SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – B
( Ga 15, 9 – 17 )
Hôm nay chúng ta cử hành Chúa nhật thứ VI Phục Sinh trước lễ Chúa Giêsu lên trời và lễ Chúa Thánh Thần hiền xuống. Trong các Chúa nhật trước, Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình là Mục Tử Nhân Lành, là cây nho thật, chúng ta là cành phải kết hợp với cây. Nhưng hôm nay, Người cho chúng ta thấy một Trái Tim rung động đầy tình yêu.
1) Tình yêu không biên giới
Trong Trái Tim này tất nhiên chúng ta chỉ thấy tình yêu. Tình Yêu là mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Thiên Chúa, vì Ngài là Tình Yêu. Tình yêu là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Các bản văn của Gioan (1 Ga 4,7 – 10; Ga 15,9 – 17) mạc khải rõ: “Thiên Chúa là tình yêu ; ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16) người ấy sẽ sinh trái.
Từ tạo dựng đến cứu chuộc, Thiên Chúa làm tất cả vì tình yêu. Chúa đợi chờ chúng ta đáp trả bằng tình yêu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu mời gọi chúng ta : “Hãy ở lại trong tình yêu của Thày” (Ga 15,9).
Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta làm một cuộc xuất hành nội tâm tình yêu đi từ chính mình qua con người của mình bằng cầu nguyện với trái tim lắng nghe, vứt bỏ sau lưng những gì không cần thiết khiến chúng ta mất đi điều tối cần là : Thiên Chúa và tình yêu của Người.
Chúa Giêsu thật là có lý khi dạy chúng ta : “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” (x. Ga 15,12.17). Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước. Con Thiên Chúa đã trở nên mẫu mực, nguyên tắc, nguồn suối và thước đo, để chúng ta yêu: “Như Thầy đã yêu mến các con”.
Một trong những hoa trái của tình yêu là niềm vui : “Thầy nói với các con điều ấy để niềm vui của Thầy ở trong các con” (Ga 15,11). Nếu cuộc sống chúng ta không chiếu tỏa được niềm vui của đức tin, nếu chúng ta để cho những phiền toái choáng ngợp lòng chúng ta khiến chúng ta không nhận ra Chúa đang ở đó, là vì chúng ta không biết Chúa Giêsu cho đủ, chưa yêu “như Chúa”.
Tình yêu của Thiên Chúa là không biến giới. Người đã trao ban mạng sống mình cho các bạn hữu. Dù bạn hữu không hiểu Chúa, và trong lúc định đoạt nhất đã bỏ rơi, phản bội và khước từ Người. Ðiều này nói với chúng ta rằng Người yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Ngài : Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế đó!
2) Tên mới của các môn đệ là : BẠN
Thiên Chúa là người chủ động. Người khẳng định : “Chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Chúng ta luôn bị cám dỗ để tin rằng chúng ta đã chọn Chúa, nhưng trong thực tế, chúng ta chỉ là người đáp lại tiếng Chúa gọi. Người đã chọn chúng ta một cách nhưng không để trở nên “Bạn” : “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa (…) Thầy gọi các con là bạn” (Ga 15,15).
Ban đầu, Thiên Chúa đã ngỏ lời với Ađam như một người bạn nói với bạn mình. Đức Kitô, Ađam mới, đã lấy lại và không chỉ gọi chúng ta là bạn nhưng là bạn nghĩa thiết của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu : “Như Thầy đã yêu các con”. Trong tình yêu của Chúa Giêsu, chiều kích nhưng không là nền tảng và tình yêu của chúng ta phải có. Yêu như Chúa là phải yêu nhưng không. Tình yêu của Chúa không có sở hữu. Đấng Cứu Thế mời gọi chúng ta : “Anh em hãy yêu thương nhau”. Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta làm cuộc xuất hành tình yêu hướng về người khác. Dâng tặng tình yêu thương cho anh em và đáp lại tình yêu của Chúa để trở nên BẠN.
3) Tình yêu hỗ tương : tình bạn
Nói đến tình bạn, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự có đi có lại trong tình yêu. Vậy, trong nghĩa nào thì tình bạn khác với tình yêu? Tình bạn là một tình yêu hỗ tương. Theo thánh Augustinô, tình bạn là có đi có lại, nhưng không có tính toán vì không có sự giả vờ trong tình bạn thật.
Sự tương hỗ Kitô giáo được sinh ra từ sự nhưng không, không có nghĩa là “dịch vụ chưa thanh toán, hay làm mà không cần lý do”, nhưng được thi hành với lý do cao cả : tình yêu được sinh ra bởi đức tin.
Tình yêu Kitô giáo là sự đảo nghịch, nhưng không đối xứng: cho và nhận không cùng đẳng cấp. Tin Mừng về sự có đi có lại không đơn giản chỉ là một sự đổi chác. Nếu chúng ta chỉ yêu đến mức trao đổi, đây không phải là tình yêu đích thực. Và nếu chỉ vì chúng ta cho mà chúng ta được yêu, thì đây không phải là ta được yêu thực sự. Chỉ những ai hiểu được sự nhưng không tự nhiên này, mới có thể hiểu được Thiên Chúa và chính mình. Con người với hình ảnh giống Thiên Chúa, được tạo dựng và trao ban nhưng không. Đây là cách còn người tìm thấy sự thật của chính mình và thể hiện bản thể mình là giống “hình ảnh của Thiên Chúa”.
Đặc tính của mối liên hệ tình bạn này tối thiểu có ba điều : hoàn toàn hiến thân (“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”) (Ga 15,13); Tín nhiệm (“Ta đã giao phó cho các con tất cả những gì Ta đã nghe được từ nơi Cha Ta”); lựa chọn ơn gọi là tiền định nhưng không (“Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”) (Ga 15,16).
Tất cả có thể tóm gọn trong từ : “YÊU”. Người Thầy nhân lành yêu cầu chúng ta làm việc bác ái như là một điều răn duy nhất có thể. Không có bác ái, tất cả đều không không vậy. Thực tế, Đức ái phải dẫn con người tới các nhân đức khác để làm cho con người tốt.
Là những người thừa hưởng sự ưu đãi này, các môn đệ được “nâng lên” làm BẠN của Thiên Chúa : “Không có tình yêu lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” Nó có nghĩa gì? Rất đơn giản, có nghĩa là chúng được Chúa Kitô yêu mến và nếu tình yêu là một cuộc xuất hành ra khỏi chính mình, chúng ta phải ra khỏi chính mình và đặt mình vào trong Trái Tim Chúa và sau đó tự hỏi Chúa yêu thương chúng ta thế nào và Chúa đợi gì, chúng ta làm như Chúa : yêu mến người khác như Chúa yêu mến chúng ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ