Đối với một số người, nhà thờ là nơi họ đến để lẩn tránh những căng thẳng lo âu hàng ngày, đồng thời tránh những lo lắng của thời thế. Có người lại nói, nhà thờ là nơi hội họp, để cùng cầu nguyện xin Chúa an ủi, và Chúa đang lắng nghe cũng như sẵn sàng chữa lành và thêm sức mạnh cho họ. Thật đấy.
Nhưng mỗi lần đến nhà thờ, chúng ta đều thấy cây Thánh Giá, điều đó nhắc nhở chúng ta rằng: Nơi thờ phượng này không phải là nơi lẩn tránh trần gian, để mọi sự đều được rửa sạch và để cho chúng ta ở trong một thế giới khác, không hề biết đến sự đau khố và các mối xung đột của trần thế. Trái lại, giữa những bức tranh và hình tượng, những khăn bàn thờ ủi sạch, những chén thánh bóng loáng đều có cẩn Thánh Giá, cây Thánh Giá của đau khổ đã kết thúc đời sống trần thế của Chúa Kitô.
Trong khi thờ phượng, chung quanh đầy những cửa gương nhiều màu, ánh nến lung linh, tượng các thánh là các anh hùng đã đi trước chúng ta, đôi khi chúng ta có cảm nhận ở nơi thân thương này, khác với môi trường sống chung quanh chúng ta. Nếu chúng ta đang đau khổ, đang chán nản, đang bị đọa đày, và mong cuộc sống được giải thoát, chúng ta dễ bị cám dỗ cảm thấy như mình không thuộc về nơi đẹp đẽ này, cho đến khi chúng ta nhìn lên Thánh Giá.
Khi chúng ta làm dấu Thánh Giá lúc bước vào nhà thờ tham dự Thánh lễ và lúc ra về, khi chúng ta thấy Thánh Giá dẫn đầu đoàn rước đi vào nhà thờ trước Thánh lễ và đi ra sau lễ, chúng ta nên nhớ là hãy mang đến nhà thờ những đau khổ, những điều thiếu may mắn, và cả những tội lỗi của chúng ta nữa. Vì chính nhờ cây Thánh Giá mà tất cả đời sống của chúng ta đều được đón nhận vào Thánh lễ, nhất là những khi chúng ta bị đau khổ, thất bại và chán nản đến cùng cực.
Cây Thánh Giá là điểm tựa cho chúng ta ở nơi nầy. Nó cho chúng ta biết chắc là Thiên Chúa không phải là Đấng từ trên cao xa đang lạnh lùng nhìn xuống chúng ta, nhưng Ngài là Đấng đang đồng hành với chúng ta ngay từ thuở Ngài ra đời ở Bêthlêhem: Ngài đã là người di cư cùng với cha mẹ, phải chạy trốn một vị vua muốn giết Ngài. Kế đến, Ngài phải sống tha phương nơi xứ lạ; làm nghề mộc sinh sống qua ngày; sống trong một làng nhỏ đang bị ngoại bang đô hộ; Ngài cũng có những bạn bè thân quen; cũng thích ăn uống tiệc tùng; và rồi có người bạn đã thề hứa sẽ luôn ở cận kề Ngài đến cùng, nhưng đến lúc bị các thầy tư tế ruồng bắt trao Ngài cho đồng bọn để xử tử, lại bỏ rơi Ngài cho người ta chế nhạo và hành hạ cho đến chết.
Nếu chúng ta tự hỏi Chúa ở đâu khi đời sống chúng ta quá đổi truân chuyên, hay đang giữa Thánh lễ trọng thể kính thờ Chúa, mà sao chúng ta lại cảm thấy cô đơn. Hãy nhìn lên Thánh Giá, đó chính là nhà của chúng ta. Thập giá là một hình cụ dùng để xử tử, hình cụ này làm cho phạm nhân hoảng sợ đến nổi phải thú nhận tội. Nó còn dùng để xử tử các nô lệ, và những kẻ tạo phản. Nó không được dùng cho công dân của đế quốc La Mã. Thập giá không những là hình cụ tàn khốc để kéo dài cơn hấp hối của tội nhân, mà nó còn làm cho những người đứng nhìn lên cũng phải khiếp đảm. Chúng ta không muốn xem những cảnh bạo lực trên phim ảnh, hay trên truyền hình; nên càng không muốn nhìn thấy cảnh tượng rùng rợn của người bị đóng đinh treo trên thập giá cho đến chết. Thập giá nhắc cho một dân tộc bị đô hộ biết rằng họ có thể bị đánh đập và ném ra ngoài như cỏ rác, nếu bị chính quyền La-Mã kết tội, hay không tuân lệnh trên như Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu làm cho đế quốc sợ vì Ngài nói đến vương quốc Ngài trải rộng không biên giới; một vương quốc mà các công dân đều bình đẳng; một vương triều không có người nhiều đặc quyền đặc lợi và thứ dân hạ đẳng; nơi có những người không thể hòa nhập được, khó trở thành như là thành viên của cộng đoàn; nhưng ở đó, tất cả các thành phần khác nhau đều được tôn trọng; và quyền bính không tập trung vào một số ít người, nhưng tình thương và sự phục vụ sẽ thu hút nhiều thành phần trong các thành viên. Chúa Giêsu gọi đó là Vương Triều Thiên Chúa. Những kẻ nghịch với Ngài thì họ cho đó là chống lại tôn giáo và chính trị của triều đại họ, nên họ muốn đàn áp sự chống đối ấy.
Thánh Kinh cho chúng ta biết Thiên Chúa dùng uy quyền một cách khác: Ngài thương yêu chúng ta, và cho chúng ta thấy tình thương đó mang hình dáng một người phục vụ. “Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian…” và Ngài thể hiện những động thái để chứng tỏ lòng Ngài thương yêu chúng ta. Và Ngài cũng không từ chối ngay cả Con yêu dấu của Ngài. Thiên Chúa muốn lời rao giảng và các dụ ngôn về tình yêu thương của Chúa Giêsu trở nên hồng ân cho tất cả mọi người, kể cả những lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Nhưng, Chúa Giêsu lại trở nên người đe dọa họ, họ phải ngăn chận và phá tan Tin mừng Ngài mang đến cho thế gian.
Nhưng Chúa Giêsu không muốn thối lui, trái lại, Ngài vẫn giữ Tin mừng Ngài mang đến từ lúc Ngài mới bắt đầu rao giảng như chúng ta nghe hôm nay. Ngài không e ngại những chống đối, đe dọa đến đời sống của Ngài. Thánh Gioan nói, vì yêu chúng ta nên Thiên chúa đã để Chúa Giêsu bị bắt, bị ức hiếp, bị xét xử và chịu án tử hình để tuyên xưng tình thương ấy. Bây giờ, khi nhìn lên Thánh Giá, ai cũng hiểu được ý định Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường bao. Từ trên Thánh Giá, Chúa Giêsu tiếp tục nêu cao tình thương của Thiên Chúa đối với tội nhân, khi Ngài tha tội cho người trộm lành bị đóng đinh cạnh Ngài trước mặt những kẻ giết hại Ngài.
Khi cây Thánh Giá đã dựng lên và Chúa Giêsu đã chết, sự dữ và sức mạnh bạo lực có vẻ như thắng thế, và vẫn còn tiếp diễn. Những hy vọng của dân chúng một lần nữa tan biến. Có vẻ như không gì có thể ngăn cản được bạo lực và sự dữ. Dân chúng bị một mảnh lực lôi cuốn họ xuống ngày càng sâu thẳm. Đến lúc cuối đời, họ không còn chút hy vọng nào, khi mọi người đều khiếp sợ trong vô vọng thì Chúa Giêsu hiện ra từ cõi chết. Ngài sống lại và mang đến những lời hứa: ngày hôm nay “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3:16)
Chúng ta đang ở giữa mùa chay. Trong mùa ơn thánh này, chúng ta nên nghe đi nghe lại lời Chúa trong Chúa nhật thứ nhất mùa chay “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1:15). Và chúng ta cố gắng hết sức tuân nghe lời Chúa để lánh xa tội lỗi và trở về theo lời mời gọi của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Thánh Phao-lô nhắc chúng ta hôm nay: Nhờ ơn Chúa mà chúng ta được cứu rỗi, chứ không phải bởi ý lực của chúng ta. “Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ”(Ep 2:5). Nếu chúng ta còn băn khoăn gì về thánh ý Chúa trong sự thương yêu chúng ta, hãy nhìn lên Thánh Giá đưa cao dẫn đầu đoàn rước vào thánh lễ hôm nay.
Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
Lm. Jude Siciliano, OP
VietCatholic Network