Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô
Một phương tiện tuyệt diệu nhằm cho ta hiệp thông hoàn toàn với Chúa Kitô, do Ngài trao ban là Thánh Thể, bí tích cực trọng đưa ta đến tham dự bữa tiệc nuôi linh hồn bằng chính Mình và Máu của chính Chúa Kitô.
Mình Máu Chúa Kitô, dù là chân lý đức tin, lại là chân lý vượt quá sức hiểu biết của ta. Chân lý ấy trở thành mầu nhiệm đức tin.
“Đây là mầu nhiệm đức tin”. Đó là lời công bố nghiêm túc của chủ tế sau mỗi lần truyền phép bánh rượu để nên Mình Máu Chúa Kitô. Vì là mầu nhiệm đức tin, bí tích cực trọng này chỉ có thể tin, và không dễ giải thích.
Tất cả đều bắt đầu từ ước muốn của Chúa Kitô. Chúa muốn dưỡng nuôi ta bằng chính con người của Chúa. Chúa muốn ta được nên như Chúa. Bởi vậy, Chúa trở nên lương thực cho ta: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy… Các con hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy…”.
Vì chính Chúa Kitô hiến dâng mình cho ta, nên mỗi lần rước lễ, ta rước cả linh hồn và Thiên tính của Chúa qua hình bánh. Khi ta rước lễ, cũng là rước lấy và gặp gỡ chính Chúa Kitô đã chết, nhưng đã phục sinh.
Thánh Thể là bí tích tình yêu, bí tích cứu độ. Khi lãnh nhận, ta sẽ đạt tới một ân huệ cao quý mà Thiên Chúa tặng ban, đó là hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô. Ta trong Chúa và Chúa trong ta. Qua sự hiệp thông cùng Chúa Kitô, ta đồng hiệp thông với Thiên Chúa trong Chúa Kitô.
Ai xứng đáng nhận lãnh Thánh Thể, người đó tham dự vào Tình yêu hiệp nhất của Thiên Chúa, lãnh lấy ơn cứu độ. Chỉ nhờ và trong tình yêu Thiên Chúa, cùng sự cứu độ, Thiên Chúa cho ta thông hiệp sự sống viên mãn của Ngài. Sự tham dự tuyệt vời này là ơn thần hóa Thiên Chúa ban cho ta.
Hội Thánh luôn tuyên xưng và cầu nguyện rằng: “Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần” (Kinh Tạ Ơn II). Hay: “Xin cho chúng con được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa, và được tràn đầy Thánh Thần của Người, thì trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Tạ Ơn III).
Chính Chúa Kitô từng nói: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông.
Có ai dám khẳng định mạnh mẽ như Chúa Kitô? Dẫu là tình yêu đôi lứa hay ngay cả sự kết hợp vợ chồng, có chắc là họ ở trong nhau như Chúa trong ta và ta trong Chúa? Chỉ có bí tích Thánh Thể làm nên sự hiệp thông kỳ diệu, hiệp thông toàn vẹn: Chúa với ta và ta với Chúa: một thân thể không thể tách lìa.
Hiệp thông với Chúa, ta được sống chính sự sống của Thiên Chúa. Sức mạnh của sự sống không phải là được sống, nhưng là được sống bằnh chính sự sống của Thiên Chúa.
Đối với người Công giáo, sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa là điều quan trọng hơn hết mọi điều quan trọng mà tinh yêu Thiên Chúa dành cho họ. Điểm cốt yếu này chỉ có thể tìm gặp nơi bí tích Thánh Thể. Nơi đó, ta và Chúa sống trong nhau.
Hiệu quả và lợi ích của việc sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa do Thánh Thể mang lại, được chính Chúa Kitô mạc khải: “Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi không có sự sống nơi mình các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống… Cũng như Cha, Đấng hằng sống đã sai Ta, và Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta cũng vậy, nó sẽ sống nhờ Ta…” (Ga 6, 1 tt).
Mà sự sống lưu chuyển từ Thiên Chúa đến bản thân ta, để ta tham dự vào, điều mà ta gọi là sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa, lại khơi nguồn từ Thánh Thần. Vì thế, có sự sống của Thiên Chúa là có Thánh Thần.
Bởi vậy, lãnh nhận Thánh Thể, ngoài Thịt Máu Chúa Kitô, ta còn lãnh nhận chính Thánh Thần. Mà lãnh nhận Thánh Thần là lãnh nhận sức mạnh bền chặt, nối kết ta trong Chúa Kitô và trong Thiên Chúa luôi mãi.
Nhờ Chúa Kitô, chúng ta sẽ được sống, sẽ đến cùng Chúa Cha, sẽ nếm hưởng thiên đàng ngay trên trần thế, như chính Chúa Kitô đã từng tuyên bố: “Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy”. Vì thế, mỗi lần rước lễ, ta đón nhận sự sống của Đấng đang sống. Đó là sự sống thần linh duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG