mà không nhận thấy mình tầm thường, lại chỉ tỏ ra ganh tỵ, cũng là thứ kiêu ngạo. Bởi kiêu ngạo, nên không đón nhận tha nhân, không đón nhận cái hay, cái tốt, không đón nhận những đổi mới đôi khi vô cùng cần thiết cho cá nhân, tập thể, cộng đoàn dòng tu, giáo xứ, giáo phận…
Hãy đứng trên cái tầm thường nhỏ nhen của bản thân. Hãy học cách ngưỡng một thay vì ganh tỵ. Hãy tập cho mình tâm hồn rộng lượng, bao dung để khi thấy ai thành công, ta mừng cho họ. Thấy ai hơn mình, ta chúc phúc cho họ. Trong cuộc sống đời thường, hãy học cách khen ngợi người khác thật lòng, chân thành công nhận thành tựu của người khác.
Hãy nhớ, ganh tỵ bóp méo nhân cách, làm thay đổi bản chất tốt đẹp trong ta. Cuộc sống bản thân vui vẻ, hạnh phúc hay đau khổ tùy vào lựa chọn và cách nghĩ của mỗi người. Ganh tỵ, nhất là ganh tỵ triền miên với người gần bên, sẽ làm ta mất bình an, mất niềm vui, mất hưởng thụ cuộc sống.
Nếu có lúc nhận ra mình ganh tỵ, hãy nhìn Chúa Giêsu hy sinh cho nhân loại, cho chính ta, để học theo Chúa từng chút, từng chút một, suốt đời mình.
Hãy nghĩ về cái tốt ta đang có và tự nhủ: “Nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống không ai bằng”, để chuyển ganh tỵ thành ngưỡng mộ, chuyển năng lượng xấu thành tích cực, thành động lực để cố gắng hoàn thiện bản thân.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG