Thầm lặng thực thi ý Chúa như Thánh Cả Giuse

Lc 1, 28-36

Giuse đính hôn với Maria như các thanh nam nữ từ thời bấy giờ. Theo phong tục Do Thái, khi hai người nam nữ đính hôn, thì đã thành vợ chồng trước luật pháp, nhưng chưa sống chung; một năm sau đính hôn, chồng rước vợ về chung sống. Thời gian đính hôn, muốn bỏ nhau phải ra toà xin ly dị. Nếu vợ ngoại tình, phải bị xử ném đá theo luật.

Thánh Giuse nhận là chồng của bà Maria và cha của Chúa Giêsu cách hợp pháp mà không phải là bất đắc dĩ là vì ông là người công chính. Công chính là người sống theo thánh ý Thiên Chúa. Giai đoạn này được coi như một màn kịch: một hoàn cảnh bế tắc: sinh ra mà không có cha (người mẹ sẽ bị ném đá chết, chương trình Thiên Chúa sẽ bị bế tắc hay sao?). Việc Giuse nhận làm cha nuôi theo lời Thiên Thần truyền tin cho ông , đã gỡ rối cho sự bế tắc nầy (thế là Chúa Giêsu ra đời một cách hợp pháp). Bây giờ chỉ còn việc thực hiện sứ mạng nữa thôi: Khi thức dậy, Giuse đã thực hiện điều Thiên Chúa truyền: ông rước vợ về nhà mình.

Vì thế, trong chương trình của Thiên Chúa, Giuse có một chỗ đứng rất quan trọng: vừa làm vai trò bản lề giữa Cựu và Tân Ước, vừa là công tác viên tích cực không thể thiếu được trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Sự kiện xảy ra là trước khi về sống chung, Maria đã có thai. Giuse thật khó xử. Tin Mừng viết: “Giuse, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Giuse được Tin Mừng gọi là “người công chính” theo nghĩa nào ? Trước hết, công chính có nghĩa là vâng phục lề luật (Rm 4,2; Gl 3,6). Công chính còn được hiểu là lòng xót thương nhân hậu (St 12,19; Tv 37,21; Tv 112,4).

Theo luật, Giuse phải tố cáo Maria. Nhưng Giuse lại là người nhân hậu, có lòng thương xót, không muốn làm nhục người phụ nữ mà ông rất tin tưởng, mến yêu và kính trọng; ông không muốn Maria bị xử phạt theo luật, nên quyết định âm thầm ra đi.

Giuse lo sợ vì chưa hiểu được Thánh Ý Chúa. Ông đã có những toan tính riêng tư của mình, những toan tính của sự sợ hãi, những toan tính của con người không có Thiên Chúa Ở Cùng. Ông lo âu bối rối không biết giải quyết như thế nào. Nhưng khi ông tỉnh dậy, ông hành động không do dự nữa, hành động cách can đảm, hành động trong sự bình an và vui mừng. Vì ông đã được biết Thánh Ý Chúa, ông biết có Thiên Chúa Ở Cùng ông, ông biết ông không còn hoạt động cách cô đơn nữa. Khi đó mọi thắc mắc đã được tháo cởi, mọi lo âu đã được cất đi, mọi nguy hiểm mà ông nghĩ tới không còn tồn tại nữa. Ông chỉ còn biết vâng phục trong vui mừng, trong hân hoan, vì Có Thiên Chúa Ở Cùng.

Giuse muốn rút lui và cẩn thận không muốn tiết lộ mầu nhiệm thiên linh ấy nơi Maria. Giuse phản ứng như hết thảy mọi kẻ công chính trong Kinh thánh, trước việc Thiên Chúa can thiệp vào đời họ: như Maisen cởi giầy trước bụi gai rực cháy, như Isaia khiếp đảm trước việc xuất hiện của vị Thiên Chúa ba lần thánh (Is 6,3-4), như Êlisabét hỏi tại sao mình được Mẹ Thiên Chúa đến thăm (Lc 1,39-45), như Phêrô cúi mình thưa: “Lạy Chúa, xin hãy xa con vì con là kẻ tội lỗi.” Tuy nhiên, “đang khi Giuse toan tính lìa bỏ Maria, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về.” Giuse kính sợ Thiên Chúa, không phải vì lề luật.

Sự công chính của Giuse được các nhà chú giải cho rằng: Giuse đã biết được thai nhi trong bụng Maria là ai, ngài cũng hiểu được rằng Thiên Chúa đã chọn Maria cho công trình cứu rỗi của Người. Giuse tự thấy mình không có quyền giành Maria với Thiên Chúa, càng không xứng đáng tham dự vào công trình quá cao vời của Thiên Chúa. Giuse chấp nhận hy sinh tình yêu của mình để ý định của Thiên Chúa được thành sự. Giuse công chính là vì ngài đã nhận ra được điều Chúa muốn ngài phải hy sinh và vâng theo điều đó với cả ý thức và trách nhiệm.

Thánh Giuse đã được Thiên Chúa “chọn mặt gởi vàng”, chọn làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai. Ngài cùng với Đức Maria thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dầu có phải trải qua biết bao thử thách gian nan cả vật chất lẫn tinh thần.

Thánh Giuse luôn lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Ngài trở nên Thánh Cả và là mẫu gương cho mọi tín hữu.

Giuse như là một con người đích thực sống đức tin. Đức tin liên kết với sự công chính và cầu nguyện, đó là thái độ phù hợp để gặp Đấng Emmanuel. Tin có nghĩa là sống trong lịch sử mở lòng đón nhận sáng kiến của Thiên Chúa, đón nhận sức mạnh sáng tạo của lời Người.

Thánh Giuse, con người lặng thầm nhất của Mùa Vọng, đã được đặt vào một tình huống khó xử đến độ ray rứt, nhất là trong những ngày trước lúc Đấng Cứu Thế giáng sinh như Phúc Âm hôm nay mô tả. Nhưng chính ở đây ông đã chứng minh bằng những nét đẹp kín đáo hào hùng về một tình yêu trong veo từ lâu đã dệt nên đời sống qua những lựa chọn xé lòng. Là người công chính, dù ghi nhận ít nhiều dấu hiệu chuyển biến nơi Đức Maria, ông cũng chẳng dám nghi ngờ mà chỉ một thoáng băn khoăn, để rồi định chọn cho mình giải pháp âm thầm rút lui. “Đào vi thượng sách” là giải pháp an toàn nhất. Nhưng chính lúc ấy, được tỏ nguồn cơn, ông đã tiếp nhận ý Chúa và tiếp đón Đức Maria về nhà mình bằng một tình yêu trong veo, mà người trần mắt thịt dẫu có bản lĩnh cách mấy cũng khó mà dám xâm mình mạo hiểm (Mt 1,24).

Sự thinh lặng thánh, sự ngụp lặn âm thầm theo Thánh ý Chúa của thánh Giuse gợi lên cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta bài học hết sức ý nghĩa. Vì chỉ có sự phó thác thẩm sâu nơi bàn tay nhân từ của Thiên Chúa với tất cả đức tin sâu xa, con người mới nhận ra đôi mắt nhân hiền, trái tim quảng đại và tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với từng người. Thánh Giuse đã có mặt trong mọi lúc nguy biến mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ cần đến, nhưng tới thời Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai thì cuộc đời của thánh Giuse cũng bắt đầu chấm dứt nơi trần gian này. Sự thinh lặng kéo dài suốt cuộc đời của thánh Giuse từ lúc Người được sinh ra cho đến ngày Người nhắm mắt xuôi tay. Sự thinh lặng thánh của thánh Giuse diễn tả cuộc đời của một con người hoàn toàn thuộc về Chúa, cho Chúa và vì Chúa và như thế, thánh Giuse là mẫu gương tuyệt vời cho mọi người noi theo.

Mỗi kitô hữu chúng ta cũng có thể là một Giuse khác. Mặc dù chỉ là những con người bé nhỏ, tầm thường, tội lỗi, chúng ta cũng có thể góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa nếu chúng ta biết thể hiện cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong sự tuân phục thánh ý Chúa, được biểu lộ qua luật Phúc âm, qua giáo huấn của Giáo Hội và của các vị Bề trên… Cuộc sống tốt đẹp của chúng ta sẽ trở thành một dấu hỏi cho người chung quanh: Tại sao người Công giáo lại vui tươi, bình an như thế; gương sống đạo của chúng ta sẽ tác động những người khô khan và là một khuyến khích nâng đỡ cần thiết cho những anh em đồng đạo của chúng ta.

Những ngày chờ đón Đấng Cứu Độ đến trần gian ắt hẳn mở ra nhiều tâm tình, nhiều thái độ, nhiều tình cảm nhưng chắc có lẽ tâm tình âm thầm và trầm lắng của Thánh Giuse là tâm tình, là thái độ hết sức dễ thương mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Chỉ trong âm thầm, chỉ trong chịu đựng những đau khổ chúng ta mới có thể hiểu được Thánh ý tuyệt vời mà Thiên Chúa tô vẽ trên cuộc đời mỗi người chúng ta.

Thánh Giuse là mẫu gương sống tâm tình đạo đức Mùa Vọng. Học với Thánh Giuse, bài học lắng nghe và thi hành Lời Chúa, trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng và phó thác, chúng ta sẽ trở nên người công chính Tân Ước như thánh nhân.

 

Huệ Minh

Chia sẻ Bài này:

Related posts