Hôm đó một nhân viên địa chánh của nhà nước mang đồ nghề đến một trang trại, mời chủ trại ra và xin vào để lấy số liệu đo đạc. Vì e ngại việc đo đạc chính là bước đầu để phóng một xa lộ băng qua khu đất của mình nên chủ trại từ chối, “Xin ông miễn vào trang trại của tôi.” Nghe vậy, nhân viên địa chánh liền rút ra một chứng thư do chính phủ cấp cho phép hành nghề và ngạo nghễ, “Tôi có quyền vào bất cứ trang trại nào trên toàn quốc để tiến hành đo đạc những dữ kiện cần thiết.” Trước một uy quyền như thế, chủ trại đành mở cổng và để nhân viên địa chánh bước vào. Liền sau đó, chủ trại đi sang đầu bên kia và mở toang một chiếc cửa cho con bò mộng hung hãn nhất của mình phóng ra. Vừa thoạt thấy, nhân viên địa chánh liền vứt hết đồ nghề và ba chân bốn cẳng chạy thục mạng. Vừa chạy ông vừa nghe chủ trại đắc thắng gọi theo, “Cho nó xem giấy tờ của ông đi, cho nó xem quyền hành của ông đi.”
Tiếng Hy Lạp, “exousia” là “quyền hành,” “dunamis” là “sức mạnh.” Quyền hành và sức mạnh mang những ý nghĩa khác nhau như người nhân viên địa chánh xui xẻo hôm nay đã hiểu ra khi nhìn thấy con bò mộng hung hãn. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng, đối với ơn cứu độ, chúng ta phải sống thế nào và phải thực hiện những gì, Người vừa dạy dỗ chúng ta bằng quyền hành, vừa ban sức mạnh cho chúng ta.
Thánh Marcô cho chúng ta biết Chúa Giêsu dạy dỗ trong hội đường vào ngày Sabát “như Đấng có quyền,” và các thính giả của Chúa “kinh ngạc vì giáo lý của Người” (Mc 1:22). Thế rồi “có một người bị thần ô uế ám la lên, ‘Ông Giêsu Nazareth, chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa'” (Mc 1:23, 24). Sự kiện này không làm chúng ta ngạc nhiên vì chúng ta biết Chúa Giêsu giảng dạy với quyền hành và sức mạnh khiến cho Lời Người sinh hoa kết quả – thực sự đánh động thính giả và làm họ nhận ra Người đang đòi buộc họ thay đổi đời sống.
“Chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” Chúng ta không ở dưới ảnh hưởng của một tinh thần xa lạ nào cả để phải đôi co như vậy trước lời Chúa Giêsu mời gọi sống Đời Sống mới. Nhưng đây là một kinh nghiệm, mà trong một mức độ nào đó, mỗi người chúng ta đều gặp phải khi thực sự lắng nghe thông điệp của Chúa. Khi nghe câu chuyện Phúc Âm hôm nay, chúng ta dễ dàng bỏ qua tiếng kêu của nhân vật này như những lời ngớ ngẩn của một kẻ điên khùng. Nhưng nhân vật trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay thực sự là điều phải nói đến. Ông ta được lời Chúa đánh động. Ông nhận ra thái độ và đời sống của mình đang bị đặt thành vấn đề. Ông nhận ra Chúa Giêsu thực sự đang mời gọi ông phải từ bỏ con đường cũ.
Năm ngoái, một tờ báo địa phương, trong mục nói về tôn giáo, kể câu chuyện về một vị mục sư địa phương, suốt hai năm trời, Chúa Nhật nào cũng giảng trong một ngôi thánh đường trống vắng. Cộng đoàn vỏn vẹn có ba thành viên, nhưng hai người đã qua đời, còn người thứ ba đã dời nhà đi chỗ khác. Tuy nhiên, suốt hai năm, Chúa Nhật nào cũng vậy, vị mục sư đều lên tòa, nhìn xuống những dãy ghế trống trơn, nhưng vẫn rao giảng thông điệp của Đức Giêsu Kitô với tất cả khả năng hiểu biết của mình. Khi được hỏi vì sao không cảm thấy lố bịch vì tuần nào cũng giảng cho những hàng ghế trống trơn, vị mục sư trả lời, “Không. Tôi chẳng thấy một chút lố bịch nào cả. Tôi cứ giảng từng Chúa Nhật một, chờ đợi người ta đến và nghe lời Chúa.”
Đây là vấn đề mà mọi nhà giảng thuyết chân chính tuần nào cũng phải đối diện: “Ở đây có ai nhận ra Lời Chúa đang được rao giảng thực sự là một lời mời gọi thay đổi đời sống hay không? Hay là tôi đang giảng cho những hàng ghế trống? Ở đây có ai ngạc nhiên về lời Chúa Giêsu phán dạy, đến độ phải kêu lên, ‘Tôi biết Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Tôi biết Ngài là Chúa, là Đấng Cứu Độ của tôi’ hay không?”
Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật sự kiện xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu tuyển chọn các môn đệ đầu tiên. Người đặt trước mắt các môn đệ đầu tiên ấy Cuộc Sống mới vinh quang, mà trong đó, họ sẽ nghiệm được sự Hiện Diện của Thiên Chúa, điều mà họ chưa từng cảm nghiệm được. Người đặt trước mắt họ lời hứa cho họ cảm nghiệm được sự viên mãn nhân tính của họ, điều mà họ chưa từng biết đến. Người đặt trước mắt họ cơ hội để tăng thêm khả năng tinh nhạy trước kỳ công tạo dựng của Thiên Chúa – thế giới và nhân loại. Người đặt trước mắt họ ý nghĩa của tình yêu giúp họ vươn cao hơn bất cứ những gì trước kia họ đã từng nghiệm được trong tương giao với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại. Người đặt trước mắt họ một tri thức phong phú hơn, đầy đủ hơn về giá trị của chính họ. Người đặt trước mắt họ một hy vọng tương lai mà trước kia họ chưa từng dám mơ ước. Nhưng Chúa Giêsu cũng cảnh báo họ – đánh động họ bằng thực tế rằng nơi cây sự sống xinh đẹp và thơm tho này có một trái đắng đót.
Chúa Giêsu đặt trước mắt họ những gì họ phải sống trong tư cách môn đệ của Người. Người đặt trước mắt họ viễn ảnh phải thay đổi đời sống. Người đặt trước mắt họ bài học phải nên giống Người hơn với một tình yêu thật sâu xa, thật tinh tế, đến độ càng ngày càng đón nhận đau khổ của người khác. Người đặt trước mắt họ tri thức sáng tỏ để họ càng ngày càng nhận ra những nhu cầu của người khác. Người đặt trước mắt họ chân lý Phúc Âm rằng những ai sống vì người khác sẽ phải chấp nhận đau khổ, khước từ, và bách hại. Chúa Giêsu đặt trước mắt các môn đệ của Người tất cả những điều này, nhưng thoạt đầu họ không hiểu. Con Thiên Chúa đã phải chết đi và sau đó sống lại trước khi Lời Chúa thực sự thấm sâu vào các ngài.
Khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, tất cả đều biến tan và chỉ còn lại quả đắng – ít ra các môn đệ đầu tiên của Người cũng đã nghĩ như vậy. Lãnh tụ của họ, Đấng đã dạy dỗ họ với một uy quyền như vậy, đã ra đi mất rồi. Nhưng rồi Quyền Năng Phục Sinh của Thiên Chúa đã đi vào cuộc đời họ, và từ vực thẳm tuyệt vọng của họ đã bắt đầu hiện lên Cộng Đoàn Kitô hữu đầu tiên. Và hiện nay, chúng ta đây, chúng ta cũng là những phần tử của Cộng Đoàn ấy. Chúa Giêsu đang ngự giữa chúng ta ở đây, Người đặt trước mắt chúng ta cũng những lời hứa và chân lý Phúc Âm mà Người đã từng đặt trước mắt các môn đệ đầu tiên của Người.
Vấn đề ở đây là “Chúng ta có thực sự lắng nghe, hay là Lời Chúa trong thực tế đang được rao giảng cho những hàng ghế trống vắng?” Nhân vật trong bài Phúc Âm hôm nay bị quỉ ô uế ám hại. Nhưng Chúa Giêsu có thẩm quyền và sức mạnh bắt quỉ ô uế im lặng và ra khỏi người ấy.
Nhân vật trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay là một nhân chứng cho sự hiện diện của Chúa Kitô trên thế giới. Nếu như Nước Chúa đã đến gần, thì những thế lực quỉ dữ ô uế sẽ bị lật đổ, và thế giới sẽ được điều hành bởi một Đấng Khôn Ngoan, một Uy Quyền, một Sức Mạnh mới.
Ma quỉ là gì? Ma quỉ không phải là một con quái vật kỳ dị khổng lồ có sừng nhọn, có đuôi móc và ánh mắt gian xảo. Không, ma quỉ là ù lì, không làm gì hết, là theo đường hướng nào đỡ phải vất vả nhất. Định nghĩa này có lẽ không làm thỏa mãn các nhà thần học, nhưng làm nổi bật chủ điểm: khi Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cuộc sống để noi theo tấm gương yêu thương triệt để của Người, nhưng nếu chúng ta đáp lại bằng cách làm theo những đường hướng nào đỡ phải vất vả nhất, là chúng ta đã đứng về phía ma quỉ rồi đó.
Bằng đời sống và cái chết của mình, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta biết rằng Tình Yêu là tất cả. Qua cuộc Phục Sinh của Người, Chúa Giêsu ban sức mạnh để chúng ta có thể áp dụng điều đó vào cuộc sống. Tình Yêu là tất cả! Chúa Giêsu đã dạy chân lý này với một uy quyền có sức đánh động chúng ta, làm chúng ta kinh ngạc và thay đổi cuộc sống. Nhưng có ai chịu nghe không?
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ