– Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm B –
Trời mùa hè ở các tiểu bang miền nam nước Mỹ như Arizona, New Mexico, Texas, Louisiana… nóng kinh khủng chẳng kém Sài Gòn chút nào. Vùng New Orleans còn thêm độ ẩm nên bước ra ngoài là cảm thấy ngột ngạt thật khó chịu. Vì thế mà nhà và xe luôn luôn phải có máy lạnh. Khi máy lạnh có gì trục trặc thì chỉ có việc đền tội trông thấy! Cứ tưởng tượng coi: xe đang đậu ngoài trời nắng chang chang, sức nóng trong xe lên cao tột độ khiến cho cả những băng nhạc bằng nhựa cũng quăn lại. Vậy mà phải lên xe có máy lạnh nhưng lại hết lạnh thì sẽ thấy thế nào?
Tôi có chiếc xe cũ bị trục trặc như vậy từ mấy tháng nay. Khi trời còn mát mẻ vào cuối đông và đầu xuân thì không sao, chứ khí nóng ào tới vào đầu mùa hè thì chịu hết nổi. Máy lạnh thì vẫn chạy mà khí lạnh không thổi ra mới phiền. Có người bảo bộ phận thổi khí bị hư. Biết vậy mà có làm gì khác được đâu, nên cứ phải đành chịu trận cả mấy tuần nóng bức đổ mồ hôi hột!
Chịu hết nổi, tôi mới xách xe tới một người quen làm “bác sĩ” chữa xe. Anh ta ngó ngấp một hồi, rồi vác máy đo ra chẩn mạch, thì biết ngay là cái cục nối điện bị hư rồi. Thế là chỉ tốn có mấy chục tiền Mỹ thay cái cục mới vào là khí lạnh ào ào thổi mát mẻ quá chừng.
BÃO LỚN MÀ NGƯỜI LẠI NGỦ!
Trời nóng gắt, xe có máy lạnh vẫn chạy mà hết lạnh chỉ vì cục nối điện bị hư. Chuyện này thật giống truyện Kinh Thánh khi các môn đệ chở Chúa Giêsu qua Biển Hồ mà “chợt có một cơn bão lớn, và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?!”
Thực ra phải nói các môn đệ ngủ mê thì đúng hơn. Con mắt niềm tin mù lại, không thấy được Đấng Toàn Năng đang hiện diện. Chỉ cần bừng mở con mắt niềm tin là tìm thấy sức mạnh mới khiến cho bão táp sóng to gió lớn phải im ngay. Sự khai mở con mắt thứ ba này cũng gọi là phút giác ngộ. Con mắt này có thể được ví như cái cục nối điện ở máy lạnh. Con mắt này bị hư thì cho dù máy lạnh vẫn chạy, Chúa vẫn hiện diện, nhưng mình thấy sao nóng bức khổ sở, rồi sóng to gió lớn bủa vây đe dọa khủng khiếp, gặp toàn chuyện trời ơi đất hỡi điêu đứng khốn cùng!
Lời Chúa vẫn nói: Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Và giáo lý thì dạy rằng Chúa ở khắp mọi nơi. Vậy mà những lúc gặp trắc trở lại có cảm tưởng phải khấn vái Chúa mãi ở tầng trời cao xa tít, chứ nào có ngờ Chúa đang bên cạnh mình, mà chỉ vì con mắt mình bị mù tối không trông thấy được! Vẫn nói tin Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng lại trừ chỗ mình đang đứng là không thấy vì không tin bao nhiêu!
BỨC TRANH THẬT MẮC TIỀN
Một trong những bức tranh mắc tiền nhất thế giới của họa sĩ Vincent van Gogh, trị giá cả mấy chục triệu, là bức “Đêm Sao” (Starry Night) đang để trong bảo tàng viện nghệ thuật tân thời MOMA ở thành phố New York. Van Gogh đã vẽ bức tranh này trong những ngày giông bão đen tối nhất đời mình trong những ngày bị bệnh quật ngã phải vào ở dưỡng trí viện vùng St Rémy gần Arles miền Nam nước Pháp.
Ngày 20 tháng 2 năm 1888, Van Gogh rời ga Lyon của thành phố ngột ngạt tù túng Paris để đi “tìm ánh sáng” mở lối của miền nam nắng đẹp. Và ông đã dừng chân tại Arles với những bức tranh mang nhiều sắc vàng của màu nắng miền Provence, như bức Căn Nhà Vàng, Hoa Hướng Dương màu vàng, Thửa Vườn Hoa Vàng Nở… Bức nào cũng vàng óng lên như đang phô diễn vẻ giầu có sang trọng bật sáng cuộc đời.
Ấy thế mà bỗng dưng ông bị bệnh tâm trí quật ngã, tối tăm mặt mày. Mây đen ùa tới. Sóng to gió lớn, thuyền sắp chìm! Điều lạ ở bức tranh Đêm Sao là cả một bầu trời đen thăm thẳm kia đang có một dòng sinh lực cựa mình luân chuyển. Sáng lạ lùng. Mạnh lắm. Những lớp sóng nhấp nhô lên xuống hiện trên mặt cuộc sống cũng chỉ như những bọt bèo trôi nổi. Dòng sông vẫn chảy tới theo hướng và theo một nhịp điệu huyền nhiệm, như sức sống đất trời cựa mình vào buổi sang xuân qua những ngày đông tàn lụi. Nhìn thấy được như vậy thì tranh mắc tiền chẳng có gì lạ.
TIN VUI GỬI NGƯỜI GẶP BÃO
Cái thấy của Đức Mẹ trong đêm đen ngày thứ Bẩy khi con mình nằm chết trong mồ tối. Cái thấy của họa sĩ Van Gogh trong u tối hãi hùng. Cái nhìn của niềm tin là cái thấy lạ lùng. Tất cả mọi đen tối đều được bật sáng nhờ cắm vào một chấu điện: luồng ánh sáng tình thương của Chúa.
Nhìn thấy và chuyển đạt cái thấy này là sứ vụ của người tin Đạo. Họa sĩ Van Gogh đã có thời học giảng đạo và đã thực tập “mang ơn giải thoát” cho những người phu mỏ nghèo khổ thấp cổ bé miệng vùng quê nước Bỉ. Rất tiếc, ông đã không thành công trong nghề này. Nhưng ước mơ của ông vẫn là một: tìm cách nào giúp giải thoát con người trong đêm tối cuộc đời. Và cuối cùng ông đã học vẽ và thành công chuyển được cái nhìn và cái thấy hút hồn của ông, có sức biến đổi và hồi sinh người xem.
Henri Nouwen, một nhà tu đức nổi tiếng gốc người Hòa Lan đã dạy đề tài “Việc truyền đạo của Van Gogh” tại đại học Yale. Quả thực, những bức tranh của Van Gogh đã có sức cảm hóa lòng người. Henri Nouwen trong lời đề tựa cho cuốn “Van Gogh and God” của Cliff Edwards (Loyola University Press), đã nói rõ:
“Tôi chắc chắn rằng những lớp dạy về Van Gogh này đã ảnh hưởng sâu đậm trên các sinh viên hơn bất cứ khóa nào tôi đã dạy. Tôi đã dùng nhiều sách tu đức hiện đại như của Thomas Merton, nhưng tôi chưa từng thấy những sinh viên bị hút hồn về cả đầu óc và con tim, như trong khóa này khi nhìn kỹ những bức tranh của Van Gogh. Tôi còn nhớ, chúng tôi đã để cả mấy giờ cùng với nhau trong thinh lặng, chỉ để nhìn ngắm những bức dương bản của tác phẩm Van Gogh. Tôi không phải cố gắng giải nghĩa hay phân tích gì cả. Tôi chỉ muốn các sinh viên hãy cảm nghiệm trực tiếp những hút hồn và những quằn quại của họa sĩ này đang cố đi tìm ý nghĩa cuộc sống… Thiên Chúa của Van Gogh rất thật, rất trực diện, sờ thấy được nơi thiên nhiên và con người, rất từ bi thương cảm, vì đã từng rất yếu đuối bị thương tích tư bề. Chính vị Chúa này mà tất cả chúng ta muốn đến gần.”
Trong thư gửi cho em trai là Theo, Van Gogh nói rõ ý về bức tranh này: “là một ủi an, hay để dọn đường cho lối vẽ mang chất ủi an lớn hơn” (thư số 595).
Bức tranh “Đêm Sao,” thật đắt giá, không biết bao nhiêu triệu. Đó là bức tranh diễn tả cơn giông bão của Kinh Thánh trong một ngôn ngữ mới của thời đại. Cũng như bức tranh vẽ chiếc xe có máy vẫn chạy mà hết lạnh.
Đâu là bức tranh đang diễn hiện trạng của chính tôi lúc này? Tôi có thể làm gì để tìm lại an bình cuộc sống?
Xin cho con được con mắt niềm tin như trong Thánh Vịnh 107:
Chúa lên tiếng, và Người đã khiến phong ba nổi dậy,
Người đã khiến cho sóng biển dâng cao.
Những người đó lên tới trời xanh, xuống lòng biển thẳm,
Tâm hồn họ bủn rủn trong cảnh gian nguy.
Họ đã kêu cầu Chúa trong cơn khốn khó
Và Người đã giải thoát họ khỏi chỗ lo âu.
Người biến đổi phong ba thành gió thổi hiu hiu,
Và bao làn sóng biển đều im lặng.
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường